Viêm phổi là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này chủ yếu là do vi khuẩn hoặc virus. Bệnh viêm phổi trẻ em nếu không được điều trị sớm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong. Ở Việt Nam, ước tính người bệnh bị tử vong do viêm phổi chiếm đến 33% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân gây ra.
Tìm hiểu về bệnh viêm phổi trẻ em
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi phổi bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Chúng sinh sôi phát triển và tạo thành những ổ viêm nhiễm tại cơ quan này. Loại vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn và một số loại virus khác.
Viêm phổi trẻ em có thể xuất hiện sau khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Khi đó dịch nhầy tiết ra trong phổi và trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi vi khuẩn. Chúng có thể sinh sôi phát triển trong vài ngày, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn.
Bệnh viêm phổi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra khi trẻ bị viêm phổi còn có những dấu hiệu như đau đầu sốt cao, co giật, bỏ bú, chán ăn, tiêu chảy,… gây ra tình trạng mất nước và rối loạn điện giải. Do đó cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu sớm của bệnh viêm phổi trẻ em. Từ đó kịp thời đưa trẻ đi thăm khám và điều trị.
Bệnh viêm phổi bao gồm các vấn đề khác như: Viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phổi thùy, áp xe phổi. Trong đó, viêm phế quản phổi chiếm tỷ lệ 80% các trường hợp của bệnh viêm phổi. Do vậy người ta thường dùng thuật ngữ viêm phổi để chỉ bệnh viêm phế quản phổi.
Để phân loại bệnh viêm phổi, có thể dựa vào các cách như sau:
- Dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh: Đây là cách phân loại theo mức độ nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Phân loại này bao gồm: Bệnh rất nặng, viêm phổi nặng, viêm phổi và không viêm phổi.
- Dựa vào nguyên nhân gây bệnh: Dựa vào các tác nhân gây bệnh có thể phân biệt bệnh viêm phổi do phế cầu, tụ cầu, do H.Influenzae, hay do virus gây ra.
- Dựa vào tổn thương cơ thể: Căn cứ vào mức độ và vị trí tổn thương, người ta chia bệnh viêm phổi thành: Viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phổi kẽ, viêm phổi thùy.
Nguyên nhân gây viêm phổi trẻ em
Dưới đây là những nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ nhỏ các bậc phụ huynh cần lưu ý:
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ
Do các loại vi sinh:
- Do virus: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng viêm phổi trẻ em. Các loại virus gây bệnh thường gặp như: RSV, á cúm, cúm Adenovirus.
- Do vi trùng: Theo Hội lồng ngực Anh, có khoảng 20-60% người bệnh không xác định được vi trùng gây bệnh. Chỉ có 8-40% bệnh nhân bị viêm phổi là do hỗn hợp vi trùng bao gồm 30% virus – vi trùng, 13% virus – virus và chỉ có 7% là do 2 vi trùng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ bị viêm phổi chủ yếu do các loại virus, vi khuẩn sau:
- Trẻ dưới 2 tháng bị viêm phổi có thể do Streptococcus nhóm B, Chlamydia trachomatis, Trực khuẩn đường ruột Gr(-).
- Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi bị viêm phổi có thể do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus Influenzae type B, Staphylococcus, Streptococcus nhóm A, ho gà,…
- Trẻ trên 5 tuổi bị viêm phổi có thể do Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumonia.
Không do vi sinh:
- Trẻ có thể bị viêm phổi do hít sặc thức ăn, sữa, trào ngược dạ dày thực quản.
- Do rò khí – thực quản hoặc do phổi của trẻ xuất hiện dị vật.
- Trẻ bị tăng đáp ứng miễn dịch.
- Do trẻ bị nhiễm các chất phóng xạ.
Yếu tố thuận lợi
Những yếu tố bên ngoài tác động khiến trẻ dễ bị mắc bệnh viêm phổi:
- Do hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp.
- Do môi trường sống không đảm bảo vệ sinh.
- Do trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, khói bụi,…
- Do thời tiết trở lạnh.
- Do trẻ bị sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh sởi, thiếu vitamin A.
Yếu tố nguy cơ gây viêm phổi tái phát ở trẻ
Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị tái phát bệnh viêm phổi nhiều lần:
- Trẻ bị mắc hội chứng suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh.
- Trẻ bị dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp.
- Trẻ bị cao áp phổi nguyên phát hoặc thứ phát.
- Trẻ bị mất phản xạ ho như: Hôn mê, bại não….
- Trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Triệu chứng bệnh viêm phổi ở trẻ
Khi thấy trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh có những triệu chứng sau, cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để có hướng điều trị kịp thời.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi:
- Trẻ bị sốt cao trên 39 độ.
- Trẻ ngủ li bì.
- Trẻ khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, dùng cả bụng để co bóp và cố gắng để hít thở.
- Thời gian đầu trẻ bị ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm, đờm có màu trắng hoặc xanh vàng.
- Môi và da của bé xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể không cung cấp đủ oxy.
- Trẻ bị tức ngực, đau bụng, nôn trớ, đi ngoài phân lỏng.
- Trẻ bú ít hoặc bỏ bú.
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nhỏ:
- Trẻ thở rất nhanh
- Trẻ bị khó thở, thở rít hoặc thở khò khè
- Trẻ bị sốt
- Có dấu hiệu nghẹt mũi
- Cơ thể ớn lạnh
- Nôn hoặc buồn nôn
- Trẻ kêu đau tức ngực
- Trẻ bị đau bụng tiêu chảy
- Trẻ mệt mỏi, uể oải, ít vận động
- Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon
- Môi, đầu món tay xanh hoặc xám
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, không phải tất cả trường hợp trẻ bị viêm phổi đều phải nhập viện. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể được thăm khám và điều trị tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy con mình có những dấu hiệu như: Bỏ bú, kém ăn, không ăn uống được, co giật, ngủ li bì, sốt hoặc ớn lạnh, thở khò khè, thở nhanh, cơ thể tím tái,…
Chẩn đoán viêm phổi ở trẻ
Trẻ sẽ được chẩn đoán bệnh qua các phương pháp lâm sàng, cận lâm sàng và chẩn đoán phân biệt.
Chẩn đoán lâm sàng
Trẻ sẽ xuất hiện hội chứng nhiễm trùng, gặp trong trường hợp trẻ bị viêm phổi do nhiễm vi trùng.
Thở nhanh, ngưỡng thở thay đổi theo độ tuổi. Cụ thể như:
- Trẻ dưới 2 tháng: >= 60 lần/phút.
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: >= 50 lần/phút
- Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi: >= 40 lần/phút
- Trẻ >5 tuổi: >= 30 lần/phút.
Trẻ có dấu hiệu suy hô hấp như: Co lõm ngực, cánh mũi phập phồng, co kéo gian sườn, cơ thể tím tái, trẻ không bú được, bỏ bú, thở rên. Ở những trẻ dưới 2 tháng tuổi xuất hiện tình trạng thở không đều, rên rỉ.
Chân đoán cận lâm sàng
Chụp X-quang: Chụp X-quang phổi giúp xác định chẩn đoán, góp phần xác định nguyên nhân và cho biết độ nặng nhẹ của bệnh. Hình ảnh X-quang ở phổi được chia làm 3 loại, cụ thể:
Viêm phổi thùy, phân thùy (bệnh thường do phế cầu hoặc các vi khuẩn khác gây ra).
- Hình ảnh chụp X-quang cho thấy mở đồng nhất thùy hoặc phân thùy.
- Có hình ảnh khí nội phế quản trên bóng mở.
Viêm phổi mô kẽ (bệnh thường do virus hoặc mycoplasma) gây ra:
- Chụp phim X-quang cho thấy mạch máu phế quản bị xung huyết.
- Thành phế quản dày
- Tăng sáng phế trường
- Mở từng mảng do xẹp phổi.
Viêm phế quản phổi (bệnh thường do tụ cầu hoặc các vi khuẩn khác gây ra)
- Chụp phim X-quang cho thấy rốn phổi đậm, có thể do phì đại hạch rốn phổi gây ra.
- Tăng sinh tuần hoàn phổi ra 1/3 ngoài phế trường.
- Tình trạng thâm nhiễm lan ra ngoại biên cả 2 bên phế trường.
Lưu ý:
- Chụp X-quang có thể không tương xứng với biểu hiện lâm sàng. Thường thấy những tổn thương nặng trên phim X-quang, trong khi đó trẻ không có những dấu hiệu lâm sàng.
- Một số trường hợp viêm phổi đông đặc ở trẻ em còn có dạng tròn như khối u nhưng thường lớn, xuất hiện đơn lẻ và bờ không rõ nét.
- Dấu hiệu trên X-quang vẫn còn vài tuần sau khi cải thiện các triệu chứng lâm sàng, do đó người bệnh không nhất thiết phải chụp phổi kiểm tra lúc xuất viện.
- Có thể làm thêm các xét nghiệm hình ảnh khác như siêu âm ngực để đánh giá dịch màng phổi và cử động của cơ hoành. Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để xác định chính xác vị trí của những tổn thương ở phổi như áp xe, khối u, bóng khí,…
Xét nghiệm công thức máu: Xét nghiệm công thức máu xác định các vấn đề như:
- Số lượng bạch cầu nhiều hơn 15000/mm3 với ưu thế đa nhân cho thấy người bệnh bị viêm phổi do vi khuẩn.
- Số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ với ưu thế lympho cho thấy người bệnh bị viêm phổi do virus.
- Tiểu cầu tăng trong cho thấy trên 90% người bệnh bị viêm phổi do vi khuẩn.
VS, CRP: Là dấu hiệu chỉ điểm không đặc hiệu của tình trạng viêm, không có nhiều ý nghĩa trong điều trị.
- VS tăng trong viêm phổi mãn tính, kéo dài hoặc có nhiều biến chứng.
- CRP tăng 20mg/l đối với bệnh viêm phổi cấp cho thấy người bệnh bị viêm phổi do vi khuẩn.
Xét nghiệm đờm: Xét nghiệm đờm để tìm các tác nhân gây bệnh bằng cách nhuộm Gram và soi dưới kính hiển vi, hoặc cấy và làm kháng sinh đồ. Có thể tiến hành lấy đờm ở trẻ bằng cách sau:
- Ho khạc: Phương pháp này được thực hiện ở trẻ trên 10 tuổi dễ bị ngoại nhiễm vi trùng thường trú đường hô hấp trên.
- Hút dịch khí quản: Đối với trẻ nhỏ, chất lượng dịch khí quản tốt khi chứa nhiều hơn 25 bạch cầu đa nhân và ít hơn 10 tế bào lát trong một quang trường.
- Hút dịch dạ dày: Thực hiện 3 ngày liên tiếp vào buổi sáng đối với với những trẻ không biết ho khác để xác định xem có vi trùng lao hay không.
Cấy máu: Cấy máu là phương pháp giúp xác định nguyên nhân gây bệnh khá chính xác.
- (+) 3-11% ở bệnh nhi cấp cứu viêm phổi.
- (+) 25-95% trong viêm phổi phế cầu hoặc haemophilus influenzae type B.
- (+) 1/3 trẻ viêm phổi do tụ cầu nguyên phát nhưng đến 89% trẻ bệnh toàn thân.
- (+) 2-5% viêm phổi mắc phải trong bệnh viện.
Xét nghiệm để xác định kháng nguyên vi khuẩn: Áp dụng 2 phương pháp điện di miễn dịch đối lưu. Ngưng kết hạt Latex.
- Dùng để phát hiện kháng nguyên phế cầu hoặc Haemophilus có trong huyết thanh và nước tiểu của trẻ. Tuy nhiên độ nhạy và độ đặc hiệu thấp. Đối với Haemophilus, tỷ lệ (+) cao hơn phế cầu.
- Phản ứng ngưng kết hạt Latex trong nước tiểu bệnh nhân cho kết quả (+) cao hơn trong huyết thanh.
Các xét nghiệm khác:
- Dịch màng phổi: Xét nghiệm này được thực hiện ở bệnh nhân bị tràn dịch nhiều, chọc hút hoặc dẫn lưu để chẩn đoán và làm giảm triệu chứng.
- Nhuộm Gram và cấy: Áp dụng trong trường hợp người bệnh chưa điều trị kháng sinh, cấy (+) 65-80%.
- Sinh hóa: Nếu glucose nhỏ hơn 40mg%, LDH lớn hơn 1000 UI/L. LDH/DMP = 0,6, pH nhỏ hơn 7,2 biến chứng cao, cần đặt ODL.
- Nội soi: Đây là phương pháp khá an toàn và hiệu quả trong chẩn đoán bệnh nhu mô phổi. Chẩn đoán (+) 27-75% bệnh nhi có bệnh lý tiềm ẩn.
- Sinh thiết: Sinh thiết phổi mù hoặc chọc hút qua da để xác định tác nhân gây bệnh.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt viêm phổi trẻ em với các bệnh khác như:
- Bệnh lao phổi.
- Dị tật bẩm sinh tại phổi.
- Thở nhanh không tương xứng với tổn thương phổi trên lâm sàng và X-quang cần phân biệt với toan chuyển hóa do những nguyên nhân khác.
- Đa số bệnh viêm phổi trẻ em đều không xác định được rõ tác nhân gây bệnh. Dựa vào tình trạng bệnh, thời gian, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tuổi, mùa trong năm,… có thể chẩn đoán phân biệt giữa viêm phổi do vi khuẩn và không do vi khuẩn.
Điều trị bệnh viêm phổi trẻ em hiệu quả
Các phương pháp điều trị bệnh viêm phổi trẻ em bao gồm điều trị ngoại trú và điều trị nội trú.
Điều trị ngoại trú bệnh viêm phổi trẻ em
Khi trẻ chỉ ho và thở nhanh cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng các biện pháp như sau:
Sử dụng thuốc kháng sinh
Đối với trẻ <5 tuổi có thể cho sử dụng các loại thuốc như: Amoxicillin (90mg/kg) hoặc Amox clavu, Cefaclor, Cefuroxim, Erythromycin, Clarithromycin. Trẻ em trên 5 tuổi có thể sử dụng Macrolides kết hợp với Amoxicillin. Các loại thuốc này cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng và cách sử dụng. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua về cho trẻ uống.
Hạ sốt cho trẻ
Có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm. Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách người lớn nhúng thử cùi chỏ của mình vào chậu nước, nếu thấy nước ấm là có thể dùng được cho trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ. Tích cực cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm và nhanh hạ sốt.
Vỗ lưng trẻ để bài tiết đờm
Khi trẻ bị ho có đờm, cha mẹ cần vỗ lưng cho trẻ để giúp tăng cường lưu thông máu đến phổi, đồng thời làm long đờm trong phế quản và đào thải ra ngoài một cách dễ dàng. Cha mẹ nên vỗ lưng cho trẻ trước khi ăn hoặc sau khi ăn một giờ để tránh gây nôn bằng cách gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại, giữ cho ngón tay cái ép vào ngón tay trỏ. Vỗ từ bên trái sang bên phải, thực hiện mỗi chỗ từ 3-5 phút. Chú ý không được vỗ vào vùng dạ dày, xương ức và xương sống của trẻ.
Hướng dẫn trẻ ho đúng cách: Ho sẽ giúp làm thông thoáng đường thở, đẩy các chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với những trẻ lớn hơn, yêu cầu trẻ ho sau khi được vỗ ở từng khu vực.
Để giúp trẻ ho đúng cách, cha mẹ cần thực hiện các bước sau:
- Cho trẻ ngồi dậy, hơi ngả phần đầu về phía trước.
- Hướng dẫn trẻ hít vào một hơi thật lớn.
- Mở miệng ra và hóp cơ bụng để ho một hơi thật sâu, không ho ở cổ họng.
- Hướng dẫn trẻ hít vào một lần nữa.
- Tiếp tục ho cho tới khi đờm được đẩy ra ngoài.
- Đối với trẻ sơ sinh không thể tự ho được, cha mẹ có thể sử dụng máy hút đờm dãi để lấy đờm ra khỏi đường
- thở của trẻ.
Vệ sinh mũi miệng
Cha mẹ sử dụng khăn giấy mềm để lau sạch nước mũi, dãi rồi bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng đi dùng lại một chiếc khăn xô đã nhiễm bẩn bởi điều này sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/virus quay trở lại gây bệnh. Đồng thời hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng và súc miệng với nước muối loãng 2 lần/ngày.
Vệ sinh không gian sống
Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và các đồ dùng của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
Dinh dưỡng cho trẻ
Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn nếu trẻ không muốn hoặc quấy khóc. Khi trẻ bị ho có thể cho trẻ sử dụng các phương pháp điều trị dân gian như: Quất hấp mật ong, hoa hồng bạch chưng đường phèn, trà gừng mật ong chanh,…
Điều trị nội trú bệnh viêm phổi trẻ em
Tùy thuộc vào cơ sở y tế tiếp nhận điều trị mà bệnh nhân sẽ được chỉ định phác đồ phù hợp:
Tại tuyến y tế cơ sở
- Khi trẻ bị viêm phổi nặng: Cần được sử dụng kháng sinh liều đầu, điều trị hạ sốt, thở khò khè (nếu có).
- Viêm phổi bình thường: Sử dụng kháng sinh đường uống kết hợp điều trị hạ sốt, thở khò khè (nếu có).
- Kháng sinh theo IMCI: Amoxicillin 50mg/kg/ngày, Cotrim 48mg/kg/ngày, Erythromycin 50mg/kg/ngày.
- Các loại kháng sinh thay thế khác có thể sử dụng như: Cefuroxim, Cefaclor, Amoxicillin + acid clavulanic
Tại các bệnh viện thuộc tuyến huyện, tỉnh
Hỗ trợ hô hấp chỉ định thở oxygen đối với các trường hợp:
- Trẻ bị tím tái trung ương
- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức
- Nhịp thở nhanh, trên 70 lần/phút
- Thở co lõm ngực nghiêm trọng
- Đầu gật gù theo nhịp thở
- Trẻ rên rỉ
- Vật vã kích thích và nằm yên sau khi được thở oxygen
Sử dụng kháng sinh theo IMCI Benzyl penicilin (Ampicillin), Oxacillin và Gentamycin hoặc thay thế bằng Cefotaxim.
Bù dịch và xử lý trình trạng thở khò khè hoặc thở rít ở trẻ.
Tại các bệnh viện thành phố trung ương
Nguyên tắc điều trị:
- Chống suy hô hấp tùy theo mức độ suy hô hấp của trẻ
- Chống nhiễm trùng tùy thuộc mức độ nặng nhẹ của viêm phổi và tác nhân gây viêm phổi.
- Các loại kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm phổi trẻ em là : Cefotaxim, Ceftriaxon, Ceftazidim,
- Vancomycin, Peflacine, Tienam.
Điều trị các triệu chứng rối loạn khác đi kèm như:
- Hạ sốt
- Giảm ho
- Giãn phế quản khi có hiện tượng thở khò khè
- Dịch và điện giải
Điều trị biến chứng:
- Màng phổi: Chọc dò dẫn lưu màng phổi.
- Rối loạn thăng bằng điện giải và kiềm toan: Điều chỉnh rối loạn.
- Suy tim: Giãn mạch và dùng thuốc trợ tim.
Phòng tránh viêm phổi cho trẻ nhỏ
Bệnh viêm phổi có thể xảy ra quanh năm tuy nhiên thời gian trẻ dễ mắc viêm phổi nhất là vào lúc thời tiết lạnh. Lúc này sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn xâm nhập vào mũi họng và đi xuống phổi gây bệnh viêm phổi.
Chính vì vậy việc phòng tránh bệnh viêm phổi trẻ em là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Dưới đây là những cách phòng bệnh viêm phổi hiệu quả ở trẻ nhỏ:
- Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp nói chung và bệnh viêm phổi nói riêng, trẻ sơ sinh cần được cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu để giúp nâng cao sức đề kháng chống lại các tác nhân xâm nhập từ môi trường bên ngoài.
- Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và luôn phải giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh.
- Không nên đưa trẻ đến những nơi đông người và không để trẻ tiếp xúc với những người có bệnh lý về đường hô hấp để ngăn chặn nguy cơ bị lây nhiễm bệnh viêm phổi từ người sang người.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi và khói thuốc lá.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học cho trẻ, bổ sung thêm nhiều vitamin A, kẽm… để giúp trẻ phòng ngừa bệnh viêm phổi trẻ em.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và kín gió vào mùa đông.
- Khi trẻ có những dấu hiệu về đường hô hấp, cha mẹ không được tự ý mua thuốc về điều trị. Bạn cần phải đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để thăm khám cẩn thận.
- Theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện những triệu chứng nghiêm trọng như: Khó thở, thở nhanh, sốt cao, thở co lõm ngực,… khi đó phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn hướng điều trị.
- Nên đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine theo đúng lịch, việc làm này sẽ giúp bảo về trẻ khỏi nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm như: Hib, phế cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm,…
Cha mẹ nên trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về bệnh viêm phổi trẻ em để có thể kịp thời phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở con. Từ đó có thể chăm sóc và điều trị bệnh kịp thời cho các bé, tránh để những điều đáng tiếc xảy ra. Khi thấy trẻ có những triệu chứng như khó thở, thở nhanh, cơ thể tím tái,… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!