Tăng huyết áp và đái tháo đường tuy là hai bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau. Theo CDC Hoa Kỳ, những bệnh nhân đã bị tăng huyết áp thì rất dễ mắc đái tháo đường và ngược lại. Chính vì vậy mà việc xây dựng phác đồ điều trị bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường hiệu quả nhất luôn là nội dung quan trọng, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn cũng như bệnh nhân.
Mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và tăng huyết áp
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, ở bệnh nhân đái tháo đường lượng đường huyết tăng cao khiến dưỡng chất Nitric oxide trong động mạch giảm, từ đó làm mạch máu tổn thương và thu hẹp lại. Lâu dần, bệnh gây xơ vữa động mạch và khiến bệnh nhân tăng huyết áp. Trái lại, khi huyết áp tăng sẽ làm cản trở máu lưu thông đến thận – cơ quan có mối liên hệ mật thiết với bệnh tiểu đường.
Trên cơ sở đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tăng huyết áp và đái tháo đường luôn “song hành” cùng nhau, nguy cơ mắc cả hai bệnh lý này tăng dần theo lứa tuổi. Những bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 có khả năng tăng huyết áp cao cấp 2,5 lần người không bị đái tháo đường. Ở chiều ngược lại, có tới 50% số bệnh nhân bị cả hai bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
Đối với những phụ nữ bị tăng huyết áp, nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 lên đến 3 lần so với đối tượng là nữ giới có huyết áp bình thường. Nghiên cứu này đã loại bỏ đi các yếu tố làm tăng nguy cơ đái tháo đường như béo phì, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, tiền sử gia đình…
Các báo cáo y tế gần đây cũng khẳng định, tăng huyết áp có thể khiến các triệu chứng đái tháo đường thêm trầm trọng, khiến bệnh nhân tàn phế, thậm chí là tử vong. Ngược lại, tiểu đường cũng sẽ gây cản trở hiệu quả điều trị tăng huyết áp, dẫn đến những tổn thương ở tim, gây hiện tượng suy thận, mắt, nguy hiểm hơn là tai biến mạch máu não.
Mục tiêu điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường
Kiểm soát huyết áp là mục tiêu quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường. Cụ thể là giúp huyết áp < 130/80mmHg hoặc <140/90mmHg. Đồng thời ngăn chặn, phát hiện sớm những biến chứng mạch máu liên quan đến bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
Điều đó nghĩa là việc điều trị hướng tới tính toàn diện, nhằm kiểm soát tất cả những yếu tố nguy cơ.
Điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường
Theo các bác sĩ, quá trình điều trị tăng huyết áp ở những bệnh nhân đái tháo được là một thách thức lớn. Bởi tình trạng tăng huyết áp kháng trị rất dễ gặp ở người bị tiểu đường. Bởi vậy, việc đưa ra một phác đồ điều trị hiệu quả sẽ giúp giải quyết triệt để mọi vấn đề liên quan đến chuyển hóa ở bệnh nhân.
Để điều trị bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường trước hết cần kiểm soát huyết áp thông qua các biện pháp sau:
1. Điều chỉnh lối sống
Xây dựng lối sống khoa học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị tiểu đường, tăng huyết áp. Các nghiên cứu đều thừa nhận rằng việc điều chỉnh lối sống giúp hạ huyết áp hiệu quả (từ 5-10 mmHg).
Cụ thể các biện pháp được cho là góp phần xây dựng lối sống tích cực bao gồm:
- Tiêu thụ dưới 1,5g muối/ngày.
- Tăng cường thêm 8-10 khẩu phần trái cây, rau xanh mỗi ngày.
- Tăng 2-3 phần các loại sữa ít béo mỗi ngày.
- Thường xuyên tham gia thể dục thể thao, ít nhất 30 phút/ngày dành cho việc chạy bộ.
- Cải thiện cân nặng cho phù hợp với chiều cao cơ thể (đưa chỉ số BMI về mức cân bằng).
- Không tiêu thụ quá 30ml rượu/ngày đối với nam và quá 15ml/ngày đối với nữ.
2. Thuốc ức chế men chuyển ACE
Việc thay đổi lối sống được xem là phương thức điều trị duy nhất ở bệnh nhân tăng huyết áp kèm tiểu đường. Tuy nhiên, quá trình này sẽ lý tưởng hơn nếu như điều đó được áp dụng song song với liệu pháp dược lý, điển hình là nhóm thuốc ức chế men chuyển enzyme ACE.
ACE là nhóm thuốc có tác dụng ngăn chặn angiotensin I chuyển hóa thành angiotensin II. Từ đó giảm sức cản ngoại biên, góp phần hạ huyết áp hiệu quả. Thuốc ACE đồng thời cũng có tác dụng chọn lọc, làm giãn tiểu động mạch thận, giảm áp lực cho nội cầu thận. Cơ chế này giúp bảo vệ chức năng thận cho các bệnh nhân bị thận kèm đái tháo đường.
Nhóm thuốc ACE gần như là chỉ định điều trị huyết áp ban đầu cho hầu hết các bệnh nhân bị đái tháo đường kèm huyết áp thấp. Nhờ vậy mà thuốc ức chế men chuyển angiotensin đã chứng minh được hiệu quả trong giảm tổn thương cho các cơ quan đích ở bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp.
Tuy nhiên, nhóm thuốc ACE cũng tồn tại các tác dụng không mong muốn như:
- Làm thay đổi cấu hình lipid, nồng độ axit uric, glucose.
- Ho khan, nếu gặp phải triệu chứng này cần lập tức ngừng điều trị.
- Phù mạch – phản ứng quá mẫn thường gặp ở những bệnh nhân gốc Phi.
- Gây dị tật thai nhi nếu sử dụng cho phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai.
3. Thuốc chẹn thụ thể ARB
Nhóm thuốc ARB có tác dụng tương tự như ACE, hoạt động dựa trên cơ chế thay thế angiotensin II ra khỏi thụ thể của nó. Tuy nhiên, ưu điểm của loại thuốc này trong điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường là ít tác dụng phụ, bảo vệ thận hiệu quả.
ARB sẽ được chỉ định trong việc điều trị tăng huyết áp, ngăn chặn biến chứng thận ở bệnh nhân bị đái tháo đường. Nhất là những người có triệu chứng ho khan sau khi dùng thuốc ức chế men chuyển.
4. Các thuốc lợi tiểu
Các loại thuốc lợi tiểu giúp giảm huyết áp nhờ cơ chế tăng bài tiết natri qua thận, giảm đáng kể thể tích huyết tương.
Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp từ nhẹ đến trung bình và có độ lọc cầu thận (eGFR) lớn hơn 50, thuốc mang lại hiệu quả tương đối khả quan. Với người bệnh có eGFR< 30 thì sử dụng kết hợp thuốc lợi tiểu và thiazid sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Trong nhiều nghiên cứu tại Thụy Điển, các bác sĩ đã chứng minh rằng thuốc lợi tiểu có tác dụng tương tự như thuốc ức chế men chuyển. Chúng giúp hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ tử vong do tim mạch ở các bệnh nhân đái tháo đường.
Nhóm thuốc này có thể gây ra một số rối loạn chuyển hóa như hạ kali đường máu, tăng nồng độ acid uric trong máu. Song đây vẫn là nhóm thuốc có dược lực cao, đem lại hiệu quả điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường.
5. Thuốc chẹn kênh canxi (CCBs)
CCBs hạ huyết áp ở bệnh nhân tiểu đường thông qua cơ chế gây giãn mạch ngoại biên nhưng không hoặc rất ít ảnh hưởng đến hoạt động dẫn truyền tim và co bóp. Không ít thử nghiệm đã chỉ ra việc sử dụng kết hợp CCB và ACE sẽ gây ra ít biến chứng tim mạch hơn do với việc phối hợp ACE và thuốc lợi tiểu.
Cho đến nay, các thực nghiệm đều cho rằng thuốc chẹn kênh canxi dung nạp tốt ở đa số các bệnh nhân. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, phù ngoại biên, nóng đỏ mặt…
6. Thuốc đối kháng thụ thể Adrenergic
Nhóm thuốc đối kháng thụ thể Adrenergic được phân thành 3 loại chính:
- Thuốc chẹn beta.
- Thuốc chẹn alpha.
- Thuốc chẹn alpha kết hợp beta.
Cho đến nay, các loại thuốc chẹn beta luôn được sử dụng phổ biến và đem lại hiệu quả tích cực trong giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân suy tim, người bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, các loại thuốc thuộc nhóm này lại có thể làm tăng nguy cơ co thắt phế quản, ảnh hưởng đến chức năng tình dục…
7. Thuốc đối kháng Aldosterone
Aldosterone thường được sử dụng kết hợp với thiazid và thuốc lợi tiểu quai để hạ huyết áp, giảm kali cho bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường. Đồng thời, nhóm thuốc này cũng có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong ở những người bị suy tim, bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị.
Nhóm thuốc đối kháng Aldosterone có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn gồm: Chứng vú to ở nam, kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, cho đến nay giá thành của loại thuốc này tương đối đắt nên hạn chế được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp kèm đái tháo đường.
8. Chất ức chế Renin
Đây là nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp mới xuất hiện trên thị trường. Chất ức chế Renin tuy giúp hạ huyết áp hiệu quả nhưng vẫn bảo vệ cơ quan đích. Khi kết hợp với ARB, thuốc này còn giúp cải thiện triệu chứng phì đại thất trái. Nhìn chung, tác dụng của nhóm chất ức chế renin tương tự như ARB, trong quá trình sử dụng cần theo dõi nồng độ kali huyết thanh.
Điều trị đái tháo đường, hạ huyết áp cho bệnh nhân
Hiện nay có không ít loại thuốc vừa giúp kiểm soát chỉ số bệnh tiểu đường vừa hạ huyết áp hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng bác sĩ sẽ phải xem xét tình trạng tăng huyết áp và đái tháo đường ở mỗi bệnh nhân.
Những loại thuốc điều trị đái tháo đường có khả năng kiểm soát huyết áp gồm: Thiazolidinediones, DPP-4, GLP-1 và SGLT2. Trong đó, GLP-1 đem lại hiệu quả tích cực nhất đối với người bị tăng huyết áp:
- Huyết áp tâm thu cơ sở < 130mmHg: Làm giảm huyết áp tâm thu 6mmHg.
- Huyết áp tâm thu cơ sở > 130mmHg: Giảm 11,4mmHg.
Trái lại, những loại thuốc khác cùng nhóm chỉ làm giảm 5mmHg huyết áp tâm thu cơ sở.
Trong một công bố vào năm 2017, các thực nghiệm lâm sàng của ACC/ AHA đã đưa ra định nghĩa mới về tăng huyết áp, loại bỏ khái niệm “tiền tăng huyết áp”. Theo đó, huyết áp lớn hơn 130/80mmHg được coi là tăng huyết áp. Điều này làm tăng tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp nói chung và số người bị tăng huyết áp liên quan đến đái tháo đường nói riêng.
Vì vậy mà việc điều trị bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường chỉ được chỉ định khi chỉ số huyết áp cao hơn 130/80mmHg và bệnh nhân đó đang tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Còn đối với những bệnh nhân có chỉ số huyết áp nhỏ hơn 130/80mmHg chỉ cần tích cực thay đổi lối sống.
Có thể thấy rằng, việc điều trị bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường tương đối phức tạp. Bởi hoạt động này cần phải dựa trên đánh giá về những tổn thương ở cơ quan đích, đồng thời việc lựa chọn phương pháp trị liệu, loại thuốc cũng là điều tối quan trọng. Mặc dù nhóm thuốc ACE và ARB đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị tăng huyết áp nhưng cũng cần cân nhắc trước khi dùng bởi chúng có thể gây ảnh hưởng xấu tới thận.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!