Cấp cứu ngừng tuần hoàn được hiểu là những bước thiết lập nhằm giảm nguy cơ tử vong do tim ngừng đập. Khi phản ứng này được thực hiện theo đúng phác đồ trong những trường hợp khẩn cấp sẽ làm giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân. Sự ra đời của phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản sẽ là tiền đề quan trọng cho hoạt động cấp cứu của các bệnh viện tuyến dưới.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản và ý nghĩa lâm sàng
Phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản được biên soạn bởi các Giáo sư, Bác sĩ khoa Cấp Cứu – Bệnh viện Bạch Mai dựa trên phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn của Bộ Y tế. Đây được xem là phác đồ chuẩn mực dành cho hệ thống bệnh viện tuyến dưới.
Trong hoạt động cấp cứu, việc hồi sinh tim phổi cần phải được tiến hành lập tức khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Khoảng thời gian từ khi gọi cấp cứu đến khi nhóm nhân viên cấp cứu có mặt sẽ lớn hơn 5 phút, do vậy khả năng cứu sống bệnh nhân đã ngừng tim phụ thuộc hết vào kỹ năng cấp cứu của nhóm nhân viên cấp cứu tại chỗ.
Thực tế, cấp cứu ngừng tuần hoàn là một quá trình liên tục, khẩn trương. Sự nhạy bén của các y bác sĩ trong kíp cấp cứu sẽ quyết định tỷ lệ sống cho bệnh nhân. Do vậy, sự ra đời của phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đóng vai trò to lớn trong hoạt động cấp cứu của các bệnh viện, nhất là những đơn vị tuyến dưới.
Các chẩn đoán ngừng tuần hoàn
Trước khi đưa ra kỹ thuật xử trí, kíp cấp cứu phải xác định nguyên nhân ngừng tuần hoàn ở bệnh nhân. Đây sẽ là căn cứ quan trọng, quyết định hiệu quả cấp cứu ngừng tuần hoàn ở bệnh nhân. Các chẩn đoán ngừng tuần hoàn chia thành 3 nhóm: Chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và chẩn đoán nguyên nhân:
Chẩn đoán xác định: Hình thức chẩn đoán này căn cứ vào 3 yếu tố: Ngừng thở, mất ý thức đột ngột, mất mạch cảnh.
Chẩn đoán phân biệt:
- Đối với chẩn đoán phân biệt, bác sĩ cần làm rõ những vấn đề sau:
- Mất mạch cảnh hoặc mạch bẹn do tắc mạch: Bắt mạch cảnh, mạch bẹn ở 2 vị trí trở lên.
- Vô tâm thu và rung thất sóng nhỏ: Theo dõi điện tim ở ít nhất 2 chuyển đạo.
- Phân li điện cơ với sốc mạch và trụy mạch: Tiến hành bắt mạch từ 2 vị trí trở lên.
Chẩn đoán nguyên nhân:
Bên cạnh các chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt, việc chẩn đoán nguyên nhân ngừng tuần hoàn – hô hấp cũng đóng vai trò quan trọng trong hồi sinh tim phổi cơ bản. Đây là yếu tố quan trọng, giúp việc cấp cứu đạt hiệu quả và ngăn chặn nguy cơ tái phát.
Theo đó, các yếu tố gây ngừng tim (ngừng tuần hoàn) đột ngột có thể kể đến là:
- Thiếu oxy mô.
- Thiếu khối lượng tuần hoàn.
- Tăng hoặc giảm kali máu.
- Toan máu nặng (máu nhiễm độc, tăng nồng độ acid).
- Hạ đường huyết.
- Thân nhiệt thấp.
- Trúng độc cấp.
- Hội chứng chèn ép tim cấp.
- Tràn khí màng phổi áp lực.
- Thuyên tắc mạch vành.
- Thuyên tắc phổi.
- Chấn thương.
Kỹ thuật xử lý cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản
Cấp cứu ngừng tuần hoàn cần phải được thực hiện ngay sau khi phát hiện bệnh nhân bị hoặc nghi ngờ bị ngừng tuần hoàn. Lúc này, người trực tiếp cấp cứu phải chẩn đoán, liên hệ người hỗ trợ, đồng thời áp dụng lập tức các biện pháp hồi sinh tim cơ bản cho bệnh nhân.
Phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản yêu cầu đảm bảo những vấn đề sau khi hồi sinh tim cho bệnh nhân:
- Phải có 1 người phân công, đóng vai trò tổ chức cấp cứu theo đúng trình tự và đảm bảo sự đồng bộ (người chỉ huy).
- Toàn bộ thông tin về bệnh nhân, các bước của tiến trình cấp cứu phải được ghi chép đầy đủ, chi tiết.
- Không gian cấp cứu cần được thiết lập đủ rộng, hạn chế những nhân viên cấp cứu hoặc người không liên quan làm cản trở công tác cấp cứu. Nếu có cần giải tán đám đông, đảm bảo oxy cần thiết cho không gian quanh khu vực bệnh nhân.
1. Hồi sinh tim phổi cơ bản
Trước tiên cần đánh giá mức độ đáp ứng của bệnh nhân ngừng tuần hoàn bằng việc lay gọi to bệnh nhân, kiểm tra phản ứng cử động… Nếu như bệnh nhân không đáp ứng thì cần:
- Gọi sự giúp đỡ.
- Kiểm tra mạch cảnh <10 giây. Nếu bệnh nhân vẫn còn mạch cảnh nhưng ngừng thở thì cần hỗ trợ thông khí và kiểm tra lại mạch sau mỗi 10 phút.
Sau đó, nhanh chóng áp dụng kỹ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản theo trình tự ABC: Airway – Breath – Circulation.
Kiểm soát đường thở:
Việc kiểm soát đường thở vô cùng quan trọng trong công tác cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản. Nhân viên y tế thực hiện hoạt động này cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Đặt bệnh nhân trên nền cứng ở tư thế đầu ngửa, cổ ưỡn rồi thực hiện thủ thuật kéo hàm dưới/nâng cằm.
- Đặt nội khí quản trong thời gian càng sớm càng tốt nhưng phải đảm bảo không làm chậm sốc điện hoặc gây gián đoạn cho hoạt động ép tim/thổi ngạt quá 30 giây.
Kiểm soát, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân:
Để giúp bệnh nhân kiểm soát, hô hấp trở lại, kíp cấp cứu cần thực hiện thổi ngạt hoặc bóp bóng. Trường hợp bệnh nhân không thở tiến hành thổi ngạt/bóp bóng 2 lần liên tiếp, sau đó quay lại kiểm tra mạch:
- Nếu có mạch: Tiếp tục thổi ngạt hoặc bóp bóng để hồi sinh hô hấp.
- Nếu không có mạch: Tiến hành chu kỳ bóp bóng hoặc ép tim/thổi ngạt theo tỷ lệ 30/2.
Nhịp thở nhân tạo nhờ thổi ngạt/bóp bóng sau khi được thổi vào trong 1 giây sẽ đủ làm lồng ngực phồng lên. Lúc này có thể nhìn thấy tim đập với tần số 10-12 lần/phút (nếu bệnh nhân là người lớn) hoặc 12-20 lần/phút (nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ, nhũ nhi).
Khi đã hình thành được đường thở nhân tạo (bằng nội khí quản, mặt nạ thanh quản, ép tim 100 lần/phút hoặc bóp bóng với tần số 8-10 lần/phút) thì không cần ngừng ép tim để bóp bóng nữa. Cuối cùng, thực hiện nối oxy với bóng ngay sau khi có oxy.
Tiến hành kiểm soát, hỗ trợ tuần hoàn:
Để kiểm soát và hỗ trợ tuần hoàn cho bệnh nhân, kíp cấp cứu cần thực hiện trình tự sau:
- Ép tim ngoài lồng ngực.
- Kiểm tra lại mạch cảnh hoặc mạch bẹn ngay trong 10 giây. Nếu không tìm thấy mạch phải lập tức ép tim lại.
Việc ép tim cần được thực hiện tại vị trí ½ dưới xương ức, lún 1/3 -1/2 ngực (nếu bệnh nhân là người lớn sẽ tương ứng với 4-5cm) sao cho sờ được mạch khi ép. Tần số ép tim là 100 lần/phút, kíp cấp cứu cần đảm bảo nguyên tắc ép nhanh, ép mạnh, không được gián đoạn và không được để ngực bị phồng lên sau mỗi lần ép.
Tỷ lệ ép tim/ thông khí đối với từng nhóm bệnh nhân:
- Bệnh nhân là người lớn, trẻ nhỏ, nhũ nhi có 1 người cấp cứu: Tỷ lệ 30/2.
- Bệnh nhân là trẻ nhỏ, nhũ nhi có 2 người cấp cứu: Tỷ lệ 15/2.
Lưu ý: Sau mỗi 5 chu kỳ ép tim/thổi ngạt cần tiến hành kiểm tra mạch trong 10 giây.
2. Ghi điện tim, sốc điện
Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản, việc ghi điện tim cần được thực hiện ngay khi có thể và sốc điện cũng phải tiến hành khi có chỉ định.
- Ghi điện tim và theo dõi điện tim: Thực hiện trên thiết bị theo dõi. Hoạt động này được phân thành 2 loại: Rung thất/nhịp nhanh thất, vô tâm thu và phân li điện cơ.
- Sốc điện: Tiến hành ngay nếu là rung thất thông qua máy sốc điện 1 pha 360J và máy sốc điện 2 pha 120 – 200J.
- Ép tim/thổi ngạt lại: Sau mỗi lần sốc điện cần tiến hành ngay 5 chu kỳ ép tim.
3. Các loại thuốc cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản
Thuốc cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm:
- Adrenalin: Tiêm tĩnh mạch 1mg/3 – 5 phút/lần. Chỉ định cho tất cả các loại ngừng tuần hoàn.
- Amiodaron: Tiêm tĩnh mạch với liều 300mg, tối đa 2,2g/24 giờ. Chỉ định cho trường hợp ngừng tuần hoàn rung thất trơ.
- Atropin: Liều tiêm tĩnh mạch là 1mg/3 – 5 phút/lần, tối đa 3mg. Sử dụng trong trường hợp nhịp chậm, vô tâm thu.
- Magnesi sulfat: Liều tiêm qua tĩnh mạch từ 1 – 2g, sử dụng cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn xoắn đỉnh.
- Lidocain (xylocain): Tiêm với liều 1 – 1,5mg/kg, tối đa 3mg/kg, chỉ định cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn rung thất.
- Vasopressin: Tiêm tĩnh mạch 40 UI (1 lần duy nhất), chỉ định cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn rung thất trơ.
Hướng dẫn phòng tránh ngừng tuần hoàn
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không ai có thể dự đoán trước được điều này. Do vậy, tất cả các nhân viên y tế, nhất là lực lượng cứu hộ, cấp cứu phải được tập luyện thường xuyên, chuẩn bị kỹ càng nhất cho mọi tình huống.
Bên cạnh đó, các cơ sở cấp cứu cũng phải chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện cấp cứu bao gồm xe, thuốc, các thiết bị y tế cần thiết cho hoạt động cấp cứu ngừng tuần hoàn. Bởi nếu chuẩn bị chu đáo từ trước, người thực hiện cấp cứu sẽ chủ động về mọi mặt, nâng cao cơ hội cứu sống bệnh nhân.
Phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn cứu chữa bệnh nhân. Đây là nội dung mà bất cứ y bác sĩ nào, nhất là những người đảm nhận nhiệm vụ cứu hộ, cấp cứu cần nắm vững, từ đó mang lại cơ hội sống cao cho bệnh nhân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!