Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi đây là liệu pháp điều trị không dùng thuốc, ít gây ảnh hưởng đến cơ thể. Vậy bấm huyệt có tác dụng gì trong điều trị thoái hóa cột sống? Thực hiện như thế nào, cần lưu ý những gì? Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây. 

Bấm huyệt có tác dụng gì trong điều trị thoái hóa cột sống?

Xoa bóp bấm huyệt là liệu pháp hiệu quả giúp điều trị thoái hóa cột sống. Bằng cách dùng tay tạo ra kích thích vật lý trực tiếp lên da, xoa bóp bấm huyệt tạo ra tác động đối với thần kinh, mạch máu và các cơ quan thụ cảm của cơ thể. Từ đó, kích hoạt khả năng tự phục hồi và chữa lành của cơ thể.

Cụ thể, với người bị thoái hóa cột sống, bấm huyệt có các tác dụng:

  • Thúc đẩy lưu thông máu, giảm tình trạng sưng viêm, giải phóng chèn ép thần kinh
  • Giúp giãn cơ, giảm co cứng khớp giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi vận động
  • Kích thích sản sinh hormone endorphin giảm đau, giúp người bệnh thư giãn, thoải mái
  • Làm tan tụ máu, tán ứ trong khớp, chống kết dính cơ gân trong chấn thương
  • Kích thích hệ thống cảm ứng, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích cơ chế tự bảo vệ của cơ thể
  • Tăng nhu động ruột, cải thiện tiêu hóa, giúp người bệnh ăn ngon miệng, hấp thu tốt, hỗ trợ quá trình điều trị xương khớp diễn ra nhanh hơn.

Bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống chỉ cho hiệu quả điều trị tối ưu khi quá trình thực hiện tuân thủ đúng nguyên tắc và thực hiện đúng động tác.

Bấm huyệt chỉ có hiệu quả khi được thực hiện đúng kỹ thuật
Bấm huyệt chỉ có hiệu quả khi được thực hiện đúng kỹ thuật

Tuy nhiên, thoái hóa cột sống là bệnh mãn tính, không có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn, bấm huyệt chỉ có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, thúc đẩy phục hồi

Nguyên tắc bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa đốt sống cổ

Xác định đúng huyệt vị

Trên cơ thể có 108 huyệt đạo, bao gồm 72 huyệt cơ bản và 36 huyệt quan trọng, nối với 12 đường kinh và 8 mạch kỳ kinh, có liên hệ mật thiết với các tạng phủ. Các huyệt đạo quan trọng trong điều trị thoái hóa cột sống gồm: Huyệt á thị, phong trì, kiên tỉnh, hậu khê, á thị, đại trường du, thận du, thiên khu.

Mỗi huyệt đạo sẽ liên hệ với những khu vực khác nhau trong cơ thể, chỉ khi tác dụng vào đúng huyệt đạo thì việc bấm huyệt mới có hiệu quả. Điều này yêu cầu người thực hiện kỹ thuật phải có kiến thức chuyên môn vững vàng.

Người bệnh giữ đúng tư thế

Để thực hiện bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống, người bệnh cần thả lỏng, nằm úp, thân thẳng, đầu có thể quay sang hai bên hoặc ngồi trên ghế thẳng lưng.

Thao tác chính xác

Bấm huyệt yêu cầu người thực hiện có lực ngón tay chắc và bền bỉ, có sự phối hợp linh hoạt giữa vai, cánh tay, khuỷu tay, cổ tay, đầu ngón tay.

Bấm huyệt cần sự dẻo dai, linh hoạt và mạnh mẽ của đôi tay
Bấm huyệt cần sự dẻo dai, linh hoạt và mạnh mẽ của đôi tay

Thao tác bấm huyệt yêu cầu ngón tay bấm chúc thẳng. Các ngón tay tạo lực cho ngón bấm, dồn lực từ vai, cánh tay, khuỷu tay xuống đầu ngón tay. Tăng lực ấn mạnh dần, giữ từ 20-60 giây rồi giảm dần lực, từ từ rút ngón tay lên.

Chuẩn bị trước khi tiến hành bấm huyệt

Người trên 45 tuổi cần kiểm tra mật độ khoáng chất xương trước khi tiến hành bấm huyệt. Bởi, tác động day bấm huyệt có thể gây tổn thương với những người bị loãng xương.

Trước khi lựa chọn liệu pháp bấm huyệt, người bệnh nên đến bệnh viện, tiến hành các kiểm tra lâm sàng để biết chắc chắn nguyên nhân gây đau.

Phương pháp bấm huyệt không phải ai cũng có thể thực hiện tốt. Để chắc chắn về kỹ thuật cũng như hiệu quả, người bệnh nên lựa chọn thầy thuốc hoặc người có chuyên môn thực hiện.

Đối tượng không thể thực hiện bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống

  • Người bị chấn thương ở các vùng tiến hành bấm huyệt.
  • Vị trí huyệt đạo đang bị sưng tấy, có vết thương hở hoặc bị lở loét

Động tác xoa bóp bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống cổ

Động tác xoa bóp bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống cổ được thực hiện qua các bước sau:

Xoa bóp trước khi bấm huyệt

Trước khi tiến hành bấm huyệt, người bệnh cần được xoa bóp để các mô cơ được thư giãn, giúp việc tìm huyệt vị và bấm huyệt phát huy hiệu quả tốt hơn.

Xoa bóp vùng cổ 

Dùng bàn tay và ngón tay chà xát, massage, xoa bóp nhẹ nhàng từng bên. Bắt đầu từ trên xuống dưới, rồi làm ngược lại trong khoảng 1 phút.

Xoa bóp vùng gáy

Đan hai bàn tay với nhau, để sau gáy, tiến hành chà xát từ chân tóc xuống phía vai, rồi bóp nhẹ cơ ở hai bên cổ, thực hiện 10-15 lần.

Xoa bóp xương bả vai

Dùng tay chà xát và xoa bóp lần lượt từng bên vai, mỗi bên khoảng 1-2 phút.

Khi thực hiện xoa bóp, cần dùng lực nhẹ nhàng, vừa phải, không nên quá mạnh tay, gây bầm tím, tổn thương mô mềm. Sau khi kết thúc xoa bóp, cơ bắp đã được thư giãn, tuần hoàn máu tốt hơn, có thể bắt đầu thực hiện bấm huyệt.

Bấm huyệt phong trì

Giúp giảm đau mỏi vai gáy, giúp điều trị đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, mất tập trung suy giảm trí nhớ.

  • Bước 1 – Xác định huyệt vị: Đưa tay ra phía sau tai, chỗ hõm chân tóc, đây là vị trí của huyệt phong trì, huyệt đạo thứ 21 của kinh Đởm.
  • Bước 2 – Bấm huyệt: Đặt 2 ngón tay cái vào huyệt phong trì, 8 ngón còn lại ôm lấy đầu, dùng lực từ hai ngón tay cái ấn giữ trong khoảng 1-2 phút. Khi thấy nóng, thì từ từ giảm lực, thả lỏng tay ra.
Cách xác định vị trí huyệt phong trì
Cách xác định vị trí huyệt phong trì

Bấm huyệt kiên tỉnh

Giúp trị đau mỏi, cứng cổ vai gáy do thoái hóa, bại liệt do phong hàn.

  • Bước 1 – Xác định huyệt vị: Tìm chỗ lõm ở vùng đỉnh trên vai, là điểm cao nhất của xương đòn và là giao điểm của đường thẳng ngang qua đầu ngực với đường ngang nối huyệt Đại chùy. Khi ấn xuống sẽ có cảm giác ê tức.
  • Bước 2 – Bấm huyệt: Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa của tay trái bấm vào huyệt bên phải trong 1-2 phút rồi từ từ thả ra. Đổi bên, dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa của tay phải bấm vào huyệt bên trái. Thời gian bấm huyệt kéo dài trong 5-7 phút.

Bấm huyệt bách hội

Giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm co cứng cổ, giảm đau đầu.

  • Bước 1 – Xác định huyệt vị: Ở vị trí đỉnh đầu, tại điểm giao nhau giữa đường thẳng dọc giữa đầu với đường ngang qua đỉnh vành tai, tìm vị trí có khe xương lõm xuống.
  • Bước 2 – Bấm huyệt: Dùng ngón tay cái hoặc trỏ, đặt chính xác vào vị trí huyệt bách hội, ấn trong 1-2 phút. Tới khi có cảm giác tê tê da đầu thì từ từ lỏng tay.

Bấm huyệt á thị

Kích thích lưu thông khí huyết, thông kinh hoạt lạc, giảm đau

  • Bước 1 – Xác định huyệt vị: Huyệt á thị không nằm ở vị trí nhất định, mà chính là điểm bệnh nhân cảm thấy đau nhất.
  • Bước 2 – Bấm huyệt: Dùng đầu ngón tay day hoặc ấn nhẹ để xác định chính xác điểm bị đau, mỗi điểm bấm trong 1-2 phút.

Động tác xoa bóp bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống lưng

Các bước thực hiện xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng cũng tương tự:

Xoa bóp vùng lưng, hông

Bệnh nhân ở tư thế nằm úp, thả lỏng thân người. Dùng ngón tay và mu bàn tay, tiến hành xoa bóp, massage phần lưng và hông cho bệnh nhân từ trên xuống dưới rồi làm ngược lại từ dưới lên trên trong khoảng 3-5 phút.

Thực hiện day bấm huyệt đại trường du

Giúp điều trị đau thắt, co cứng lưng, không cúi được

  • Bước 1 – Xác định huyệt vị: Huyệt đại trường du nằm ở 2 bên xương sống, dưới gai sống thắt lưng 4 (L4), đo ngang ra 1,5 thốn.
  • Bước 2 – Bấm huyệt: Dùng hai bàn tay ôm lấy eo vùng lưng, ngón cái phía sau lưng, các ngón còn lại ở phía bụng. Đặt đầu ngón cái vào huyệt vị, thực hiện day bấm bằng lực thích hợp trong vòng 2 phút.
Vị trí huyệt đạo vùng cột sống thắt lưng
Vị trí huyệt đạo vùng cột sống thắt lưng

Day bấm huyệt thận du

Huyệt thận du nằm trên đường kinh bàng quang, dưới gai đốt sống thắt lưng 2 (L2), đo ngang ra 1m5 thốn.  Bấm huyệt thận du giúp bổ thận, tăng sức mạnh xương cốt, làm giảm triệu chứng đau lưng. Cách thức thực hiện tương tự với huyệt đại trường du.

Bấm huyệt thiên khu

Giúp điều hòa đại tràng, hỗ trợ điều trị đau thắt lưng.

  • Bước 1 – Xác định huyệt vị: Huyệt có 2 vị trí đối xứng nhau ở bên cạnh rốn, từ chính giữa rốn sang hai bên, mỗi bên 2 thốn.
  • Bước 2 – Bấm huyệt: Bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, đặt hai ngón tay cái vào đúng vị trí huyệt thiên khu, day bấm trong 2 phút.

Lưu ý sau khi bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống

Thư giãn sau bấm huyệt

Kết thúc bấm huyệt, người bệnh không nên lập tức quay lại hoạt động bình thường, cũng không nên nghỉ ngơi ngay mà cần thực hiện một số động tác đơn giản để vùng cổ, lưng được thư giãn.

Người bệnh cần thư giãn sau khi bấm huyệt
Người bệnh cần thư giãn sau khi bấm huyệt

Với vùng cổ: Người bệnh có thể thực hiện cúi, ngửa cổ, kéo cổ sang hai bên, mỗi động tác thực hiện 5-7 lần với tốc độ chậm.

Với vùng lưng: Người bệnh có thể thực hiện cúi gập người, xoay người sang hai bên, mỗi động tác thực hiện 5-7 lần với tốc độ chậm.

Kết hợp cùng các biện pháp điều trị khác

Bấm huyệt chỉ là một trong những liệu pháp giúp kiểm soát các triệu chứng thoái hóa cột sống. Người bệnh cần kết hợp đồng thời các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc Tây y, dùng thuốc Đông y, vật lý trị liệu và thực hiện chế độ ăn uống khoa học theo chỉ dẫn của chuyên gia.

Bài viết giúp bạn tổng hợp những thông tin hữu ích liên quan đến liệu pháp bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống, bạn đọc có thể tham khảo. Để quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh nên tìm đến những người có chuyên môn, kinh nghiệm về bấm huyệt để tiến hành điều trị, không nên tự ý thực hiện.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
thoai-hoa-cot-song-o-vi-tri-nao-pho-bien-nhat-hien-nay
gai-cot-song
bai-tap-yoga-chua-thoai-hoa-cot-song
thoai-hoa-cot-song-han-quoc
gai-cot-song-khong-nen-an-gi
dau-day-than-kinh-lien-suon
chua-gout-bang-thuoc-nam
hinh-anh-nghe-si-xuan-hinh-khoi-thoai-hoa-dot-song-co-1