Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Ợ chua sau khi ăn là hiện tượng sinh lý bình thường mà hầu hết mọi người đều gặp phải. Tuy nhiên, nếu quá trình ợ chua sau khi ăn diễn ra liên tục và thường xuyên thì đó là dấu hiệu của một số bệnh về dạ dày. Vậy, nguyên nhân của tình trạng này là gì? Cách khắc phục ra sao? 

Định nghĩa ợ chua sau khi ăn

Ợ chua sau khi ăn là một triệu chứng thường gặp liên quan đến hệ tiêu hóa. Triệu chứng này thường xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát ở ngực và cổ họng, kèm theo vị chua hoặc đắng trong miệng.

Cơ chế: Thông thường, cơ vòng thực quản dưới (LES) đóng chặt sau khi thức ăn đi vào dạ dày, ngăn không cho axit và thức ăn trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên, khi LES bị suy yếu hoặc giãn ra không đúng lúc, axit dạ dày có thể trào ngược lên trên, gây ra các triệu chứng khó chịu.

Phân loại triệu chứng

Phân loại dựa trên thời gian xuất hiện:

  • Ợ chua ngay sau khi ăn: Triệu chứng này thường liên quan đến các vấn đề về dạ dày, như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng hoặc rối loạn tiêu hóa chức năng.
  • Ợ chua xuất hiện muộn sau khi ăn: Triệu chứng này có thể liên quan đến các vấn đề về đường ruột, như hội chứng ruột kích thích, nhiễm khuẩn đường ruột hoặc không dung nạp thực phẩm.

Phân loại dựa trên tần suất:

  • Ợ chua thường xuyên: Xảy ra hầu hết các bữa ăn hoặc nhiều lần trong ngày, có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.
  • Ợ chua không thường xuyên: Chỉ xảy ra thỉnh thoảng, có thể liên quan đến chế độ ăn uống, căng thẳng hoặc các yếu tố lối sống khác.

Phân loại dựa trên mức độ nghiêm trọng:

  • Ợ chua nhẹ: Gây khó chịu nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
  • Ợ chua vừa: Gây khó chịu đáng kể và ảnh hưởng đến một số hoạt động hàng ngày.
  • Ợ chua nặng: Gây đau đớn, cản trở sinh hoạt và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Nguyên nhân gây ra ợ chua sau khi ăn

Ợ chua sau khi ăn là hiện tượng xảy ra khá thường xuyên ở cơ thể. Tình trạng này thường xuất hiện sau khi ăn xong do người bệnh ăn quá no hoặc sử dụng các đồ uống có ga cồn hoặc ăn các đồ cay nóng… Mặc dù ợ chua không nguy hiểm, tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra liên tục sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người bệnh. Vì thế, cần tìm hiểu  nguyên nhân của tình trạng này là gì để tìm cách điều trị hợp lý.

Các nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn
Các nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn

Thực tế, hiện tượng ợ chua sau khi ăn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

Chế độ ăn không khoa học

Một chế độ ăn không hợp lý và khoa học sẽ khiến tình trạng ợ chua trở nên trầm trọng. Đấy là khi khẩu phần ăn có chứa các thực phẩm không tốt cho dạ dày:

  • Có chứa các loại gia vị cay nóng: tiêu, mù tạt, ớt…
  • Các loại thức ăn được chế biến theo hình thức chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn nhanh
  • Các thực phẩm kích thích dạ dày tăng tiết axit dịch vị gây cản trở hoạt động tiêu hoá của dạ dày
  • Ăn quá nhanh, nhai không kỹ làm ảnh hưởng đến dạ dày.
  • Thực phẩm chứa chất kích thích mạnh như rượu, bia, nước ngọt…
Đồ ăn nhanh là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ợ chua
Đồ ăn nhanh là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ợ chua

Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học

Đừng nghĩ rằng ăn uống không hợp lý mới ảnh hưởng đến dạ dày và gây nên tình trạng ợ chua sau khi ăn. Thói quen sinh hoạt không đúng cũng là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng  này. Những thói quen xấu người bệnh thường gặp như nằm ngay sau khi ăn, mặc quần áo chật, lười vận động…

Người bệnh lạm dụng thuốc Tây

Một số loại thuốc Tây có tác dụng thúc đẩy dạ dày sản sinh nhiều axit như Aspirin, Cholecystokinine, Ibuprofen… sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá. Nếu sử dụng các loại thuốc này càng nhiều thì lượng axit càng lớn dẫn đến tình trạng ợ chua sau khi ăn diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh. Vì thế, cần cân nhắc và hỏi ý kiến bác sĩ thật kỹ trước khi sử dụng các loại thuốc có khả năng làm tăng tiết axit trong dạ dày.

Do các bệnh dạ dày gây ra 

Hiện tượng ợ chua sau bữa ăn cũng là một trong những triệu chứng điển hình của các bệnh sau đây:

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản chính là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng ợ chua sau khi ăn ở người bệnh. Những người bị trào ngược dạ dày thường bị giảm lực cơ thắt thực quản dưới, tăng tiết axit và rối loạn nhu động co bóp. Vì thế, thức ăn được đưa vào sẽ không được tiêu hoá hết mà sẽ bị lên men gây nên hiện tượng hay bị ợ chua sau khi ăn. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng khác như:

  • Cảm giác nóng rát từ dạ dày trào lên thực quản
  • Khó thở, tức ngực
  • Đau thượng vị sau đó lan ra sau lưng.

Viêm hang vị 

Khi dạ dày bị tổn thương ở vị trí hang vị, là nơi tiếp xúc nhiều nhất với thức ăn và axit dịch vị, thế nên tạo ra tình trạng ợ chua sau khi ăn kéo dài trong một thời gian khá lâu. Hang vị là nơi khá khuất do đó việc điều trị ợ chua sau khi ăn do viêm hang vị gây ra tốn rất nhiều thời gian.

Viêm hang vị gây ra tình trạng ợ chua sau ăn
Viêm hang vị gây ra tình trạng ợ chua sau ăn

Viêm loét dạ dày  

Viêm loét dạ dày là sự tổn thương trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Do đó, người bệnh hay bị tăng tiết axit khiến cho hoạt động tiêu hóa thức ăn trong cơ thể bị rối loạn. các enzyme không thể hoạt động bình thường do axit nhiều quá mức.  Ngoài ra, lượng axit càng nhiều khiến các đầu mút sợi thần kinh làm cho nhu động ruột bị rối loạn gây nên hiện tượng ợ chua sau mỗi bữa ăn kèm theo triệu chứng đau thượng vị, hạ sườn trái…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ợ chua sau khi ăn thường không đáng lo ngại nếu chỉ xảy ra thỉnh thoảng. Tuy nhiên, nếu kèm theo các triệu chứng dưới đây, hãy tìm đến bác sĩ ngay:

  • Đau ngực dữ dội hoặc kéo dài: Đặc biệt nếu kèm theo khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc đau lan đến cánh tay, hàm hoặc lưng, có thể là dấu hiệu của cơn đau tim.
  • Khó nuốt: Có thể chỉ ra sự tắc nghẽn hoặc hẹp thực quản.
  • Nôn ra máu hoặc phân đen: Dấu hiệu của chảy máu đường tiêu hóa, cần cấp cứu.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý nghiêm trọng.
  • Ợ chua kéo dài hoặc ngày càng nặng: Xảy ra thường xuyên (hơn hai lần một tuần) hoặc trở nên nghiêm trọng.

Cân nhắc đi khám nếu:

  • Ợ chua gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
  • Thuốc điều trị không hiệu quả.
  • Có yếu tố nguy cơ của các bệnh lý nghiêm trọng (tiền sử gia đình mắc bệnh tim, đột quỵ, ung thư hoặc các bệnh lý tiêu hóa).

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Để đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, quá trình chẩn đoán đòi hỏi sự kết hợp giữa đánh giá lâm sàng, thăm khám kỹ lưỡng và một số xét nghiệm hỗ trợ.

Đánh giá lâm sàng:

  • Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ tìm hiểu về tần suất, mức độ ợ chua, các triệu chứng kèm theo, tiền sử bệnh, thói quen ăn uống và các yếu tố nguy cơ.
  • Khám thực thể: Bác sĩ sẽ khám vùng bụng và ngực để phát hiện dấu hiệu bất thường.

Các xét nghiệm hỗ trợ:

  • Nội soi dạ dày – thực quản:Quan sát trực tiếp các tổn thương trong thực quản và dạ dày.
  • Kiểm tra độ pH thực quản 24 giờ: Đo lường mức độ trào ngược axit.
  • Kiểm tra áp lực thực quản: Đánh giá chức năng cơ vòng thực quản dưới.
  • Các xét nghiệm khác: X-quang, CT, MRI có thể được chỉ định để loại trừ các bệnh lý khác.

Chẩn đoán phân biệt:

Ợ chua cũng có thể do viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh lý túi mật, tuyến tụy hoặc tim mạch, cần chẩn đoán phân biệt.

Cách làm giảm triệu chứng bị ợ chua sau bữa ăn

Ợ hơi sau khi ăn cứ diễn ra liên tục khiến nhiều người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu. Muốn làm giảm tình trạng ăn xong bị ợ chua này, bạn có thể tham khảo một số cách sau:

Điều trị ợ chua sau ăn bằng Tây Y 

Cách nhanh nhất để chữa ợ chua sau khi ăn bằng Tây y đó là sử dụng thuốc. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thuốc Tây có khả năng ức chế axit trong dạ dày và làm giảm tình trạng ợ chua hiệu quả.

Các loại thuốc Tây thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho người bị chứng ợ chua sau ăn là:

  • Thuốc ngăn chặn tiết axit trong dạ dày như Tagamet, Pepcid…
  • Thuốc trung hòa axit trong dạ dày: Rolaids, Alka- Seltzer…
  • Loại thuốc ức chế bơm proton

Dù thuốc Tây mang lại hiệu quả trị bệnh cao, tuy nhiên, người bệnh cần nên hỏi rõ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để tránh gặp các trường hợp rủi ro không mong muốn.

Điều trị ợ chua bằng Tây Y
Điều trị ợ chua bằng Tây Y

Thay đổi thói quen ăn uống 

Bạn có thể làm giảm triệu chứng ợ chua bằng cách thay đổi thói quen ăn uống của mình như sau:

  • Nên ăn chậm, nhai kỹ, chia các bữa ăn ra làm nhiều bữa để quá trình tiêu hoá thức ăn diễn ra thuận lợi.
  • Hạn chế ăn các chất béo: Ít ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ lại, thay vào đó là nên ăn các món hấp, luộc, nướng sẽ tốt cho dạ dày hơn. Đừng nên ăn các món nhiều gia vị.
  • Tăng cường các chất xơ: Tăng cường chất xơ là biện pháp hữu hiệu để chống việc ợ chua sau khi ăn. Tốt nhất bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, gạo nâu, các loại hạt họ đậu…
  • Hạn chế các đồ uống chứa cồn: Rượu, bia là hai loại thức uống kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit sau khi làm giãn cơ thắt thực quản gây ra hiện tượng ợ chua liên tục. Vì thế, nên giảm uống rượu bia và các loại nước kích thích dạ dày tiết axit. Chỉ nên uống nước suối hoặc các loại trà thảo mộc mà thôi.
Tăng cường chất xơ giảm triệu chứng ợ chua
Tăng cường chất xơ giảm triệu chứng ợ chua

Mẹo dân gian trị bệnh tại nhà

Các bài thuốc dân gian được truyền từ đời này sang đời khác là giải pháp tự nhiên và an toàn cho chứng ợ chua. Với những nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, dễ chế biến, các bài thuốc này không chỉ giúp làm dịu triệu chứng khó chịu mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa một cách bền vững.

Nước gừng ấm:

Gừng có tính ấm, giúp giảm đầy bụng, khó tiêu và ợ chua. Bạn có thể pha một cốc nước gừng ấm bằng cách đun sôi vài lát gừng tươi với nước, sau đó lọc lấy nước uống. Người bệnh nên uống nước gừng sau khi đã ăn no khoảng 30 phút.

Nước chanh mật ong:

Chanh và mật ong có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày, giảm cảm giác ợ chua. Pha một cốc nước ấm với một thìa mật ong và vài giọt nước cốt chanh, khuấy đều và uống từ từ.

Nước ép lô hội:

Lô hội có tính mát và khả năng làm dịu niêm mạc dạ dày đồng thời giảm viêm hiệu quả. Uống một cốc nhỏ nước ép lô hội nguyên chất trước bữa ăn có thể giúp ngăn ngừa ợ chua.

Trà hoa cúc:

Trà hoa cúc có tác dụng an thần, giảm căng thẳng và thư giãn cơ thể. Uống một cốc trà hoa cúc ấm sau bữa ăn có thể giúp cải thiện tiêu hóa và giảm ợ chua.

Chè dây:

Chè dây là một loại thảo dược có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Uống nước chè dây thường xuyên có thể giúp giảm triệu chứng ợ chua do viêm loét dạ dày tá tràng.

Chữa ợ chua từ gốc với phương pháp Đông y

Ợ chua sau khi ăn hay còn gọi là chứng vị quản thống (đau dạ dày), là tình trạng acid dịch vị trào ngược lên thực quản, gây cảm giác nóng rát ở vùng ngực và cổ họng. Trong y học cổ truyền, chứng này được xem là do sự mất cân bằng âm dương, tỳ vị hư nhược, can khí uất kết hoặc đờm nhiệt uất nghẹn. Đông y có nhiều bài thuốc và phương pháp trị liệu giúp điều hòa chức năng tỳ vị, sơ can lý khí, thanh nhiệt hóa đàm, từ đó giảm triệu chứng ợ chua và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Một số bài thuốc Đông y thường dùng:

Gia vị bình vị tán

  • Công dụng: Bài thuốc này có tác dụng kiện tỳ hòa vị, lý khí chỉ thống, thường được sử dụng khi ợ chua kèm theo đầy bụng, đau bụng, chậm tiêu
  • Thành phần: Bạch truật 12g, Phục linh 12g, Trần bì 6g, Chỉ xác 6g, Hậu phác 10g, Cam thảo 3g, Sa nhân 3g.
  • Cách dùng: Mỗi ngày sắc một thang thuốc và chia thành 2-3 lần uống.

Sài hồ sơ can thang:

  • Công dụng: Bài thuốc này có tác dụng sơ can giải uất, kiện tỳ hòa vị, thường dùng khi ợ chua đi kèm với cảm giác tức ngực, khó chịu, stress.
  • Thành phần: Sài hồ 10g, Hương phụ 10g, Xuyên khung 6g, Bạch thược 10g, Chỉ xác 10g, Cam thảo 6g.
  • Cách dùng: Mỗi ngày sắc một thang thuốc và chia thành 2-3 lần uống.

Tiêu dao tán:

  • Công dụng: Bài thuốc này có tác dụng sơ can kiện tỳ, dưỡng huyết điều kinh, thường dùng cho phụ nữ bị ợ chua kèm theo các triệu chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt.
  • Thành phần: Sài hồ 8g, Bạch thược 12g, Bạch truật 10g, Đương quy 10g, Phục linh 10g, Cam thảo 6g, Bạc hà 6g, Sinh khương 3g, Đại táo 3 quả.
  • Cách dùng: Mỗi ngày sắc một thang thuốc và chia thành 2-3 lần uống.

Hương sa lục quân tử thang:

  • Công dụng: Bài thuốc này có tác dụng kiện tỳ ích khí, táo thấp hóa đàm, thường dùng khi ợ chua kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đại tiện lỏng.
  • Thành phần: Bạch truật 12g, Phục linh 9g, Nhân sâm 6g, Cam thảo 6g, Trần bì 6g, Bán hạ 9g, Cát cánh 6g, Sinh khương 3g, Đại táo 3 quả.
  • Cách dùng: Mỗi ngày sắc một thang thuốc và chia thành 2-3 lần uống.

Lưu ý cho người đang gặp tình trạng ợ chua sau khi ăn

Người bệnh nào đang gặp tình trạng ợ chua khi ăn thì nên lưu ý một số điều cần thiết sau đây để giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng.

  • Tập luyện thể dục đúng cách: Không phải bài tập thể dục nào cũng phù hợp dành cho người mắc bệnh về dạ dày. Muốn giảm triệu chứng ợ chua sau khi ăn, bạn nên luyện tập với các môn tốt cho dạ dày như: chạy bộ, bơi lội, đạp xe… 
  • Ngủ đúng tư thế: Khi ngủ người bệnh không nên nằm nghiêng về bên phải, vì nó sẽ khiến axit trong dạ dày bao phủ thực quản dưới làm rò rỉ axit và gây nên hiện tượng ăn xong bị ợ chua. Ngoài ra, khi ngủ, nên nằm gối đầu cao hơn giường 15cm tránh tình trạng bị trào ngược dạ dày 
  • Tránh các trang phục bó sát: Quần áo bó sát hoặc chật sẽ làm tăng áp lực lên dạ dày khiến hiện tượng ợ chua xảy ra liên tục. Khi ăn uống, nên mang quần áo rộng để không tạo áp lực cho dạ dày. 
  • Đến các cơ sở y tế để khám: Nếu tình trạng ợ chua diễn ra liên tục, bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý nhé. 

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp đủ cho bạn các thông tin cần thiết để nắm rõ các nguyên nhân gây ra hiện tượng ợ chua sau khi ăn là gì? Cách khắc phục ra sao để bạn có thể giảm tình trạng này và biết thêm cách bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
kem-boi-tri-earth-mama
sau-khi-noi-soi-dai-trang-nen-an-gi
cach-chua-dau-da-day-bang-qua-dua
thuc-don-an-kieng-cho-nguoi-dau-da-day
dau-hieu-mat-nuoc-tren-benh-nhan-tieu-chay
chua-viem-dai-trang-co-that-bang-thuoc-nam
viem-dai-trang-cap-tinh
hanh-trinh-chua-khoi-benh-tri