Huyệt thừa sơn nằm ở vị trí cuối bắp chân, đóng vai trò chi phối sức mạnh của chân. Tương tự như tất cả các huyệt đạo khác trên cơ thể, bạn cần phải xác định được vị trí chính xác, tác động đúng cách mới mang lại hiệu quả chữa bệnh tốt nhất. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về huyệt đạo này trong bài viết này.

Huyệt thừa sơn là gì?

Huyệt thừa sơn là một số 108 đại huyệt trên cơ thể. Trong Đông y còn được gọi với các tên khác như: Ngư Phúc, Ngọc Trụ, Nhục Trụ, Trường Sơn.

Giải nghĩa tên gọi:

Huyệt Thừa Sơn có hình chữ V, gần giống với dáng núi nên gọi là Sơn. Huyệt nằm ngay vị trí chịu nhiều lực nhất, nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Vì thế, được gọi là huyệt thừa sơn.

Xuất xứ:

Huyệt thừa sơn thuộc thiên Vệ Khí (Linh Khu 52)

Đặc tính của huyệt

Là huyệt thứ 57 của kinh Bàng Quang

Giải phẫu:

  • Dưới da là góc giữa cơ sinh đôi bên trong và bên ngoài, gồm cơ dép, góc giữa cơ gấp dài và các ngón chân, cơ gấp dài của ngón chân cái, cơ nhầy sau, màng gian cốt.
  • Thần kinh vận động cơ chính là phần nhánh của dây thần kinh chầy sau
  • Phần da ở vùng huyệt được chi phối bởi những tiết đoạn thần kinh S2

Công dụng:

Huyệt thừa sơn có công dụng thư cân lạc, điều phủ khí và lương huyết. Ngoài ra, huyệt còn chủ trị các trường hợp bị chuột rút, đau thần kinh tọa, bệnh trĩ, liệt chi dưới.

huyet-thua-son
Hình ảnh minh họa huyệt thừa sơn

Huyệt thừa sơn nằm ở đâu? Cách xác định vị trí huyệt

Huyệt thừa sơn không quá khó nhận biết so với các huyệt khác. Huyệt ở giữa đường nối huyệt ủy trung và gót chân, dưới ủy trung 8 thốn, nằm ngay vị trí lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi trong và ngoài. Có thể nhận biết vị trí của huyệt bằng cách sau:

  • Dùng tay di từ dưới gót chân lên đến ngay giữa phần tiếp nối với bắp chân, ấn nhẹ thấy vùng này có một điểm lõm xuống thì đó là huyệt thừa sơn.
  • Nhận biết huyệt qua cử động bằng cách co bắp chân ra phía sau, cơ sinh đôi sẽ hiện rõ giúp xác định chính xác vị trí huyệt.

Huyệt thừa sơn có tác dụng gì?

Vì nằm trong kinh Bàng Quang nên huyệt thừa sơn có tác dụng tương đồng với huyệt thừa phù và một số huyệt khác.

Như trên đã giới thiệu, trong Đông y, huyệt đạo này giúp điều phủ khí, thư cân lạc, lương huyết. Theo các nghiên cứu khoa học, huyệt thừa sơn có nhiều tác dụng điều trị bệnh. Cụ thể như:

Trị chuột rút

Chuột rút là tình trạng các cơ bị kéo căng cứng đột ngột gây cảm giác đau đớn và khó cử động. Những người có thể trạng yếu, người cao tuổi, người làm việc với cường độ cao, người ngồi lâu một tư thế, thường xuyên bị căng thẳng dễ bị chuột rút.

Ngoài ra, cơ thể thiếu nước cũng là một trong những tác nhân gây khiến chúng ta bị chuột rút. Vì vậy, hãy chăm chỉ uống nước thường xuyên, rèn luyện sức khỏe để ngăn chặn tình trạng này.

Tác động vào huyệt thừa sơn khi bị chuột rút bằng cách dùng lực một bàn tay bóp chặt vào toàn bộ phần bắp chân, tay còn lại ấn mạnh vào huyệt. Lặp lại thao tác bấm huyệt khoảng 50 lần liên tục sẽ hóa giải được triệu chứng.

huyet-thua-son
Bấm huyệt thừa sơn giúp điều trị chuột rút

Trị đau thần kinh tọa

Châm cứu, bấm huyệt là phương pháp phổ biến trong điều trị đau thần kinh tọa. Qua thực tế, tác động vào huyệt thừa sơn trị bệnh này đã được áp dụng khá rộng rãi và có nhiều kết quả tích cực.

Chỉ cần bấm vào huyệt bằng một lực thật mạnh kết hợp lực giữ bóp của bàn tay giúp các cơ, dây thần kinh được thư giãn, giảm bớt đau nhức.

Trong trường hợp bị nặng hơn, có thể kết hợp châm cứu tại huyệt thừa sơn phối cùng một số huyệt khác để đem lại hiệu quả nhanh nhất.

Điều trị bệnh trĩ, sa trực tràng

Bệnh trĩ, trực tràng là những bệnh liên quan đến các huyệt đạo thuộc kinh Bàng Quang. Theo đó, bấm huyệt thừa sơn được ứng dụng trong trị liệu bệnh trĩ, trực tràng. Sở dĩ bấm huyệt có thể cải thiện bệnh vì các tĩnh mạch được giãn ra, lưu thông khí huyết.

Trong dân gian, người bị trĩ chỉ cần dùng một lực mạnh tác động vào huyệt thừa sơn trong một khoảng thời gian liên tục sẽ cải thiện được tình trạng bệnh.

Hỗ trợ điều trị liệt chi dưới

Liệt chi dưới có biểu hiện lâm sàng là mất khả năng cảm giác, không thể tự cử động. Cơ chế của bệnh là do tổn thương neuron vận động.

Nguyên nhân dẫn đến liệt chi dưới thường là những chấn thương do tai nạn, người lao động nặng bị giãn dây chằng đột ngột, phần cột sống - tủy bị tổn thương.

Liệt chi dưới rất khó chữa lành dù áp dụng đông y hay tây y. Tuy nhiên, bấm huyệt thừa sơn sẽ góp phần cải thiện phần nào tình trạng phức tạp này.

Mặt khác, cần phải kết hợp các biện pháp một cách tích cực mới có thể mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đau gót chân

Gót chân là bộ phận quan trọng góp phần nâng đỡ cơ thể. Đau gót chân có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể do va chạm hoặc vận động mạnh dẫn đến bầm gót chân, gai gót chân. Đi giày dép sai cách cũng có thể gây ra tính trạng đau gót chân.

Để trị đau gót chân bạn cần tìm đúng vị trí huyệt, ấn liên tục vào huyệt bằng lực mạnh, lặp lại nhiều lần. Hãy làm phương pháp này 2 lần mỗi ngày kết hợp ngâm chân nước ấm để có hiệu quả nhanh chóng.

huyet-thua-son
Trị đau gót chân bằng cách bấm huyệt thừa sơn

Hướng dẫn châm cứu, bấm huyệt thừa sơn

Huyệt thừa sơn là một trong số những huyệt có thể áp dụng cả 2 cách tác động là bấm huyệt và châm cứu để điều trị bệnh.

Cách day bấm huyệt

Người bệnh đặt chân phải gác thẳng lên chân trái, một tay giữ bắp chân, tay kia dùng ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt đạo thừa sơn. Lặp lại thao tác đối với chân còn lại. Đặt chân trái lên chân phải, tác động lực mạnh vào đúng huyệt.

Phương pháp day bấm huyệt thừa sơn cần thực hiện nhiều lần, day huyệt linh động khoảng 100 lần.

Để có hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, cần thực hiện day bấm huyệt 1 đến 2 lần mỗi ngày.

Cách châm cứu huyệt thừa sơn

Châm cứu huyệt thừa sơn người bệnh cần nằm sấp, tư thế thoải mái. Luồn kim dưới da, châm theo phương thẳng đứng. Châm kim sâu 1-1,5 thốn - Cứu 3-5 tráng. Thực hiện 5-10 tùy theo tình trạng bệnh.

Châm cứu huyệt thừa sơn thường không có biến chứng hay tác dụng phụ. Đây là một huyệt đạo an toàn trong điều trị bệnh.

Cách phối hợp huyệt thừa sơn với các huyệt khác trong trị bệnh

Ngoài bấm huyệt thừa sơn để điều trị bệnh còn có thể kết hợp với các huyệt khác để tăng hiệu quả chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Dưới đây là cách phối các huyệt với huyệt thừa sơn:

  • Phối huyệt Thừa Cân (Bq.56) (Thiên Kim Phương): Giúp trị chân đau.
  • Phối huyệt Kinh Cốt (Bq.64) + Thừa Cân (Bq.56) + Thương Khâu (Ty.5) (Thiên Kim Phương): Trị tình trạng chân co quắp
  • Phối huyệt Thái Khê (Th.3) (Tư Sinh Kinh): Điều trị đại tiện khó.
  • Phối huyệt Thương Khâu (Ty.5) trị bệnh trĩ (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối huyệt Trung Phủ (P.1) (Châm Cứu Đại Thành): Trị tiêu chảy gây ra chuột rút bắp chân
  • Phối huyệt Tinh Cung (Chí Thất - Bq.52) + Trường Cường (Đc.1) + Tỳ Du (Bq.20) (Châm Cứu Đại Thành): Trị tiêu ra máu.
  • Phối huyệt Phục Lưu (Th.7) + Thái Bạch (Ty.3) + Thái Xung (C.3) (Châm Cứu Đại Thành): Trị tiêu tiểu ra máu.
  • Phối huyệt Đái Mạch (Đ.26) + Giải Khê (Vi.41) + Thái Bạch (Ty.3) (Châm Cứu Đại Thành): Trị hậu môn sưng.
  • Phối huyệt Côn Lôn (Bq.60) + Ngư Phúc (Thừa Sơn - Bq.57) (Châm Cứu Đại Thành): Trị vọp bẻ, xoay xẩm.
  • Phối huyệt Trường Cường (Đc.1) (Bách Chứng Phú): Trị trường phong, hạ huyết.
  • Phối huyệt Ẩn Bạch (Ty.1) + Hạ Liêu (Bq.34) + Hội Dương (Bq.35) + t Lao Cung (Tb.8) + huyệt Phục Lưu (Th.7) + Thái Bạch (Ty.3) + Thái Xung (C.3) + Trường Cường (Đc.1) (Thần Cứu Kinh Luân): Trị tiêu ra máu.
  • Phối huyệt Cự Khuyết (Nh.14) + Đại Đô (Ty.2) + Thái Bạch (Ty.3) + Túc Tam Lý (Vi.36) (Loại Kinh Đồ Dực): Trị Tâm thống do giun.
  • Phối huyệt Côn Lôn (Bq.60) (Trung Quốc Châm Cứu Học): Trị vọp bẻ, chuột rút bắp chân.
  • Phối huyệt Phi Dương (Bq.58) (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu): Trị đùi tê đau .
  • Phối huyệt Tam m Giao (Ty.6) (Châm Cứu Học Thượng Hải): Trị dịch hoàn viêm.
  • Phối huyệt Chiếu Hải (Th.6) (Châm Cứu Học Thượng Hải): Trị bắp chân bị vọp bẻ [chuột rút]
  • Phối huyệt Thừa Phò (Bq.36) + Trường Cường (Đc.1) (Châm Cứu Học Thượng Hải): Trị hậu môn sưng ngứa, đau nhức .
  • Phối huyệt Côn Lôn (Bq.60) (Châm Cứu Học Thượng Hải): Trị gân gót chân đau.
  • Phối huyệt Bàng Quang Du (Bp.28) + Chương Môn (C.13) + Đại Trường Du (Bq.24) (Châm Cứu Học Thượng Hải): Trị táo bón.
  • Phối huyệt Túc Tam Lý (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa): Trị ứ huyết trong bụng.

Cách châm cứu phối hợp các huyệt được lưu truyền lâu đời trong các tài liệu Đông y cổ. Là tài sản vô cùng quý giá trong y học cổ truyền cần được lưu trữ, bảo tồn và phát triển.

huyet-thua-son
Kết hợp huyệt thừa sơn với các huyệt khác để tăng hiệu quả chữa bệnh

Châm cứu, bấm huyệt thừa sơn cần lưu ý gì?

Trong châm cứu, bấm huyệt đòi hỏi tính cẩn thận, kiên nhẫn của cả người thực hiện và người bệnh. Bên cạnh đó, khi châm cứu, bấm huyệt thừa sơn cần lưu ý những điều sau:

  • Cần tác động lực mạnh khi thực hiện day bấm huyệt để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Khi châm cứu phối hợp huyệt thừa sơn cùng các huyệt khác nên tìm hiểu kỹ. Một số người trong tình trạng sức khoẻ kém, người già, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện châm cứu, bấm huyệt
  • Không châm cứu vào các vùng huyệt có da bị tổn thương, có vết loét
  • Bấm huyệt, châm cứu cần thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian để đạt được hiệu quả rõ rệt.
  • Những người bị bệnh nặng cần kết hợp khám bác sĩ, chụp chiếu hình ảnh, kết hợp các phương pháp khác nhau để có hướng điều trị phù hợp nhất
  • Trước khi thực hiện bấm huyệt, châm cứu cần vệ sinh tay, dụng cụ và các vị trí châm cứu, bấm huyệt sạch sẽ.

Có thể thấy huyệt thừa sơn không quá khó để nhận biết, cách bấm huyệt để trị bệnh rất an toàn, không gây tác dụng phụ. Tuy vậy, hiệu quả tiến triển như thế nào phụ thuộc vào việc xác định được đúng vị trí, thực hiện đúng thao tác. Bên cạnh đó, cơ địa của người bệnh cũng là một yếu tố đáng lưu tâm.

Nhóm bệnh

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết liên quan