Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Viêm xoang xuất hiện ở trẻ nhỏ không phải là hiện tượng hiếm gặp. Theo đó, các triệu chứng đặc trưng của tình trạng viêm xoang bộc lộ khiến trẻ ngày càng khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như quá trình phát triển của trẻ. Vậy việc tìm hiểu hiện tượng trẻ 3 tuổi bị viêm xoang sẽ giúp phụ huynh nắm được những thông tin cần thiết về tình trạng này để từ đó chủ động phòng tránh, phát hiện và điều trị hiệu quả.

Hiện tượng trẻ 3 tuổi bị viêm xoang

Theo cấu tạo của cơ thể, tại vùng mặt của mỗi người đều có một hệ thống khoang rỗng được lót niêm mạc. Theo đó, trong hệ thống này có xoang sàng, xoang hàm, xoang trán và xoang bướm. Các xoang này có cấu tạo rỗng giúp vùng sọ mặt nhẹ hơn đồng thời hỗ trợ cộng hưởng âm thanh để tạo nên giọng nói đặc trưng của mỗi người.

Trẻ 3 tuổi bị viêm xoang
Trẻ 3 tuổi bị viêm xoang

Đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện các bộ phận trên cơ thể, các xoang sẽ dần hình thành theo thời gian. Cụ thể, ngay khi chào đời trẻ đã có xoang sàng, khoảng 3-4 tuổi thì có xoang hàm và khi trẻ được 7-8 tuổi thì xoang trán và xoang bướm mới được cấu tạo hoàn thiện. Hệ thống xoang sẽ được thiết lập đầy đủ khi chúng ta 20 tuổi.

Hiện tượng viêm xoang xuất hiện ở trẻ nhỏ khi lớp lót niêm mạc xoang bị tổn thương, viêm nhiễm do các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất độc hại, khói bụi hay các yếu tố gây dị ứng…

Trẻ 3 tuổi mới chỉ có xoang sàng và xoang hàm do đó tình trạng viêm nhiễm chủ yếu xuất hiện tại hai xoang này, đa phần là viêm xoang sàng.

Triệu chứng viêm xoang ở trẻ 3 tuổi

Khi bị viêm xoang, bé có biểu hiện đặc trưng dưới đây, cha mẹ hoàn toàn có thể ghi nhớ và phát hiện sớm ngay khi trẻ mới chớm bệnh để từ đó có phương hướng xử lý và điều trị kịp thời, mang lại hiệu quả cao.

Biểu hiện viêm xoang cấp tính

Cấp tính là tình trạng viêm xoang xảy ra đột ngột, các dấu hiệu xuất hiện ồ ạt và thường xảy ra sau một đợt viêm đường hô hấp trên cấp tính. Các triệu chứng của tình trạng viêm xoang cấp tính ở trẻ 3 tuổi là:

  • Sốt cao: Nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C, thậm chí có thể lên tới 39-40 độ C.
  • Chảy nước mũi: Ban đầu dịch mũi còn loãng, có màu trắng trong. Vài ngày sau, nước mũi trở nên đặc hơn, có màu vàng hoặc xanh.
  • Ho nhiều: Dịch xuất tiết từ xoang mũi chảy xuống họng, vào khí quản, phế quản sẽ khiến trẻ liên tục ho, có thể ngày càng nặng tiếng nếu không can thiệp điều trị.
  • Hơi thở có mùi hôi: Tình trạng viêm nhiễm tại xoang có thể lây lan sang các khu vực lân cận, đặc biệt là xuống vùng hầu họng khiến bộ phận này cũng bị viêm nhiễm dẫn tới hơi thở có mùi hôi khó chịu.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể thấy một số dấu hiệu bệnh lý khác ở trẻ là: Đau nhức đầu, đau ở ổ mắt, đau răng, đau họng, có cảm giác nặng ở vùng mặt…

Triệu chứng viêm xoang mãn tính

Tình trạng viêm xoang mãn tính kéo dài trên 3 tháng, khó có thể điều trị dứt điểm với hàng loạt các triệu chứng dai dẳng và gây khó chịu cho bé. Cụ thể, bên cạnh các triệu chứng viêm xoang cấp tính kể trên, các biểu hiện trẻ 3 tuổi bị viêm xoang mãn tính là:

  • Sốt cao từng đợt: Trẻ thường xuyên bị sốt cao theo từng đợt, thời gian mỗi đợt sốt có thể kéo dài.
  • Ngạt mũi, sổ mũi: Dịch từ khu vực mũi xoang ngày càng nhiều, gây bít tắc đường thở, trẻ có thể phải thở bằng miệng.
  • Ho kéo dài: Đờm tại họng ngày càng đặc sẽ khiến cơ thể phát sinh các cơn ho nhằm đẩy lượng đờm, mủ này ra ngoài. Trẻ có thể ho nhiều lần trong ngày, thậm chí ho khản cả tiếng.
  • Các biểu hiện khác: Đau họng, viêm họng, giảm hoặc mất hoàn toàn khứu giác, đau tai, ù tai…
Trẻ liên tục bị chảy nước mũi
Trẻ liên tục bị chảy nước mũi

Tùy vào tình trạng, mức độ, cấp độ của bệnh lý viêm xoang mà phụ huynh sẽ phát hiện các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, khi thấy trẻ ho, sốt và sổ mũi kéo dài thì cha mẹ cần cho trẻ thăm khám để phát hiện nguyên nhân, tình trạng để điều trị nhanh chóng.

Nguyên nhân trẻ 3 tuổi bị viêm xoang

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xoang ở trẻ 3 tuổi. Việc xác định chính xác nguyên nhân ngay từ bước đầu sẽ giúp quá trình điều trị sau này nhanh chóng đạt được hiệu quả cao.

Nhiễm khuẩn tại đường hô hấp

Thông thường, viêm xoang thường xuất hiện ngay sau khi trẻ bị các bệnh lý ở đường hô hấp trên. Theo đó, viêm tai mũi họng cấp tính như viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa… hay cảm cúm, cảm lạnh kéo dài trên 10 ngày sẽ dễ dẫn tới tình trạng viêm xoang.

Các bệnh lý viêm nhiễm kể trên thường là do vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập vào cơ thể, tấn công lớp niêm mạc tại mũi xoang từ đó gây ra các ổ viêm nhiễm. Tai mũi họng là bộ ba có liên quan mật thiết nên nếu tình trạng viêm nhiễm không được điều trị hiệu quả thì nó có thể lây lan sang các bộ phận khác.

Không khí lạnh

Các bệnh về đường hô hấp nói chung và viêm xoang nói riêng có tỉ lệ gia tăng vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh.

Nguyên nhân là do, thời tiết mát mẻ tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn, virus phát triển. Bên cạnh đó, khi thời tiết lạnh, độ ẩm giảm, không khí trở nên lạnh và khô hơn khi đi qua mũi sẽ khiến lớp niêm mạc khô hơn đồng thời khiến chức năng của hệ thống lông chuyển trong mũi suy yếu.

Khi đó, mũi sẽ phải tăng tiết dịch nhầy để bù đắp lại – đây chính là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, bào tử nấm mốc xâm nhập vào mũi, hệ thống mũi xoang và gây bệnh viêm xoang.

Sức đề kháng yếu

Trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu ớt nên dễ bị các tác nhân gây hại từ môi trường xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Khi vào cơ thể, vi khuẩn, virus xâm nhập khu vực mũi xoang khiến trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm xoang đặc trưng. Sức đề kháng yếu khiến trẻ không thể kháng cự các tác nhân gây bệnh này và tình trạng viêm nhiễm có thể lan rộng ra họng và tai.

Môi trường ô nhiễm, độc hại

Mũi là đường vào của không khí khi trẻ hít thở do đó nếu trẻ sống trong một môi trường độc hại, nhiều khói bụi, khói thuốc lá hay môi trường bị ô nhiễm nặng thì khả năng mắc viêm xoang cũng rất cao.

Cụ thể, khói bụi, khói thuốc hay khí độc hại khi đi vào mũi sẽ khiến các lông chuyển, phế quản và phổi phải tăng cường hoạt động lọc bỏ. Cơ thể trẻ 3 tuổi đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên việc sống trong môi trường độc hại, đường thở liên tục phải tiếp xúc với khói bụi sẽ khiến bé dễ mắc phải các bệnh lý ở đường hô hấp trên, trong đó có viêm xoang.

Cấu tạo mũi bất thường

Như đã nói ở phần trên, các xoang mũi sẽ dần hình thành theo sự phát triển của trẻ. Do đó trẻ không thể hoàn toàn tránh khỏi bất thường ở cấu tạo mũi và các xoang. Theo đó, một số hiện tượng bất thường ở mũi có thể gặp là: Dị hình vách ngăn, u mũi, polyp mũi…

Cấu tạo mũi bất thường tạo điều kiện cho viêm xoang phát triển
Cấu tạo mũi bất thường tạo điều kiện cho viêm xoang phát triển

Khi cấu tạo mũi xoang có bất thường thì sự lưu thông của không khí bị ảnh hưởng, thậm chí có thể xảy ra tình trạng tắc nghẽn cơ học tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn tới viêm xoang.

Trẻ 3 tuổi bị viêm xoang có nguy hiểm không?

Hệ thống miễn dịch của bé 3 tuổi còn nơn nớt vì vậy khi trẻ bị viêm xoang kéo dài, nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết tình trạng này có nguy hiểm không.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng viêm xoang ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây ra một số biến chứng dưới đây:

  • Viêm họng mãn tính: Lượng dịch mủ từ xoang liên tục chảy xuống họng lâu dần sẽ khiến bộ phận này bị viêm nhiễm.
  • Viêm tai giữa: Tai mũi họng là bộ ba có mối liên quan mật thiết do đó nếu hiện tượng viêm xoang mũi không được can thiệp hiệu quả thì viêm nhiễm có thể lan sang hai bên tai do dịch viêm từ mũi đổ sang tai.
  • Viêm phế quản mãn tính: Mũi là cơ quan đầu tiên trong hệ hô hấp, thuộc đường hô hấp trên. Khi cơ quan này bị viêm nhiễm kéo dài do viêm xoang thì viêm phế quản, viêm phổi là biến chứng khó có thể tránh khỏi do phế quản và phổi là những cơ quan tiếp theo trong hệ thống đường hô hấp dưới.
  • Biến chứng liên quan tới mắt: Hệ thống xoang nằm trên khuôn mặt, gần với hai mắt do đó sẽ gây ảnh hưởng nhất định nếu xoang mũi bị viêm nhiễm. Cụ thể, khi viêm xoang biến chứng mắt, trẻ có thể bị viêm dây thần kinh thị giác, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ.
  • Những biến chứng nguy hiểm khác: Viêm nhiễm kéo dài sẽ làm hệ miễn dịch suy yếu trầm trọng. Trẻ sẽ phải gánh chịu nhiều biến chứng nguy hiểm khác như hen suyễn, viêm tủy xương, viêm tắc tĩnh mạch hang, viêm màng não, viêm não hay áp xe não.

Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nên tình trạng viêm nhiễm tại mũi xoang có thể phát triển và biến chứng rất nhanh, gây nguy hại tới sức khỏe thậm chí cả tính mạng của trẻ. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ và nhanh chóng đưa bé thăm khám chuyên khoa tại cơ sở y tế có chuyên môn, ngăn chặn bệnh phát triển và chuyển thành biến chứng nguy hiểm.

Phương pháp điều trị cho trẻ 3 tuổi bị viêm xoang

Hiện nay có có 3 phương pháp chủ yếu trong điều trị viêm xoang cho trẻ 3 tuổi đó là: Mẹo dân gian, điều trị theo Tây y và chữa viêm xoang với Đông y. Mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm riêng nhưng đều tập trung xoa dịu các triệu chứng và điều trị tình trạng viêm nhiễm tại vùng xoang của trẻ.

Mẹo dân gian chữa viêm xoang cho trẻ nhỏ

Đối với trẻ nhỏ, thể trạng còn khá yếu ớt và cơ thể thường nhạy cảm, cha mẹ lại lo lắng các tác dụng phụ khi cho bé dùng thuốc nên thường ưu tiên áp dụng các mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà nếu tình trạng viêm xoang còn nhẹ, các triệu chứng chưa quá nghiêm trọng.

  • Lá lốt: Dùng là lốt tươi, sau khi rửa sạch thì xay nhuyễn hoặc giã nát rồi lọc lấy nước cốt. Bảo quản lượng nước cốt thu được và nhỏ vào mũi trẻ 2-3 lần/ngày.
  • Tỏi: Trộn tỏi và mật ong nguyên chất theo tỷ lệ 1:2 rồi xay nhuyễn. Mỗi ngày dùng tăm bông thấm dung dịch tỏi mật ong để thoa vào niêm mạc mũi.
  • Cây ngũ sắc: Lấy riêng phần thân, lá và hoa của cây ngũ sắc rửa sạch, để ráo và xay lấy nước cốt. Nhỏ nước ngũ sắc 2-3 lần/ngày.
  • Bạc hà: Đun sôi nước rồi nhỏ 2-3 giọt tinh dầu bạc hà vào, cho trẻ xông mũi trong 10-15 phút. Lưu ý cẩn trọng vì có thể khiến trẻ bị bỏng.
  • Lá trầu không: Rửa sạch một nắm lá trầu không, để ráo nước rồi xay nhuyễn lấy nước cốt. Dùng tăm bông thấm dung dịch trầu không rồi thoa vào mũi trẻ.

Điều trị viêm xoang theo Tây y

Nếu tình trạng viêm xoang của bé có biểu hiển phát triển, ngày càng nghiêm trọng hơn thì cha mẹ cần cho trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Theo đó, tùy vào tình trạng bệnh lý của bé, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê một số loại thuốc phù hợp, tiêu biểu là:

  • Thuốc kháng sinh: Augmentin kết hợp từ Amoxicillin và Clavulanic acid, thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp trẻ bị viêm xoang do vi khuẩn, nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Thuốc kháng histamin: Chlorpheniramine là loại thuốc kháng histamin được phép dùng cho trẻ nhỏ, cụ thể là trẻ từ 2 tuổi trở lên. Thuốc có tác dụng điều trị tình trạng viêm mũi do dị ứng từ đó ngăn ngừa bệnh phát triển thành viêm xoang đồng thời làm giảm các triệu chứng tiêu biểu của viêm xoang như chảy nước mũi, ho kéo dài…
  • Các loại thuốc nhỏ mũi: Tiêu biểu trong nhóm thuốc này là Otrivin có thành phần chính là Xylometazoline hydrochloride; Hadocort thành phần chính là Dexamethason natri phosphat; giúp giảm nghẹt mũi, giảm tiết và loại bỏ dịch nhầy trong mũi giúp trẻ dễ thở hơn.
Thuốc Otrivin điều trị tình trạng trẻ 3 tuổi bị viêm xoang
Thuốc Otrivin điều trị tình trạng trẻ 3 tuổi bị viêm xoang

Trong quá trình trẻ bị viêm xoang, lượng dịch tiết trong mũi sẽ tăng lên, thậm chí đặc quánh gây bít tắc đường thở khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn và mệt mỏi. Do đó, cha mẹ cần chú ý bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc theo đơn kê của bác sĩ thì cần vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Thuốc Đông y chữa viêm xoang cho bé

Đông y cũng là một phương pháp điều trị khá hiệu quả đối với tình trạng viêm xoang ở trẻ nhỏ. Theo đó, các bài thuốc Đông y sẽ tập trung giải quyết nguyên nhân gây bệnh, phục hồi thể trạng, tăng cường sức đề kháng từ đó giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi bệnh lý viêm xoang.

Lưu ý khi trẻ 3 tuổi bị viêm xoang

Trong quá trình điều trị viêm xoang cho trẻ nhỏ, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng cần ghi nhớ một số lưu ý quan trọng giúp trẻ nhỏ nhanh chóng khỏi bệnh dưới đây:

  • Tăng cường cho trẻ uống nhiều nước, nước ép hoa quả để làm loãng dịch mũi, giúp việc vệ sinh dễ dàng hơn đồng thời làm thông thoáng đường thở cho bé.
  • Bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất hỗ trợ tăng cường sức đề kháng ở trẻ như: Rau xanh, trái cây, các loại cá béo, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Giữ ấm vùng cổ, mũi, miệng và cơ thể khi cho trẻ ra ngoài môi trường lạnh hoặc có nhiều khí thải, khói bụi.
  • Tuyệt đối không để trẻ trong khu vực có người lớn hút thuốc lá vì việc ngửi khói thuốc lá thụ động rất nguy hiểm, sẽ khiến tình trạng viêm xoang phát triển trầm trọng hơn.
  • Vệ sinh mũi, họng, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày cho bé để ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm lây lan.
  • Cho bé dùng riêng vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, bát, thìa, đũa, cốc…
  • Khuyến khích trẻ đánh răng thường xuyên, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch diệt khuẩn.
Tăng cường vệ sinh mũi cho bé
Tăng cường vệ sinh mũi cho bé

Khi trẻ 3 tuổi bị viêm xoang, cha mẹ cần theo dõi sát sao và nhanh chóng đưa con tới gặp bác sĩ chuyên khoa nếu thấy các biểu hiện bất thường như trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, thở rít và ho quá nhiều. Mong rằng những thông tin về hiện tượng trẻ 3 tuổi bị viêm xoang sẽ giúp các bậc phụ huynh chủ động hơn trong quá trình điều trị bệnh lý cho bé.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
viem-xoang-sang-co-mu
viem-xoang-sang-cap
cach-dieu-tri-viem-xoang-tran-tai-nha
hinh-anh-dv-thanh-thu-chia-se-ve-viem-xoang-do-minh-1
chua-viem-xoang-tai-dong-y-viet-nam
viem-amidan-co-duoc-an-thit-ga-khong
thuoc-dieu-tri-viem-mui-di-ung
thuoc-dong-y-tri-viem-amidan