Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Da khô nhăn nheo là một trong những dấu hiệu của lão hóa. Nguyên nhân, cách phòng tránh cũng như biện pháp chăm sóc da bị khô và nhăn là điều mà nhiều chị em rất quan tâm. Những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Da khô nhăn nheo là gì? Triệu chứng điển hình

Da khô nhăn nheo là tình trạng da thiếu nước trầm trọng kết hợp với suy giảm các cấu trúc nâng đỡ khiến da mất độ ẩm, kém đàn hồi và xuất hiện nhiều nếp nhăn. Da khô sẽ có các biểu hiện đặc trưng sau:

  • Thiếu ẩm, thô ráp: Bề mặt da sần sùi, kém mịn màng, dễ bong tróc, đặc biệt khi thời tiết hanh khô hoặc sau khi rửa mặt.
  • Xuất hiện nếp nhăn: Các nếp nhăn li ti xuất hiện dày đặc, dễ nhận thấy ở các vùng khóe mắt, khóe miệng, trán,... Thậm chí, nếp nhăn có thể xuất hiện ngay cả khi không có biểu cảm trên khuôn mặt.
  • Da xỉn màu, thiếu sức sống: Da mất đi vẻ căng mọng, sáng khỏe, trở nên xỉn màu, hốc hác, khiến gương mặt trông thiếu sức sống và già hơn tuổi thật.
  • Các dấu hiệu khác: Cảm giác căng tức khó chịu, đặc biệt sau khi rửa mặt, da dễ ửng đỏ, kích ứng với các sản phẩm chăm sóc thông thường...

Da khô nhăn nheo là tình trạng da thiếu nước trầm trọng
Da khô nhăn nheo là tình trạng da thiếu nước trầm trọng

Phân biệt da khô nhăn nheo với da lão hóa

Lão hóa da là quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi, trong đó, da mất dần độ ẩm, độ đàn hồi, các nếp nhăn xuất hiện,... Tuy nhiên, khác với da khô nhăn nheo, da lão hóa có những đặc điểm sau:

  • Tiến triển chậm: Các dấu hiệu lão hóa thường chỉ dễ nhận thấy sau tuổi 30, tiến triển tăng dần theo thời gian.
  • Nếp nhăn động: Các nếp nhăn trên da lão hóa thường xuất hiện rõ khi có biểu cảm (nheo mắt, cười, cau mày,...), còn khi nghỉ ngơi thì các nếp nhăn sẽ mờ đi phần nào.
  • Các dấu hiệu lão hóa khác: Ngoài nếp nhăn, da lão hóa còn đi kèm với hiện tượng chảy xệ, đốm nâu,...

Tại sao da bị khô và nhăn?

Nguyên nhân nào khiến cho da trở nên khô và nhăn? Da bị khô và nhăn nheo với diện mạo trông thiếu sức sống và già nua là kết quả của rất nhiều yếu tố tác động. Các nhóm nguyên nhân phải kể đến bao gồm:

Hiện tượng lão hóa

Thời gian trôi qua, các tế bào da dần lão hóa. Tuổi càng cao, các phân tử chịu trách nhiệm cho sự đàn hồi của làn da bị mất dần cấu trúc. Lớp hạ bì cũng thoái biến dần làm giảm lượng mỡ dưới da, làn da mất đi độ căng mịn, nhăn nheo và chảy xệ.

Suy giảm nội tiết (hormone)

Có thể bạn chưa biết cân bằng nội tiết tố có ảnh hưởng rất lớn đến làn da. Sự thay đổi nội tiết ở mỗi một giai đoạn lại gây ra những vấn đề rất khác nhau, điển hình như:

  • Tuổi dậy thì, nồng độ hormone tăng cao, kích thích hoạt động của tuyến bã nhờn, gây ra hiện tượng là da bóng dầu và dễ nổi mụn.
  • Tuổi tiền mãn kinh, hormone giảm xuống thấp, hoạt động của tuyến bã nhờn suy yếu dần. Lúc này, da lại trở nên khô và thiếu nước.

Suy giảm nội tiết là lý do khiến da khô nhăn
Suy giảm nội tiết là lý do khiến da khô nhăn

Yếu tố gen – di truyền

Tính chất và biểu hiện ra ngoài của làn da do bộ gen quyết định trước cả khi chúng ta ra đời. Chính yếu tố di truyền tạo ra sự khác nhau giữa các cá thể, có người da dầu, có người lại da khô, lại có người da hỗn hợp.

Thiếu chất dinh dưỡng

Giống như mọi tế bào khác của cơ thể, da cũng cần được nuôi dưỡng với đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Các acid béo, vitamin A, E, C hay cả khoáng chất vi lượng như kẽm đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh. Do đó, ăn uống thiếu chất là một trong những nguyên nhân đáng lưu ý khi phát hiện thấy da khô và nhăn nheo.

Yếu tố môi trường

Môi trường là yếu tố tác động một cách thường xuyên, liên tục đến làn da. Đây là một trong những tác nhân quan trọng khiến da khô và nhăn nheo. Trong đó, tia tử ngoại và độ ẩm không khí có ảnh hưởng lớn nhất.

  • Tia tử ngoại (tia UV) phá hủy cấu trúc da đồng thời làm da bị mất nước một cách nhanh chóng.
  • Độ ẩm không khí thấp, đặc biệt vào những ngày khô hanh làm cho da khô và nhăn nheo hơn.

Các thói quen không lành mạnh

Lối sống không lành mạnh cũng có thể là nguyên nhân khiến làn da bạn bị khô nhăn nheo. Cụ thể như sau:

  • Lối sống buông thả, bỏ bê bản thân với những thói quen không lành mạnh gây hại rất lớn đến làn da, điển hình như:
  • Nghiện, hút nhiều thuốc lá và lạm dụng quá mức rượu bia cũng như các chất kích thích khác.
  • Không che chắn, bảo vệ da. Lười bôi kem chống nắng, không đội mũ nón hay đeo khẩu trang. Không tẩy trang sạch sẽ.
  • Lười vận động, ít uống nước.
  • Thức khuya, ngủ không đủ giấc.
  • Tiếp xúc quá nhiều với chất tẩy rửa có thể khiến da tay bị khô và nhăn nheo, đôi khi còn bị bong tróc. Ngay cả sữa rửa mặt nếu pH quá cao cũng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng da mặt khô và nhăn nheo.

Dùng thuốc sai cách

Một số loại thuốc có tác dụng không mong muốn lên da, làm da bị kích ứng. Da khô nhăn nheo, mẩn đỏ, bong vẩy trắng có thể gặp khi sử dụng thuốc điều trị mụn viêm do tăng tiết bã (như các dẫn chất vitamin A liều cao, corticoid, kháng histamin,…), các thuốc hạ áp nhóm lợi niệu,…

Các bệnh lý liên quan

Bệnh lý da liễu là nguồn gốc gây ra tình trạng da khô nhăn nheo. Da tay khô và nhăn nheo là bệnh gì? Đây là một câu hỏi tương đối phổ biến và câu trả lời thường là bệnh viêm da cơ địa.

Bệnh này khiến da ở các đầu ngón tay bạn khô rát, bong tróc và sau đó là nhăn lại. Ngoài ra, lupus hệ thống, nấm da,… cũng là những bệnh lý tương đối  hay gặp có triệu chứng khô và nhăn nheo ở da.

Lupus hệ thống có thể là nguyên nhân khiến da bị khô nhăn
Lupus hệ thống có thể là nguyên nhân khiến da bị khô nhăn

Khi nào người da khô cần thăm khám bác sĩ?

Tình trạng da khô nhăn nheo cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Người bệnh cần chủ động đi khám bác sĩ da liễu khi xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Tình trạng khô da, nhăn nheo xuất hiện đột ngột và ngày càng nặng: Có thể liên quan đến các bệnh lý nội khoa, rối loạn nội tiết tố,... lúc này cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá và điều trị kịp thời.
  • Các biện pháp chăm sóc thông thường không có hiệu quả: Sau một thời gian chăm sóc da đúng cách, bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học mà các nếp nhăn, tình trạng khô da không cải thiện hoặc tăng nặng hơn.
  • Kèm theo các triệu chứng khác: Da khô, bong tróc nhiều vảy, sưng đỏ, có dấu hiệu viêm nhiễm. Người da khô kèm ngứa dữ dội, nổi mẩn, có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sụt cân, thay đổi giọng nói,...
  • Các trường hợp đặc biệt: Trẻ em, người cao tuổi xuất hiện tình trạng da khô nhăn nheo bất thường do làn da vốn mỏng manh và nhạy cảm. Người sở hữu làn da nhạy cảm, có tiền sử các bệnh lý về da (viêm da, chàm, vảy nến,...).

Cách chẩn đoán da nhăn khô

Để xác định chính xác tình trạng da và loại trừ các bệnh lý khác, bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Thăm khám lâm sàng: Quan sát các đặc điểm da, kiểm tra độ đàn hồi, mức độ nhăn,...
  • Soi da: Sử dụng các thiết bị để quan sát kỹ hơn các tổn thương, đánh giá mức độ lão hóa,...
  • Xét nghiệm (nếu cần thiết): Một số trường hợp, có thể chỉ định làm thêm xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng tuyến giáp,... nhằm loại trừ các bệnh lý toàn thân có thể gây ảnh hưởng đến da.

Xét nghiệm máu được chỉ định nhằm loại trừ các bệnh lý toàn thân
Xét nghiệm máu được chỉ định nhằm loại trừ các bệnh lý toàn thân

Da khô nhăn nheo phải làm sao?

Cải thiện tình trạng da khô nhăn nheo cần phối hợp các biện pháp chăm sóc da phù hợp cùng với một lối sống khoa học. Dưới đây là các phương pháp giúp bạn lấy lại làn da mịn màng, tươi trẻ:

Cách chăm sóc da khô nhăn nheo tại nhà

Chăm sóc da đúng cách tại nhà có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm tình trạng khô và hạn chế nếp nhăn xuất hiện. Dưới đây là các bước chăm sóc da thiết yếu:

Làm sạch da đúng cách

  • Chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa sulfate, có độ pH phù hợp với da (khoảng 5.5).
  • Ngày rửa mặt 2 lần sáng và tối bằng nước có độ ấm vừa đủ, không quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Dùng khăn mềm thấm khô da nhẹ nhàng, không chà xát mạnh.

Cấp ẩm đầy đủ cho da

  • Sử dụng toner cấp ẩm ngay sau khi rửa mặt, khi da còn hơi ẩm. Ưu tiên toner chứa các thành phần như hyaluronic acid, glycerin, chiết xuất lô hội, ...
  • Lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp với làn da. Đối với da khô nhăn, nên chọn kem có kết cấu đặc, chứa các thành phần cấp ẩm sâu như hyaluronic acid, glycerin, ceramides,...
  • Có thể dùng thêm serum dưỡng ẩm chuyên sâu trước khi thoa kem dưỡng.

Tẩy da chết nhẹ nhàng, định kỳ

  • Tẩy da chết giúp loại bỏ tế bào sừng già cỗi, giúp các sản phẩm dưỡng da thẩm thấu tốt hơn.
  • Ưu tiên tẩy da chết hóa học chứa AHA (glycolic acid, lactic acid...) hoặc BHA nồng độ thấp.
  • Tần suất tẩy tế bào chết cho da khô khoảng 1-2 lần/tuần.

Sử dụng kem chống nắng

  • Thoa kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên và chỉ số PA+++ trở lên mỗi ngày, ngay cả khi không ra nắng.
  • Thoa đủ lượng kem chống nắng (khoảng 2mg/cm2 da) và thoa lại sau mỗi 2-3 tiếng.

Bôi kem chống nắng là cách chăm sóc da hiệu quả
Bôi kem chống nắng là cách chăm sóc da hiệu quả

Đắp mặt nạ dưỡng ẩm

  • Chọn các loại mặt nạ chứa thành phần cấp ẩm, làm dịu da như chiết xuất nha đam, dưa leo, mật ong, sữa chua, bơ,...
  • Chăm chỉ đắp mặt nạ mỗi tuần từ 2-3 lần, mỗi lần 15-20 phút.

Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học

  • Uống nhiều nước, ít nhất là 2 lít/ngày.
  • Tăng cường bổ sung các loại rau củ quả, trái cây tươi mọng nước.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (quả mọng, trà xanh,...) và các chất béo tốt (cá hồi, quả bơ, dầu olive,...)
  • Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc.
  • Kiêng sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê…

Các phương pháp thẩm mỹ hỗ trợ điều trị da khô

Các phương pháp can thiệp thẩm mỹ có thể hỗ trợ cải thiện đáng kể tình trạng da khô nhăn nheo, mang lại làn da tươi trẻ, mịn màng hơn. Một số phương pháp hiện đại chăm sóc da khô nhăn phổ biến bao gồm:

Tiêm dưỡng chất

Tiêm dưỡng chất là một trong các phương pháp thẩm mỹ nội khoa giúp cải thiện tình trạng da khô nhăn nheo, mang lại làn da căng mướt, trẻ trung hơn.

  • Tiêm Hyaluronic Acid (HA): HA là chất có khả năng ngậm nước gấp 1000 lần trọng lượng phân tử, giúp cấp ẩm sâu cho da, cải thiện độ đàn hồi làm các nếp nhăn mờ đi trông thấy. Hiệu quả duy trì từ 6 tháng - 1 năm, tùy cơ địa.
  • Tiêm Meso (hay còn gọi tiêm vi điểm): Đây là phương pháp tiêm các dưỡng chất (HA, vitamin, khoáng chất,...) vào trung bì da. Tiêm Meso giúp dưỡng ẩm sâu, kích thích tăng sinh collagen và elastin, trẻ hóa da toàn diện.
  • Tiêm PRP (Huyết tương giàu tiểu cầu): Sử dụng tiểu cầu tự thân của người điều trị, sau khi được ly tâm và kích hoạt, PRP chứa các yếu tố tăng trưởng tự nhiên, thúc đẩy quá trình tái tạo da, hỗ trợ điều trị sẹo, làm đầy rãnh nhăn.

Căng da bằng chỉ

Sử dụng các loại chỉ sinh học tự tiêu để cấy vào dưới da, tạo lực kéo giúp nâng cơ, giảm chảy xệ, xóa mờ các nếp nhăn. Đồng thời, các sợi chỉ cũng kích thích tăng sinh collagen và elastin tại chỗ, giúp da dày và săn chắc hơn.

Công nghệ laser trẻ hóa da

Laser tác động nhiệt vào các lớp da, giúp loại bỏ tế bào sừng già cỗi trên bề mặt, đồng thời kích thích da tăng sinh collagen từ sâu bên trong, cải thiện tình trạng da sần sùi, nhăn nheo và làm sáng da. Một số công nghệ laser thường được sử dụng:

  • Laser CO2 fractional: Là loại laser có tác động xâm lấn mạnh, cải thiện đáng kể tình trạng da lão hóa nghiêm trọng.
  • Laser Erbium Glass: Công nghệ ít xâm lấn hơn, mang lại nhiều lựa chọn trẻ hóa da với mức độ khác nhau, thời gian nghỉ dưỡng ngắn hơn Laser CO2.
  • Laser Pico: Sử dụng bước sóng cực ngắn, tác động chính ở lớp trung bì, hỗ trợ trị thâm nám, trẻ hóa da với hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.

Laser giúp kích thích da tăng sinh collagen từ sâu bên trong
Laser giúp kích thích da tăng sinh collagen từ sâu bên trong

Một số phương pháp khác:

  • Lột da hóa học (chemical peel): Giúp loại bỏ lớp da bên ngoài, kích thích tái tạo và sản sinh tế bào da mới.
  • Phẫu thuật căng da: Thường áp dụng cho trường hợp da nhăn nheo, lão hóa nặng.

Kết luận

Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích về da khô nhăn nheo. Biết được nguyên nhân cũng như các giải pháp sẽ giúp bạn cải thiện và ngăn ngừa tình trạng không mấy dễ chịu này.


Top địa chỉ phòng khám Da Khô Nhăn Nheo


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan