Thiếu máu cơ tim cục bộ là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người mắc. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có hơn 17 triệu ca tử vong vì căn bệnh này. Việc tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị giúp bạn sớm có biện pháp phòng ngừa và tránh được những rủi ro đáng tiếc. Tham khảo ngay thông tin trong bài viết dưới đây để có những kiến thức cơ bản nhất về thiếu máu cơ tim cục bộ.
Thiếu máu cơ tim cục bộ là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Thiếu máu cơ tim cục bộ hay còn gọi là thiếu máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ. Hiện tượng này xảy ra khi một hay nhiều mạch máu nuôi tim bị hẹp, gây tổn thương một phần cơ tim và khiến lưu lượng máu không đủ để cung cấp cho tim.
Nếu gặp tình trạng này, khả năng bơm máu của tim bị suy giảm, động mạch bị tắc nghẽn dẫn đến những cơn đau thắt ngực và làm rối loạn nhịp thở.
Thiếu máu cơ tim cục bộ thường xảy ra ở đối tượng người trung niên và người già, tuy nhiên hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa bởi chế độ ăn uống, sinh hoạt và các tác nhân bên ngoài.
Một số nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim có thể kể đến như:
- Bệnh mạch vành: Đây là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất. Khi hàm lượng cholesterol tích tụ trên thành động mạch nhiều, tạo nên các mảng xơ vữa khiến dòng máu lưu thông bị hạn chế và gây nên hiện tượng thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Co thắt động mạch vành: Nếu các cơ ở thành động mạch vành bị co thắt, siết chặt có thể làm giảm hoặc ngăn chặn máu lưu thông đến tim, tuy nhiên nguyên nhân này rất hiếm gặp.
- Cục máu đông: Khi các mảng xơ vữa ở động mạch bị vỡ ra sẽ làm xuất hiện các cục máu đông, gây tắc nghẽn động mạch và dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ đột ngột.
- Bệnh đái tháo đường: Những người bị bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 có nguy cơ bị thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực và một số vấn đề khác về tim mạch cao hơn người bình thường.
- Nồng độ cholesterol cao: Cholesterol chính là yếu tố hình thành nên các mảng bám trên thành động mạch và tiềm ẩn nguy cơ bị thiếu máu cơ tim.
- Nồng độ triglyceride cao: Triglyceride là một loại mỡ máu, khác với cholesterol nhưng cũng là nguyên nhân gây nên các vấn đề về tim mạch.
- Tăng huyết áp: Huyết áp tăng cao sẽ thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn, từ đó hình thành bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Khói thuốc: Dù bạn là người trực tiếp hút thuốc hay thường xuyên ngửi mùi khói thuốc đều khiến cho động mạch vành bị tổn thương. Lúc này các mảng bám cholesterol và một số chất khác có điều kiện để hình thành, làm chậm lưu lượng máu. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị co thắt động mạch vành và hình thành các cục máu đông.
- Béo phì: Khi bạn ăn uống thiếu khoa học, dung nạp nhiều chất béo gây nên hiện tượng béo phì và tiềm ẩn nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường hay nồng độ cholesterol cao, từ đó gây nên bệnh thiếu máu cơ tim.
- Lười vận động: Theo thống kê, những người lười vận động, không thường xuyên tập thể dục thể thao thường mắc bệnh về tim mạch hơn người bình thường.
Biểu hiện thường gặp khi bị thiếu máu cơ tim cục bộ
Khi bị thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh nhân thường có những biểu hiện sau:
- Đau thắt ngực ổn định: Nguyên nhân gây nên những cơn đau thắt ngực ổn định là do các mảng xơ vữa cứng, không bị đứt gãy hay vỡ ra. Biểu hiện đau chỉ xảy ra khi bạn hoạt động gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch. Những trường hợp này người bệnh hoàn toàn có thể dự đoán được các cơn đau.
- Đau thắt ngực không ổn định: Đây là tình trạng không thể dự đoán trước được, do các mảng xơ vữa mềm bị nứt vỡ, hình thành nên các cục máu đông gây tắc nghẽn thành mạch vành. Cơn đau thắt ngực không ổn định diễn ra rất đột ngột, có thể là khi bạn vận động, nghỉ ngơi hay đang ngủ, mức độ đau nhiều hơn. Hiện tượng này rất nguy hiểm, có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn sắp bị một cơn nhồi máu cơ tim.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng khác như: Mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu hay phù chân.
Thiếu máu cơ tim cục bộ có nguy hiểm không?
Theo thống kê, thiếu máu cơ tim cục bộ thuộc nhóm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hàng chục triệu người, gây ra hơn 17 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới và đang có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy có thể thấy đây là một căn bệnh nguy hiểm. Nếu bạn không sớm phát hiện và có biện pháp điều trị phù hợp sẽ gây nên những biến chứng khác như:
- Nhồi máu cơ tim: Các mảng xơ vữa ở thành mạch vành sau một thời gian có thể bị vỡ, hình thành nên các cục máu đông gây tắc nghẽn một hay nhiều đoạn mạch vành và gây nhồi máu cơ tim. Nếu không được xử lý kịp thời, cơ tim của người bệnh sẽ nhanh chóng bị hoại tử, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Suy tim: Tình trạng thiếu máu cơ tim kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng cơ tim không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, gây tổn hại trực tiếp đến cơ tim. Thời gian lâu dài có thể khiến tim suy yếu và bị suy tim.
- Ngoài ra, thiếu máu cơ tim cục bộ cũng gây ra các biến chứng như rung nhĩ, rối loạn nhịp tim,…
Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Để có thể sớm phát hiện và có biện pháp điều trị phù hợp, bạn cần đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có những biểu hiện bất thường và một số triệu chứng liên quan. Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, việc chẩn đoán bệnh trở nên đơn giản và chính xác hơn rất nhiều. Quá trình chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ sẽ diễn ra theo trình tự bác sĩ thăm hỏi về tiền sử bệnh, sau đó áp dụng một số phương pháp dưới đây:
- Điện tâm đồ: Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh phổ biến, được tiến hành bằng việc gắn trực tiếp các điện cực vào da và ghi lại các hoạt động của tim. Những thay đổi trong kết quả điện tâm đồ sẽ cho biết tình trạng cụ thể và những dấu hiệu bất thường và tổn thương của tim.
- Siêu âm tim: Thực hiện phương pháp này giúp xác định được chính xác vị trí tim đang bị tổn thương và hoạt động không bình thường.
- Siêu âm tim gắng sức: Phương pháp này tương tự như siêu âm tim nhưng được thực hiện khi tim đang ở trong tình trạng gắng sức hay căng thẳng, có thể là sau khi vận động nhẹ, đạp xe cố định hay đi bộ trên máy.
- Kiểm tra căng thẳng: Người bệnh được bác sĩ chỉ định chạy bộ trên máy hoặc đạp xe cố định để tạo sự căng thẳng cho tim. Trong khoảng thời gian này bác sĩ sẽ đo lại nhịp tim, nhịp thở, huyết áp của bạn.
- Chụp CT tim: Phương pháp này giúp xác định liệu động mạch vành có đang bị tích tụ canxi không và có đang xuất hiện triệu chứng xơ vữa động mạch vành không.
- Chụp cắt lớp động mạch vành: Bác sĩ sẽ chụp cắt lớp động mạch vành bằng tia X để xác định có đang bị hẹp động mạch vành không, vị trí hẹp ở đâu và mức độ hẹp như thế nào. Tuy nhiên trong trường hợp mạch vành bị vôi hóa, phương pháp chụp cắt lớp có độ chính xác không cao.
- Chẩn đoán hình ảnh hạt nhân: Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng máy dò đặc biệt để tạo hình ảnh của tim hoặc động mạch vành sau khi đã được tiêm chất phóng xạ.
Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất
Thiếu máu cơ tim có thể điều trị được nếu người bệnh phát hiện sớm và được thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ. Để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chính gây ra bệnh, sau đó kết hợp kết quả chẩn đoán được tiến hành trước đó. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật, cũng có thể kết hợp cả 2 nếu cần thiết.
Điều trị thiếu máu cơ tim bằng thuốc
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc trị thiếu máu cơ tim giúp bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng, cải thiện chức năng tim và ngăn ngừa biến chứng. Một số thuốc cho người bị thiếu máu cơ tim cục bộ thường được bác sĩ chỉ định là:
- Thuốc chẹn beta: Đây là nhóm thuốc giúp giãn cơ tim, làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp để máu dễ dàng lưu thông về tim.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm thuốc này giúp giãn mạch và làm tăng lượng máu đến tim. Bên cạnh đó thuốc chẹn kênh canxi cũng có thể làm chậm nhịp tim và giảm áp lực cho tim.
- Aspirin: Có tác dụng làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn động mạch vành hiệu quả.
- Nhóm thuốc có gốc nitrat: Thường được chỉ định để làm giãn mạch, giúp động mạch mở rộng, đồng thời tăng lượng máu lưu thông đến tim và giảm áp lực cho tim.
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Nhóm thuốc này có thể làm giãn mạch và hạ huyết áp, thường được dùng cho những trường hợp có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.
- Ranolazine: Thuốc Ranolazine có tác dụng làm giãn mạch, giảm các cơn đau thắt ngực. Bác sĩ thường kê thuốc này với một số thuốc điều trị đau thắt ngực khác như: Thuốc chẹn beta, nhóm nitrat, thuốc chẹn kênh canxi.
- Thuốc hạ cholesterol: Có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, ngăn ngừa các mảng bám động mạch vành và nguy cơ thiếu máu cơ tim cục bộ.
Điều trị bệnh bằng phẫu thuật
Đối với những trường hợp bệnh nặng, không thể điều trị bằng thuốc, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật.
- Tạo hình mạch và nong mạch: Phương pháp này hay còn được gọi là phương pháp đặt stent. Khi tiến hành, bác sĩ sẽ dùng ống thông mỏng, nhỏ luồn vào động mạch. Trên đầu ống thông có gắn một quả bóng nhỏ, khi đến khu vực động mạch bị hẹp, quả bóng này được bơm phồng lên để giúp mở rộng lòng mạch. Tiếp đó, ống lưới chuyên dụng (stent) được đưa đến vị trí này để giữ mạch máu luôn trong trạng thái mở rộng.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy một phần mạch máu từ bộ phận khác của cơ thể để ghép vào động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn, giúp máu lưu thông tốt hơn. Kỹ thuật này thường được tiến hành ở những người có nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp.
- Phản xung động ngoại biên tăng cường: Liệu pháp điều trị này tương đối mới, sẽ được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Chăm sóc bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cục bộ
Đối với người bị thiếu máu cơ tim cục bộ, chế độ ăn uống rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sức khỏe. Vì vậy khi chăm sóc người bị thiếu máu cơ tim cần chú ý:
Bổ sung thực phẩm tốt cho người bệnh tim
Có rất nhiều trường hợp người bị thiếu máu cơ tim cục bộ do lắng đọng cholesterol quanh thành mạch vành, do béo phì đều liên quan đến chế độ ăn uống. Vậy nên bệnh nhân cần được xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát lượng chất béo xấu và hạn chế sự hình thành của các mảng xơ vữa. Một số thực phẩm tốt cho người bị thiếu máu cơ tim cục bộ là:
- Rau xanh và hoa quả tươi: Hàm lượng chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin, khoáng chất, chất xơ trong rau xanh, trái cây giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Đồng thời chất xơ giúp bạn no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn, tránh ăn nhiều, từ đó giảm nguy cơ tích tụ cholesterol hình thành các mảng bám trên thành mạch. Bạn nên thêm vào thực đơn ăn uống hàng ngày của người bệnh ngũ cốc nguyên hạt, cam, bưởi, táo, dâu tây, rau cải,…
- Thực phẩm chứa nhiều Omega – 3: Omega – 3 được tìm thấy trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá mòi,… có lợi cho sức khỏe tim mạch, làm chậm quá trình tích tụ mảng bám trên thành mạch và ngăn ngừa nguy cơ rối loạn nhịp tim.
- Các loại sữa ít béo hoặc không béo: Những loại sữa ít béo như sữa đậu nành, sữa chua rất giàu kali, có tác dụng làm giảm nguy cơ đột quỵ và tránh được các bệnh về tim mạch, trong đó có thiếu máu cơ tim cục bộ.
Hạn chế những thực phẩm có hại
Thực phẩm không tốt có thể gián tiếp gây nên tình trạng thiếu máu cơ tim và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy trong chế độ ăn uống của người bệnh tim mạch nên hạn chế những thực phẩm sau:
- Thịt đỏ: Trong thịt đỏ có chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol,… làm tăng tỷ lệ nhồi máu cơ tim, suy tim hay đột quỵ. Do đó, người bệnh không nên ăn thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, thịt cừu,…
- Chất béo xấu: Chất béo xấu gồm chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, có thể làm tăng hàm lượng cholesterol xấu trong máu, hình thành các mảng xơ vữa động mạch, đồng thời tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ. Bạn không nên cho các thực phẩm như: Da, mỡ ở nội tạng động vật, các loại thịt chế biến sẵn, đồ ăn chiên dầu, sữa nguyên chất, phô mai,… vào thực đơn của người bệnh.
- Thực phẩm giàu vitamin K: Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, đặc biệt là những người đang sử dụng thuốc chống đông cần tránh thực phẩm có chứa nhiều vitamin K. Các thực phẩm này làm thuốc chống đông mất tác dụng, tạo điều kiện để các cục máu đông hình thành và phát triển nhanh hơn.
- Nước ngọt, cà phê, đồ uống có cồn: Đây là những loại đồ uống sử dụng nhiều chất hóa học, không có chất dinh dưỡng, vì vậy làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, đồng thời gây cao huyết áp, tăng mức độ co thắt mạch máu, khiến bệnh nhân thiếu máu cơ tim dễ bị suy tim, đột quỵ.
Phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim
Bên cạnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng tác động không nhỏ đến người bị thiếu máu cơ tim cục bộ. Đặc biệt trong quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cần chú ý:
- Thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tập luyện thể dục thể thao để thúc đẩy máu lưu thông đến tim, phòng ngừa thiếu máu cơ tim.
- Duy trì cân nặng ổn định, không được để bản thân rơi vào tình trạng béo phì vì đây là một trong các nguyên nhân gây nên hiện tượng thiếu máu cục bộ nơi tim.
- Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, không nên lao động quá sức, đồng thời tránh thức khuya và đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng một ngày.
- Không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc từ người khác.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý khác như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress để bệnh nhanh chóng được cải thiện tốt hơn.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường và có biện pháp điều trị phù hợp.
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng thuốc cần dùng và một số lưu ý sau khi tiến hành phẫu thuật.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn toàn bộ thông tin liên quan đến thiếu máu cơ tim cục bộ. Hy vọng bạn đọc đã có thêm cho mình những kiến thức cơ bản, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này, bảo vệ tốt cho sức khỏe của bản thân và những người thân yêu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!