Huyệt thừa phù nằm tại vị trí nối giữa mông và chi dưới, là một trong vô số huyệt đạo trên cơ thể con người. Theo Đông y, mỗi huyệt đạo thường chủ trị một bệnh đặc trưng. Xác định được đúng vị trí, cách tác động nên các huyệt là yếu tố cốt lõi giúp cải thiện sức khỏe.

Hiểu chung về huyệt thừa phù

Huyệt thừa phù còn có tên gọi khác là Âm Quang, Bì Bộ, Nhục Kích, Phò Thừa, Phù Thừa, Thừa Phò. Huyệt này được xác định nằm ở dưới mông, thuộc phần tiếp nối giữa mông và chi dưới khi cử động, có nguồn gốc từ kinh Giáp Ất.

Huyệt thừa phù là huyệt thứ 36 của kinh Bàng Quang. Trong đó, chữ “Thừa” có nghĩa là tiếp nhận, nối tiếp. Chữ “Phù” chỉ chỗ chi tiếp xúc. Đây là cách lý giải dựa theo vị trí của huyệt này. Theo tài liệu y học cổ truyền, huyệt thừa phù là loại huyệt vị có thể châm cứu, chủ trị các chứng đau dây thần kinh tọa, liệt chi dưới.

Các trường hợp bị đau nhức xương khớp, mỏi lưng, căng cứng cơ vùng đùi, đại tiểu tiện khó khăn, người bị bệnh trĩ nếu tác động vào huyệt thừa phù sẽ giúp nhanh chóng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu.

huyet-thua-phu
Hình ảnh mô tả huyệt thừa phù

Huyệt thừa phù nằm ở vị trí nào? Cách xác định huyệt

Để trả lời được câu hỏi huyệt thừa phù nằm ở vị trí nào cần căn cứ vào các tài liệu Y học cổ truyền. Theo hướng dẫn được ghi chép lại, huyệt thừa phù được xác định bằng một số cách như sau:

  • Cách 1: Dựa theo vị trí, khoảng cách huyệt thừa phù nằm ở điểm giữa nếp gấp mông nối với chi dưới, ngay chính ụ ngồi của xương chậu.
  • Cách 2: Xác định vị trí của huyệt dựa vào cử động của người bệnh. Theo đó, người bệnh nằm sấp sẽ thấy dưới mông xuất hiện một đường lằn lớn chạy ngang, dùng tay tác động một lực vừa phải lên nếp gấp này, nếu thấy đau ở đâu thì điểm đó chính là huyệt thừa phù. Ấn mạnh hơn sẽ cảm nhận được cơn đau tê lan dần từ mông đến đầu gối

Huyệt thừa phù là huyệt quan trọng, chi phối trực tiếp đến dây thần kinh hông và chi dưới. Nếu tác động đúng cách sẽ giảm thiểu được các cơn đau cho người bệnh.

Theo giải phẫu:

  • Ngay dưới da là bờ cơ mông to, bờ trong cơ 2 đầu đùi, bờ ngoài cơ bán gân, bờ ngoài cơ bán mạc, cơ khép lớn và cơ khép bé
  • Thần kinh vận động cơ là nhánh của các dây thần kinh hông và nhánh của các dây thần kinh bịt.
  • Da vùng huyệt được chi phối bởi dây thần kinh tiết đoạn S2
  • Nắm rõ được đặc điểm, vị trí của huyệt thừa phù có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị các chứng bệnh liên quan, góp phần cải thiện sức khỏe.

Cách tác động lên huyệt thừa phù trong điều trị bệnh

Trong Đông y, việc tác động đúng cách vào huyệt thừa phù mang lại hiệu quả tích cực, giảm đau nhức cho cơ thể. Dưới đây là một vài gợi ý về cách tác động lên huyệt thừa phù trong điều trị bệnh:

Day bấm huyệt

Bấm huyệt là phương pháp sử dụng lực của tay để kích thích khả năng phục hồi của cơ thể. Bấm huyệt đúng cách giúp đả thông kinh mạch, có tác động trực tiếp tới từng bộ phận trên cơ thể dựa theo vị trí các huyệt đạo.

Sau khi xác định được đúng vị trí huyệt thừa phù, chỉ cần dùng đầu ngón tay với lực ấn nhẹ tại điểm huyệt. Khi mới ấn vào huyệt đạo, người bệnh sẽ có cảm giác tê bì từ phần mông đến hết chi. Tuy nhiên, sau khoảng 1 phút thực hiện thao tác day bấm huyệt này, cảm giác tê nhức sẽ biến mất và dần cảm nhận được hiệu quả.

Thực hiện day bấm huyệt thừa phù trong vòng 2-3 phút người bệnh giảm hẳn cảm giác đau nhức tê bì mông và 2 chi dưới. Phương pháp này nên thực hiện lặp lại vài lần cho đến khi hoàn toàn chấm dứt hẳn các triệu chứng khó chịu trên lưng, mông và chân.

Châm cứu

Huyệt thừa phù có thể tác động bằng phương pháp châm cứu. Châm là thủ thuật sử dụng kim châm vào huyệt đạo trên cơ thể giúp phòng và điều trị bệnh. Phương pháp này đòi hỏi sự khéo léo của người thực hiện.

Điểm đặc biệt trong cách tác động vào huyệt bằng phương pháp châm cứu chính là thái độ người thầy thuốc và sự tin tưởng trong tâm lý người bệnh.

Thông thường, người bệnh nhìn thấy cây kim được chuẩn bị đặt vào huyệt đạo trên cơ thể đều rất lo lắng. Nếu tinh thần không được trấn an thì sẽ làm giảm thiểu đáng kể hiệu quả chữa bệnh.

huyet-thua-phu
Huyệt thừa phù có thể tác động bằng phương pháp châm cứu

Phương pháp châm cứu huyệt thừa phù trong điều trị thần kinh tọa

Trong Đông y, bệnh đau thần kinh tọa được điều trị bằng phương pháp châm cứu tác động vào huyệt thừa phù. Cùng làm rõ những thông tin cơ bản về bệnh thần kinh tọa và phương pháp châm cứu điều trị căn bệnh này.

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa là căn bệnh thường gặp trong đời sống. Người bị bệnh này thường có cảm giác đau nhức khó chịu vùng thắt lưng trái ở nam và cả nữ lan xuống chi hông, mông và chi dưới.

Thần kinh tọa là dây thần kinh trải dài từ ngay dưới thắt lưng đến tận gót chân, làm nhiệm vụ chi phối các hoạt động của chân.

Nam giới ở độ tuổi lao động từ 30-60 tuổi có nguy cơ mắc đau thần kinh toạ nhiều nhất, đặc biệt ở những người lao động chân tay, lao động nặng.

Có nhiều phương pháp chữa đau thần kinh tọa như dùng thuốc, xoa bóp, bấm huyệt… nhưng biện pháp hiệu quả nhất phải kể đến chính là châm cứu. Đông y hiện đại đang ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị bệnh.

Châm cứu phối hợp huyệt trị đau thần kinh tọa

Để đạt hiệu quả tốt nhất cần kết hợp châm cứu phối hợp cùng các huyệt như: thận du, đại trường du, thừa sơn, uỷ trung, trật biên và thừa phù, sử dụng phương pháp tả.

Trong đó:

  • Huyệt thận du: là huyệt thứ 23 của kinh Bàng Quang, nằm ở dưới gai sống thắt lưng 2, chủ trị đau thắt lưng.
  • Huyệt đại trường du: huyệt thứ 25 thuộc kinh Bàng Quang, nằm dưới gai thắt lưng số 4
  • Huyệt thừa sơn: nằm ở vị trí cuối bắp chân, là huyệt thứ 25 của kinh Bàng Quang
  • Huyệt uỷ trung: huyệt thứ 40 của kinh Bàng Quang, nằm ở giữa nếp gấp nhượng chân-sau đầu gối

Khi châm cứu, người bệnh cảm thấy căng tức chứng tỏ kim châm đã tác động tới huyệt đạo.

Ngoài ra, các huyệt phối hợp với huyệt thừa phù còn có mệnh môn, tam túc lý. Dùng phương pháp châm bố vào các huyệt này góp phần giảm đau nhức.

Đặt kim tại vị trí huyệt trong vòng 20 phút sau đó rút kim ra và nhanh chóng bịt miệng tại huyệt vừa rút kim.

Lưu ý: Chỉ nên dùng phương pháp châm cứu vào đúng bên bị đau và tập trung vào các huyệt quanh vùng thắt lưng. Có thể kết hợp giác hơi nóng giúp người bệnh nhanh chóng giảm nhẹ cơn đau mỏi, nhanh phục hồi cơ thể.

huyet-thua-phu
Tác động huyệt thừa phù có thể điều trị đau thần kinh tọa

Cách châm cứu

  • Để châm cứu huyệt thừa phù cần đặt người bệnh nằm sấp, châm kim thẳng, sâu khoảng 1-2 tấc, cứu từ 3 đến 5 tráng, ôn cứu 5 đến 10 phút.
  • Chọn kim có độ dài phù hợp với vị trí cơ địa vùng định châm cứu. Sát trùng thật kĩ dụng cụ và vùng da chuẩn bị châm để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
  • Thao tác châm qua da bệnh nhân phải dứt khoát, người bệnh không cảm thấy đau hoặc chỉ đau thoáng qua là đạt yêu cầu.
  • Cầm kim đúng kỹ thuật, kim thẳng, lực tập trung ở đầu kim. Ở vùng cơ dày cần châm kim ở góc 60-90 độ. Góc 15-30 độ ở vùng cơ mỏng.
  • Vê kim: Khi châm kim vào huyệt thừa phù, dùng 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón cái) vê kim sao cho thân kim xoay nhẹ nhàng, đều đặn.
  • Khi lưu kim đủ lâu, đảm bảo có tác động đến huyệt đạo thì rút kim nhẹ nhàng và nhanh chóng vệ sinh vị trí vừa rút kim.

Thời gian châm cứu huyệt thừa phù trong trị đau thần kinh tọa thường kéo dài trong khoảng từ 1 đến 2 tuần. Người bệnh không nhất thiết phải lặp lại các ngày liên tục, có thể nghỉ ngơi 5 ngày để tránh tình trạng nhờn.

Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp các phương pháp như giác hơi, ấn huyệt, xoa bóp, dùng đèn chiếu hồng ngoại để giảm đau nhức.

Châm cứu huyệt thừa phù phối hợp với các huyệt liên quan là phương pháp chữa bệnh đau thần kinh tọa trong Đông y đang được nhiều người tin tưởng vì mang lại hiệu quả rõ rệt.

Những lưu ý đảm bảo an toàn khi tác động vào huyệt thừa phù

Huyệt thừa phù là một trong những huyệt đạo quan trọng trên cơ thể. Vì vậy, người thực hiện châm cứu và người bệnh cần hết sức lưu ý những vấn đề dưới đây:

  • Tác động vào huyệt với lực vừa phải, ấn quá nhẹ sẽ không đủ để tác động tới kinh mạch, ấn quá mạnh dễ gây tổn thương đến phần xương chỏm ngồi.
  • Những người được khuyến cáo không nên dùng phương pháp châm cứu hoặc bấm huyệt như phụ nữ có thai, người có thể trạng yếu.
  • Người đang bị các vết loét ngay tại vùng huyệt không được châm cứu
  • Nên thực hiện châm cứu hoặc bấm huyệt theo liệu trình đều đặn theo chỉ dẫn của thầy thuốc (thường 3-5 lần/tuần) để đạt được hiệu quả rõ rệt
  • Người mới bấm huyệt thừa phù trong những ngày đầu điều trị đau thần kinh toạ có thể sẽ có cảm giác nhức mỏi gia tăng, nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng giảm dần và khỏi hoàn toàn
  • Người bệnh khi đi châm cứu cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, tin tưởng vào thầy thuốc để tăng hiệu quả điều trị bệnh
  • Trong trường hợp bệnh nặng cần kết hợp khám bác sĩ, chụp chiếu hình ảnh để đưa ra phương hướng điều trị phù hợp nhất
  • Người thực hiện thao tác bấm huyệt, người bệnh trước khi châm cứu cần vệ sinh tay, cơ thể sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể

Trong Đông y, các huyệt đạo được coi là đầu mối kết nối các cơ quan trong cơ thể. Có những huyệt được coi là tử huyệt. Nếu không xác định được đúng vị trí và can thiệp đúng cách rất dễ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, hãy tìm đến các thầy thuốc uy tín để thực hiện châm cứu huyệt thừa phù điều trị đau thần kinh tọa.

Nhóm bệnh

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết liên quan