Lá ngón là một cây độc, có độc tính rất mạnh và có thể khiến người ăn phải tử vong ngay lập tức. Chính vì thế, đây là một loại cây rất nguy hiểm, mọi người cần nắm được đặc điểm về hình dạng cũng như cách xử lý khi bị ngộ độc lá ngón để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Lá ngón là gì? Đặc điểm nhận dạng
Lá ngón là một loại thực vật thường mọc nhiều ở vùng núi cao, có thân quấn và màu xanh. Cây ngón thân quấn dài có thể lên tới 12 mét. Loại cây này còn được gọi tên là đoạn trường thảo.
Từ xưa, nhiều người dân tộc vùng cao thường dùng lá ngón để tự tử. Các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta như Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn… có rất nhiều loại lá này. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài loại cây này loại cây rất bình thường, có thể nhầm lẫn với các loại rau ăn hoặc cây cảnh của người dân địa phương.
Lá ngón có thân và cành không có lông. Tại phần thân có khía dọc, lá có hình thuôn dài, bóng nhẵn, đầu nhọn và mọc đối xứng. Thông thường, các lá có độ dài khoảng 7 đến 12cm, bề rộng lá từ 2,5 đến 5,5cm. Lá thường mọc thành chùm phía đầu cành.
Cây lá ngón có hoa màu vàng 5 cánh và nở rộ vào tháng 6, tháng 8, tháng 10. Quả của loại cây này có màu nâu, thon dài và có chiều rộng khoảng 0,5cm, quả nhẵn. Khi lá ở các cành non sẽ có màu xanh lục, hơi nhạt. Khi lá già sẽ chuyển dần sang màu nâu nhạt.
Độc tính của lá ngón
Lá ngón là cây cực độc, có độc tố mạnh, ngấm rất nhanh. Độc tố trong thực vật này có thể ngấm qua đường tiêu hóa chỉ sau 5 đến 10 phút và thời gian gây chết người từ 1 đến 7 tiếng sau khi bị ngộ độc.
Đây là loại lá cây độc nhất của nước ta. Theo các nghiên cứu, chỉ cần ăn trực tiếp khoảng 3 lácó thể tử vong ngay tại chỗ. Độc tính trong lá ngón khiến người bị ngộ độc có triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, khát nước, đau rát cổ và có tình trạng tim đập yếu, khó thở, sùi bọt mép, giãn đồng tử.
Nguyên nhân là do trong lá ngón có chứa hoạt chất Alkaloid – một độc tố gây chết người, chỉ cần một lượng nhỏ hoạt chất này cũng có thể gây tử vong. Trong cây lá ngón, Alkaloid có trong toàn bộ cây và độc tính giảm dần từ rễ, lá, hoa, quả và thân.
Không chỉ ăn trực tiếp lá ngón, chỉ cần ngắt lá, bẻ cành khiến nhựa cây dính vào tay sau đó tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn, vết thương hở trên cơ thể cũng có thể gây tử vong.
Cách xử lý khi bị ngộ độc
Xử lý ngộ độc lá ngón là thao tác cấp cứu rất quan trọng. Với những người bị ngộ độc bắt buộc phải tiến hành sơ cứu kịp thời, chậm nhất là trước 1 tiếng sau khi ngộ độc để hạn chế độc tính ngấm vào cơ thể. Sau 1 tiếng, độc tính có thể thấm qua đường ruột khiến người bệnh tử vong.
Vì thế, khi bị ngộ độc lá ngón, bắt buộc phải tìm cách cho bệnh nhân nôn vật chất ra ngoài. Có thể dùng ngón tay chọc sâu vào cổ họng của bệnh nhân, chạm vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn để đào thải độc tố ra ngoài, giảm nồng độ độc tính. Sau đó, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành biện pháp để kiểm soát chức năng của hệ hô hấp. Người bệnh được nằm nghiêng và tiến hành hút đờm giúp thông thoáng đường thở. Sau đó, các bác sĩ có thể dùng liệu pháp oxy, rửa dạ dày bằng nước ấm và đặt nội khí quản giúp duy trì huyết áp, duy trì mạch cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng than hoạt tính. Than hoạt tính giúp hấp thụ các chất độc còn sót lại trong cơ thể và đường tiêu hóa. Sau khi tiến hành các bước cấp cứu trên, người bệnh được chỉ định truyền dịch và lọc máu, sử dụng thuốc chống rối loạn nhịp tim và ổn định huyết áp.
Việc phổ biến kiến thức sơ cứu và cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón đến nay vẫn còn hạn chế do loại cây này chủ yếu ở vùng núi cao, nơi người dân còn ít được tiếp cận thông tin và kiến thức về sơ cứu. Vì thế, tỉ lệ tử vong do ngộ độc loại thực vật này ở các vùng núi cao vẫn là con số đáng báo động.
Lá ngón là độc dược cực mạnh, có thể khiến nạn nhân tử vong trong thời gian ngắn. Chính vì thế, mọi người cần phân biệt rõ loại cây này với nhóm cây khác để tránh nhầm lẫn khi sử dụng, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!