Chụp cộng hưởng từ khớp gối là một phương pháp sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại bằng từ trường và sóng radio. Máy chụp cộng hưởng từ hoạt động dựa trên nguyên lý hấp thụ, phóng thích, thu nhận và xử lý để chuyển đổi thành dạng hình ảnh, giúp các bác sĩ có thể thấy được những bất ổn về cấu trúc của khớp. Đây là điều mà những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác chưa thực hiện được.
Chụp cộng hưởng từ khớp gối là gì?
Máy cộng hưởng từ được sử dụng trong phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối là loại máy có cấu tạo bao gồm các bộ phận như sau:
- Nam châm với độ lớn từ trường: 0.2 T – 2.0 T, > 3T
- Các cuộn chênh từ
- Bộ phận phát hoặc thu tín hiệu sóng RF
- Hệ thống xử lý tín hiệu
Quá trình chụp cộng hưởng từ được chia thành 4 giai đoạn:
- Đặt bệnh nhân vào từ trường.
- Gửi đến một sóng radio: Nguyên tử Hydro hấp thu năng lượng sóng radio
- Tắt sóng radio: Nguyên thử Hydro phóng thích năng lượng. Các mô khác nhau giúp hấp thụ và giải phóng năng lượng khác nhau, từ đó sẽ phát ra tín hiệu.
- Thu nhận tín hiệu, sau đó xử lý và tái tạo lại hình ảnh.
Điều chỉnh lại các thông số như thời gian lặp lại xung, thời gian thu tín hiệu, kiểu xung,… Sau đó sẽ thu được những hình ảnh khác nhau với tên các hình ảnh tương ứng với tên các xung: T1W, T2W, Proton density. Tiếp theo sẽ chọn xung tối ưu để xem cấu trúc cần khảo sát. Một cấu trúc có những đặc điểm tín hiệu khác nhau trên các chuỗi xung khác nhau sẽ giúp chẩn đoán tốt hơn những tổn thương ở xương khớp trên phim cộng hưởng từ.
Chụp cộng hưởng từ MRI là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại được áp dụng trong khám chữa nhiều căn bệnh hiện nay. Phương pháp này chủ yếu sử dụng từ trường và sóng radio. Khi các nguyên tử hydrogen trong cơ thể dưới sự tác động của từ trường và sóng radio, hấp thụ và phóng thích năng lượng RF. Quá trình phóng thích này được máy thu nhận, xử lý và chuyển đổi các tín hiệu thành hình ảnh.
Hình ảnh chụp cộng hưởng MRI có độ tương phản cao, cho phép các bác sĩ phát hiện chính xác những tổn thương ở hình thái và cấu trúc của các bộ phận trong cơ thể. Phương pháp này có khả năng tái tạo hình ảnh 3D, không gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên được chỉ định rộng rãi cho nhiều chuyên khoa khác nhau. Trong đó ứng dụng nhiều nhất vẫn là trong những chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về xương khớp.
Chụp cộng hưởng từ khớp gối là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất tốt, thường được áp dụng trong chẩn đoán những tổn thương ở xương, sụn, dây chằng, bao hoạt dịch, gân cơ và những tổ chức phần mềm quanh khớp.
Khi nào cần chụp MRI khớp gối?
Phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối được áp dụng phổ biến cho những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh viêm khớp dạng thấp, ít vận động, đau khớp khi vận động đột ngột, người cao tuổi, người bị loãng xương, các vận động viên thể thao, cầu thủ bóng đá, trẻ sơ sinh gặp các vấn đề về xương khớp do bẩm sinh.
Cụ thể, chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp gối áp dụng cho những trường hợp như sau:
- Các trường hợp có dây chằng hoặc sun bị tổn thương.
- Đầu gối có những dấu hiệu bất thường như: Khớp gối yếu, bị sưng đau, khó vận động,…
- Những người mắc các bệnh như: Thoái hóa khớp, viêm khớp, viêm tủy xương.
- Người hoạt động thể thao mạnh gây chấn thương đầu gối nghiêm trọng như: Tổn thương dây chằng, rách dây chằng, rách gân,…
- Phát hiện gãy xương nhưng chụp CT, chụp X-quang hoặc thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không nhìn thấy.
- Người bệnh có cảm giác không có sự liên kết giữa các đồi gối ở trong ổ khớp.
- Người bệnh bị tràn dịch khớp gối.
- Người bệnh xuất hiện tình trạng khớp gối bị hạn chế trong việc vận động.
- Người bệnh sau khi vừa trải qua phẫu thuật khớp gối, cần theo dõi các biến chứng ở khớp gối.
Mặc dù vậy không phải trường hợp nào cũng cần phải tiến hành chụp cộng hưởng từ khớp gối. Tuy theo tình trạng của người bệnh và mức độ nghiêm trọng của vết thương mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định chuyên khoa thích hợp nhất.
Chụp cộng hưởng từ khớp gối phát hiện ra những bệnh lý gì?
Trong quá trình thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ xác định được những chấn thương ở khớp gối và các bệnh lý khớp gối thường gặp. Tuy nhiên để đánh giá chính xác bệnh lý và điều trị hiệu quả cần phải áp dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp, chụp X-quang, siêu âm và chụp cộng hưởng từ MRI.
Trong đó phương pháp chụp CT khớp gối và chụp X-Quang là 2 phương pháp có giá trị cao trong đánh giá những tổn thương cấu trúc xương và được áp dụng nhiều nhất. Ngoài ra việc siêu âm khớp gối cũng cho phép phát hiện ra những tổn thương phần mềm quanh khớp.
Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến cho phép phát hiện nhiều bệnh lý khớp bao gồm: Tổn thương xương sụn, bao hoạt dịch, gân cơ, dây chằng và cả các phần mềm quanh khớp. Cụ thể, kỹ thuật này có thể chẩn đoán các bệnh lý chấn thương khớp gối như sau:
Bệnh lý xương khớp gối
Ảnh chụp cộng hưởng từ khớp gối có thể phát hiện ra những tổn thương ở xương như:
- Viêm khớp hay viêm tủy xương.
- Tổn thương ở dây chằng và sụn.
- Chấn thương tại xương đầu gối.
- Gãy xương khớp gối, phát hiện những vết nứt gãy nhỏ mà phương pháp chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính không nhìn thấy.
- Bên cạnh đó, việc chụp cộng hưởng từ khớp gối còn được chỉ định để theo dõi những biến chứng sau phẫu thuật điều trị tại khu vực này.
Bệnh lý sụn khớp
Trong chẩn đoán những tổn thương ở sụn khớp, việc chụp MRI còn có tác dụng giúp đánh giá mức độ tổn thương cụ thể. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả để bệnh khỏi dứt điểm và tránh tái phát.
Bệnh lý dây chằng
Chụp cộng hưởng từ đầu gối MRI cho thấy những tổn thương bên trong và bao quanh dây chằng như: Rách dây chằng chéo trước, rách dây chằng chéo sau, đứt 1 phần hoặc đứt toàn bộ dây chằng.
Việc chụp cộng hưởng từ khớp gối kết hợp với chụp X-quang sẽ giúp đánh giá toàn diện khớp gối cũng như các khớp trong cơ thể. Trường hợp cần quan sát rõ hơn cấu trúc bên trong khớp gối bệnh nhân sẽ được tiêm thêm chất tương phản vào trong khớp.
Ngoài ra, kỹ thuật chụp này cũng có thể được chỉ định để giúp xác định người bệnh có cần phẫu thuật hoặc nội soi khớp gối hay không.
Những ưu điểm và hạn chế của phương pháp chụp MRI
Chụp cộng hưởng từ khớp gối là phương pháp tiên tiến hiện đại, giúp phát hiện những tổn thương ở bên trong xương khớp mà đôi khi những phương pháp khác như chụp X-quang, chụp CT không thể phát hiện được. Tuy nhiên bất kỳ phương pháp nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ của riêng nó. Dưới đây là những ưu điểm và hạn chế của chụp cộng hưởng từ khớp gối mà người bệnh nên biết.
Ưu điểm của chụp cộng hưởng từ khớp gối
Chụp MRI là một phương pháp hiện đại của y học. Dưới đây là những ưu điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối người bệnh có thể tham khảo:
- Chụp cộng hưởng từ khớp gối là một kỹ thuật không xâm lấn, không có phơi nhiễm bức xạ, được đánh giá là an toàn cho người bệnh.
- Chụp MRI đã được chứng minh là có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý khớp, bao gồm: Gân, dây chằng, cơ, sụn và các bất thường không thể nhìn thấy khi chụp X-quang hoặc chụp CT.
- MRI có thể giúp xác định được bệnh nhân nào bị chấn thương đầu gối cần phẫu thuật.
- MRI giúp chẩn đoán gãy xương khi chụp X-quang và các phương pháp khác không thể kết luận được.
- MRI là phương pháp được sử dụng thay thế cho phương pháp chụp X-quang, chụp động mạch và CT scanner để chẩn đoán các bệnh lý mạch máu.
- Việc chụp MRI hầu như không gây rủi ro cho người bệnh nếu tuân thủ các theo đúng hướng dẫn an toàn phù hợp của bác sĩ.
Hạn chế của phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội trên, phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối cũng tồn tại rất nhiều điểm hạn chế. Cụ thể như:
- Mặc dù việc chụp cộng hưởng từ khớp gối không gây hại cho sức khỏe nhưng các thiết bị y tế cấy ghép có chứa kim loại có thể bị hỏng hoặc làm ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh trong quá trình chụp MRI.
- Một biến chứng hiếm gặp trong quá trình chụp MRI đó là xơ hóa thận hệ thống. Biến chứng này có liên quan đến việc tiêm thuốc tương phản gadolinium, thường xảy ra ở những bệnh nhân bị suy thận nặng.
- Người bệnh có thể bị dị ứng nếu dùng thuốc tương phản từ. Phản ứng này thường nhẹ và có thể kiểm soát tốt bằng thuốc. Nếu bạn có phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ hỗ trợ ngay lập tức.
- Phụ nữ sau sinh không nên cho con bú trong vòng 24 – 48 giờ sau khi sử dụng chất phản từ. Tuy nhiên các nghiên cứu của trường Đại học điện quang Mỹ lại cho thấy, chất lượng tương phản từ được trẻ sơ sinh hấp thụ qua sữa mẹ trong thời gian này là rất thấp nên phụ huynh không cần quá lo lắng.
- Phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối được đánh giá là có chi phí đắt đỏ và thời gian thực hiện lâu hơn so với những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Thông qua những ưu điểm và hạn chế này, người bệnh có thể cân nhắc những mặt lợi – hại để quyết định có nên thực hiện chụp cộng hưởng từ khớp gối hay không.
Lưu ý trước khi chụp cộng hưởng từ khớp gối
Khi có chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp gối, các bác sĩ sẽ lưu ý với người bệnh một số vấn đề như sau:
- Hướng dẫn người bệnh cụ thể về chế độ ăn uống trước khi tiến hành chụp cộng hưởng từ.
- Người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tình hình sức khỏe hiện tại, những bệnh mà mình đã từng mắc phải như: Bệnh thận nặng, bị dị ứng với một số loại thức ăn hoặc đã từng trải qua phẫu thuật xương khớp.
- Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi việc thực hiện phương pháp này có thể có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Thông báo với bác sĩ nếu bạn là người mắc hội chứng sợ không gian kín hoặc lo lắng bồn chồn khi ở không gian trật trội. Khi đó các bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc an thần.
- Trước khi chụp cộng hưởng từ khớp gối, người bệnh cần tháo tất cả những món đồ trang sức và các phụ kiện bằng kim loại, đồ điện tử. Bởi khi tác động với từ trường cao của máy chụp sẽ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và chức năng của máy.
Đặc biệt, với những người có cấy ghép kim loại vào cơ thể cần thông báo với bác sĩ để xem xét có thể chụp cộng hưởng từ khớp gối được không. Trong trường hợp không chụp cộng hưởng từ chẩn đoán được, bệnh nhân có thể được xem xét chẩn đoán bằng kỹ thuật hình ảnh khác như chụp CT hoặc chụp X-quang.
Giải thích kết quả chụp MRI khớp gối
Chụp cộng hưởng từ khớp gối là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cao cấp, hiện đại, kết quả sẽ có sau 30 phút hoặc lâu hơn tùy mức độ của bệnh lý và để xem bác sĩ có cần hội chẩn thêm gì hay không. Dưới đây là những giải thích kết quả sau khi chụp MRI:
Khớp gối khỏe mạnh
Bệnh nhân được đánh giá là có khớp gối khỏe mạnh khi trên ảnh chụp cộng hưởng từ khớp gối có những dấu hiệu sau:
- Vị trí hình dạng và kích thước các bộ phận trong khớp gối đều bình thường, bao gồm cả sụn, dây chằng, gân, khớp,…
- Không thấy các dấu hiệu viêm nhiễm trong xương khớp hoặc mô mềm quanh xương.
- Không thấy xương bị gãy hay dịch khớp bất thường.
- Không thấy xuất hiện khối u hoặc sự tăng trưởng bất thường của xương khớp.
Có bệnh lý khớp gối
Người bệnh được đánh giá là có bệnh lý về khớp gối khi trên ảnh chụp cộng hưởng từ khớp gối có xuất hiện các vấn đề sau:
- Có sụn khớp hoặc rách dây chằng.
- Rách gân hoặc gân dày bất thường ở chỗ đã từng bị rách gân hoặc từng phẫu thuật.
- Khớp bị viêm, xuất hiện dịch viêm trong sụn khớp.
- Xuất hiện khối u hoặc mô tăng trưởng bất thường.
- Đầu gối thấy xuất hiện các chấn thương, gãy xương hoặc tích tụ dịch nhiễm trùng.
Tuy nhiên một số yếu tố khác có thể làm ảnh hưởng đến kết quả chụp cộng hưởng từ khớp gối như: Các thiết bị kim loại trong chân của người bệnh từ các phẫu thuật trước, khiến ảnh chụp MRI bị mờ, không nhìn thấy rõ những tổn thương từ đầu gối. Ngoài ra thiết bị điện tử trong cơ thể như máy tạo nhịp tim, bơm tiêm thuốc tự động cũng có thể gây ra nhiễu ảnh chụp cộng hưởng từ.
Nhìn chung, phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối là một kỹ thuật hình ảnh hiện đại. Cách thức này không gây xâm lấn, không gây phơi nhiễm bức xạ, có giá trị cao trong việc chẩn đoán các bệnh lý khớp gối mà chụp X-quang hoặc CT Scan không phát hiện được. Tuy nhiên do chi phí của phương pháp này khá đắt đỏ và gây mất nhiều thời gian nên người bệnh có thể cân nhắc lựa chọn. Tốt nhất bạn chỉ nên chụp khi cần thiết và có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!