Nhiễm trùng đường mật là một căn bệnh do vi khuẩn gây nên. Bệnh tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tình trạng nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng thậm chí là tử vong.
Nhiễm trùng đường mật là gì?
Nhiễm trùng đường mật là tình trạng đường mật bị viêm nhiễm do vi trùng gây nên. Bệnh thường xảy ra ở bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật do sỏi, u, ký sinh trùng,...
Bệnh nhiễm trùng đường mật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang nhiễm trùng huyết, có nguy cơ gây tử vong đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền.
Tình trạng nhiễm trùng huyết thường xảy ra ở những bệnh nhân có bất thường về cấu trúc cơ bản, thường là sỏi túi mật hoặc bệnh lý ác tính.
Triệu chứng của bệnh
Người bệnh khi bị nhiễm trùng đường mật sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:
- Sốt cao trên 39 độ C.
- Đau bụng phải: cơn đau thường xuất hiện đột ngột và kéo dài. Người bệnh thở càng mạnh càng thấy đau. Cơn đau có thể lan sang các khu vực khác như vai hoặc lưng.
- Vàng da: Do đường mật bị tắc nghẽn khiến hàm lượng bilirubin trong máu tăng cao, khiến da có màu vàng.
- Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng như: Buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn không tiêu, đầy bụng, chướng bụng, ợ hơi,...
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh nhiễm trùng đường mật bao gồm:
- Vi khuẩn: Chủ yếu là các vi khuẩn đường ruột, thường là các vi khuẩn gram âm, trong đó phổ biến nhất là Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae,...
- Các tác nhân làm hẹp đường mật: Bao gồm sỏi đường mật, giun chui ống mật, u đường mật, u bóng Vater, u đầu tụy, hẹp cơ vòng Oddi,..
- Đường mật bị dị dạng.
- Do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không tẩy giun định kỳ, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường mật do giun, sán.
- Do túi thừa tá tràng.
- Do viêm nhiễm đường mật.
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh nhiễm trùng đường mật nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Biến chứng cấp tính
- Thẩm mật phúc mạc: Tình trạng tắc mật khiến túi mật phồng to và mỏng hơn, các đường mật cũng căng to khiến mật thấm ra ngoài, ngấm vào ổ bụng, những cơn đau bụng xuất hiện nhiều hơn, khi đi khám thấy có phản ứng thành bụng.
- Viêm hoại tử túi mật hoặc ống mật chủ: Thành túi mật và ống mật chủ bị viêm dày, xuất hiện những vết hoại tử gây viêm phúc mạc. Biến chứng này được chẩn đoán bằng siêu âm và chụp cắt lớp tỷ trọng.
- Áp xe đường mật: Nhiễm trùng và tắc mật nghiêm trọng, gan lớn và sưng đau. Siêu âm phát hiện gan có các ổ áp xe.
- Chảy máu đường mật: Do áp xe hoại tử nhu mô gan khiến một nhánh của động mạch hay tĩnh mạch trong gan bị chảy máu. Triệu chứng này thường không rõ ràng, người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, hoa mắt, choáng váng, đi đại tiện phân đen, nguy hiểm hơn là nôn ra máu, chảy máu đường mật thường dai dẳng và dễ tái phát.
- Nhiễm trùng huyết: Thường do vi khuẩn Gram âm gây ra, người bệnh sốt cao, rét run, mạch đập nhanh, chân tay lạnh, nổi vân tím ở bắp tay và bắp chân, nước tiểu giảm, tiên lượng nặng.
- Hội chứng gan thận: Hội chứng này có thể gây ra tình trạng tiểu ít, vô niệu, ure máu tăng nhanh.
- Viêm tụy cấp: Người bệnh đau liên tục ở các điểm tụy, nôn nhiều, xét nghiệm thấy Amylase máu tăng, siêu âm thấy tụy bị tổn thương.
Biến chứng mạn tính
- Xơ gan: Bệnh xơ gan được hình thành do tình trạng ứ mật và viêm nhiễm kéo dài, tái phát nhiều lần khiến chức năng gan suy giảm.
- Viêm túi mật mạn: Do viêm túi mật tái phát nhiều lần gây nhiễm trùng, túi mật không lớn, xuất hiện đám quánh túi mật. Siêu âm thấy túi mật teo nhỏ, thành dày, bên trong xuất hiện sỏi.
- Ứ nước túi mật: Tình trạng này xuất hiện do sỏi cổ túi mật hoặc túi mật bị viêm gây tiết dịch lỏng.
- Viêm xơ cơ Oddi: Viêm xơ cơ Oddi lâu ngày gây hẹp đường mật.
Khi nào cần gặp bác sĩ
- Sốt cao và ớn lạnh: Đây là dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng.
- Đau bụng dữ dội: Thường đau ở vùng bụng trên bên phải, có thể lan ra sau lưng hoặc vai phải.
- Vàng da và mắt: Do tắc nghẽn đường mật, khiến bilirubin tích tụ trong máu.
- Nôn mửa: Có thể nôn ra dịch mật màu xanh hoặc vàng.
- Phân bạc màu: Do tắc nghẽn đường mật, khiến phân mất màu sắc bình thường.
- Nước tiểu sẫm màu: Do bilirubin dư thừa được bài tiết qua thận.
- Mệt mỏi và suy nhược: Do nhiễm trùng và tắc nghẽn đường mật ảnh hưởng đến chức năng gan.
Chẩn đoán nhiễm trùng đường mật
Không phải người bệnh nào cũng có đầy đủ những triệu chứng trên của bệnh. Để biết chính xác bản thân có bị nhiễm trùng đường mật hay không, người bệnh cần được thực hiện các phương pháp chẩn đoán như sau.
Chẩn đoán xác định
1. Lâm sàng
Thể điển hình
- Tiền sử: Bị sỏi mật, giun chui ống mật, phẫu thuật nối mật ruột.
- Sốt cao từ 39-40 độ C kéo dài, rét run nhưng vẫn đổ mồ hôi.
- Đau ở hạ sườn phải, có thể có cơn đau quặn gan.
- Vàng da
- Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, phân có màu khác lạ.
- Gan to, túi mật to (triệu chứng này có thể xuất hiện hoặc không)
Thể không điển hình
Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau hạ sườn hoặc vàng da. Tuy nhiên những dấu hiệu này thường không rõ ràng. Một số biến chứng của nhiễm trùng đường mật người bệnh có thể gặp phải như:
- Nhiễm trùng huyết
- Suy thận
- Chảy máu hoặc áp xe đường mật
2. Cận lâm sàng
Người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm công thức máu
- Sinh hóa máu xem mức độ tắc mật
- Protein C tăng cao.
- Cấy máu để phát hiện nhiễm trùng huyết.
3. Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán qua hình ảnh giúp các bác sĩ phát hiện sự thay đổi hình thái đường mật và tìm ra nguyên nhân gây ứ trệ đường mật.
- Siêu âm đường mật: Giãn đường mật trong gan và ngoài gan, thành đường mật dày, có khí trong đường mật, có thể phát hiện ra sỏi, giun trong đường mật, …
- Chụp đường mật nội soi ngược dòng giúp phát hiện các bất thường đường mật.
- Chụp CT bụng hoặc MRI đường mật để thấy những nguyên nhân gây tắc nghẽn đường mật, đồng thời phát hiện được chính xác vị trí của các tổn thương.
Chẩn đoán phân biệt
Tình trạng đau hạ sườn, vàng da cần phân biệt tình trạng nhiễm trùng đường mật với những căn bệnh sau:
- Viêm tụy cấp: Người bệnh thấy đau liên tục ở các điểm tụy, xét nghiệm thấy Amylase máu tăng, siêu âm bụng thấy tụy lớn, phù nề, các ổ đọng dịch.
- Áp xe gan: Người bệnh có hiện tượng sốt, đau bụng, gan to và đau, không có triệu chứng vàng da vàng mắt. Chẩn đoán bệnh dựa vào siêu âm và ELISA tìm kháng thể amip.
- Viêm gan: Bệnh viêm gan dễ bị nhầm với sỏi mật, người bệnh bị vàng da, xét nghiệm thấy Bilirubin, ALAT và ASAT tăng rất cao.
- U đầu tụy: Tình trạng tắc mật ngày càng tăng, bệnh nhân thường không đau, không sốt, chỉ phát hiện bệnh sau khi siêu âm bụng và nhất là CT Scan.
- Rối loạn vận động túi mật: Tình trạng này dễ nhầm với bệnh sỏi mật thể không vàng da, thường gặp ở nữ giới. Người bệnh không có dấu hiệu sốt hay vàng da, ít đau. Siêu âm không phát hiện thấy giun hoặc sỏi.
- Loét dạ dày tá tràng: Người bệnh không sốt, không vàng da, những cơn đau có tính chu kỳ, sau khi ăn hoặc uống thuốc sẽ thấy đỡ đau. Bệnh được chẩn đoán qua nội soi dạ dày tá tràng.
- Vàng da tắc mật khác: Một số bệnh khác dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng đường mật như u đầu tụy, u bóng Vater, u đường mật.
Chẩn đoán nguyên nhân và yếu tố thuận lợi
Chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng đường mật dựa vào những yếu tố như sau:
- Người bệnh bị sỏi mật.
- Giun chui ống mật.
- U đường mật.
- U đầu tụy, u bóng Vater.
- Chít hẹp cơ Oddi.
- Túi thừa tá tràng.
- Dị dạng đường mật.
Phương pháp điều trị bệnh
Để điều trị thành công bệnh nhiễm trùng đường mật, người bệnh cần tuân thủ theo đúng nguyên tắc điều trị như sau:
Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị bệnh nhiễm trùng đường mật bao gồm:
- Chống nhiễm khuẩn: Sử dụng thuốc kháng sinh có chu trình mật - ruột, hướng vào tiêu diệt vi khuẩn Gram âm đường ruột hoặc kháng sinh có độ khuếch tán tốt, thấm nhanh vào máu, thải trừ qua gan mật, phối hợp với các loại kháng sinh điều trị vi khuẩn kị khí.
- Khi có tắc nghẽn mật, dẫn lưu đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng bằng cách cắt mở cơ Oddi lấy sỏi, giun đường mật, đặt stent đường mật.
- Phẫu thuật làm giảm tình trạng tắc nghẽn đường mật.
Điều trị nhiễm trùng đường mật
Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc kháng sinh, thường dùng trong khoảng 10 – 14 ngày. Khi cấy máu nếu phát hiện có vi khuẩn nên dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Ngoài ra người bệnh có thể sử dụng các nhóm thuốc khác như:
- Nhóm Amoxicillin và Acid clavulanic: Augmentin 625mg, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên, có thể kết hợp với Ciprofloxacin 500mg, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 1 viên hoặc kết hợp với Metronidazol 1g/ngày, chia 2 lần.
- Cephalosporin thế hệ 3: Cefoperazon 2-4g/ngày chia 2-3 lần, có thể kết hợp với Aminosid hoặc Quinolon thế hệ II 1-2g/ngày hoặc Metronidazol 2-4g/ngày.
- Nhóm Imipenem: 2-4g/ngày hoặc carbapenem 1,5 – 3g/ngày hoặc Piperacilin/ tazobactam kết hợp với Metronidazol 2-4g/ngày.
- Nhóm Penicillin, Lincomycin và Macrolid.
Điều trị chống sốc nhiễm khuẩn
- Thở bình oxy.
- Truyền dịch và nước điện giải theo áp lực tĩnh mạch trung tâm.
- Phối hợp với các loại thuốc kháng sinh.
- Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, vừa hồi sức vừa mổ.
- Dùng các loại thuốc vận mạch như: Dopamin, Noradrenalin, Adrenalin, Dobutamin.
Điều trị triệu chứng
- Hạ sốt, giảm đau: Paracetamol 500mg, uống 3-4 lần/ngày, mỗi lần 1-2g, mỗi lần uống cách nhau 6-8 giờ.
- Giảm đau, giãn cơ trơn: Drotaverin HCl (No-spa) viên 40mg, uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1-2 viên hoặc Alverin Citrat (Spasmaverin) viên 40mg, uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần 1-3 viên.
Dẫn lưu đường mật
Bên cạnh việc dùng thuốc, các bác sĩ có thể sử dụng thêm phương pháp dẫn lưu đường mật để loại bỏ tắc nghẽn mật.
- Chụp mật tụy ngược dòng (ERCP) để loại bỏ tắc nghẽn do sỏi, giun, ung thư hoặc đặt stent đường mật.
- Dẫn lưu mật qua da.
- Tiến hành nội soi cửa sổ ở bên đã cắt cơ Oddi.
Phẫu thuật
Trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ phải tiến hành phẫu thuật bằng các cách sau:
- Mổ nội soi lấy sỏi.
- Phẫu thuật trong trường hợp đường mật có tắc nghẽn hoặc viêm phúc mạc mật.
- Trường hợp bị chảy máu đường mật sẽ tiến hành phẫu thuật thắt động mạch gan hoặc cắt phân thùy gan.
Cách phòng tránh bệnh
Nhiễm trùng đường mật là một căn bệnh nghiêm trọng với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy việc phòng tránh bệnh là điều cần thiết đối với mỗi người. Dưới đây là các cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất:
- Hạn chế ăn nhũng thực phẩm chứa nhiều cholesterol như: Lòng đỏ trứng gà, nội tạng động vật (tim, gan, óc, cật,...)
- Tăng cường vận động đường mật để tống sỏi ra ngoài. Một số loại thức ăn có tác dụng giúp làm tăng vận động đường mật như: sữa, rau xanh và hoa quả,...
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để làm tăng hoạt động cơ, giúp tăng nhu động mật, làm giảm sự ứ trệ, tăng cường tiêu hóa và làm giảm nguy cơ sỏi mật, loại bỏ nguy cơ nhiễm khuẩn đường mật.
- Cần ăn uống khoa học, đẩy đủ 3 bữa/ngày để mật tham gia vào quá trình tiêu hóa, không để lắng đọng tạo sỏi gây nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, người bệnh cần ăn uống sạch sẽ, ăn chín uống sôi để phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Tẩy giun định kỳ 3-6 tháng một lần để loại bỏ nguy cơ bị giun chui ống mật.
Kết luận
Nhiễm trùng đường mật là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, ngay khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!