Chụp cộng hưởng từ khớp vai (MRI khớp vai) là một trong những thủ thuật được thực hiện bởi máy từ trường cùng các xung năng lượng vô tuyến, qua đó thu về hình ảnh của khớp vai. Đây là kỹ thuật chẩn đoán có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực tiễn khám chữa bệnh và được các bác sĩ, chuyên gia đánh giá cao về độ chính xác.
Khái quát chung
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khớp vai (MRI khớp vai) được thực hiện bởi một thiết bị sử dụng từ trường và các xung năng lượng sóng vô tuyến. Qua đó thu về hình ảnh vai, cơ bắp, dây chằng, sụn cùng các khớp khác một cách chi tiết. Trong nhiều trường hợp, MRI còn cho thấy cấu trúc cơ thể rõ nét mà các kỹ thuật như chụp X-Quang, CT Scan không thể cung cấp.
Trong thủ thuật này, vai cần chụp được đặt bên trong nam châm tại vị trí chịu từ trường mạnh nhất. Sau đó, hình ảnh thu được sẽ truyền thẳng vào máy tính để phân tích, chẩn đoán kết luận. Với một vài trường hợp đặc biệt, các hình ảnh này có thể quan sát từ xa (ví dụ ở phòng khám, phòng phẫu thuật) nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các vật liệu tương phản cũng có thể được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khớp vai khi chụp cộng hưởng từ. Điều này giúp hiển thị các cấu trúc cơ, khớp một cách rõ ràng nhất ở hình ảnh thu được. Bởi đa phần những vật liệu được sử dụng giúp kiểm tra lưu lượng máu, phát hiện khối u, ổ viêm, nhiễm trùng… tương đối chính xác.
Chỉ định cộng hưởng từ khớp vai:
- Bệnh nhân đau vai không rõ nguyên nhân (không bị va đập, không có tiền sử bệnh xương khớp).
- Phát hiện các bệnh lý ở vai như rách dây chằng, viêm khớp, u xương, sụn mòn, rách gân, nhiễm trùng.
- Phát hiện rối loạn vòng quay (rách hoặc vướng kẹt).
- Chẩn đoán gãy xương khi đã chụp X-Quang những kết quả không rõ ràng.
Quy trình thực hiện
Thủ thuật cộng hưởng từ khớp vai được thực hiện bởi kỹ thuật viên MRI, hình ảnh thu được sẽ do một bác sĩ X-Quang giải thích. Trong một số trường hợp, các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cũng có thể diễn giải kết quả hình ảnh.
Toàn bộ quy trình MRI khớp vai thường diễn ra trong khoảng 30-60 phút nhưng đôi khi có thể kéo dài đến 2 giờ với 4 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
- Tiếp nhận giấy yêu cầu MRI khớp vai của bác sĩ lâm sàng.
- Bệnh nhân đi vệ sinh trước khi chụp cộng hưởng từ vai.
- Giải thích quy trình thực hiện kỹ thuật, yêu cầu người bệnh tháo bỏ tất cả các vật kim loại trên người như: Trang sức, răng giả, máy trợ thính, kẹp tóc, đồng xu, thẻ ngân hàng…
- Người bệnh điền vào bản cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật chẩn đoán.
- Cung cấp cho bệnh nhân nút tai để bảo vệ.
- Đặt đường truyền tĩnh mạch trước khi chụp (nếu cần thiết).
Bước 2: Vào tư thế chụp
- Người bệnh nằm lên bàn chụp ở tư thế hai chân duỗi thẳng, lòng bàn tay bên vai cần chụp ngửa và duỗi thẳng.
- Vai cần chụp đặt vào coil, nệm chêm lót được kê vào vai và hông đối diện để lưng tạo với mặt bàn một góc 20 độ.
- Dùng bao cát đệm mút cố định tay bệnh nhân.
Bước 3: Tiến hành chụp
- Chụp khớp vai ở các mặt cắt hướng trán – chếch song song trục dọc khớp, hướng đứng dọc – chech song song góc trục dọc khớp và hướng ngang. Chuỗi xung SE, chuỗi xung hóa mỡ thường được khảo sát hơn cả.
- Cân nhắc việc tiêm đối quang vào ổ khớp nhằm đánh giá tình trạng sụn viền ổ khớp.
- Khảo sát việc tiêm đối quang từ với trường hợp có liên quan đến bệnh lý viêm nhiễm, u hoặc sau phẫu thuật.
Bước 4: Kết thúc thăm khám
- Bệnh nhân được hướng dẫn ra ngoài chờ kết quả chụp MRI.
- Kỹ thuật viên in phim.
Cộng hưởng từ khớp vai có gây đau đớn không?
Khi thực hiện thủ thuật MRI vai, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn do từ trường hoặc sóng vô tuyến. Đa số các bệnh nhân sau khi thực hiện kỹ thuật chẩn đoán này chỉ gặp các tình huống như sau:
- Cảm giác bàn nằm của máy cứng.
- Không khí bên trong máy quét mát, dường như đang chuyển động do có một chiếc quạt.
- Có tiếng ồn hoặc tiếng gõ khi chụp, đây cũng chính là lý do mà bệnh nhân phải đeo tai nghe để giảm tiếng ồn.
- Bệnh nhân mệt mỏi hoặc đau ở vị trí nào đó do phải nằm trong một tư thế suốt thời gian dài.
- Nếu MRI khớp vai sử dụng vật liệu tương phản thì bệnh nhân sẽ thấy mát khi nó được đưa vào tĩnh mạch.
- Với bệnh nhân hàn, trám răng bằng vật liệu kim loại có thể xuất hiện cảm giác ngứa ran.
- Trường hợp buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, nóng rát, khó thở thì cần báo ngay với kỹ thuật viên.
Rủi ro khi chụp cộng hưởng từ khớp vai
Thực tế chưa ghi nhận trường hợp nào chịu các tác động sau khi chụp MRI khớp vai. Tuy nhiên, do thiết bị được sử dụng là máy từ trường nên có thể gây ảnh hưởng đến máy tạo nhịp tim, chân tay giả hoặc những thiết bị y tế bằng sắt. Nếu người bệnh không tháo bỏ hết các vật có chứa kim loại khi chụp MRI có thể gây ra một số thiệt hại nhất định.
Các phản ứng có thể xảy ra:
- Trường hợp mắt bệnh nhân dính dị vật là kim loại có thể gây hỏng võng mạc.
- Một số sắc tố từ hình xăm, bút kẻ mắt có thể dẫn tới kích ứng da hoặc mắt.
- Những bệnh nhân có miếng dán thuốc trên người có thể bị bỏng. Do vậy, cần nói với kỹ thuật viên chụp MRI nếu đang sử dụng một miếng dán.
- Một số bệnh nhân có nguy cơ dị ứng khi sử dụng vật liệu tương phản trong MRI. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đều là phản ứng nhẹ và có thể được điều trị bằng thuốc.
- Nhiễm trùng tại vị trí tiêm vật liệu tương phản vào tĩnh mạch (hiếm xảy ra).
Các trường hợp không được tiêm vật liệu tương phản:
- Đối tượng đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
- Những người đang có vấn đề liên quan đến thận.
- Bệnh nhân đã tham gia trên một thủ thuật sử dụng gadolinium. Tuy đây là loại thuốc tương phản an toàn đã được Bộ Y tế Canada thông qua nhưng cũng cần xác định rõ để tránh rủi ro không mong muốn.
- Tuy thuốc phản quang ít khi truyền vào sữa mẹ, nhưng nếu lo lắng hãy báo với kỹ thuật viên về việc đang cho con bú. Nếu còn băn khoăn bệnh nhân có thể lưu trữ sữa đủ dùng trong 1-2 ngày sau khi thực hiện MRI khớp vai có dùng thuốc phản quang.
Kết quả MRI khớp vai và ý nghĩa lâm sàng
Phim MRI khớp vai thường được in ngay sau khi thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên, bác sĩ cần có thời gian thảo luận về kết quả và sẽ thông báo chính xác đến bệnh nhân sau 1-2 ngày.
Phim chụp bình thường:
- Cơ, gân, xương và khớp bình thường cả về kích thước, hình dáng và vị trí.
- Không phát hiện sự tăng trưởng của khối u.
- Không có dấu hiệu rách sụn, gãy xương, lỏng lẻo của cấu trúc xương.
- Rách hiện diện hoặc không có thương tích vòng quay.
- Các dấu hiệu viêm, nhiễm trùng hoàn toàn không có.
Phim chụp bất thường:
- Có sự tăng trưởng của khối u, ổ viêm, nhiễm trùng trong xương hoặc khớp.
- Dịch bị tích tụ, là dấu hiệu quả sự nhiễm trùng.
- Dây chằng gân, sụn bị tổn thương.
- Xương và khớp bị tổn thương (đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý hoặc do gãy xương).
Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả chụp cộng hưởng từ khớp vai
Cộng hưởng từ khớp vai cho kết quả hình ảnh chính xác, là căn cứ quan trọng trong việc chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu có sự tác động của một số yếu tố, người bệnh sẽ không thể tiến hành thủ thuật hoặc đã làm nhưng cho kết quả không hữu ích:
- Thiết bị có chất liệu kim loại nằm ở vai, ngực trong các cuộc phẫu thuật trước đó. Chúng có thể làm hình ảnh MRI khớp vai bị mờ, khiến bác sĩ khó chẩn đoán hình ảnh.
- Một số thiết bị y tế có yếu tố điện từ như máy tạo nhịp tim, bơm tiêm thuốc… khi vào máy MRI có thể phát sinh những vấn đề bất thường.
- Bệnh nhân không thể nằm yên trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.
- Người bị béo phì, thừa cân không phù hợp với kích thước của các máy MRI tiêu chuẩn.
Đôi khi kết quả chụp cộng hưởng từ khớp vai có thể khác biệt với các hình ảnh chụp CT, X-Quang vì máy quét MRI cho kết quả hình ảnh cụ thể hơn. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nội soi khớp nhằm đánh giá chi tiết hơn những tổn thương ở khớp vai.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!