Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Làm thế nào để cải thiện tình trạng ợ hơi cho bé là một trong những vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm vì đây là hiện tượng xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những thông tin dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về nguyên nhân gây ợ hơi ở trẻ và biện pháp để khắc phục tình trạng này, tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Nguyên nhân gây ợ hơi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Ợ hơi, nôn trớ là hiện tượng xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh. Thông thường ợ hơi ở trẻ là triệu chứng sinh lý bình thường, tuy nhiên trong một số trường hợp nó cũng có thể xuất phát từ các bệnh lý đường tiêu hóa.

Ợ hơi, nôn trớ là hiện tượng xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh
Ợ hơi, nôn trớ là hiện tượng xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh.

Hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh. Nguyên nhân gây ợ hơi thường xuyên ở trẻ xuất phát từ các nguyên nhân sinh lý dưới đây:

  • Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ và dễ bị khí xâm nhập nên chỉ bú được ít sữa là đã căng đầy gây ợ hơi, nôn trớ.
  • Cơ thắt thực quản dưới của trẻ còn yếu, không làm tốt nhiệm vụ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Trong khi đó bộ phận môn vị ngăn thức ăn đi xuống ruột lại rất phát triển. Điều này khiến thức ăn ở lại dạ dày lâu; dễ gây ra hiện tượng ợ hơi và trào ngược.
  • Dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang, góc giữa thực quản và dạ dày là góc tù nên dễ dẫn đến trào ngược thức ăn hơn so với ở người lớn.

Ngoài các nguyên nhân sinh lý thông thường, chứng ợ hơi còn có thể báo hiệu cơ quan tiêu hóa của trẻ đang có các vấn đề bệnh lý như:

  • Trào ngược dạ dày.
  • Bé bị tiêu chảy nhiều dẫn tới mất chất điện giải gây chướng bụng, ợ hơi.
  • Bé bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột làm cho bụng bị căng chướng.
  • Bệnh phình đại tràng bẩm sinh hoặc táo bón lâu ngày khiến bé bị ứ hơi trong đường ruột, tạo điều kiện cho vi trùng sinh hơi trong đại tràng gây ra đầy bụng.
  • Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò nên khi sử dụng các loại sữa công thức gốc sữa bò sẽ gây ra ợ hơi, trào ngược.
Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ và dễ bị khí xâm nhập nên thường bị ợ hơi, nôn trớ sau ăn
Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ và dễ bị khí xâm nhập nên thường bị ợ hơi, nôn trớ sau ăn.

Ngoài ra, một số thói quen cho trẻ ăn của mẹ cũng có thể là nguyên nhân khiến chứng ợ hơi của trẻ xuất hiện thường xuyên gây khó chịu:

  • Cho bé bú no rồi đặt nằm ngang hoặc nghiêng bên phải.
  • Cho bé ăn dặm hoặc ăn cơm sớm.
  • Ép trẻ ăn quá no.
  • Cho trẻ ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, đồ nếp…

Với triệu chứng ợ hơi ở trẻ sơ sinh xuất phát từ nguyên nhân sinh lý, trẻ sẽ vẫn chơi đùa sau ăn, bú đều và lên cân tốt. Hơn nữa, hiện tượng này thông thường sẽ tự mất đi khi trẻ lên 1 tuổi. Ngược lại tình trạng ợ hơi, nôn trớ sau ăn ở trẻ kéo dài qua 1 tuổi; đồng thời trẻ gầy gò, biếng ăn, hay khò khè kéo dài và chậm tăng cân thì nhiều khả năng bé đã mắc các chứng bệnh đường tiêu hóa. Cha mẹ vì vậy nên theo dõi các biểu hiện ở trẻ để đưa bé đi khám và điều trị bệnh kịp thời.

Các cách đơn giản để chữa ợ hơi cho bé

Với triệu chứng ợ hơi do các nguyên nhân sinh lý thông thường, có nhiều biện pháp chăm sóc cha  mẹ có thể áp dụng để giúp bé giảm đầy bụng và cảm thấy dễ chịu hơn.

Cho trẻ ăn đúng cách

Cho trẻ ăn đúng cách có thể giúp giảm đáng kể tình trạng ợ hơi ở trẻ em. Dưới đây là một số vấn đề cha mẹ cần lưu ý:

  • Khi cho bé bú, hãy giữ đầu bé luôn cao hơn bụng để sữa dễ dàng trôi xuống dưới và khí trong dạ dày được đẩy lên trên. Điều này giúp bé có thể đẩy lượng khí thừa ra ngoài dễ dàng khi ợ hơi mà không bị khó chịu.
  • Nếu bé bú sữa mẹ, nên cho bé bú bầu bên trái trước rồi chuyển sang bú bầu bên phải, cách này cũng giúp sữa dễ dàng xuống dạ dày và hạn chế tình trạng ợ hơi, trào ngược sau ăn cho bé.
  • Nếu cho bé bú bình, cần nâng bình hơi dốc để sữa luôn ngập lỗ núm vú, đồng thời cho bé ngậm chặt núm vú để không bị nuốt khí vào dạ dày khi bú.
  • Không nên cho bé bú khi bé đang quấy khóc nhiều vì bé sẽ nuốt phải nhiều hơi hơn, dễ gây ra nôn trớ sau ăn.
  • Tập thói quen cho bé bú đúng cữ, đúng giờ. Khoảng cách giữa hai lần bú tối thiểu là 2 giờ và tối đa là 4-5 giờ.
  • Không nên cho trẻ ăn quá no và quá nhiều thức ăn một lúc, dạ dày của bé sẽ bị căng tức, dẫn đến đầy bụng, ợ hơi và nôn trớ.
Cho trẻ ăn đúng cách có thể giúp giảm đáng kể tình trạng ợ hơi nôn trớ
Cho trẻ ăn đúng cách có thể giúp giảm đáng kể tình trạng ợ hơi nôn trớ.

Vỗ ợ hơi cho bé

Sau khi cho bé ăn, cha mẹ có thể giúp bé đẩy lượng khí trong dạ dày ra bên ngoài bằng cách vỗ ợ hơi để bé cảm thấy dễ chịu hơn. Nên vỗ ợ hơi cho bé sau khi ăn khoảng 20 phút. Cha mẹ có thể thử các tư thế vỗ ợ hơi dưới đây để tìm ra cách làm bé dễ chịu nhất:

  • Tư thế bế vác: Mẹ bế vác bé trên vai, cho thân bé tựa vào ngực, đầu bé tựa vào vai mẹ. Bế bé bằng một tay, tay còn lại xoa lưng bé theo vòng tròn hoặc nhẹ nhàng vỗ lưng bé theo hướng từ dưới lên trên để giúp bé ợ hơi.
  • Tư thế ngồi: cho bé ngồi trên đùi mẹ và dùng một tay giữ đầu và ngực bé, tay còn lại xoa hoặc vỗ nhẹ lên lưng bé. Nên cho bé ngồi hơi nghiêng mình về phía trước sẽ giúp bé dễ dàng ợ hơi hơn.
  • Tư thế nằm sấp: bế bé nằm sấp trên cánh tay hoặc để bé nằm trên đùi mẹ (bụng bé đặt trên một bên chân và đầu nằm trên chân còn lại). Chú ý giữ cho đầu bé cao hơn ngực và bắt đầu thực hiện động tác vỗ ợ hơi cho bé.
Các tư thế vỗ ợ hơi cho bé
Các tư thế vỗ ợ hơi cho bé.

Khi vỗ ợ hơi cho con, cha mẹ cần chú ý thực hiện nhẹ nhàng. Vỗ mạnh tay không đem lại hiệu quả tốt hơn mà còn dễ làm trẻ sợ. Bên cạnh đó, nên lót một chiếc khăn sạch trên vai hoặc trên tay (tùy vào tư thế vỗ ợ hơi) vì rất có thể bé sẽ trớ ra một ít sữa trong quá trình vỗ ợ hơi. Đây là hiện tượng rất bình thường, cha mẹ không cần lo lắng.

Massage cho bé

Massage bụng là một cách rất hiệu quả để hạn chế việc trữ không khí trong bụng, giúp giảm tình trạng ợ hơi ở trẻ nhỏ. Cha mẹ thực hiện thao tác massage bằng cách nhẹ nhàng xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ bắt đầu từ phía trong rốn ra đến bên ngoài. Có thể massage bụng cho bé mỗi ngày, tuy nhiên chú ý không nên xoa bụng ngay khi bé vừa ăn xong.

Ợ hơi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hiện tượng hết sức bình thường. Cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp chữa ợ hơi cho bé trên đây để hạn chế tình trạng quấy khóc ở trẻ do khó chịu và đầy bụng. Nếu các biện pháp này không giúp cải thiện tình hình, bé vẫn bị ợ hơi, nôn trớ thường xuyên ảnh hưởng tới sức khỏe; cha mẹ nên đưa con đi khám để xác định nguyên nhân chính xác và có biện pháp khắc phục phù hợp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
kem-boi-tri-earth-mama
phac-do-dieu-tri-loet-da-day-hp
cach-chua-dau-da-day-bang-qua-dua
thuc-don-an-kieng-cho-nguoi-dau-da-day
dau-hieu-mat-nuoc-tren-benh-nhan-tieu-chay
chua-viem-dai-trang-co-that-bang-thuoc-nam
viem-dai-trang-cap-tinh
hanh-trinh-chua-khoi-benh-tri