Bấm huyệt trị đau dạ dày là một trong những biện pháp chữa bệnh của Y học cổ truyền. Tác động bằng bấm huyệt sẽ đem lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng cho bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu hơn về phương pháp này và hướng dẫn quý vị thực hiện các động tác bấm huyệt vị chữa đau dạ dày.
Hiệu quả của bấm huyệt trị đau dạ dày
Đau dạ dày theo Y học cổ truyền được gọi là chứng “vị quản thống”. Nguyên nhân gây bệnh là do ăn uống sinh hoạt không điều độ, lao động quá sức, lo lắng nóng giận kéo dài dẫn đến khí trệ ở Tỳ và Vị.
Bấm huyệt trị đau dạ dày là biện pháp xoa bóp, day ấn tác động vào các huyệt vị; giúp tăng cường lưu thông khí huyết và giải phóng khí trệ. Điều này đem lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng cho người bệnh, đồng thời còn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa.
Ưu điểm của phương pháp bấm huyệt là có tác dụng giảm đau nhanh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là chỉ biện pháp có tác dụng tạm thời chứ không thể giải quyết căn nguyên gây bệnh. Người bệnh không nên lầm tưởng rằng đây là phương pháp có thể thay thế dùng thuốc.
Biện pháp bấm huyệt trị đau dạ dày hữu ích trong trường hợp các cơn đau thường xuyên xuất hiện, khi áp dụng sẽ nhanh chóng giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng và giảm đau. Bệnh nhân có thể sử dụng bấm huyệt như một phương pháp hỗ trợ song song với sử dụng thuốc trong điều trị bệnh dạ dày. Đối với những trường hợp đau cấp tính ở mức độ nghiêm trọng, bấm huyệt có thể sẽ không đem lại hiệu quả.
Hướng dẫn bấm huyệt chữa đau dạ dày
Bấm huyệt trị đau dạ dày cần được thực hiện đúng cách mới có thể đem lại hiệu quả cao. Trước khi bấm huyệt, nên thực hiện bước xoa bóp vùng bụng như một bước khởi động, làm ấm và tăng cường lưu thông khí huyết.
Xoa bóp vùng bụng trước khi bấm huyệt trị đau dạ dày
Tác dụng của việc xoa bóp vùng bụng trước khi bấm huyệt:
- Giúp cơ thể làm quen với tác động xoa bóp, day ấn từ lực bàn tay
- Làm nóng phần mô mềm
- Tăng cường nhu động ruột
- Kích thích tuần hoàn máu
Trình tự các bước xoa bóp vùng bụng trước khi bấm huyệt:
- Xoa vuốt vùng bụng: để người bệnh nằm thẳng, thư giãn, thả lỏng vùng bụng. Tiến hành xoa bóp vùng rốn theo vòng tròn bằng thao tác dùng 2 tay trượt lên nhau theo chiều kim đồng hồ để làm ấm vùng bụng.
- Nắn bóp cơ bụng: dùng hai tay bóp cơ bụng, kéo lên cao rồi thả xuống. Thao tác nhẹ nhàng, lặp lại khoảng vài lần giúp tăng cường lưu thông máu cho vùng bụng.
- Day ấn theo khung đại tràng: sử dụng lực của các đầu ngón tay, day ấn nhẹ nhàng dọc theo khung đại tràng.
- Ấn cơ bụng: đặt hai bàn tay lên vùng bụng ngoài, dùng ngón giữa và ngón tay áp út ấn nhẹ dần tới vùng bụng trong.
- Rung cơ bụng: dùng bàn tay nắm vùng chính giữa bụng, kéo nhẹ lên và rung với tần số nhanh.
- Lắc cơ bụng trực tiếp: áp 2 lòng bàn tay lên bụng và tiến hành thao tác lắc cơ trực tiếp.
- Lắc cơ bụng gián tiếp: dùng tay nắm hai cổ chân và lắc chân để lắc cơ bụng gián tiếp.
Trước khi xoa bóp vùng bụng, nên thoa dầu để giúp việc xoa bóp dễ dàng hơn, làm ấm bụng tốt hơn và tăng hiệu quả xoa bóp.
Một số huyệt giúp giảm đau dạ dày hiệu quả
Bấm huyệt Cự khuyết chữa đau dạ dày
- Vị trí: nằm ở chỗ lõm của chấn thủy, ngay giữa buồng tim, đo từ rốn lên khoảng 6 thốn.
- Tác dụng: hỗ trợ cải thiện triệu chứng tiết nhiều dịch vị, nóng ran lồng ngực, ợ chua; đặc biệt hiệu quả với các bệnh dạ dày co thắt, hẹp thực quản.
- Cách thực hiện: dùng đầu ngón tay cái day và ấn huyệt trong khoảng 1-2 phút, có thể thực hiện lặp lại nhiều lần. Một ngày day ấn huyệt này từ 1-2 lần, lưu ý chỉ sử dụng lực vừa phải để tránh làm tổn thương gan.
Bấm huyệt Thượng quản
- Vị trí: nằm ngay dưới huyệt Cự khuyết 1 thốn và trên rốn 5 thốn.
- Tác dụng: cắt nhanh cơn đau dạ dày, giảm các triệu chứng buồn nôn, sôi bụng, tức bụng.
- Cách thực hiện: dùng đầu ngón tay cái day ấn huyệt trong khoảng 1-2 phút; ngày thực hiện 1-2 lần. Nên thực hiện trong khoảng 10-15 ngày liên tục.
Bấm huyệt Trung quản
- Vị trí: nằm ở vùng bụng, giữa 2 bờ sườn, đo thẳng từ rốn lên khoảng 4 thốn.
- Tác dụng: giảm đau dạ dày; cải thiện chức năng co bóp, bài tiết dịch vị
- Cách thực hiện: dùng đầu ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt, tác động lên huyệt tạo nên cảm giác tê tức lan vào bên trong dạ dày.
Chữa đau dạ dày bằng cách bấm huyệt Thiên xu
- Vị trí: nằm ngang rốn, cách rốn 2 thốn
- Tác dụng: giảm cơn đau dạ dày; hỗ trợ điều trị táo bón, tiêu chảy, tắc ruột
- Cách thực hiện: Dùng ngón trỏ và ngón giữa day ấn mạnh vào huyệt trong khoảng 1-3 phút.
Bấm huyệt Nội quan
- Vị trí: nằm ở giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé ở phía trong cổ tay, cách đường chỉ cổ tay 2 thốn.
- Tác dụng: lưu thông khí huyết, giảm các triệu chứng đau dạ dày do viêm loét dạ dày tá tràng.
- Cách thực hiện: dùng ngón tay cái ấn vào huyệt nội quan trong khoảng 2 phút, lực đủ mạnh để cảm nhận được cảm giác căng tức tại chỗ.
Bấm huyệt Túc tam lý
- Vị trí: nằm ở vùng đầu gối. Xác định bằng cách đặt hai tay lên đầu gối, điểm đầu ngón tay áp út chính là vị trí của huyệt Túc tam lý.
- Tác dụng: giúp giảm cơn đau nhanh chóng; hiệu quả trong điều trị táo bón, tiêu hóa kém, viêm ruột, nôn ói.
- Cách thực hiện: dùng đầu ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay day ấn mạnh vào vị trí huyệt trong 2 phút, sẽ có cảm giác căng tức tại chỗ và tê chân. Nên thực hiện khoảng 2 lần mỗi ngày để đạt được hiệu quả giảm đau tốt nhất.
Bấm huyệt Lậu cốc
- Vị trí: nằm trên đường thẳng đi qua mắt cá chân, cách mắt cá chân 6 thốn.
- Tác dụng: cải thiện tốt chứng nấc cụt, triệu chứng sôi bụng, trướng bụng, buồn nôn. Có tác dụng tốt trong điều trị đau rát dạ dày, nhão dạ dày, sa dạ dày.
- Cách thực hiện: dùng 2 đầu ngón tay trỏ và giữa day ấn mạnh vào cả hai huyệt ở 2 bên chân.
Bấm huyệt Công Tôn
- Vị trí: nằm ở giữa thân và đầu sau thân xương đốt 1 ở bàn chân, cách mắt cá chân 3 thốn.
- Tác dụng: hiệu quả trong việc giảm đau dạ dày và điều trị viêm ruột.
- Cách thực hiện: dùng ngón tay trỏ và ngón giữa day ấn huyệt Công tôn trong khoảng 1-3 phút, ngày 1-2 lần. Nên thực hiện liên tục trong khoảng 10-15 ngày mỗi đợt.
Bấm huyệt Thái xung trị đau dạ dày
- Vị trí: nằm ở mu bàn chân, đo lên 1,5 thốn từ kẽ ngón chân cái và ngón chân trỏ
- Tác dụng: giảm đau vùng thượng vị dạ dày
- Cách thực hiện: dùng ngón tay cái day ấn huyệt với lực vừa phải trong khoảng 2 phút sao cho cảm thấy căng tức tại chỗ. Tác động lên huyệt Thái xung đều đặn 2 lần mỗi ngày sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất.
Những lưu ý khi áp dụng biện pháp bấm huyệt trị đau dạ dày
Chữa đau dạ dày bằng cách bấm huyệt là biện pháp khá hiệu quả và an toàn, lại không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, có thể thực hiện được ngay tại nhà. Tuy nhiên, việc tác động lên các huyệt cần được thực hiện đúng cách với mức độ chính xác nhất định để tránh gây ra những rủi ro không mong muốn.
Khi áp dụng bấm huyệt trị đau dạ dày, bệnh nhân cần tuân thủ một số lưu ý sau:
- Không áp dụng biện pháp bấm huyệt trị đau dạ dày cho người vừa trải qua phẫu thuật bụng hoặc với phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi thực hiện bấm huyệt và không để móng tay quá dài, tránh gây vướng víu và tổn thương lên da.
- Không thực hiện bấm huyệt tại các vị trí đang có vết thương hở hoặc nhiễm trùng.
- Cần dùng lực tác động phù hợp với từng huyệt đạo, tác động lực mạnh lên những huyệt nhạy cảm là điều cấm kỵ.
- Cần kiên trì thực hiện thường xuyên khi áp dụng biện pháp bấm huyệt để đem lại hiệu quả cao nhất.
- Thời điểm bấm huyệt tốt nhất là vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Không bấm huyệt lúc vừa ăn no hoặc khi đang đói.
- Đảm bảo xác định đúng vị trí huyệt. Nếu gặp khó khăn, nên đến gặp bác sĩ y học cổ truyền để được hướng dẫn.
- Bấm huyệt chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng tạm thời, chỉ được dùng như biện pháp điều trị hỗ trợ, đặc biệt là trong giảm đau chứ không thể thay thế các điều trị chuyên sâu.
Bấm huyệt trị đau dạ dày là một phương pháp tốt, đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng đau dạ dày. Bấm huyệt nên được sử dụng như một biện pháp điều trị bổ sung trong chữa bệnh đau dạ dày. Kết hợp khi sử dụng thuốc Đông y sẽ phát huy hiệu quả tối đa vì dựa trên cùng nguyên lý.
Đừng bỏ lỡ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!