Siêu âm qua thóp sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của não và là một xét nghiệm an toàn, không gây đau. Kỹ thuật này dùng máy siêu âm phát ra sóng để nhận được kết quả trên máy tính. Các hình ảnh phản ánh cấu trúc bên trong não gồm não thất, nhu não và mạch máu.
Siêu âm qua thóp là gì?
Thóp được biết là vị trí chưa khép hết của xương sọ và được các sọ tạo ra. Khi trẻ mới sinh sẽ gồm 6 thóp là:
- Thóp trước: Có kích thước lớn và được tạo nên giữa 2 xương trán và hai xương đỉnh sọ. Thời gian đóng trung bình có thóp trước là 14 tháng tuổi.
- Thóp sau: Thóp sau nhỏ hơn thóp trước và được tạo nên từ 2 xương đỉnh và xương chẩm. Thóp sau liền sau 2 – 3 tháng tuổi.
- Hai thóp thái dương và 2 thóp chũm: 2 thóp này ít được đề cập nhưng chúng cũng là cửa sổ siêu âm khá tốt giúp đánh giá bệnh thần kinh.
Siêu âm qua thóp tên tiếng Anh là Neonatal Brain US là việc ứng dụng đặc điểm giải phẫu đặc biệt của trẻ sơ sinh để chẩn đoán các bệnh hệ thần kinh trung ương cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đặc biệt với những trẻ sinh thiếu tháng, nguy cơ mắc các bệnh thần kinh càng cao hơn nên rất cần thực hiện kỹ thuật này.
Siêu âm thóp dùng cửa sổ thăm khám gồm thóp trước, thóp sau, hai thóp thái dương cùng 2 thóp chũm để đánh giá thùy chẩm. Phương pháp áp dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi khi các xương sọ chưa phát triển hết, khớp sọ chưa liền. Lúc này bác sĩ dùng đầu dò có tần số phù hợp để thăm dò vùng thóp, sóng siêu âm phát ra sẽ thu được hình ảnh cấu trúc của não.
Ưu và nhược điểm khi thực hiện siêu âm qua thóp ở trẻ sơ sinh
Kỹ thuật siêu âm qua thóp có nhiều ưu điểm nhưng cũng có một số nhược điểm nhất định, cụ thể như sau:
Ưu điểm
- Đây là phương pháp áp dụng rất rộng rãi, đặc biệt là với trẻ bị sinh non tháng.
- Là phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp và là siêu âm không xâm lấn.
- Sóng siêu âm an toàn, không sử dụng bức xạ.
- Quét siêu âm cho hình ảnh rõ ràng về các mô mềm không hiển thị được qua hình ảnh trên phim chụp X quang.
Một số hạn chế
- Khi dùng siêu qua thóp khó đánh giá được vùng hố sau cũng như các mặt lồi của não.
- Những trẻ đủ tháng sinh có triệu chứng ngạt trong 24 giờ sẽ không thấy thay đổi ở cấu trúc siêu âm.
- Khả năng đánh giá những tổn thương bệnh lý kém hơn.
Vai trò của siêu âm qua thóp
Siêu âm qua thóp là kỹ thuật cần thiết giúp chẩn đoán chính xác các bệnh thần kinh cũng như dị tật thần kinh ở trẻ nhỏ (nếu có).
Phát hiện bệnh lý thần kinh
Trẻ nhỏ là đối tượng có thể dễ dàng mắc các bệnh lý nguy hiểm do sức đề kháng của cơ thể còn yếu kém. Kỹ thuật siêu âm xuyên thóp sẽ giúp chẩn đoán các bệnh về thần kinh như:
- Xuất huyết màng não: Bác sĩ có thể chẩn đoán và tiên lượng được tình trạng bệnh thông qua siêu âm. Đặc biệt là ở những trẻ thiếu tháng, đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh lên đến 25 – 45% do áp lực lên mạch máu. Với trẻ đủ tháng thì ít gặp hơn nhưng cũng có 2 – 4% trẻ mắc phải do bị ngạt, sang chấn hay đông máu,…
- Xuất huyết tiểu não: Gặp nhiều ở trẻ thiếu tháng và nguyên nhân là do thiếu máu não, rối loạn đông máu. Bác sĩ sẽ siêu âm thóp sau, thóp thái dương để chẩn đoán chính xác tình trạng này.
- Xuất huyết ngoài màng cứng: Tình trạng này hiếm gặp và thường là do sang chấn mạnh, trẻ sẽ được siêu âm qua thóp kết hợp cùng chụp cắt lớp.
- Nhuyễn chất trắng quanh não: Đây là tình trạng hoại tử chất trắng quanh não thất do thiếu máu, suy thai trong hoặc sau khi sinh.
- U não: Siêu âm qua thóp cũng giúp biết được khối u hoặc u nang bên trong não/
- Bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác cũng được chẩn đoán như: Áp xe não, viêm màng não mủ di chứng,…
Phát hiện dị dạng bẩm sinh
Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị dị dạng ở não và việc siêu âm sẽ giúp sớm phát hiện những dị tật này.
- Não úng thủy: Là hình ảnh giãn não thất bên và não thất số III do mất cân bằng giữa sản xuất dịch não tủy và hấp thu hoặc do tình trạng tắc nghẽn dòng chảy.
- Bất thường thể trai: U mỡ thể trai, teo thể trai.
- Dandy walker: Là bất thường do quá trình đóng của ống thần kinh gây tràn dịch não, bất sản thùy nhộng, não úng thủy,…
- Dị tật khác: Não nước, dị dạng tĩnh mạch galen.
Chỉ định siêu âm xuyên thóp với những trường hợp nào?
Những trường hợp được chỉ định thực hiện kỹ thuật siêu âm qua thóp gồm:
- Trẻ sinh non cần được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt.
- Trẻ bị tăng kích thước đầu bất thường.
- Trẻ bị thóp phồng.
- Trẻ bị rối loạn vận động, xuất hiện triệu chứng màng não.
Quy trình thực hiện
Có thể nói đây là kỹ thuật khá đơn giản với trẻ sơ sinh và cha mẹ nên thực hiện cho con để sớm phát hiện những bệnh lý có liên quan.
- Trước khi thực hiện, cha mẹ nên nói với bác sĩ phụ trách về các loại thuốc mà con đang sử dụng nếu có.
- Kỹ thuật này được thực hiện tại khoa Xquang của bệnh viện và cha mẹ cùng con sẽ di chuyển đến đây để bác sĩ tiến hành siêu âm.
- Nếu bé ở trong bệnh viện và không thể di chuyển đến trung tâm Xquang thì một máy siêu âm cầm tay sẽ được mang đến tận giường nằm của bé. Điều này chỉ được thực hiện trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh NICU.
- Siêu âm được thực hiện trong phòng tối để hình ảnh trên máy tính hiện rõ nhất.
- Bác sĩ sẽ bôi một lớp gel mỏng và ấm lên da đầu bé để giúp truyền sóng âm thanh.
- Bác sĩ di chuyển đầu dò và nó sẽ phát ra sóng âm tần số cao, máy tính đo các sóng âm dội lại từ đầu. Máy tính sẽ thay đổi những sóng âm thanh đó thành hình ảnh cần phân tích.
- Quy trình này kéo dài trong 15 – 30 phút.
Siêu âm qua thóp là một kỹ thuật an toàn, hiện đại giúp sớm phát hiện những tổn thương ở não. Phương pháp này nên được thực hiện sớm để bác sĩ có thể nhanh chóng đưa ra cách điều trị phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!