Sỏi ống mật chủ là tình trạng y tế nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng như viêm đường mật, tắc đường mật, viêm tụy cấp… Vì vậy, việc điều trị sớm không chỉ loại bỏ nguy cơ biến chứng mà còn giúp bệnh nhân tránh các cảm giác khó chịu như đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi… từ đó cân bằng lại cuộc sống.
Sỏi ống mật chủ bệnh học
Sỏi ống mật chủ là sự hình thành các viên sỏi trong ống mật (đường dẫn mật ngoài gan) hoặc do sự di chuyển của sỏi từ đường mật trong gan, túi mật xuống ống mật chủ. Cũng chính vì vậy mà thành phần của những viên sỏi này tương đối đa dạng, chúng có thể là sỏi sắc tố, sỏi hỗn hợp hay sỏi cholesterol.
Trong những trường hợp sỏi ống mật chủ chỉ có kích thước nhỏ, chúng sẽ đi qua cơ vòng oddi rồi xuống tá tràng, được đào thải ra ngoài qua hậu môn mà không gây nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu kích thước sỏi lớn có thể kẹt lại ống mật chủ và gây tắc nghẽn đường mật, thậm chí viêm tụy cấp nếu chúng ở đường chung tụy mật.
Nguyên nhân gây sỏi mật ống chủ
Việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị sỏi mật. Theo các báo cáo y tế, có tới 15% số bệnh nhân bị sỏi túi mật sẽ rơi xuống ống mật và hình thành nên sỏi ống mật chủ. Trong đó, các nguyên nhân chủ yếu khiến sỏi mật xuất hiện gồm:
- Vi khuẩn, kí sinh trùng: Sự xâm nhập của vi khuẩn có thể gây tổn thương thành đường mật, gây bong tróc và viêm loét. Điều này tạo thuận lợi cho các thành phần có trong dịch mật kết tủa hình thành nên các viên sỏi với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau.
- Giun: Khi giun chui lên ống mật mang theo trứng hoặc xác giun tạo thành nhân sỏi, sau đó các sắc tố lắng đọng sẽ bám vào, lâu dần hình thành sỏi ống mật chủ.
- Chấn thương: Gây ứ đọng dịch mật trong ống mật và tạo thành sỏi.
- Bẩm sinh: Xuất hiện nang đường mật, caroli…
Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:
- Bệnh nhân có tiền sử bị sỏi mật, bệnh túi mật. Ngay cả những người đã cắt bỏ túi mật vẫn có thể bị sỏi ống mật chủ.
- Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống: Béo phì, chế độ ăn ít chất xơ, thường xuyên sử dụng chất béo động vật, ăn chay kéo dài.
- Chị em phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, chế độ ăn uống và sinh hoạt có nhiều thay đổi.
- Người ngồi lâu, ít vận động.
- Đối tượng giảm cân nhanh chóng, sụt cân bất thường.
Nguy cơ không thay đổi được:
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ cao bị sỏi mật.
- Giới tính: Tỷ lệ phụ nữ bị sỏi mật thường cao hơn đàn ông.
- Màu da: Số người da đỏ, người Mỹ gốc Mexico thường có nguy cơ bị sỏi túi mật cao hơn. Trong đó sỏi ống mật chủ lại xuất hiện chủ yếu ở những người gốc Á.
- Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình bị sỏi mật có nguy cơ bị sỏi ống mật cao hơn.
Triệu chứng điển hình
Triệu chứng sỏi ống mật chủ thường không rõ ràng, người bệnh chỉ xuất hiện các biểu hiện tương đối mơ hồ như khó tiêu, chướng hơi, đầy bụng,… Tuy nhiên, nếu đường mật đã bị tắc nghẽn thì người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu điển hình là đau hạ sườn phải, sốt và vàng da – mắt:
- Đau hạ sườn phải: Cảm thấy đau dữ dội, đột ngột và kéo dài. Những cơn đau này có thể xuất hiện sau ăn 1-2h hoặc tại bất cứ thời gian nào trong ngày. Trong một số trường hợp bệnh nhân còn cảm thấy cơn đau lan lên ngực rồi lại xuống sau lưng. Nguyên nhân của tình trạng này là do sỏi di chuyển hoặc quá trình tăng co bóp túi mật, từ đó làm tăng nhu động túi mật, gia tăng áp lực đường mật.
- Sốt: Khi dịch mật ứ trệ sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Lúc này, chúng tiết ra một lượng độc tố cực lớn và khiến bệnh nhân sốt cao từ 39-40 độ kèm các biểu hiện như vã mồ hôi, run lạnh. Cơn sốt thường xuất hiện sau khoảng 2-3h xảy ra đau quặn, đôi khi sốt cũng đi kèm với cơn đau.
- Vàng da, vàng mắt: Sau khoảng 24-48h xuất hiện cơn sốt, đau quặn thì triệu chứng này mới xuất hiện. Khi dịch mật bị tắc nghẽn và ứ đọng ở gan, bilirubin trong dịch mật có thể vào máu, từ đó gây nên triệu chứng vàng da, vàng mắt.
Trong một vài trường hợp, bệnh nhân còn nôn và buồn nôn, cảm giác ngứa ngáy (vì máu nhiễm độc muối mật), nước tiểu có màu vàng (sắc tố mật đào thải qua nước tiểu), phân màu bạc do thiếu sắc tố mật…
Phương pháp chẩn đoán
Khi các triệu chứng như đau hạ sườn, sốt kéo dài liên tục và có xu hướng tăng dần thì người bệnh cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm sinh hóa, nước tiểu… cùng các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp X-Quang ổ bụng, túi mật,…
Xét nghiệm sinh hóa máu: Các chỉ số như bạch cầu, bạch cầu đa nhân, ure máu, bilirubin máu, phosphatase kiềm, men gan tăng cao nếu sỏi gây tắc nghẽn đường mật.
Xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ nếu nồng độ sắc tố mật và muối mật tăng cao. Điều này xảy ra do dịch mật ứ trệ ở gan, làm sắc tố mật và muối mật đi vào máu rồi được đào thải qua đường nước tiểu.
Chụp X – quang ổ bụng, đường mật:
- Chụp ổ bụng: Cho hình ảnh nghi ngờ sỏi trong ống mật chủ.
- Chụp cản quang đường mật: Kết quả thiếu chính xác nên ít khi được sử dụng.
- Chụp đường mật qua da: Cho thấy số lượng, vị trí của sỏi đồng thời tác động dẫn lưu dịch mật ra ngoài. Phương pháp này được áp dụng với các bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật, ống dẫn mật bị giãn to. Tuy nhiên, nó có thể gây chảy máu đường mật, làm mật tràn vào máu rồi ngấm mật phúc mạc.
Siêu âm nội soi: Nhằm quan sát kỹ đặc điểm sỏi trong ống mật chủ. Siêu âm nội soi luôn được ưa chuộng vì cho hiệu quả cao, dễ thực hiện, chi phí thấp và rất ít gây tai biến.
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Phương pháp vừa giúp chẩn đoán, vừa đem lại hiệu quả trong việc điều trị sỏi ống mật chủ.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến cho chi tiết hình ảnh ống mật, gan, túi mật và tuyến tụy với độ chính xác lên đến 95%, độ đặc hiệu 83%.
Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan): Khảo sát đường mật trong và ngoài gan, cung cấp chính xác hình dáng, kích thước của các viên sỏi. Qua kỹ thuật chẩn đoán này cũng tìm ra nguyên nhân tắc đường mật ngoài gan là do u đầu tụy, u tá tràng… phát hiện sớm áp xe gan.
Điều trị sỏi ống mật chủ
Sỏi ống mật chủ là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh nếu như số lượng sỏi lớn và đã bắt đầu gây nên sự tắc nghẽn. Do đó bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm nhằm loại bỏ sỏi, ngăn chặn nguy cơ biến chứng, phòng tránh tái phát.
Mục đích và nguyên tắc điều trị
Mục đích chung trong điều trị sỏi đường mật chủ là loại bỏ sự tắc nghẽn. Tùy thuộc vào từng thể trạng, độ lớn của sỏi và mức độ tắc nghẽn mà bệnh nhân sẽ được chỉ định biện pháp phù hợp.
- Dùng thuốc: Chủ yếu là thuốc giảm đau, kháng sinh nhằm loại bớt triệu chứng của bệnh.
- Phương pháp phẫu thuật: Can thiệp bằng phẫu thuật nhằm giải phóng sự tắc nghẽn.
- Trường hợp ngoại lệ: Các bệnh nhân phát sinh phản ứng viêm được chỉ định dùng thuốc để ổn định sức khỏe, sau đó chẩn đoán lại và tiến hành phẫu thuật.
Biện pháp điều trị nội khoa bằng thuốc
Đối với bệnh nhân bị sỏi bùn ống mật chủ, đã gây viêm nhiễm:
- Sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh, chống viêm nhằm giảm bớt triệu chứng bệnh.
- Có tới 80% người bệnh đáp ứng thuốc tốt, 20% sức khỏe chuyển biến xấu đi.
- Nếu bệnh nhân sau khi dùng thuốc vẫn gặp biến chứng cần được dẫn lưu đường mật và phẫu thuật cấp cứu.
Nhóm thuốc có bản chất là acid mật hoặc có tính dầu:
- Tác dụng: Hòa tan sỏi cholesterol (ở những bệnh nhân chưa xuất hiện biến chứng).
- Các loại thuốc phổ biến: Rowa-chol, urso-deoxycholic, acid cheno-deoxycholic…
Lưu ý: Thuốc điều trị nội khoa chỉ phù hợp với sỏi nhỏ, còn tồn tại nhiều tác dụng phụ nên về mặt lâm sàng, việc ứng dụng những loại thuốc này trong điều trị sỏi mật ống chủ vẫn còn rất hạn chế.
Phẫu thuật sỏi ống mật chủ
Căn cứ vào sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Mục tiêu chung của quá trình phẫu thuật vẫn là loại bỏ hết sỏi ở ống mật chủ, đảm bảo dịch mật lưu thông bình thường sau phẫu thuật.
Nguyên tắc phẫu thuật:
- Giải quyết tắc mật.
- Cố gắng loại bỏ hết sỏi trong ống dẫn mật.
- Dự phòng sỏi mật tái phát.
Phương pháp:
- Kinh điển: Mở ống mật chủ để lấy sỏi.
- Nội soi: Nội soi ống mật chủ qua ổ bụng, lấy sỏi qua nội soi mật – tụy ngược dòng.
Mổ mở ống mật chủ lấy sỏi:
- Trường hợp chỉ định: Sỏi nhỏ, có thể gắp ra ngoài bằng các dụng cụ, thiết bị phẫu thuật. Riêng đối với những viên sỏi có kích thước lớn cũng có thể áp dụng phương pháp này nhưng cần kết hợp với kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể để phá vỡ chúng thành những viên sỏi nhỏ hơn, tạo thuận lợi cho việc gắp ra ngoài.
- Ưu điểm: Loại bỏ tận gốc tất cả sỏi trong ống mật chủ, ít để sót lại.
- Nhược điểm: Tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, chảy máu sau phẫu thuật là rất lớn.
Phẫu thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP):
- Trường hợp chỉ định: Được áp dụng phổ biến trong điều trị sỏi ống mật chủ, kể cả trong các trường hợp cấp cứu.
- Ưu điểm: Tỷ lệ lấy sỏi thành công cao, biến chứng thấp (chỉ dưới 5%).
- Nhược điểm: 50% tái phát sỏi ống mật chủ sau 5 năm nội soi mật tụy ngược dòng.
Tán sỏi ống mật chủ:
- Trường hợp chỉ định: Đa số các bệnh nhân sỏi ống mật chủ đều có thể được chỉ định.
- Ưu điểm: Không xâm lấn, ít đau đớn.
- Nhược điểm: Hiệu quả thực tế không cao, phải tiến hành thành nhiều lần mới có thể loại bỏ hoàn toàn sỏi nhỏ, cặn sỏi.
Tiên lượng bệnh và biến chứng
Sỏi ống mật tắc nghẽn có thể đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đa số các trường hợp bệnh nhân đều cho kết quả tương đối khả quan.
Tuy nhiên, tính riêng tại Việt Nam các bệnh nhân bị sỏi đường mật thường kèm theo sỏi đường mật trong gan nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nếu không kịp thời can thiệp phù hợp người bệnh sẽ phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ như:
- Viêm tụy cấp: Khi sỏi rơi xuống ngã ba mật tụy gây tắc nghẽn sẽ làm phát sinh viêm tụy cấp. Có thể thấy rằng đây là những tình trạng nội khoa nghiêm trọng, cần cấp cứu khẩn cấp do có tiên lượng nặng như nhiễm trùng huyết, suy hô hấp… Thậm chí bệnh nhân còn có thể tử vong ngay từ những ngày đầu mắc bệnh.
- Viêm đường mật: Việc đường mật bị tắc nghẽn sẽ gây ứ đọng dịch mật, khi đó vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển và gây viêm, thậm chí nhiễm trùng đường mật khiến bệnh nhân bị đau dữ dội kèm sốt cao. Trong trường hợp những triệu chứng này liên tục lặp lại sẽ làm cho đường mật hẹp lại, làm giảm khả năng vận động cũng như tống đẩy sỏi.
- Áp xe đường mật, áp xe gan: Nếu viêm đường mật không được chữa trị sẽ có xu hướng nặng thêm rồi dẫn đến áp xe đường mật. Trong nhiều trường hợp, viêm nhiễm lan rộng tới đường mật trong gan rồi hình thành nên áp xe gan. Khi gặp phải biến chứng này, bệnh nhân dễ đau hạ sườn phải, vàng da, sốt cao, gan to bất thường.
- Viêm phúc mạc mật: Lượng dịch mật bị tích tụ trong đường mật dễ thẩm thấu qua thành túi mật rồi vào ổ bụng gây nên viêm phúc mạc. Đây được xem là một trong những biến chứng vô cùng nguy hiểm, đe dọa tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Sốc nhiễm trùng đường mật: Khi biến chứng này xảy ra, bệnh nhân sỏi ống mật chủ có nguy cơ tử vong rất cao.
Bên cạnh những biến chứng kể trên, người bệnh cũng có thể bị máu đường mật, xơ gan, hội chứng gan thận, ung thư đường mật… Song tỷ lệ những bệnh lý này thường thấp hơn, hiếm gặp ở các bệnh nhân sỏi ống mật chủ.
Biện pháp phòng bệnh
Sỏi ống mật chủ có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, tác động đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Do vậy, việc chủ động phòng tránh, ngăn chặn sự tấn công của bệnh là hết sức quan trọng.
Để phòng chống bệnh lý này, cần áp dụng các biện pháp sau:
- Có lối sống tích cực: Chủ động tham gia các hoạt động thể chất với cường độ vừa phải, gia tăng khẩu phần chất xơ và giảm chất béo bão hòa trong thực đơn. Điều này có thể làm giảm nguy cơ hình thành sỏi túi mật, từ đó ngăn chặn sỏi ống mật chủ trong tương lai.
- Tẩy giun định kỳ: Tẩy giun thường xuyên không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, hoạt động của đường tiêu hóa mà còn ngăn chặn chúng chui ngược lên ống mật mang theo trứng hoặc xác trứng tạo nhân sỏi và trở thành “điểm bám” lí tưởng cho sắc tố trong dịch mật – hình thành nên sỏi ống mật.
- Dự phòng sỏi tái phát: Ở những bệnh nhân bị sỏi mật đã phẫu thuật cần chủ động phòng tránh sỏi mật tái phát thông qua ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Điều này cũng giúp hạn chế đáng kể nguy cơ hình thành sỏi ống mật.
- Uống nhiều nước: Thúc đẩy quá trình trao đổi, đào thải các chất lắng cặn khỏi cơ thể qua đường tiểu.
Sỏi ống mật chủ có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng với những nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Do vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là ăn uống, sinh hoạt khoa học, đồng thời thăm khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần chủ động thăm khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa, tránh để bệnh diễn biến nặng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!