Suy thận ở trẻ em là bệnh lý thường gặp trong xã hội hiện đại. Không giống như các bệnh về tim phổi, suy thận rất khó phát hiện hoặc các dấu hiệu khi mới phát bệnh thường bị bỏ qua. Chỉ đến khi chức năng của thận đã suy giảm rõ rệt thì lúc này bệnh đã bước vào giai đoạn nặng.
Các nguyên nhân gây ra suy thận ở trẻ em – Triệu chứng điển hình
Suy thận là căn bệnh khá nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em. Suy thận ở trẻ em có giống những triệu chứng suy thận ở người lớn hay không? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu gây ra bệnh?
Các nguyên nhân gây ra suy thận ở trẻ em
Có rất nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi phát hiện con bị suy thận và không hiểu lý do gây bệnh là gì? Những nguyên nhân thường gặp dưới đây giúp bố mẹ có thêm kiến thức để đề phòng cho trẻ.
Nguyên nhân di truyền
- Theo số liệu thống kê, có đến 40% trẻ bị suy thận bẩm sinh. Xảy ra tình trạng này do khi mang thai người mẹ mắc phải một số bệnh lý như tiểu rỉ, hẹp van niệu đạo…
- Do người mẹ hoặc cha có mang gen lặn liên quan đến bệnh và di truyền suy thận bẩm sinh cho con. Khi khám thai sẽ rất khó nhận biết ra bệnh lý này. Nhiều trường hợp khi phát hiện ra thì bệnh đã bước vào suy thận giai đoạn cuối.
Nguyên nhân bệnh lý
- Đi ngoài nhiều gây mất nước: Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều lần thận không thể kịp bài tiết, chức năng thận thay đổi đột ngột gây ra suy thận. Trẻ nhỏ bị ỉa chảy kéo dài sẽ khiến cơ thể bị mất nước, xanh xao. Nếu không kiểm soát tình trạng đi ngoài kịp thời thì không chỉ dẫn đến suy thận mà còn khiến trẻ tử vong.
- Mắc bệnh nhiễm trùng nặng: Nhiễm trùng là khi cơ thể bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, virus gây tổn thương. Trẻ bị viêm nhiễm hệ tiết niệu sẽ có dấu hiệu: Tiểu rắt, sốt tạo ra sẹo ở thận. Nếu để bệnh xảy ra nhiều lần có thể gây suy thận ở trẻ em.
- Tổn thương đường dẫn niệu và cầu thận: Các bệnh lý liên quan đến thận là điều kiện thuận lợi dẫn đến bệnh suy thận. Đường tiết niệu và hai bên cầu thận bị tổn thương khiến trẻ luôn mệt mỏi, cơ thể phù nề. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau.
- Trẻ bị chấn thương: Trẻ bị chấn thương nặng do tai nạn hoặc tác dụng phụ sau mổ tim, ghép tạng cũng sẽ phần nào gây tác động xấu đến thận. Trẻ sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài, liều cao sẽ khiến thận kháng corticoid gây suy thận trẻ em.
- Hệ miễn dịch của trẻ yếu: Các bé có sức đề kháng kém, lười ăn, còi xương hay một số bệnh hô hấp khác cũng dễ dẫn đến mắc bệnh suy thận. Khi cơ thể yếu ớt sẽ ít có khả năng chống lại các tác nhân xấu nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Triệu chứng điển hình
Suy thận ở trẻ sơ sinh thường có các dấu hiệu điển hình như:
- Cơ thể phù nề: Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và bé sơ sinh. Nhiều cha mẹ nhầm tưởng đây là hiện tượng dị ứng chứ không nghĩ là dấu hiệu của suy thận. Khi thận bị suy yếu, mắt trẻ sẽ bị sưng sau đó lan xuống các bộ phận khác như chân, lưng, bụng…
- Tiểu tiện rối loạn: Trẻ mắc bệnh suy thận thường tiểu ít, tiểu rát khiến bé bị đau. Các bé đi tiểu nhiều vào ban đêm, màu nước tiểu sậm, vẩn đục thi thoảng có lẫn máu.
- Biếng ăn: Trẻ lười ăn, khó ăn và thường xuyên buồn nôn không rõ nguyên do.
- Hơi thở có mùi: Trẻ thở khò khè, thở dốc, hơi thở có mùi khó chịu.
- Đau đầu: Suy thận khiến phổi và gan phù to do thể tích máu tăng cao gây ra những cơn đau đầu.
Ngoài ra còn một số dấu hiệu khác như sụt cân, tay chân run, mệt mỏi, đau bụng, da dẻ xanh xao…
Suy thận ở sơ sinh có nguy hiểm không?
Suy thận ở trẻ sơ sinh là bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây suy giảm sức khỏe mà còn có thể khiến trẻ tử vong, vì vậy các bậc cha mẹ không được chủ quan khi con mắc bệnh.
Suy thận ở trẻ nhỏ được chia làm 2 giai đoạn là suy thận cấp và suy thận mạn. Cụ thể:
- Giai đoạn suy thận cấp khiến thận hoạt động kém hơn bình thường từ 20 – 40%. Mặc dù chức năng của thận không suy giảm quá nhiều nhưng do sức đề kháng của trẻ còn yếu nên cần thận hoạt động tốt hơn.
- Suy thận mãn tính nếu không sớm kiểm soát sẽ gây ra thiếu máu, ảnh hưởng đến trí não, sưng phổi… nguy hiểm tới tính mạng. Việc điều trị sẽ khó khăn, trẻ buộc phải chạy thận hoặc ghép thận mới có thể duy trì sự sống.
Mặc dù suy thận ở trẻ em khá nguy hiểm nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể ngăn chặn được phần nào các nguy cơ.
Cách điều trị suy thận ở trẻ em
Khi thấy con có những dấu hiệu của bệnh suy thận cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đi khám để chẩn đoán chính xác. Phát hiện ra bệnh sớm sẽ có lợi rất nhiều trong việc chữa bệnh.
Các bác sĩ sẽ chỉ định đo chiều cao, cân nặng, huyết áp sau đó thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Các yếu tố để chẩn đoán:
- Đo lượng creatinin và ure trong máu
- Đo nồng độ hồng cầu, bạch cầu, protein và các tinh thể khác thường trong nước tiểu.
- Kiểm tra hemoglobin, electrolyte trong máu.
- Chụp cộng hưởng từ, siêu âm để nhìn rõ các dị tật bẩm sinh, u, sỏi thận…
Từ các kết quả thăm khám cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị. Suy thận trẻ em thường được điều trị bằng 4 cách:
Tây y
Những trường hợp suy thận ở trẻ em bác sĩ sẽ kê các loại thuốc:
- Thuốc chống phù nề, giảm lượng protein: Prednisolone, prednisone.
- Thuốc lợi tiểu
Nếu bệnh có diễn biến nặng bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để truyền albumin. Thuốc Tây y có ưu điểm là nhanh chóng ngăn chặn các triệu chứng của bệnh suy thận nhưng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ. Trẻ khi dùng thuốc sẽ nhanh đói, tăng cân nhiều, tăng huyết áp.
Bố mẹ khi cho con uống thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Không được tùy ý đổi thuốc, ngừng uống thuốc hay thay đổi liều lượng. Sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu nên nếu chữa bệnh không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác gây biến chứng.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Tây y, trẻ em nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm nhiều năng lượng. Chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo đủ natri, kali, protein.
Đông y
Chữa suy thận trẻ em bằng Đông y được đánh giá cao vì mức độ an toàn và không gây phản ứng phụ. Các bài thuốc sử dụng các loại thảo dược tự nhiên giúp tăng đề kháng, thúc đẩy chức năng của thận.
- Bài thuốc số 1: Nguyên liệu gồm có đậu ký sinh, quế quảng, cao ban long, phụ tử chế, tần quy, kỷ tử, sinh địa.
- Bài thuốc số 2: Nguyên liệu gồm có thủy đề, cây cỏ mực, củ mài, bạch phục linh, rễ cỏ xước, cây xấu hổ, kỷ tử, địa hoàng than.
Điều trị bằng Đông y đòi hỏi người bệnh cần kiên trì trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần đưa con tới các địa chỉ nhà thuốc uy tín.
Chữa suy thận tại nhà
Để hỗ trợ điều trị bệnh suy thận ở trẻ em cũng có thể áp dụng các mẹo dân gian của cha ông xưa. Các bài thuốc được nấu từ đỗ đen, râu ngô, kim tiền thảo đun cùng nước rồi chắt nước cốt cho bé uống hàng ngày.
Áp dụng mẹo dân gian chữa suy thận ở trẻ em có ưu điểm dễ thực hiện, chi phí thấp nhưng hiệu quả của cách này chưa được kiểm chứng. Vì vậy trước khi thực hiện cha mẹ nên xin ý kiến của bác sĩ.
Can thiệp ngoại khoa
Các biện pháp trên thường chỉ áp dụng khi tình trạng bệnh mới khởi phát. Nếu trẻ phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối thì cần can thiệp thêm các phương pháp ngoại khoa mới mang lại hiệu quả.
- Chạy thận: Thực hiện khi thận chỉ hoạt động được một nửa chức năng so với bình thường. Khi sử dụng phương pháp này trẻ sẽ gắn bó với bệnh viện theo một lộ trình nghiêm ngặt suốt cuộc đời để duy trì sự sống.
- Lọc màng bụng: là kỹ thuật sử dụng phúc mạc trong bụng để thành màng lọc thay quả thận. Phương pháp này khá chủ động vì bệnh nhân không cần đến bệnh viện mà có thể tự thực hiện tại nhà. Tuy khá thuận tiện nhưng cách lọc màng bụng dễ xảy ra các trường hợp sơ suất, tỷ lệ nhiễm trùng cao do môi trường không đảm bảo vô trùng.
- Ghép thận: Nếu suy thận ở trẻ em quá nặng hoặc gia đình có điều kiện thì có thể ghép thận cho bé. Sau khi thay thận trẻ có thể sinh hoạt như bình thường nhưng tránh vận động mạnh hậu phẫu thuật. Bệnh nhân luôn phải nhớ uống thuốc hàng ngày để hỗ trợ quả thận mới tương thích với cơ thể. Đây là cách chữa trị hiệu quả nhất nhưng khá tốn kém và không dễ thực hiện vì để tìm được thận phù hợp rất khó.
Cách chăm sóc khi bé bị suy thận
Suy thận trẻ em, suy thận ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, do đó cha mẹ cần lưu ý thực hiện những điều sau:
- Đưa con đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa thận càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện các dấu hiệu ban đầu của bệnh.
- Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ trong khi điều trị. Thực hiện ngày 1-2 lần kiểm tra lượng protein trong nước tiểu.
- Tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý thay đổi loại thuốc, liều lượng, giờ giấc uống thuốc.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho con để tránh nhiễm khuẩn.
- Cho bé ăn nhiều rau quả, bổ sung vitamin, chế độ ăn uống lành mạnh.
- Tránh ăn các đồ nhiều dầu mỡ, nhiều kali, cay nóng và mặn.
- Khuyến khích bé uống nhiều nước, chất lỏng. Nếu trẻ không thích uống nước thì có thể thay thế bằng nước hoa quả, sữa.
- Cùng bé vận động, tập thể dục để cơ thể khỏe mạnh.
- Thường xuyên động viên, trò chuyện cùng con để tinh thần của bé vui vẻ.
Cha mẹ không nên quá lo lắng khi con bị kết luận suy thận ở trẻ em. Mong rằng với những thông tin về nguyên nhân, cách điều trị và các lưu ý trên sẽ giúp cha mẹ chăm sóc bé tốt hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!