Các dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy xuất hiện khi bệnh nhân bị ỉa chảy và nôn ói nhưng không được bù nước, điện giải dẫn đến sốc. Nhiều báo cáo y tế đã chỉ ra có tới hơn 70% số bệnh nhân bị tiêu chảy đã tử vong vì sốc mất nước do không được điều trị.
Các yếu tố đánh giá tình trạng mất nước do tiêu chảy
Để nhận biết dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy, các bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra các tiêu chí đánh giá tình trạng mất nước. Cụ thể bao gồm:
- Tri giác: Tỉnh táo, vật vã kích thích hay li bì khó đánh thức.
- Dấu mắt trũng: Mắt không trũng, mắt trũng hay mắt rất trũng.
- Dấu hiệu uống: Uống được, uống háo hức hay không uống được.
- Dấu véo da: Mất nhanh, mất chậm hay mất rất chậm.
1. Về mặt tri giác
Để đánh giá nhận thức tri giác của bệnh nhân tiêu chảy, có thể căn cứ vào mức độ tỉnh táo của mỗi người. Cụ thể:
- Tỉnh táo: Khả năng định hướng bản thân bình thường, có thể nắm bắt không gian và thời gian, khả năng bị kích thích bởi lời nói hoặc tiếng động ở mức bình thường.
- Vật vã kích thích: Vật vã kích thích ở các bệnh nhi tiêu chảy cấp biểu hiện thông qua việc trẻ quấy khóc, không nín ngay cả khi được bố mẹ dỗ. Hiện tượng vật vã kích thích xảy ra khi trẻ khát do mất nước vì bệnh tiêu chảy.
- Li bì khó đánh thức: Bệnh nhân không có những đáp ứng tỉnh tháo đối với các kích thích thông thường. Việc kiểm tra dấu hiệu này có thể dựa vào việc gọi tên, lay bệnh nhân bằng tiếng động, cù nhột. Nếu các biện pháp đã được áp dụng nhưng trẻ không tỉnh thì được xem là li bì khó đánh thức.
2. Dấu mắt trũng
Dấu mắt trũng cũng là một trong những dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy. Tuy nhiên, cần quan sát và đánh giá thật kỹ biểu hiện này để tránh nhầm lẫn:
- Mắt trũng là tình trạng nhãn cầu mắt thụt vào trong so với hốc mắt. Để thăm khám dấu hiệu này, bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp khuôn mặt trẻ, qua đó đánh giá mối tương quan giữa phần nhô ra của nhãn cầu và hốc mắt.
- Song song với dấu hiệu thực thể hốc mắt, nhân viên y tế cũng có thể đưa ra những câu hỏi mở liên quan đến triệu chứng lâm sàng bệnh nhân đang gặp phải.
3. Dấu hiệu uống
Dấu hiệu uống của bệnh nhân bị tiêu chảy cấp có thể được biểu hiện qua các cấp độ sau:
Uống được:
- Biểu hiện nhận biết: Bệnh nhân có phản xạ nuốt khi được đút nước, không đòi uống thêm khi ngưng đút.
- Kỹ thuật khám: Đút cho bệnh nhân vài thìa nước vào miệng, sau đó ngưng đút để quan sát khả năng uống cũng như các phản ứng của bệnh nhân.
Uống háo hức:
- Triệu chứng: Nếu ở bệnh nhi tình trạng uống háo hức sẽ xảy ra khi trẻ quá khát, vật vã kích thích đòi uống nước. Do vậy khi được đút nước trẻ uống rất nhanh, nín khóc, nếu ngưng đút trẻ lại tiếp tục quấy khóc. Với những trẻ lớn hơn sẽ đòi uống, tự động chụp ly nước, trẻ nhỏ hơn sẽ quấy khóc và nhìn theo ly nước.
- Kỹ thuật khám: Đút nước cho bệnh nhân uống rồi ngưng đút để quan sát khả năng uống cũng như phản ứng của bệnh nhân. Nếu như trẻ ngưng khóc khi được uống nước, khi không được uống lại tiếp tục khóc thì được gọi là uống háo hức.
Không uống được:
- Triệu chứng: Không uống được là tình trạng bệnh nhân mất đi phản xạ nuốt. Dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy này chỉ xảy ra khi người bệnh bị rối loạn tri giác.
- Kỹ thuật khám: Đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, đầu nghiêng về một bên. Khi đút nước mà người bệnh không nuốt, nước chảy ra khóe miệng thì có thể xem là không uống được.
4. Dấu véo da
Trong thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân tiêu chảy cấp, dấu véo da cũng là một trong những căn cứ quan trọng giúp bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng. Theo đó, dấu véo da sẽ được chia thành 3 cấp độ như sau:
- Dấu véo da mất nhanh: Sau khi véo da không thấy nếp véo da hình thành.
- Dấu véo da mất chậm: Nếp véo da hình thành và chỉ tồn tại dưới 2 giây sau khi làm dấu véo da.
- Dấu véo da mất rất chậm: Nếp gấp sau véo da hình thành và tồn tại trên 2 giây sau làm dấu véo da.
Việc khám dấu véo da có thể được thực hiện ở vùng da bụng, đường dọc giữa rốn và hông của bệnh nhân. Khi khám bác sĩ sẽ dùng lòng ngón cái và cạnh ngón trỏ, sau đó tóm cả da và mô dưới da lại, nhấc lên rồi buông ra.
Dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy và phân loại
Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng, tần suất đi đại tiện nhiều hơn 3 lần/ngày. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục và không có biện pháp xử lý sẽ dẫn đến mất nước, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh. Do vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy là rất cần thiết.
Không mất nước:
- Phần trăm dịch mất: < 5%.
- Triệu chứng: Không đủ các yếu tố để phân loại cấp độ mất nước.
Có mất nước:
- Phần trăm dịch mất: 5-10%.
- Triệu chứng: Bệnh nhân vật vã kích thích, mắt trũng, háo hức, dấu véo da mất chậm.
Mất nước nặng:
- Phần trăm dịch mất: > 10%.
- Triệu chứng: Bệnh nhân li bì khó đánh thức, mắt trũng, uống nước kém thậm chí là không uống được, dấu véo da mất rất chậm.
Điều trị mất nước do bệnh tiêu chảy cấp
Ngay khi nhận biết các dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy và phân loại tương ứng, bác sĩ sẽ tiến hành xây dựng phác đồ điều trị mất nước cho bệnh nhân. Tương ứng với từng mức độ bệnh, phác đồ điều trị sẽ được xây dựng chi tiết.
Phác đồ A (Điều trị tại nhà)
Phác đồ áp dụng cho những bệnh nhân chưa có biểu hiện mất nước. Tốt nhất là cho người bệnh sử dụng Oresol (ORS) với liều lượng như sau:
- Trẻ dưới 24 tháng tuổi: 50-100ml sau mỗi lần đi ngoài, tối thiểu 500ml/ngày.
- Trẻ từ 2-10 tuổi: 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài, tối thiểu 1000ml/ngày.
- Bệnh nhân trên 10 tuổi: Uống tùy ý cho đến khi hết khát, tối thiểu 2000ml/ngày.
Với trẻ nhỏ nên cho uống từng thìa, người lớn uống từng ngụm bằng cốc hoặc bát. Trường hợp bệnh nhân bị nôn thì dừng lại, chờ khoảng 5-10 phút lại tiếp tục uống.
Phác đồ B (Bù nước qua tĩnh mạch tại cơ sở y tế)
Phác đồ B được chỉ định cho những bệnh nhân bị mất nước cấp độ vừa và nhẹ, lượng Oresol (ORS) sẽ được kê đơn tùy thuộc vào độ tuổi hoặc cân nặng. Trong 4 giờ đầu, lượng Oresol (ml) cần cho bệnh nhân sử dụng được tính theo công thức:
Lượng ORESOL (ml)= Cân nặng x 75ml
Cách cho uống:
- Bệnh nhi dưới 2 tuổi thì cho uống từng thìa, sau khoảng 1-2 phút lại cho uống 1 thìa. Những bệnh nhân lớn hơn thì uống từng ngụm bằng cốc.
- Nếu bệnh nhân nôn thì ngừng uống trong 10 phút rồi cho uống lại nhưng với tốc độ chậm hơn.
Sau 4 giờ tiến hành đánh giá tình trạng mất nước. Nếu các dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy đã hết thì chuyển sang phác đồ A, nếu triệu chứng mất nước còn ở mức độ vừa và nhẹ thì tiếp tục thực hiện phác đồ B. Nếu đặc biệt nặng hơn thì chuyển sang phác đồ C.
Phác đồ C (truyền tĩnh mạch)
Phác đồ C được áp dụng cho những trường hợp bị mất nước nặng. Trong đó dung dịch Ringe Lactate sẽ được chỉ định với liều lượng 100ml/kg chia theo số lượng và thời gian cụ thể như sau:
- Bệnh nhân dưới 12 tháng: Truyền 30ml/kg trong 1 giờ đầu, sau đó truyền 70ml/kg trong 5 giờ.
- Trẻ trên 12 tháng tuổi, người lớn: Truyền 30ml/kg trong 30 phút, sau đó truyền 70ml/kg trong 2h30 phút.
Sau 1-2 giờ đánh giá tình trạng mất nước ở bệnh nhân. Nếu mạch quay còn yếu hoặc không tìm thấy thì có thể truyền một lần nữa với số lượng và thời gian tương tự. Nếu các dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy không tiến triển thì cần truyền nước với tốc độ nhanh hơn.
- Ngay khi bệnh nhân có thể uống được thì cho dùng ORS (5ml/kg/giờ).
- Trường hợp không truyền được tĩnh mạch thì đặt ống thông dạ dày với liều lượng 20ml/kg/giờ.
- Sau khi bệnh nhân có thể ăn được thì cho ăn trở lại, chú ý bổ sung các thức ăn giàu dinh dưỡng.
Việc sớm nhận biết các dấu hiệu mất nước trên bệnh nhân tiêu chảy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thực tiễn lâm sàng. Đây là cơ sở để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân đang gặp phải, từ đó xây dựng phác đồ cho phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!