Thiền sư Tuệ Tĩnh được mệnh danh là ông tổ của nghề thuốc Nam, để lại nhiều đóng góp lớn cho nền y học cổ truyền. Tuy nhiên, phần lớn người ta chỉ biết đến ông là một thần y, danh y nổi tiếng chứ ít ai hiểu rõ cuộc đời, những công trình y học cho đến các bài thuốc nổi tiếng của ông. Vì vậy, đừng quên theo dõi bài viết dưới đây để nắm chắc những thông tin về vị thần y này nhé!
Thiền sư Tuệ Tĩnh là ai? Tiểu sử cuộc đời
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (1330 – 1400) đi tu có pháp danh là Tuệ Tĩnh, biệt hiệu Thận Trai hay Tráng Tử Vô Dật, Hồng Nghĩa. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Nghĩa Phú, Tổng Văn Thái, Phủ Thượng Hồng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Xuất thân trong một gia đình bần nông, mồ côi bố mẹ từ khi lên 6 tuổi, sau đó được gửi vào chùa tu tập với nhà sư chùa Hải Chiều (chùa Giám ngày nay) và được nhà sư cho ăn học ở chùa Keo.
Vào năm Tân Mão 1351 khi mới có 22 tuổi ông đã đỗ Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng nhất quyết ông không ra làm quan mà quay lại chùa tiếp tục con đường tu hành. Đến năm 1374 ông lại đậu đệ nhị giáp tiến sĩ tức Hoàng Giáp nhưng vẫn cương quyết giữ vững con đường tu hành và tiếp tục chuyên tâm nghiên cứu y học cổ truyền, làm thuốc chữa bệnh cứu người.
Tuệ Tĩnh là một vị danh y tài giỏi, khá nổi tiếng với những kiến thức y dược uyên bác. Cũng chính vậy, đến năm 1385, khi ông mới 55 tuổi thì bị cống sang chữa bệnh cho Vua và Hoàng Hậu nhà Minh và được phong là Đại y Thiền sư sau khi cứu người thành công. Kể từ đây, ông không còn cơ hội quay lại quê hương dù chỉ một lần, thế nhưng Tuệ Tĩnh vẫn dồn toàn tâm, toàn sức để nghiên cứu y học và làm thuốc. Sau này, người ta chỉ biết ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc chứ không chắc chắn là năm nào.
Quan điểm Y học của Tuệ Tĩnh thiền sư
Đối với Tuệ Tĩnh, ông không chỉ học y, hành y, không chỉ đơn giản là cứu người mà còn tổ chức, viết sách để lưu truyền những bài thuốc nam đến với nhân dân. Ông dạy nhân dân cách trồng thuốc chữa bệnh cho đến chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Có thể nói đây là tư tưởng cực kỳ tiến bộ của y học, chủ động phòng bệnh, tận dụng thảo dược thiên nhiên, phát huy thế mạnh của toàn dân sẽ tạo ra sức mạnh, tài sản quý báu cho các thế hệ sau.
Cuộc đời hành nghề y của Tuệ Tĩnh thiền sư gắn liền với câu nói nổi tiếng “Nam dược trị nam nhân”. Theo đó, ông phân tính rõ biện chứng tổng quát về dược lý chủ yếu là hướng điều trị từ 630 vị thuốc để chữa các bệnh như: ngoại cảm lục dâm, lao lực, trúng độc, uất khí, hỏa tích, đờm,…
Bên cạnh đó, ông cũng phân tính thêm, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm thường xuyên. Chính vì vậy, dân thường mắc các bệnh thiên về nhiệt, đờm hỏa hoặc khí hư yếu nên cần tìm những bài thuốc Đông y điều trị tả hỏa, hóa đàm, thanh nhiệt,…
Quan điểm hành nghề, nguyên tắc điều trị của ông không chỉ xuất phát từ lý tính mà còn có sự kết hợp giữa y đức, lòng yêu nước thương dân. Ông luôn lo lắng con dân phải chết vì bệnh tật. Do vậy, ông luôn cố gắng, dày công kiếm tìm những cây thuốc quanh mình để đưa vào chữa bệnh. Ngoài ra, ông còn kết hợp sử dụng các phương pháp như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt với chủ trương: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Đến nay đã gần 10 thế kỷ nhưng những phương pháp, châm ngôn hành nghề y của Tuệ Tĩnh thiền sư vẫn được lưu truyền, áp dụng thành công, thậm chí trở thành kim chỉ nam cho những danh y sau này trong đó điển hình nhất là Hải Thượng Lãn Ông.
Những thành tựu y học của vị danh y nổi tiếng
Những năm tháng sinh sống tại Việt Nam, ông dốc toàn tâm, toàn lực vào việc trồng thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh cũng như truyền nghề cho các học trò, nhân dân. Bên cạnh đó, ông tập trung viết sách để lưu giữ lại những bí quyết, bài thuốc trị bệnh quý báu. Trong đó nổi tiếng là bộ Nam dược thần hiệu với 10 chương chính, bộ sách Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) với bản thảo 500 vị thuốc nam, bài Phú thuốc Nam 630 vị thuốc. Một số bộ sách khác như “Dược tính chỉ nam” và “Thập tam phương gia giảm”… nhưng không còn nguyên vẹn do giặc ngoại xâm sang chiếm nước ta và phá hủy nhiều tịch thư lớn.
Theo đó, đến năm 1972 nhà xuất bản Y học đã tiến hành in ấn, phát hành cuốn “Nam Dược Thần Hiệu” với một bộ 11 cuốn, quyển đầu tiên nói về dược tính của 119 vị thuốc nam, 10 quyển còn lại mỗi quyển đi sâu về một khoa điều trị bệnh. Còn cuốn: “Hồng Nghĩa giác tư y thư” của Tuệ Tĩnh cũng được in năm 1978 gồm 9 phần, dày gần 400 trang.
Đặc biệt, danh y Tuệ Tĩnh còn tự mình truyền bá những phương pháp, cơ sở điều trị bệnh trong các thôn xóm, nhà chùa. Theo một số tài liệu cho biết, ông đã xây dựng được 24 ngôi chùa, cơ sở chữa bệnh và tổng hợp được 182 các bệnh với 3873 bài thuốc. Đồng thời, ông cũng không quên nhắc nhở mọi người phòng bệnh, rèn luyện cơ thể, xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ. Cụ thể qua 2 câu thơ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Có thể nói, thần y Tuệ Tĩnh là người mở đầu trong sự nghiệp nghiên cứu các bài thuốc Nam, xây dựng nền móng cho Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Những bài thuốc, kinh nghiệm quý báu của ông đã cứu sống hàng trăm nghìn người, thoát khỏi nỗi sợ bệnh tật. Đặc biệt, với những tài liệu, sổ sách để lại tạo cơ hội cho thế hệ sau thừa kế và phát huy những tinh hoa, giá trị cũ, đưa nền y học Việt phát triển bền vững.
Đền thờ danh y Tuệ Tĩnh ngày nay
Để ghi nhớ công ơn của ông với nước, nhà vua Lê đã cho xây dựng Đền Bia thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng. Sau đó, đến năm 1936, 2007 đền được trùng tu lại.
Đền Bia gồm ba tòa là: Tiền tế, Nhị đệ, cuối cùng là Hậu cung theo lối kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Trong đó, ở Hậu cung, trong khám thờ tượng Tuệ Tĩnh với hình ảnh một bức tượng đồng ngồi trên ngai nhỏ, mặc áo thêu hình rồng, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực.
Theo các sử sách trong chùa ghi lại cho biết, bức tượng này do chính nhân dân làng Văn Thai tự tay đúc từ những ngày đầu xây dựng đền. Qua cách tạc hình, tư thế của tượng có thấy nhân dân đã đặt vị trí của Tuệ Tĩnh như là một vị Bồ Tát hóa thân cứu dân của Chuẩn đề vương Bồ Tát.
Không chỉ được thờ tại Hải Dương thiền y còn được nhân dân xã Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng lập đền thờ mang tên Thành hoàng có sắc phong là Thượng thượng đẳng phúc thần vào năm 1572.
Bài viết đã cung cấp những thông tin cụ thể về tiểu sử, cuộc đời cũng như sự nghiệp y học của thiền sư Tuệ Tĩnh. Hy vọng, với những kiến thức trên có thể giúp quý độc giả hiểu sâu hơn về nguồn cội của y học cổ truyền nói chung cũng như vị danh y Tuệ Tĩnh nói riêng.
Bài viết rât hữu ich