Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Da mũi bị khô có khiến bạn khó chịu và mất tự tin? Độ ẩm không khí giảm xuống thấp vào mùa đông là một trong những yếu tố làm bạn phải đối mặt với tình trạng da khô ở cánh mũi và cả chóp mũi. Bài viết dưới đây sẽ trình bày lý do và các giải pháp dưỡng da hiệu quả nhất.

Nguyên nhân nào khiến da mũi bị khô?

Cũng như da ở những bộ phận khác, da mũi bị khô có thể bắt nguồn từ tình trạng thiếu nước, đặc biệt là khi chịu sự tác động của các yếu tố không có lợi bao gồm:

  • Da khô tự nhiên:  Dầu trên da chính là lớp bảo vệ giúp hạn chế tình trạng nước thoát ra khỏi da. Nếu làn da bẩm sinh của bạn có tuyến bã nhờn hoạt động kém thì xác suất xảy ra hiện tượng mất nước thường cao hơn những người khác rất nhiều.
  • Thời tiết khô hanh: Ngoài các điều chỉnh chủ động có hệ thống, da cũng tuân theo các cân bằng ẩm vật lý với môi trường bên ngoài. Hơi nước trong da sẽ thoát ra ngoài nếu mức chênh lệch ẩm quá lớn.

da-mui-bi-kho
Thời tiết mùa đông là nguyên nhân khiến da mũi bị khô

  • Chăm sóc da thiếu khoa học: Tẩy da chết, lột mụn quá thường xuyên, sử dụng sữa rửa mặt không phù hợp, thậm chí rửa mặt bằng nước nóng có thể làm mất lớp bảo vệ da, làm cho da mũi bị khô. Đặc biệt các kem dưỡng dạng cấp ẩm (hút ẩm từ không khí cung cấp cho da) đôi khi cũng lấy đi độ ẩm từ da của bạn, gây khô da mũi.
  • Sự phá hoại của các gốc tự do: Các gốc tự do không ngừng được sinh ra từ hoạt động chuyển hóa của cơ thể và luôn có một cơ chế tương ứng để đảm bảo chúng không vượt quá giới hạn an toàn. Sự gia tăng các gốc tự do sẽ phá hủy tế bào da, khiến da trở nên mỏng, khô và dễ bị bong tróc. 
  • Một số thói quen thiếu lành mạnh gây da mũi bị khô: Hút thuốc, thức khuya, căng thẳng thường xuyên, tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ mặt trời hay màn hình điện thoại, máy tính,... có thể làm tăng tỷ lệ các gốc tự do, tấn công cấu trúc da thông qua phản ứng bẻ gãy các phân tử collagen, elastin.
  • Thiếu dưỡng chất: Để duy trì cấu trúc da khỏe mạnh, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất tham gia vào quá trình cấu trúc, tái sinh của da. Thiếu các vitamin cũng như khoáng chất là một trong những nguyên do khiến da mũi bị khô, bong tróc. Bên cạnh đó, uống đủ nước cũng là yếu tố quan trọng để bạn có làn da căng tràn sức sống.
  • Tác dụng không mong muốn của thuốc: Sử dụng thuốc lợi niệu, corticoid, lithium,... có thể làm tăng hiện tượng mất nước khiến làn da của bạn, không loại trừ da mũi khô bong tróc.
  • Các bệnh chuyên khoa da liễu: Bệnh vảy nến, eczema, viêm da dị ứng, nổi mề đay,... cũng có thể gây triệu chứng khô da mũi mà bạn không nên bỏ qua. 

Giải pháp cho tình trạng khô da mũi

Mũi bị khô phải làm sao? Khi thấy da mũi xuất hiện tình trạng khô bong tróc, bạn nên làm theo các bước sau đây:

Bước 1: Rà soát lại các bệnh lý mắc phải cũng như những tác dụng phụ có thể xảy ra của loại thuốc bạn đang sử dụng. Nếu có, cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị ngay lập tức.

da-mui-bi-kho
Lupus ban đỏ hệ thống gây tình trạng khô da, bong tróc

Bước 2: Cải thiện chế độ sinh hoạt, ăn uống, chăm sóc da xem có thiếu sót, bất thường gì không? Nếu có, thực hiện điều chỉnh lại cho phù hợp và khoa học:

  • Ngủ sớm, dậy sớm, hạn chế hút thuốc, uống rượu. Cung cấp đủ nước cho cơ thể với 2 lít nước/ngày.
  • Tham gia các hoạt động tập thể, tập luyện thể thao có thể giúp cải thiện tình trạng da thông qua tăng cường quá trình trao đổi chất, giải phóng năng lượng tích cực, hạn chế sự sản sinh các gốc tự do.
  • Luôn luôn bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời, ngay cả lúc ngồi làm việc với màn hình máy tính, điện thoại.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng. Ưu tiên sử dụng vitamin và khoáng chất có nguồn gốc tự nhiên từ rau xanh, hoa quả tươi,... Bạn cũng có thể bổ sung dưỡng chất từ các loại viên uống, kem bôi...
  • Tắm bằng nước đủ ấm (không dùng nước nóng). Lựa chọn các sản phẩm dịu nhẹ với da, đặc biệt hạn chế các loại kem lột mụn dùng ở mũi. Cấp ẩm ngay sau khi rửa mặt.

Bước 3: Sau khi loại trừ tất cả nguyên nhân từ bệnh lý, thuốc sử dụng và yếu tố sinh hoạt thiếu lành mạnh thì có thể da đang gặp phải tình trạng mất nước đơn thuần. Lúc này, dưỡng ẩm chính là giải pháp phù hợp nhất.

da-mui-bi-kho
Dưỡng ẩm là lựa chọn an toàn, hiệu quả

Có nhiều phương pháp dưỡng ẩm để bạn lựa chọn. Tuy nhiên sử dụng kem dưỡng và mặt nạ là hai cách được xem là cơ bản và hiệu quả nhất cho da mũi bị khô.

  • Kem dưỡng: Lựa chọn tối ưu là các loại kem có thành phần tác động theo nhiều cơ chế để đạt hiệu quả một cách toàn diện. Một số thương hiệu hiện đang rất được ưa chuộng bao gồm: Hada Labo, Vichy, La Roche Posay, Eucerin, Cetaphil, Laneige, AHC,... 
  • Mặt nạ: Sử dụng các loại mặt nạ tự làm cũng đem lại kết quả đáng ngạc nhiên. Sữa chua, mật ong, nha đam, bơ, cà chua, dầu oliu, lòng đỏ trứng gà,... là những nguyên liệu không thể thiếu cho da mũi bị khô. Bạn xay các thành phần muốn dùng thành hỗn hợp mịn rồi đắp lên mũi trong vòng từ 15 đến 20 phút. Sau đó rửa sạch lại với nước.

Cách phòng tránh da mũi bị khô và những lưu ý cần thiết

Để tạm biệt da khô 2 bên cánh mũi trong mùa đông này, ngoài những giải pháp đã trình bày ở trên, có một số điều lưu ý như sau:

  • Tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung có thể gây thừa các yếu tố vi lượng làm da bị rối loạn, da ngày càng khô, ngứa ngáy. Ngay cả việc ngừng sử dụng chúng một cách đột ngột cũng làm cho cơ thể không kịp thích nghi mà gây ra các phản ứng khó lường. Vì vậy, việc bổ sung các vitamin và khoáng chất không tự nhiên (uống/tiêm) cần được có sự hướng dẫn của chuyên gia.
  • Da mũi bị khô có thể kèm theo cảm giác nóng rát và ngứa râm ran, cố gắng không gãi hay chà xát tránh gây thêm những tổn thương cho da.
  • Mũi là vùng thường hay xuất hiện mụn cám cũng như mụn đầu đen, do đó nhiều bạn có thói quen lạm dụng các sản phẩm lột mụn. Các sản phẩm này không thể trị tận gốc mà còn có thể gây ra những bong tróc khó chịu do lớp bảo vệ tự nhiên của da sẽ bị lột ra trước tiên. Vì vậy, hãy chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

da-mui-bi-kho
Hạn chế lột mụn để tránh làm bong tróc da mũi

  • Làm sạch và cân bằng da là bước chăm sóc quan trọng trước khi thực hiện dưỡng ẩm. Da cần được ở trạng thái thoải mái nhất để có thể hấp thu tối đa các dưỡng chất, đồng thời tránh được hiện tượng kích ứng, bít tắc và gây mụn.
  • Chỉ sử dụng kem dưỡng ẩm với lượng vừa đủ. Các chất khóa ẩm nếu bôi quá dày sẽ ngăn cản sự trao đổi chất của da, gây ra những rối loạn mà bạn không lường trước được.
  • Bôi kem khi da mặt vẫn còn ẩm. Bôi lúc mặt còn ướt có thể gây nhờn rít. Ngược lại bôi khi da đã khô và có hiện tượng căng thì lại làm giảm hiệu quả (bởi lúc này không còn nước trên da để giữ và khóa ẩm).
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời lạnh, nhất là lúc chạy xe máy. Lúc này gió lạnh và sự chuyển động của dòng khí sẽ làm tăng nguy cơ khiến da mũi bị khô, đỏ, bong tróc khó chịu.

Kết luận

Da mũi khô là tình trạng gặp ở rất nhiều người mỗi khi mùa đông về. Với những thông tin trong bài viết, Tapchidongy hy vọng bạn đã nắm được một số lưu ý quan trọng, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình trước các vấn đề về da trong tiết trời hanh khô, lạnh giá.


Top địa chỉ phòng khám Da Mũi Bị Khô


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan