Sau khi thực hiện mổ cột sống, bệnh nhân rất yếu và cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Việc chăm sóc đúng cách, chu đáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình hồi phục của bệnh nhân. Vậy chăm sóc bệnh nhân sau mổ cột sống như thế nào là đúng nhất? Dưới đây là một số thông tin từ chuyên gia của Tạp chí Đông y bạn đọc có thể tham khảo.
Thời gian hồi phục sau khi bệnh nhân phẫu thuật cột sống
Phẫu thuật điều trị thoái hóa đốt sống là thủ thuật mà bác sĩ sẽ tạo ra một vết mổ nhỏ, đưa những dụng cụ chuyên dụng đến cột sống bị tổn thương để loại bỏ, thay thế những mô bị hư tổn.
Sau khoảng 2 – 4 ngày kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất viện, trở về nhà tiếp tục theo dõi. Người bệnh không nên đi lại ngay mà cần điều dưỡng cơ thể để thúc đẩy quá trình phục hồi vết mổ.
Thông thường, bệnh nhân sau mổ cột sống sẽ mất 4 – 6 tuần để có thể trở lại làm công việc nhẹ nhàng, làm văn phòng. Nhưng nếu phải làm những công việc nặng hơn thì người bệnh cần tới 3 tháng hoặc lâu hơn để thích nghi trở lại và lao động bình thường.
Có thể nói, thời gian để hồi phục sau khi mổ cột sống còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: Thể trạng người bệnh, phương pháp phẫu thuật thực hiện, cách chăm sóc,… Có một số trường hợp, thời gian hồi phục thường lâu hơn do thói quen hút thuốc, cơ thể có bệnh nền, bị stress, bị tiểu đường,…
Vậy nên, khi thực hiện chăm sóc bệnh nhân sau mổ cột sống, bạn cần động viên, khuyên bảo họ loại bỏ những thói quen xấu, kiên trì dưỡng sức để sớm bình phục.
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau mổ cột sống chi tiết
Sau phẫu thuật, bệnh nhân rất yếu nên việc chăm sóc cần sự kiên trì, chu đáo và tỉ mỉ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần trao đổi với bác sĩ để có thông tin và nắm bắt được những điều cần làm khi chăm sóc ở nhà.
Chăm sóc tại bệnh viện
Việc chăm sóc tại bệnh viện rất quan trọng, đặc biệt khi người bệnh mới ra khỏi phòng mổ. Đây cũng chính là tiền để để đảm bảo người bệnh nhanh chóng hồi phục, khỏe mạnh và giảm tải những khó khăn khi chăm sóc tại nhà.
- Chú ý tác dụng phụ của thuốc gây mê
Gây mê là thủ thuật cần thiết để tiến hành bất kỳ ca phẫu thuật nào. Sau khi kết thúc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Rét run, đau đầu, mạch nhanh,… Những trường hợp này cần theo dõi sát sao, thực hiện giảm đau theo chỉ cần của bác sĩ. Nếu cần thiết có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ và dùng corticoid cho người bệnh.
- Giảm đau sau phẫu thuật
Thức dậy sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bị đau nhức, khó chịu tại vị trí mổ trong suốt 24 – 48 giờ đồng hồ. Khoảng thời gian này, thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm sẽ được chỉ định và rất cần thiết.
Người nhà hãy ở bên cạnh động viên, chia sẻ và nói chuyện nhiều hơn với người bệnh để phân tán tư tưởng của họ, giúp họ quên đi nỗi đau. Ngoài ra, bạn cũng hay chú ý để người bệnh uống thuốc đúng giờ để ngăn các biến chứng sau mổ, thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể.
- Bệnh nhân bị chướng bụng sau mổ
Có một số bệnh nhân sau mổ bị chướng bụng, căng cứng, cảm giác từ thở và khó chịu. Lúc này, người nhà hãy chườm nóng, xoa nhẹ trên bụng theo hình tròn và hạn chế để người bệnh ăn uống cho đến khi trung tiện được.
Nếu người bệnh vẫn khó chịu, hãy thông tin đến bác sĩ chuyên môn. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc kích thích nhu động ruột, đặt sonde hậu môn, sonde dạ dày.
- Hướng dẫn chăm sóc vết mổ
Để bệnh nhân thoải mái, hãy dùng đệm có độ cứng vừa phải, kê gối thấp đầu và hạn chế vận động trong vòng 24 – 48 giờ để vết mổ được ổn định.
Vết mổ sẽ được thay bằng 2 lần/ngày với những vết mổ lớn và thấm dịch nhiều, nhân viên y tế sẽ thực hiện điều này. Sau 7 – 10 ngày, nếu không có gì bất thường thì bác sĩ sẽ cắt chỉ hoặc chỉ sẽ tự tiêu. Khi chăm sóc bệnh nhân, bạn cần thường xuyên theo dõi vết mổ. Nếu thấy có hiện tượng tụ máu, tấy đỏ, chảy nhiều dịch thì cần báo ngay với bác sĩ để được xử lý.
- Vận động những ngày sau mổ
Với những ca phẫu thuật có sự can thiệp của nội soi, giải phóng chèn ép rễ thần kinh,… thì người bệnh có thể tập ngồi và đi lại ở ngày thứ nhất, thứ 2 cùng sự giúp đỡ của người thân, công cụ đi lại.
Nhưng nếu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật phức tạp, cần cố định đốt sống, thay đĩa đệm,… thì phải nằm trên giường, hạn chế xoay, cúi người lâu trong những ngày đầu. Tuy theo thể trạng và mức độ hồi phục mà bác sĩ sẽ gợi ý ngày bệnh nhân có thể đi lại được. Có những người chỉ mất 4 – 5 ngày nhưng cũng có những người mất vài tuần.
Chăm sóc tại nhà
Trong suốt thời gian lưu trú và điều trị tại bệnh viện, quá trình hồi phục vết mổ sẽ được giám sát bởi các bác sĩ. Nếu người bệnh đạt được những điều kiện sau thì có thể tự chăm sóc ở nhà.
- Cơn đau được kiểm soát bằng thuốc uống.
- Có thể tự ra khỏi giường, di chuyển xung quanh không cần người nhà.
- Vết mổ không bị nhiễm trùng.
Một số điểm cần thực hiện khi chăm sóc bệnh nhân sau mổ cột sống tại nhà gồm:
- Đeo nẹp cột sống
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện đeo nẹp sau mổ. Nếu cần thiết thì bạn cần duy trì đeo trong 3 tháng sau mổ.
Việc đeo nẹp sẽ giúp bệnh nhân tự tin hơn khi đi lại, đứng dậy. Bên cạnh đó, đeo nẹp cũng giúp bệnh nhân ý thức được sự giữ gìn vết mổ, tránh những tác động quá nặng. Đồng thời, nó cũng giúp mọi người xung quanh biết được bạn đang có vấn đề về cột sống và hạn chế xô đẩy.
- Dùng thuốc cho bệnh nhân
Khi xuất viện, người bệnh vẫn cần tiếp tục dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Các thuốc thường là thuốc giảm đau, thuốc bôi, thuốc kháng viêm, thực phẩm phục hồi xương khớp. Người nhà cần theo dõi và nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ, đi khám định kỳ. Không để người bệnh dùng những thuốc không rõ nguồn gốc để tránh khiến tình trạng tổn thương trở nên nặng nề hơn.
- Lưu ý trong vận động và sinh hoạt cho bệnh nhân mổ cột sống
Sau quá trình mổ, đa số người bệnh thường có tâm lý ngại vận động. Điều này không tốt và khiến cơ thể khó phục hồi hơn. Bạn cần động viên, khích lệ họ đi lại nhẹ nhàng trong nhà, có thể tập đi lên, đi xuống cầu thang, tránh nằm quá nhiều. Đặc biệt, bạn nên hướng dẫn người bệnh không thực hiện các động tác vặn người, quay người, cúi người trong thời gian này.
Bệnh nhân không nên nằm ở sofa hay võng hoặc những nơi không có điểm tựa cố định. Hãy để bệnh nhân nằm trên giường có đệm êm mềm, giường rộng rãi.
Khi vệ sinh cá nhân, tắm rửa bệnh nhân không cần băng vết mổ nếu không có dịch chảy ra. Nên tắm bằng vòi hoa sen và hạn chế ngâm vết mổ trong bồn. Khi tắm xong, bạn cần thấm nhẹ chỗ vết mổ cho khô và bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, y tá.
Thông thường, sau 1 – 2 tuần về nhà, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục, nhưng chỉ nên hoạt động ở mức độ vừa phải, nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến vết mổ. Sau 6 tháng người bệnh có thể tham gia những môn thể thao nhẹ nhàng như: Đạp xe, bơi lội,…
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau mổ cột sống
Sau khi mổ phẫu thuật cột sống, bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Các chuyên gia cho biết, sau mổ, bệnh nhân nên bổ sung những dưỡng chất sau đây:
- Thực phẩm giàu calo: Những thực phẩm giàu calo gồm ngũ cốc, đậu, trái cây và rau củ quả. Bạn có thể bổ sung cho người bệnh cam, quýt, cà chua, súp lơ, hàu, thịt,…
- Tăng cường protein: Protein rất cần thiết để chữa lành vết thương, bạn có thể bổ sung sữa ít béo, vitamin D, ức gà, cá ngừ,… để cơ thể có thêm protein.
- Bổ sung chất xơ: Chất xơ tốt cho sức khỏe và ngăn ngừa táo bón. Bạn hãy cho người bệnh ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau xanh,….
- Bổ sung trái cây: Không thể thiếu trái cây trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh sau mổ. Hãy ăn những trái cây tươi, có thể ăn cả trái cây đóng hộp.
- Thực phẩm giàu canxi: Nhóm thực phẩm giàu canxi sẽ giúp xương chắc khỏe và cơ thể nhanh chóng hồi phục. Những thực phẩm nên ăn gồm: Cải xoăn, sữa chua, đậu đỏ, hạnh nhân, các loại cá,…
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn kể trên, bạn hãy tránh xa đồ nhiều dầu mỡ, rượu bia, các thực phẩm ăn liền, bánh kẹo, đồ ngọt,…
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ cột sống là rất quan trọng để quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn. Bạn có thể tham khảo những hướng dẫn trên đây hoặc lắng nghe hướng dẫn từ bác sĩ để chăm sóc người bệnh đúng cách, giúp cơ thể mau chóng khỏe mạnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!