Viêm ruột thừa được đánh giá là cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất trong thực hành ngoại nhi hiện nay. Mặc dù tỷ lệ bị viêm ruột thừa ở trẻ em thấp hơn người lớn, nhưng nếu không chú ý có thể gây ra tình trạng viêm phúc mạc nhanh. Ngay khi nhận thấy triệu chứng nghi ngờ, việc quan trọng là phải đi khám để được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đúng nhất.
Giải phẫu học ruột thừa ở trẻ
Vào tuần lễ thứ 8 hoặc 9 của thai kỳ, ruột thừa được hình thành và nhìn thấy lần đầu tiên với hình ảnh một chỗ nhô lên ở cuối manh tràng. Khi phát triển, ruột thừa dài từ 7-12cm, vị trí ở đáy manh tràng nơi hội tụ của 3 cơ dọc từ dưới góc hồi manh tràng 2 – 3cm. Chính vì đặc điểm này nên dấu hiệu viêm ruột thừa ở trẻ em khá mơ hồ, khó nhận biết.
Khi trẻ mới sinh ra, chân hay đáy ruột thừa rộng hình chân kim tự tháp. Từ 2 tuổi trở lên đáy ruột thừa dần khép lại, đáy nhỏ hơn và lòng ruột thừa cũng hẹp theo dẫn đến dễ bị tắc nghẽn, viêm nhiễm. Đây cũng chính là lý do viêm ruột thừa hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, chủ yếu là từ 6 – 12 tuổi.
Mặc dù ruột thừa là cơ quan liên quan giữa ruột với hệ thống tổ chức bạch huyết nhưng chức năng của nó không rõ ràng và việc cắt bỏ không gây ra nhiễm khuẩn hay suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân hàng đầu gây viêm ruột thừa ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó 3 nguyên nhân sau đây được đánh giá là phổ biến nhất:
Tắc lòng ruột thừa
- Do sỏi phân ruột thừa, các loại ký sinh trùng giun đũa, giun kim chui vào lòng ruột thừa.
- Hệ thống nang lympho trong lòng ruột sưng to và bịt miệng ruột thừa lại.
- Ruột thừa bị gấp lại do dính hoặc dây chằng gây chèn ép trong ổ bụng.
Nhiễm trùng ruột thừa
- Sau khi bị tắc thì vi khuẩn trong lòng ruột thừa sẽ phát triển và gây viêm nhiễm.
- Nguyên nhân do bị nhiễm trùng huyết, chủ yếu xuất phát từ ổ nhiễm trùng nơi khác như phổi, mũi, họng hoặc tai,…
- Có nhiều loại vi khuẩn gram âm dương trong ruột thừa.
Tắc nghẽn mạch máu ruột thừa
- Độc tố do vi trùng gram âm gây hiện tượng tắc mạch.
- Bị thuyên tắc đám rối mạch mạc treo trong ruột thừa.
Những triệu chứng viêm ruột thừa phổ biến ở trẻ em
Viêm ruột thừa gây ra nhiều triệu chứng và nó cũng thường bị nhầm lẫn với đau bụng thông thường. Vậy nên bạn cần theo dõi thật kỹ và đưa bé đi khám ngay nếu có những biểu hiện bất thường để được chữa trị sớm.
Đau bụng
Đau bụng là triệu chứng đầu tiên và quan trọng nhất khi bị viêm ruột thừa ở trẻ em. Tuy nhiên, vì là trẻ nhỏ nên bé không thể nói ra cảm giác đau cũng như chỉ ra chính xác vị trí đau nên cha mẹ khó phát hiện bệnh.
Nếu trẻ đang bú sữa mẹ thì sẽ có biểu hiện là sốt cao, tiêu chảy, nôn nhiều, quấy khóc và toàn thây tím tái, thay đổi nhanh. Trẻ lớn hơn đã biết nói với nhận thức chính xác về cơn đau sẽ được phát hiện khi cha mẹ hỏi thăm và đánh giá.
- Vị trí cơn đau: Ban đầu trẻ sẽ đau bất kỳ vị trí nào trên bụng và đau bụng hố chậu phải. Cơn đau sẽ lan dần về khu trú tại hố chậu phải và gặp ở đa số các trẻ.
- Tính chất đau bụng: Lúc đầu trẻ chỉ đau âm ỉ nhưng sau đó tăng dữ dội và cơn đau khiến bé không chịu nổi, la khóc nhiều.
- Thời gian đau bụng: Trẻ bị viêm ruột thừa cơn đau sẽ tiến triển nhanh, dễ gặp nguy hiểm và thường vỡ trong vòng 48 giờ gây ra những cơn đau dữ dội khắp bụng trẻ.
Rối loạn chức năng tiêu hóa
Ngoài đau bụng, khi bị viêm ruột thừa trẻ sẽ bị rối chức năng tiêu hóa với các triệu chứng như sau:
- Chán ăn, biếng ăn: Trẻ bị viêm ruột thừa sẽ bị chán ăn, bỏ bữa và thường bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Cha mẹ cần xem xét và để ý thật kỹ xem trẻ có bi viêm ruột thừa hay không.
- Buồn nôn, nôn: Đây là triệu chứng dễ gặp, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi.
- Tiêu chảy hoặc táo bón: Triệu chứng này ít gặp hơn nôn.
- Bí trung, bí đại tiện: Rất khó phát hiện và phát hiện sau khi bệnh đã tiến triển nặng.
- Dấu hiệu ở đường tiết niệu: Trẻ tiểu khó, tiểu buốt khi bắt đầu xuất hiện biến chứng.
Triệu chứng toàn thân
Khi bệnh xuất hiện trẻ sẽ bị mệt mỏi, thường xuyên lừ đừ, sốt và môi khô, lưỡi dơ,… Sốt ở giai đoạn đầu sẽ nhẹ và khi xảy ra biến chứng thì sốt cao hơn, dễ bị co giật, sốc phản vệ.
Sưng vùng bụng dưới
Sưng tấy vùng bụng cũng là triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em. Cha mẹ, bác sĩ có thể chạm vào bụng dưới của trẻ và quan sát xem trẻ có bị đau hay khó chịu không. Những trẻ từ 7 – 12 tuổi thường dễ mắc bệnh, do ruột thừa bị tắc nghẽn và nhiễm trùng từ ổ bụng di chuyển vào.
Nếu trẻ đau bụng dữ dội và thường xuyên, đau khi hít thở, di chuyển, ho hoặc hắt hơi thì có khả năng cao trẻ đã mắc bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ từ 2 – 5 tuổi cũng kèm đau dạ dày, ngủ không ngon nên cha mẹ cũng cần chú ý những triệu chứng này để chẩn đoán bệnh.
Viêm ruột thừa ở trẻ em có gây nguy hại không?
Viêm ruột thừa ở trẻ em có nguy hiểm không được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Theo đó, nếu như phát hiện sớm và điều trị đúng cách, trẻ sẽ phục hồi sức khỏe, không quá nguy hại đến tính mạng.
Tuy nhiên nếu như để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách ruột thừa sẽ bị thủng, vỡ, hoại tử, bị áp xe, nhiễm trùng máu,… Đây là những biến chứng vô cùng nguy hiểm gây khó khăn trong chữa trị và tăng nguy cơ tử vong.
Hướng dẫn chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Mỗi trẻ bị bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau nên bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sỏi thận.
- Nhiễm trùng đường ruột.
- Viêm dạ dày.
- Viêm dạ dày ruột.
- Bệnh Crohn.
- Các vấn đề về túi mật.
Thông thường, bác sĩ sẽ dùng tay ấn lên vùng bụng dưới bên phải để kiểm tra xem có bị đau hay không. Sau đó sẽ hỏi thêm vài câu hỏi về triệu chứng mà trẻ gặp phải. Nếu trẻ có biểu hiện của bệnh viêm ruột thừa bác sĩ sẽ thực hiện thêm vài kiểm tra để xác định xem trẻ có bị viêm ruột thừa thật sự hay không.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được làm đầu tiên để xác định xem trẻ có bị nhiễm trùng hay không.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu giúp xác định trẻ có bị nhiễm trùng thận hay bàng quang hay không. Nếu có một số protein nhất định trong nước tiểu thì sẽ xác định được trẻ bị viêm ruột thừa hoặc không.
- Siêu âm bụng: Siêu âm bụng giúp phát hiện những bất thường xung quanh ruột thừa.
- Chụp MRI hoặc CT: 2 kỹ thuật này giúp quan sát xem ruột thừa có bị viêm hay không, nếu nguy hiểm thì có thể phẫu thuật ngay để tránh biến chứng.
Cách điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em hiệu quả
Tùy vào tình hình sức khỏe của trẻ, mức độ nặng nhẹ của viêm ruột thừa mà bác sĩ sẻ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Điều trị trước mổ
Với những bệnh nhân bị viêm ruột thừa chưa có biến chứng, cách điều trị sẽ là:
- Cố gắng phẫu thuật cho trẻ càng sớm càng tốt.
- Dùng kháng sinh dự phòng liều trước mổ 30 – 60 phút: Cephalosporin thế hệ 1, 2 hoặc beta-lactam cùng ức chế beta-lactamase.
Nếu bị viêm ruột thừa có biến chứng thì xử lý theo cách sau:
- Kháng sinh phổ rộng dùng đường toàn thân, cho cả gram âm và yếm khí kết hợp cùng kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 cùng Metronidazole +/- Aminoglycosides.
- Bồi hoàn nước điện giải, thông dạ dày, thông tiểu, thăng bằng kiềm toan.
Phẫu thuật chữa bệnh
Trong một số trường hợp bệnh nặng, phẫu thuật được chỉ định để tránh những biến chứng nguy hiểm, tránh ảnh hưởng đến tính mạng.
Mổ hở
- Viêm ruột thừa ở trẻ em chưa có biến chứng: Vào bụng theo Mac Burney hay Rocky Davis và cắt ruột thừa không vùi gốc.
- Viêm phúc mạc khu trú: Vào bụng theo Mac Burney hoặc đường ngang hố chậu phải, cắt ruột thừa và lau rửa bụng, dẫn lưu ổ bụng.
- Viêm phúc mạc toàn thể: Vào bụng theo đường ngang ở hố chậu phải, cắt ruột thừa rửa và tiến hành dẫn lưu ổ bụng.
Phẫu thuật nội soi
- Kỹ thuật này khá hiện đại, quan sát được toàn bộ ổ bụng, vết mổ cũng nhỏ, ít gây đau, thời gian nằm viện ngắn và ít để lại biến chứng.
- Phẫu thuật nội soi không chỉ định cho viêm phúc mạc toàn thể có dấu hiệu chứng bụng nhiều.
Sau khi mổ
- Sau khi hoàn thành ca mổ vẫn tiếp tục cho trẻ dùng kháng sinh 5 – 7 ngày và khi lâm sàng ổn định trong viêm ruột thừa có biến chứng. Bác sĩ hướng dẫn cho trẻ ăn lại sau 24 giờ với bệnh nhân viêm ruột thừa có khu trú.
- Nếu dẫn lưu nên rút sớm sau 24 – 48 giờ và ăn lại khi có nhu động ruột với viêm phúc mạc toàn thể.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm ruột thừa
Nếu trẻ có những biểu hiện của bệnh thì tạm thời không cho trẻ ăn uống nhiều, đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
- Tùy theo tình trạng sức khỏe, thường sau 6 tiếng trẻ có thể ăn lại bình thường. Hãy cho trẻ ăn cháo, súp, cơm mềm, canh khoai tây.
- Sau giai đoạn đầu, hãy bổ sung thêm các thức ăn khác giàu đạm, vitamin C và chất xơ.
- Hãy cho trẻ ăn đủ chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và chất bột đường.
Viêm ruột thừa ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm. Vậy nên ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra sớm để được xử lý đúng cách, tránh ảnh hưởng đến tính mạng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!