Đái máu là tình trạng trong nước tiểu có lẫn một lượng hồng cầu bất thường. Đôi khi người bệnh chỉ bị tiểu máu đơn thuần nhưng ở một số trường hợp còn lẫn mủ, dưỡng chất nên gây ra mùi hôi khó chịu. Khi gặp những triệu chứng này bệnh nhân cần được chẩn đoán tìm nguyên nhân và điều trị theo phác đồ phù hợp.
Đái máu là gì?
Đái máu tiếng Anh là hematuria – thuật ngữ chỉ tình trạng nước tiểu lẫn hồng cầu bất thường. Khi đó, tùy thuộc vào mức độ tiểu máu nặng hay nhẹ mà nước tiểu của bệnh nhân có thể lẫn các sợi máu hoặc không. Y học chia đái máu thành 2 thể:
- Đái máu đại thể: Nước tiểu có lẫn hồng cầu nên có màu đỏ sẫm, dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.
- Đái máu vi thể: Quan sát bằng mắt không thấy nước tiểu bất thường, chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm tế bào học nếu kết quả cho thấy có nhiều hơn 10.000 hồng cầu/ml nước tiểu.
Căn nguyên gây bệnh
Nguyên nhân gây đái máu tương đối đa dạng, bao gồm cả các yếu tố sinh lý và bệnh lý. Cụ thể:
Tác dụng của thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, lợi tiểu,… cũng có thể khiến bệnh nhân đái máu:
- Thuốc kháng sinh: Penicillin và dẫn chất, rifampin, sulfamid, cephalosporin… có thể khiến bệnh nhân tiểu ra máu nhưng chỉ kéo dài trong vài ngày, sau khi ngưng thuốc thì nước tiểu trở về bình thường.
- Thuốc giảm đau và kháng viêm: Aspirin, NSAID, aminosalicylic acid gây tình trạng tiểu máu không liên tục, sẽ tự hết sau khi dừng thuốc vài ngày.
- Thuốc lợi tiểu: Ethacrynic Acid, Thiazides, Furosemid gây ra các triệu chứng tương tự như nhóm thuốc kháng sinh.
- Thuốc chống đông: Điển hình là Warfarin (Coumadin) có thể gây đái máu.
- Một số loại thuốc khác: Ifosfamide, Cyclophosphamide khiến bàng quang xuất huyết từ đó gây nên hiện tượng đái máu.
Do bệnh niệu đạo – tuyến tiền liệt
Các vấn đề liên quan đến niệu đạo, tuyến tiền liệt là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng đái máu ở bệnh nhân. Cụ thể:
- Ở nam giới: Phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt. Những bệnh lý này khiến phái mạnh tiểu khó, tiểu rắt, tiểu són, nước tiểu lẫn máu.
- Ở phụ nữ: Đái máu do polyp niệu đạo là phổ biến nhất.
Do bệnh bàng quang
Nếu chứng đái máu xuất hiện do vấn đề ở bàng quang sẽ khiến bệnh nhân tiểu khó, có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, dấu hiệu bàn tay khai. Nguyên nhân cụ thể được phát hiện nhờ siêu âm.
- Ở nam giới: Tình trạng phổ biến nhất là các u nhú.
- Ở phụ nữ trẻ: Viêm bàng quang do virus gây tiểu máu, tiểu rắt, tiểu khó. Các triệu chứng này thường kéo dài trong 2-3 ngày và không tái phát.
Bệnh lý về thận
Tình trạng tiểu máu có thể do nhiều bệnh lý liên quan đến thận gây nên. Điển hình là:
- Sỏi thận: Là bệnh lý thường gặp nhất, bên cạnh tiểu máu bệnh nhân còn xuất hiện cơn đau mạn sườn, kết quả siêu âm cho thấy sỏi thận.
- Lao thận: Thường gây ra tình trạng đái máu vi thể, tiểu máu cuối bãi, tiểu lắt nhắt.
- Ung thư thận: Bệnh nhân bị tiểu ra máu nhiều, không gây đau đớn, ở hố chậu phải sờ thấy u.
- Thận đa nang: Kèm theo triệu chứng tiểu máu bệnh nhân còn bị đau thắt lưng, phát hiện thấy khối u vùng hố chậu qua thăm khám.
- Viêm cầu thận cấp: Tiểu máu vi thể, tiểu ít hoặc vô niệu, nhiễm trùng da, sốt, hai bên thắt lưng đau.
- Nhồi máu thận: Đái máu, đái ít, xuất hiện cơn đau thắt lưng đột ngột ở một bên.
- Viêm thận – bể thận: Tiểu máu, tiểu mủ, tiểu lắt nhắt, vùng dưới rốn đau nhức, huyết áp bình thường.
Một số bệnh lý, yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân trên, đái máu còn có thể do các bệnh lý hoặc yếu tố sau:
- Bệnh lý sán máng bể thận.
- Các chấn thương vùng chậu hoặc thắt lưng.
- Vỡ thận.
- Bệnh Berger, hội chứng Alport.
- Các vấn đề bên ngoài hệ tiết niệu như viêm nội tâm mạc bán cấp, tạng xuất huyết, bệnh bạch cầu, sốt rét, bệnh giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu…
Trong một vài trường hợp, chứng đái máu xuất hiện sau khi bệnh nhân vận động mạnh như đấm bốc, bơi lội, đá bóng… nhất là các vận động viên thường xuyên chạy đường dài (số bệnh nhân là VĐV marathon bị tiểu máu sau khi về đích lên đến 18%). Tuy nhiên, tình trạng tiểu máu do vận động mạnh sẽ khỏi hẳn sau khoảng 24-48, không có nguyên nhân tiềm tàng gây bệnh.
Chẩn đoán đái máu
Phương pháp chẩn đoán chứng đái máu được chia thành 3 nhóm chính là chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và chẩn đoán nguyên nhân.
Chẩn đoán xác định
Phát hiện hồng cầu trong nước tiểu người bệnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tùy thuộc vào đái máu đại thể hay vi thể mà tình trạng bệnh sẽ được phát hiện thông qua quan sát bằng mắt thường hay xét nghiệm tế bào học.
Triệu chứng lâm sàng
Tùy thuộc vào nguyên nhân đái máu mà bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng tương ứng:
- Nước tiểu có màu đỏ hồng, lẫn các sợi máu nhỏ hoặc không.
- Cảm giác buốt khi đi tiểu, tiểu khó, tiểu rắt, tiểu ngắt quãng và bí tiểu.
- Bệnh nhân sốt, rét run hoặc không.
- Xuất hiện cơn đau quặn vùng thận, hố thắt lưng đau (1 hoặc cả 2 bên).
- Khu vực bàng quang có cảm giác đau tức, nóng rát.
Cận lâm sàng
Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định làm xét nghiệm nước tiểu nhằm xác định nồng độ hồng cầu và phân chia bệnh thành mức độ phù hợp. Để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh, cần làm thêm một số xét nghiệm thăm dò như:
- Tế bào niệu nhằm phát hiện tế bào ác tính.
- Cấy vi khuẩn.
- Siêu âm toàn bộ hệ thận – tiết niệu.
- Chụp vùng bụng.
- Protein niệu 24 giờ.
- Nội soi bàng quang
- Chụp bể thận ngược dòng.
- Chụp cắt lớp vi tính.
- Chụp mạch.
- Làm sinh thiết thận (qua hiển vi quang học và miễn dịch huỳnh quang).
Chẩn đoán phân biệt
Được thực hiện thông qua các xét nghiệm cũng như quan sát bằng mắt thường. Từ đó phân biệt đái máu với tiểu máu sinh lý (thực phẩm, sử dụng thuốc, kinh nguyệt…).
Nước tiểu đỏ không phải bệnh đái máu:
- Thức ăn: Củ dền, rau dền, các loại phụ gia thực phẩm…
- Một số thuốc metronidazol, rifampicin…
Nước tiểu lẫn máu: Xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt của nữ giới.
Myoglobin niệu: Tế bào cơ bị phá hủy, Myoglobin xuất hiện trong nước tiểu khi nồng độ máu tăng.
Hemoglobin niệu: Sự tan rã thâm của các tế bào máu khiến cho nước tiểu có màu đỏ đậm. Khi triệu chứng Hemoglobin niệu phát triển nhanh bệnh nhân còn bị đau nhức khớp, nôn và buồn nôn, đau đầu, sốt.
Chẩn đoán nguyên nhân
Biện pháp này nhằm tìm ra các nguyên nhân có thể gây đái máu. Chúng bao gồm:
Đái máu do nguyên nhân tiết niệu
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên đái máu, tuy nhiên cần tuyệt đối cảnh giác với các khối u thận – tiết niệu, rất có thể chúng là căn nguyên làm cho nước tiểu lẫn hồng cầu bất thường.
- Đái máu do sỏi: Sỏi thận, sỏi tiết niệu.
- Đái máu do khối u: U biểu mô tiết niệu, u nhu mô thận, u bàng quang, u tuyến tiền liệt.
- Đái máu do nhiễm trùng, đường tiết niệu bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus.
- Đái máu do chấn thương: Tổn thương vùng hạ vị, thắt lưng hoặc niệu đạo.
Đái máu do vấn đề ở thận
- Viêm cầu thận cấp, mạn tính.
- Viêm kẽ thận.
- Các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu như thận đa nang, niệu quản đôi, thận móng ngựa.
Đái máu do nguyên nhân hiếm gặp
- Nghẽn tắc mạch thận.
- Tắc tĩnh mạch chủ.
- Sán máng.
Phương pháp điều trị
Nếu chứng đái máu xuất hiện do chất tạo màu thực phẩm, các loại thuốc hoặc vận động mạnh sẽ có xu hướng tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này do bệnh lý gây nên thì cần phải điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh.
Nguyên tắc chung trong điều trị đái máu là cần loại bỏ triệu chứng, giảm bớt tác động đến sức khỏe bệnh nhân sau đó mới điều trị nguyên nhân.
Điều trị triệu chứng
Để loại bỏ các triệu chứng do tiểu máu gây nên, tùy từng trường hợp mà bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa hoặc thực hiện một số can thiệp ngoại khoa nhất định.
Biện pháp nội khoa
Trong điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giúp loại bỏ triệu chứng đái máu ở bệnh nhân. Bao gồm:
- Dùng thuốc cầm máu transamin đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh sulfamid, quinolon nếu phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng. Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng, kết quả cấy vi khuẩn máu và nước tiểu của bệnh nhân bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
- Trường hợp bệnh nhân mất quá nhiều máu thì biện pháp truyền máu có thể được chỉ định.
Can thiệp ngoại khoa
Đối với những trường hợp phát hiện tắc nghẽn đường tiểu do có các cục máu thì bệnh nhân sẽ được can thiệp ngoại khoa để dẫn lưu, lấy cục máu ở bàng quang. Can thiệp này cần được thực hiện trước khi áp dụng các biện pháp điều trị nguyên nhân.
Điều trị nguyên nhân
Căn cứ vào nguyên nhân gây đái máu ở mỗi bệnh nhân mà biện pháp điều trị sẽ được chỉ định phù hợp. Phổ biến nhất là:
- Sỏi thận, sỏi tiết niệu: Mổ lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi loại bỏ sỏi.
- Viêm cầu thận cấp và mãn tính: Sử dụng thuốc loại bỏ viêm, ngăn chặn tổn thương lan rộng.
- Khối u: Chọc dịch xét nghiệm xác định tính chất khối u, sau đó đưa ra biện pháp cụ thể.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Cắt u phì đại, loại bỏ nguy cơ viêm nhiễm.
Phòng tránh đái ra máu
Tiểu máu là triệu chứng bất thường ở đường tiết niệu, có thể gây nguy hại cho sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do vậy mỗi người cần chủ động phòng tránh bằng cách:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tránh ăn mặn, đồ cay nóng.
- Uống nhiều nước mỗi ngày, tối thiểu nên uống 1,5-2 lít.
- Chăm chỉ luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật.
- Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các vấn đề bất thường.
Đái máu do bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nếu không được can thiệp sớm. Do vậy, các bác sĩ cần phải nắm bắt các triệu chứng điển hình cũng như phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân một cách hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!