Hội chứng nôn trớ rất dễ gặp ở trẻ nhỏ và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này không quá nguy hiểm đến tính mạng của bé nhưng không vì thế mà cha mẹ chủ quan. Bài viết sau đây sẽ thông tin chi tiết đến bạn đọc những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị hội chứng này.
Hội chứng nôn trớ là gì?
Nôn là tình trạng thức ăn ở trong dạ dày hoặc ruột bị đẩy ra bên ngoài do sự co bóp của cơ trơn dạ dày ruột, cùng với đó là sự co thắt của cơ vân thành bụng. Trong khi đó, tình trạng trớ ở trẻ nhỏ là luồng thức ăn trào ngược đơn thuần sau khi ăn, nguyên nhân chủ yếu là do thực quản và không có sự co thắt của các cơ vân.
Các nguyên nhân gây tình trạng nôn trớ ở trẻ
Nguyên nhân gây tình trạng này gồm có nguyên nhân ngoại khoa và nguyên nhân nội khoa.
Nguyên nhân ngoại khoa
- Trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh như thực quản hẹp, ngắn, giãn to hơn bình thường.
- Trẻ bị lồng ruột cấp, hẹp phì đại môn vị.
- Một số trẻ bị thoát vị bẹn nghẹt, xoắn ruột, tắc ruột hay bán tắc ruột.
- Bệnh nhi cũng có thể bị nôn trớ do các cấp cứu ngoại khoa: VFM, VRT, tắc ruột do giun, bã thức ăn.
- Trẻ bị thoát vị cơ hoành, tắc tá tràng, hẹp tá tràng, phình đại tràng bẩm sinh,…
Các nguyên nhân nội khoa
Có nhiều nguyên nhân nội khoa gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gây nôn trớ tại đường tiêu hóa:
- Sai lầm khi cho trẻ ăn uống.
- Bé bị nhiễm khuẩn tại đường tiêu hóa.
- Trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng, luồng trào ngược dạ dày thực quản.
- Dị ứng với protein sữa bò, celica, trứng,…
- Một số bé bị táo bón.
Các nguyên nhân nội khoa khác:
- Trẻ bị nôn trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.
- Do bệnh lý thần kinh như: U não, xuất huyết não, màng não, viêm màng não,… gây ra.
- Nôn trong bệnh lý nội tiết chuyển hóa: Nôn chu kỳ, suy thận, rối loạn chuyển hóa acid amin, hội chứng sinh dục thượng thận,….
- Nôn vì ngộ độc, nguyên nhân tâm thần,…
Các triệu chứng hội chứng nôn trớ
Khi trẻ bị nôn trớ, có thể nhận thấy những dấu hiệu tại đường tiêu hóa như sau:
- Dấu hiệu bụng ngoại khoa: Quai ruột nổi, bụng trướng, khối lồng, u cơ môn vị, dấu hiệu rắn bò,…
- Bí trung đại tiện.
- Chất nôn: Thường là sữa mới bú, sữa vón cục, dịch vàng, có thể xuất hiện máu.
- Phân lỏng hoặc táo bón hoặc kèm máu.
- Bị xuất huyết tiêu hóa.
Ngoài ra, các triệu chứng lâm sàng cũng có thể gặp như:
- Toàn thân bị mất nước, rối loạn điện giải, có biểu hiện nhiễm khuẩn.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương và kém phát triển.
- Rối loạn tiêu hóa, có sự biến đổi bộ phận sinh dục.
- Dấu hiệu của bệnh về não.
Các xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng nôn trớ
Thực hiện các xét nghiệm xác định hậu quả của nôn như dùng điện giải đồ, ceton niệu, xét nghiệm công thức máu. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm xác định nguyên nhân gây nôn bằng việc chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tìm nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, tìm nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa,…
- Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ dùng X-quang bụng không chuẩn bị nếu nghi ngờ tắc ruột. Ngoài ra, có thể siêu âm ổ bụng, tiến hành nội soi dạ dày thực quản và chụp lưu thông dạ dày thực quản.
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân nhiễm khuẩn: Trẻ sẽ được thực hiện các xét nghiệm như: Xét nghiệm công thức máu, soi phân, cấy phân, khám tai mũi họng, cấy máu, soi cặn nước tiểu,…
- Tìm nguyên nhân chuyển hóa và nhiễm độc: Bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm qua đường máu, ure máu, dùng acid lactic hoặc ceton niệu, albumin niệu,…
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân về tâm thần: Trẻ cần được thực hiện các xét nghiệm như sinh hóa, cấy dịch não tủy. Bác sĩ thực hiện chụp sọ, điện não đồ, soi đáy mắt, CT scanner, khám chuyên khoa tâm thần,…
Khi nào hội chứng nôn trớ ở trẻ nhỏ nguy hiểm?
Nhìn chung, tình trạng này không quá nguy hiểm và sẽ hết dần khi chăm sóc trẻ đúng cách. Tuy nhiên nếu thấy những hiện tượng sau đây thì chứng tỏ hội chứng nôn trớ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
- Nôn gây mất nước, da tái xanh, thóp phồng, tri giác bị rối loạn.
- Trẻ bị đau bụng, bí trung tiện, chướng bụng.
- Phân có máu.
- Nôn thường xuyên và liên tục.
- Nôn có máu, mật, thậm chí kèm phân.
- Trẻ không chán ăn, không thể ăn hoặc uống được.
Phương pháp điều trị trẻ bị nôn trớ
Tình trạng nôn trớ ở trẻ có thể tự hết nhưng cũng có thể cần can thiệp các biện pháp điều trị ngoại khoa. Bác sĩ có thể chỉ định xử lý theo nguyên nhân hoặc điều trị nội khoa, tùy theo tình trạng sức khỏe của bé và nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Điều trị theo nguyên nhân
Phương pháp này chính là xứ lý hội chứng nôn trớ theo nguyên nhân gây ra.
- Nếu trẻ bị nôn do bị viêm họng liên cầu thì cần dùng đến các loại kháng sinh như Penicillin hoặc Cephalexin hay Erythromycin.
- Nếu trẻ bị nôn vì bệnh viêm ruột thừa, viêm tắc ruột hay tắc lồng ngực thì cần có phương pháp phẫu thuật kịp thời, an toàn.
Điều trị nội khoa
Hội chứng nôn trớ có tính chất nội khoa thì tình trạng nôn sẽ chấm dứt sau 8 – 12 tiếng nếu cha mẹ có cách xử trí đúng. Thông thường, các bước xử trí phổ biến gồm:
- Cho bé tạm ngưng bú sữa mẹ cũng như những loại sữa khác dùng cho bé, với trẻ lớn hơn thì ngừng dùng các loại thức ăn đặc.
- Cho bé uống nước theo từng thìa hoặc từng ngụm.
- Nếu trẻ nôn nhiều gây mất nước nặng thì có thể bù nước bằng đường tĩnh mạch, bù thêm điện giải.
- Sau 8 – 12 giờ, nếu trẻ không nôn thì có thể cho dùng thức ăn đặc.
- Sau 12 – 24 giới, trẻ không nôn thì có thể bú sữa mẹ hoặc sữa bột trở lại. Cha mẹ có thể cho bé dùng sữa tác bơ bán phần trong vòng 12 giờ đầu hoặc dùng sữa có bơ hoàn toàn.
- Bổ sung cho bé thêm thức ăn đặc, cho bé uống nước chậm nếu trẻ có khả năng giữ chúng.
- Tuyệt đối không dùng thuốc chống nôn cho trẻ khi chưa xác định được rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa trẻ bị nôn trớ
Trẻ bị nôn trớ sẽ quấy khóc nhiều, mệt mỏi và cũng khiến người lớn mệt mỏi, không biết phải làm sao. Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ gặp phải hội chứng nôn trớ.
Cách chăm sóc chung
Nhìn chung, khi bé bị nôn trớ những chăm sóc sau đây là cơ bản nhất:
- Khi trẻ bị nôn, dùng khăn sạch lau miệng, thay quần áo để tránh mùi cho chất nôn gây ra và tránh nhiễm khuẩn. Sau đó dùng một chiếc khăn khô khác đặt ở cổ của bé để hứng dịch nếu có.
- Khi trẻ đang bị nôn, không bế xốc trẻ vì như vậy sẽ khiến dịch nôn tràn vào phổi vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe của bé.
- Nới lỏng quần áo, tránh mặc đồ bó sát cho trẻ và cha mẹ có thể massage để bé thoải mái hơn ở vùng lưng.
- Đặt trẻ nằm kê cao đầu, thân trên cao hơn thân dưới để hạn chế trào ngược. Có thể đặt bé nằm nghiêng để tránh trớ sữa, sặc sữa lên mũi.
- Nếu trẻ bị nôn trớ khi đang ngủ hãy thường xuyên theo dõi, nằm cạnh bé để tránh chất nôn sót lại trong cổ họng khiến bé bị khò khè.
- Không nên để bé bú quá no, ăn quá nhiều.
- Nếu trẻ mới bú xong, không cho bé nằm ngay hoặc rung lắc mạnh, chơi đùa.
- Sau khi ăn, hãy bế trẻ và vỗ ợ hơi.
- Massage quanh rốn trẻ nhẹ nhàng để giảm co bóp dạ dày, hạn chế nôn trớ. Bạn hãy massage theo đường khung đại tràng để tăng nhu động ruột, giảm chướng bụng, buồn nôn.
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị hội chứng nôn trớ
Chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng để giúp trẻ hết nôn trớ cũng như sức khỏe tốt lên. Cha mẹ cần lưu ý:
- Sau khi trẻ hết nôn, cho bé uống nước hoặc chất điện giải với một lượng nhỏ trong 30 – 60 phút lặp lại.
- Nếu trẻ còn nôn, cho trẻ uống lần lượt 50ml nước pha cùng oresol, sau 30 phút thì cho trẻ uống 50ml nước lọc.
- Nếu trẻ hết nôn hẳn, cho bé bú mẹ trở lại hoặc uống sữa với lượng từ 80 – 100ml/3-4 giờ/lần.
Sau 12 – 24 giờ, tình trạng nôn trớ nếu hết hẳn thì có thể cho trẻ ăn uống trở lại và lưu ý:
- Cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, giảm lượng thức ăn trong mỗi bữa.
- Trẻ đã ăn dặm thì nên cho bé ăn thức ăn đặc hơn so với sữa mẹ.
- Nên cho bé ăn thức ăn dễ nuốt như sữa chua, ngũ cốc. Những thực phẩm này cũng có lợi cho đường tiêu hóa, rất dễ tiêu hóa.
- Bổ sung đủ nước khi bé bắt đầu ăn dặm.
Hội chứng nôn trớ ở trẻ nhỏ là tình trạng khá dễ gặp, đặc biệt là với những trẻ từ 3 – 12 tháng tuổi. Điều quan trọng nhất là cần xác định được nguyên nhân, tìm ra hướng xử lý đúng cách, kịp thời để tránh sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng, đồng thời nhanh chóng đẩy lùi những cơn nôn trớ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!