Hội chứng tăng áp lực nội sọ là một biểu hiện nguy hiểm ở trong não. Người gặp phải tình trạng này cần được cấp cứu và điều trị ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và các vấn đề xung quanh hội chứng này.

Tìm hiểu hội chứng tăng áp lực nội sọ là gì?

Áp lực nội sọ là kết quả áp lực của 3 khu vực bao gồm: Nhu mô não, dịch não tùy và mạch máu. Thông thường, áp lực nội sọ trung bình sẽ là 10 ± 2 mm Hg.

Hội chứng tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng của áp lực trong não
Hội chứng tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng của áp lực trong não

Hội chứng tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng của áp lực trong não do lượng dịch xung quanh tổ chức não tăng lên. Các dịch đó gồm dịch não tủy, lượng máu tăng trong não do chấn thương hoặc khối u trong não bị vỡ. Ngoài ra, các mô não bị phù do chấn thương hoặc mắc bệnh cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực nội sọ.

Tình trạng gia tăng áp lực nội sọ rất nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng và đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, ngay khi phát hiện những bất thường thì cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để được điều trị kịp thời.

Cơ chế bệnh sinh của hội chứng tăng áp lực nội sọ

Có 3 cơ chế chính gây tăng áp lực nội sọ đó là não úng thủy, phù não, ứ trệ tuần hoàn. Những cơ chế này có thể phối hợp với nhau hoặc xảy ra đơn lẻ.

Não úng thủy

Não úng thủy gây tăng tiết dịch não thủy và làm u đám rối mạch mạc, u màng kề với đám rối mạch mạc. Bên cạnh đó, rối loạn hấp thu dịch não tủy trong viêm màng não dày dính thường đi kèm với tình trạng tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy.

Tình trạng tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy thường gặp nhiều trong trường hợp u não, tụ máu trong não hoặc bị áp xe não….

Phù não

Phù não là hệ quả do bị ứ nước trong nhu mô não và thường được chia thành 2 loại: Phù nội, ngoại bào.

  • Phù nội tế bào được chia thành 2 loại. Loại đầu tiên là tổn thương màng tế bào làm cho nước từ ngoài bào đi vào tế bào, thường gặp trong thiếu máu cục bộ não, ngộ độc CO, chấn thương sọ não hoặc hexachlorofene. Loại thứ 2 là do áp lực thẩm thấu huyết tương thấp khiến nước đi vào tế bào, còn gọi là phù thẩm thấu gặp trong trường hợp bị hạ Na máu.
  • Phù ngoại bào hay phù nguồn gốc mạch do tổn thương hàng rào máu thường gặp xung quanh u não, chấn thương sọ não, tụ máu nội não, viêm não, áp xe não….
Phù não là hệ quả do bị ứ nước trong nhu mô não kèm nhiều biểu hiện nguy hiểm
Phù não là hệ quả do bị ứ nước trong nhu mô não kèm nhiều biểu hiện nguy hiểm

Ứ trệ tuần hoàn

Ứ trệ tuần hoàn xảy ra theo 2 nguồn gốc sau đây:

  • Nguồn gốc tĩnh mạch: Bệnh nhân bị u chèn ép, viêm tắc tĩnh mạch ở sọ, tăng áp lực trong lồng ngực gây hôn mê, vật vã.
  • Nguồn gốc mao mạch: Do tổn thương tổ chức não gây tích lũy tại các axit chuyển hóa làm thiếu oxy, tăng CO2 sinh ra giãn mạch. Từ đó người bệnh bị thoát dịch khỏi thành mạch và làm tăng nguy cơ huyết áp ác tính, sản giật.

Nguyên nhân phổ biến gây hội chứng tăng áp lực nội sọ

Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng này, trong đó những nguyên nhân phổ biến gồm:

  • Tổn thương choán chỗ thường gặp: Do u não nguyên phát, áp xe não, di căn vào não.
  • Chấn thương sọ não: Gây máu tụ dưới màng cứng hoặc ngoài màng cứng, đụng dập não, tụ máu dưới màng cứng mạn tính.
  • Viêm nhiễm: Bệnh nhân bị viêm màng não, viêm não cấp.
  • Tai biến mạch máu não: Xuất huyết não, nhồi máu não, xuất huyết dưới nhện, viêm tắc tĩnh mạch hoặc bị não do tăng huyết áp.
  • Các nguyên nhân chuyển hóa: Bệnh nhân thiếu oxy não cấp tính, giảm áp lực thẩm thấu, hạ glucose máu, rối loạn nội tiết, bệnh não do tăng CO2.
  • Não úng thủy: Tình trạng này gây tắc nghẽn, giảm hấp thụ dịch não tủy sau viêm màng não, chảy máu sau màng não.
  • Một số nguyên nhân khác: Bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm độc chì, uống nhiều vitamin A, trẻ bị đóng thóp quá sớm.
Chảy máu não là một nguyên nhân gây hội chứng tăng áp lực nội sọ
Chảy máu não là một nguyên nhân gây hội chứng tăng áp lực nội sọ

Theo học thuyết Monroe-Kellie, do cấu trúc hộp sọ cứng, các thành phần trong hộp sọ không thể phát triển đáng kể. Áp lực nội sọ không phải trạng thái tỉnh mà bị ảnh hưởng bởi một vài yếu tố khác nhau. Nó sẽ tăng với tâm thu của tim do giãn tiểu động mạch trong sọ. Ngoài ra, nó cũng thay đổi áp lực theo hô hấp, giảm khi hít vào, tăng khi thở ra.

Các triệu chứng trên lâm sàng khi tăng áp lực nội sọ

Có rất nhiều triệu chứng lâm sàng giúp nhận biết hội chứng nội sọ, đặc biệt là những biểu hiện ở đầu cũng như quanh mắt. Bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ sẽ có những biểu hiện lâm sàng như sau:

Đau đầu

Đây là triệu chứng phổ biến nhất và thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc nửa đêm. Giai đoạn đầu, mức độ đau không thường xuyên nhưng sau đó sẽ liên tục trong cả ngày. Vị trí đau đầu cũng thay đổi thường xuyên, tùy nguyên nhân nhưng gặp nhiều nhất là đau đầu ở vùng thái dương, mắt, chẩm và vùng trán.

Một số biểu hiện đau đầu phổ biến gồm:

  • Đâu như muốn nổ tung đầu, cơn đau tăng dần theo từng đợt.
  • Bị đau nếu gắng sức vận động, khi ho hoặc hắt hơi, cơn đau sẽ giảm nếu ngồi nghỉ ngơi.
  • Dùng thuốc giảm đau chỉ mang đến hiệu quả tạm thời sau đó cơn đau lại xuất hiện.
  • Khi quay đầu sang bên bệnh thì đau giảm nhưng nếu quay về bên lành thì cơn đau lại tăng.
  • Gõ vào hộp sọ, xương mặt thấy đau nhức, khó chịu.
  • Buồn nôn và nôn thường đi sau cơn đau đầu, nôn ói thường xuất hiện vào buổi sáng, dùng thuốc chống nôn không hiệu quả.

Chóng mặt

Tình trạng chóng mặt xảy ra do chèn ép thường xuyên vào vùng tiền đình hoặc người bệnh bị tổn thương trung tâm tiền đình ở thân não, trán, thái dương.

Rối loạn thị giác

Người bệnh giảm thị lực do thay đổi vùng đáy mắt, khó nhìn xung quanh do bị liệt dây thần kinh số VI. Có nhiều trường hợp lúc đầu nhìn mờ, đặc biệt là buổi sáng, sau đó nhìn rõ hơn về trưa và chiều.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị phù gai thị (phù cả 2 bên) và tổn thương hố sau sẽ gây phù nhanh hơn.

Người bệnh giảm thị lực do thay đổi vùng đáy mắt, khó nhìn xung quanh
Người bệnh giảm thị lực do thay đổi vùng đáy mắt, khó nhìn xung quanh

Một số triệu chứng khác

Những triệu chứng lâm sàng khác người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

  • Ù tai.
  • Mạch chậm hơn bình thường.
  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn thực vật gây toát mồ hôi, lạnh đầu chi, nhiệt độ tăng, nôn ra chất màu đen.
  • Rối loạn tâm thần gây chậm chạp, thờ ơ, mất trí nhớ, ngôn từ lẫn lộ, ngủ gà, hôn mê.
  • Dấu hiệu thần kinh khu trú: Liệt dây thần kinh sọ não, liệt nửa người, động kinh, hội chứng giao bên,…

Các biểu hiện trên cận lâm sàng của hội chứng tăng áp lực nội sọ

Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giá chính xác hơn về hội chứng tăng áp lực nội sọ. Thông thường, khi đến các cơ sở y tế, người bệnh sẽ được chụp chiếu và đánh giá những triệu chứng cận lâm sàng như sau:

Biểu hiện ở mắt

Những triệu chứng ở mắt có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán hội chứng tăng áp lực nội sọ.

  • Phù gai thị: Gai thị lồi lên, bờ gai mờ, tĩnh mạch giãn to, ngoằn nghèo, có xuất hiện xuất huyết quanh gai thị.
  • Teo gai thị thứ phát: Gai thị giáo nhạt màu, trắng bệch, bờ gai nham nhở và mờ đi. Thị lực mờ dần và gây mù vĩnh viễn, không thể hồi phục.
  • Teo gai thị tiên phát: Gai thị giác nhạt màu, trắng hoặc hơi xám. Bờ gai rõ rệt và không có biến đổi về mạch máu ở võng mạc. Mức độ giảm thị lực tăng nhanh.

Chụp sọ quy ước

Thực hiện chụp sọ quy ước thấy những biểu hiện như sau:

  • Hình ảnh vết ngón tay.
  • Mỏm của hố yến không còn chất vôi.
  • Xương sọ dày lên, khuyết mòn, có đám vôi hóa bất thường.
  • Khớp sọ bị giãn, đặc biệt là ở trẻ em.

Chụp cắt lớp vi tính

Hình ảnh chụp CT cắt lớp vi tính cho thấy:

  • Đường giữa lệch.
  • Rãnh não bị xóa.
  • Não thất giãn.
  • Dịch não tủy bị tắc gây giãn não thất ở sừng thái dương.
Chụp CT rất quan trọng để xác định chính xác tình trạng bệnh nhân
Chụp CT rất quan trọng để xác định chính xác tình trạng bệnh nhân

Chụp MRI: Phương pháp này chỉ giúp bổ sung hình ảnh CT mới chụp trong hội chứng tăng áp lực nội sọ. Bên cạnh đó, kỹ thuật này hỗ trợ đo thể tích dịch não trong tủy của hệ thần kinh trung ương.

Các xét nghiệm khác

  • Thực hiện điện não đồ: Sóng chậm hoặc sóng bệnh lý ở vị trí bệnh.
  • Đo và ghi áp lực: Khảo sát bằng sóng siêu âm Doppler giúp đo vận tốc dòng máu trong động mạch lớn của não và được dùng khi không đặt được catheter vào sọ.

Diễn biến và biến chứng của hội chứng tăng áp lực nội sọ

Tình trạng tăng áp lực nội sọ thường tiến triển nặng theo thời gian nếu không được điều trị và gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như:

  • Teo gai thị: Thị lực giảm dần và gai thị bạc màu, lâu dần có thể bị mù.
  • Giảm tưới tổ chức máu não: Tổ chức não được tưới máu phụ thuộc vào huyết áp động mạch trung bình và áp lực tĩnh mạch, nội sọ. Hiệu số giữa áp lực động mạch trung bình và áp lực nội sọ thường trên 80 mmHg, nếu giảm dưới 50mmHg thì tưới máu não giảm, không còn sự tự điều hòa tại não.
  • Lọt cực: Là một biến chứng nặng và có thể gây tử vong. Biểu hiện rõ nhất là ý thức chậm chập, hôn mê, tăng trương lực cơ khu trú ở vùng cổ, đầu nghiêng sang 1 bên. Ngoài ra, người bệnh bị rối loạn thần kinh thực vật, nhịp tim nhanh, huyết áp không ổn định, nhịp thở không đều,….
  • Lọt cực thái dương: Gây sụp mi, lác ngoài, rối loạn thực vật, đồng tử lác, thở nhanh, tăng huyết áp.
  • Thoát vị não: Khi não tụt qua lỗ chẩm thoát vị sẽ khiến hành não bị chèn ép, bệnh nhân không thể thở được và chết.

Phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như khả năng đáp ứng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp xử lý phù hợp. Dưới đây là một số cách điều trị bệnh theo nguyên nhân cũng như triệu chứng bệnh.

Tùy theo mức độ mà hội chứng tăng áp lực nội sọ sẽ có cách xử lý khác nhau
Tùy theo mức độ mà hội chứng tăng áp lực nội sọ sẽ có cách xử lý khác nhau

Điều trị nguyên nhân

Căn cứ vào nguyên nhân bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

  • Điều trị nội khoa: Bệnh nhân cần được điều trị rối loạn hô hấp, chuyển hóa hoặc cơn tăng huyết áp để duy trì áp lực tưới máu não. Có thể dùng kháng sinh trong viêm màng não mủ, áp xe giai đoạn cấp hoặc kháng siêu vi như trong bệnh viêm não do herpes simplex.
  • Điều trị ngoại khoa: Với bệnh nhân bị u não, tụ máu do sang chấn, nhũn não rộng ở tiểu não, tụ máu, áp xe não cần được can thiệp các phương pháp ngoại khoa phù hợp để xử lý.

Điều trị triệu chứng

Để điều trị triệu chứng, bác sĩ sẽ xem xét loại bỏ những yếu tố ngoài sọ và chống phù não người bệnh.

Loại bỏ yếu tố ngoài sọ

  • Giảm áp lực tĩnh mạch cho người bệnh bằng cách nằm ngửa và nâng đầu lên 10-30 độ để tránh chèn ép tĩnh mạch cảnh. Chú ý tránh kích thích vật vã bằng an thần, thực hiện giãn cơ và kiểm soát cơn động kinh.
  • Điều trị rối loạn hô hấp để chống lại tình trạng thiếu oxy và CO2 gây giãn mạch. Nếu bệnh nhân thở máy cần chú ý hơn vì thở máy làm tăng áp lực tĩnh mạch, giảm cung lượng tim.
  • Áp lực thẩm thấu hạ nên hạn chế nước, tránh dùng những dung dịch nhược trương thẩm thấu cho bệnh nhân.

Chống phù não

Sử dụng một số loại thuốc giúp chống phù não:

  • Corticoid: Hiệu quả rõ trong phù não do u não, áp xe não, chấn thương sọ,… Lúc đầu dùng 10mg dexamethasone, sau đó dùng 4mg cách nhau 6 giờ.
  • Thuốc Synacthène (Tetracosaclide): Sử dụng 1-2mg mỗi ngày, không dùng quá liều.
Thuốc Synacthène (Tetracosaclide) được dùng trong điều trị bệnh
Thuốc Synacthène (Tetracosaclide) được dùng trong điều trị bệnh

Điều trị giảm dịch trong não

Một số phương pháp giúp giảm dịch trong não bao gồm:

  • Lợi tiểu: Giúp giảm thể tích ngoại bào và giảm áp lực ở tĩnh mạch, giảm tiết dịch não tủy. Bác sĩ sẽ tiêm Furosemid với liều 1mg/kg nếu hạ nhanh áp lực nội sọ. Còn với liều thông thường thì dùng 1-2 ống vừa phải.
  • Dung dịch ưu trương: Đa số sẽ dùng Mannitol 20% với liều 0,25 – 0,5 – 1,5g/kg, không dùng quá 5g/kg/24 giờ. Tác dụng của thuốc khá ngắn nên thường sẽ lặp lại điều trị trong 6 giờ. Tuy nhiên không dùng quá 3 – 5 ngày vì sẽ dễ mất nước, gây độc hại cho gan thận.
  • Glycerol tĩnh mạch: Sử dụng loại Glycerol 30% từ 20 – 40ml, mỗi ngày 3 – 4 lần hoặc uống 2g/kg/ngày trong 10 – 15 ngày.
  • Tăng thông khí: Phương pháp này giúp thông qua co mạch làm giảm nồng độ CO2.
  • Barbituric tĩnh mạch: Dùng liều gây mê giúp giảm tưới máu và chuyển hóa ở não. Với hội chứng tăng áp lực nội sọ nặng thì nên kết hợp hô hấp hỗ trợ với thiopental 3-5mg/kg, dùng tiêm tĩnh mạch 50-100mg và lặp lại 2-4g mỗi ngày.

Hướng dẫn phòng ngừa hội chứng tăng áp lực nội sọ

Thực tế, hội chứng tăng áp lực nội sọ không thể ngăn chặn được, cách duy nhất để hạn chế tình trạng này là giảm những chấn thương ở đầu. Khi đi xe máy bạn cần đội mũ bảo hiểm, nếu đi ô tô thì hãy thắt dây an toàn. Ngoài ra, té ngã cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh nên bạn cần chú ý thật kỹ trong đi lại (đặc biệt là ở người cao tuổi).

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu như thấy các dấu hiệu như nhìn mờ, đau đầu không lý do thì cần đi khám và chụp CT hoặc MRI để kiểm tra sức khỏe, loại trừ nguy cơ bị tăng áp lực nội sọ. Với những bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ thì cần theo dõi và điều trị đúng cách để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Hãy nhớ luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy
Hãy nhớ luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy

Hội chứng tăng áp lực nội sọ rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Do đó ngay khi nhận thấy những biểu hiện của bệnh thì cần đến khoa thần kinh của các bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn điều trị. Trong quá trình chữa trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để việc chữa trị đạt kết quả nhanh chóng, tránh những rủi ro.


Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị bằng YHCT


Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *