Mỗi khi mùa hè đến, nhiều người phải đối mặt với một vấn đề gây khó chịu và phiền toái đó là nổi mẩn đỏ ngứa ngáy. Dưới tác động của nhiệt độ, ánh nắng mặt trời và mồ hôi, làn da của chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn. Mẩn ngứa mùa hè gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân và biện pháp điều trị tình trạng này.
Nổi mẩn ngứa mùa hè là gì?
Nổi mẩn ngứa mùa hè là một tình trạng da liễu thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bắt nguồn từ yếu tố thời tiết, nhiệt độ, ánh nắng mặt trời, phản ứng với côn trùng... Khi chúng tác động tới làn da, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Da nổi ban đỏ, ngứa ngáy, sần sùi khi tiếp xúc đột ngột với thời tiết quá nóng. Đặc biệt xuất hiện ở các vùng da hở như bàn tay, bàn chân, mặt, cổ.
- Da bị sưng rộp, tấy đỏ, sưng phù hoặc xung huyết.
- Khắp cơ thể nổi mề đay cấp tính, tình trạng này có thể kèm theo các triệu chứng như lơ mơ, khó thở, tụt huyết áp nhanh… gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
- Người mắc mẩn ngứa mùa hè còn có thể có triệu chứng như viêm đường hô hấp trên như: Sổ mũi, hắt hơi, ho khan, đau đầu, mệt mỏi.
Mẩn ngứa mùa hè gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đôi khi bệnh sẽ tái phát liên tục và rất khó để điều trị dứt điểm. Vì vậy đòi hỏi người bệnh cần phải điều trị tích cực dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa mùa hè
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mẩn ngứa mùa hè, bao gồm các yếu tố sau:
- Do sốc nhiệt: Nếu người bệnh đang làm việc ở ngoài trời nắng nóng 40 độ C, sau đó di chuyển đến nơi có máy lạnh, điều hòa. Lúc này thân nhiệt sẽ bị thay đổi đột ngột, kết hợp với vùng da hở trên cơ thể tiếp xúc với khí lạnh dẫn đến dị ứng, ngứa ngáy.
- Do thời tiết: Khi trời nắng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều mồ hôi dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Ngoài ra, việc mồ hôi dính vào quần áo sẽ dẫn đến hiện tượng cọ xát, gây ngứa ngáy tổn thương da.
- Do ánh nắng mặt trời: Thời tiết mùa hè thường nắng nóng kéo dài. Trong ánh nắng mặt trời lại chứa nhiều tia UV gây hại cho da. Nếu để da tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài sẽ làm tổn thương tế bào, dẫn đến nhiều vấn đề về da liễu như đỏ da, cháy nắng, bong tróc, mẩn ngứa.
- Do côn trùng: Vào mùa hè các loài côn trùng như như muỗi, kiến, bọ chét, sâu bướm... sinh sôi và phát triển cực nhanh chóng. Nếu làn da tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của côn trùng sẽ dẫn đến phản ứng như sẩn ngứa, nổi mẩn đỏ.
- Bệnh lý mãn tính: Sẩn ngứa vào mùa hè cũng có thể do các bệnh lý sau đây gây ra: Bệnh nội tiết đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, tuyến cận giáp, xơ gan, tắc mật, viêm gan, suy thận mạn tính, thiếu máu, thiếu sắt,...
- Nổi mề đay cholinergic: Đây là một dạng bệnh mề đay thường xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, làm tăng tiết mồ hôi dẫn đến nổi mẩn đỏ gây ngứa ngáy, phù mạch. Bệnh thường xuất hiện ở những người có cơ địa quá nhạy cảm.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Mùa hè oi bức khiến người già, trẻ nhỏ và phụ nữ dễ bị suy giảm hệ miễn dịch. Khi sức đề kháng bị yếu đi, hàng rào bảo vệ da sẽ bị phá vỡ. Vì vậy làn da rất dễ bị các yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, vi nấm tấn công gây bệnh.
- Do chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng không phải tác nhân chính gây mẩn ngứa vào mùa hè. Nhưng nếu kết hợp với các yếu tố thời tiết sẽ làm tăng tỉ lệ ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ trên da. Đặc biệt, nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng, chất béo, đường và chất đạm sẽ làm tăng thân nhiệt. Điều này khiến cho gan phải hoạt động nhiều và dẫn đến quá tải. Từ đó gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, gây nóng trong người, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh không nên chủ quan trong việc thăm khám bác sĩ. Dưới đây là một số trường hợp mà việc gặp bác sĩ là cần thiết:
- Mẩn ngứa kéo dài trong nhiều ngày, dù bạn đã áp dụng các biện pháp giảm ngứa nhưng không thấy có hiệu quả.
- Triệu chứng của bệnh ngày càng nặng hơn, xuất hiện các dấu hiệu như: Sưng phù, nổi mẩn đỏ trên toàn cơ thể, khó thở, chóng mặt,...
- Tình trạng mẩn ngứa tái phát thường xuyên, liên tục trong thời gian ngắn.
- Cảm giác ngứa ngáy gây ảnh hưởng đến công việc, học tập, làm giảm chất lượng cuộc sống.
- Trên da có dấu hiệu nhiễm trùng như đau rát, sưng đỏ, có dịch mủ chảy ra, bị sốt, cảm giác ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách,...
- Triệu chứng mẩn ngứa kèm theo các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, bệnh tiêu hóa hoặc vấn đề về hệ thống miễn dịch,...
Vì vậy nếu bạn đang gặp các vấn đề kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra phương pháp điều trị kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Chẩn đoán tình trạng mẩn ngứa vào mùa hè
Việc chẩn đoán tình trạng mẩn ngứa vào mùa hè cần được thực hiện chi tiết để xác định nguyên nhân gây bệnh cụ thể là gì. Từ đó bác sĩ mới đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả, chính xác nhất. Dưới đây là một số biện pháp chẩn đoán bệnh phổ biến mà các bác sĩ có thể sử dụng:
- Lịch sử bệnh lý và triệu chứng lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử bệnh lý của bạn và các triệu chứng cụ thể, bao gồm thời gian xuất hiện, tần suất và các yếu tố làm tăng/giảm triệu chứng.
- Kiểm tra da: Bác sĩ sẽ kiểm tra da của người bệnh để xem xét các dấu hiệu như nổi mẩn đỏ, viêm da, bong tróc. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra da bằng cách sử dụng kính hiển vi hoặc thiết bị đo kỹ thuật số để xem tình trạng da kỹ lưỡng hơn.
- Xét nghiệm dị ứng da: Nếu có nghi ngờ về dị ứng, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm dị ứng da để xác định các chất gây kích ứng cụ thể.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra mức độ IgE (một loại kháng thể liên quan đến dị ứng) hoặc để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác có thể gây ra tình trạng mẩn ngứa.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu được áp dụng để loại trừ các vấn đề ngứa da do nội tiết hoặc dấu hiệu mẩn ngứa do nhiễm trùng gây ra.
- Thử nghiệm tiếp xúc: Nếu có nghi ngờ về việc bị viêm da tiếp xúc, bác sĩ có thể thực hiện các thử nghiệm tiếp xúc để xác định nguyên nhân.
Cách chữa nổi mẩn ngứa hiệu quả
Một số phương pháp điều trị nổi mẩn ngứa mùa hè hiệu quả dưới đây người bệnh có thể tham khảo:
Điều trị tại nhà
Người bệnh có thể điều trị mẩn ngứa tại nhà theo các mẹo đơn giản như sau:
Cây đinh lăng: Cây đinh lăng có mùi thơm nhẹ, thường được Y học cổ truyền sử dụng để bổ huyết, tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ chữa bệnh dị ứng da, giải độc cho cơ thể.
- Người bệnh chuẩn bị 1 nắm lá đinh lăng, rửa sạch, cho vào chảo sao nóng đến khi khô héo thì tắt bếp.
- Cho lá đinh lăng vào tấm vải nhỏ, sạch và gói lại.
- Chà nhẹ lên vùng da bị ngứa ngáy.
- Kết hợp sử dụng nước đun từ lá cây đinh lăng, uống mỗi ngày 1 lần để giảm ngứa từ bên trong.
Rau sam: Rau sam có tính kháng sinh, giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ diệt khuẩn rất tốt. Ngoài ra, dược liệu này còn chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe.
- Chuẩn bị 30g rau sạm, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt.
- Pha nước này với nước tắm để tắm hàng ngày.
- Thực hiện liên tục mỗi ngày 1 lần sẽ giúp giảm ngứa ngáy nổi mẩn trên da vào mùa hè.
Mướp đắng: Mướp có tính hàn nên có thể dùng để thanh nhiệt, giải độc. Người bệnh có thể mướp đắng để cải thiện tình trạng dị ứng nổi mẩn ngứa vào mùa hè hiệu quả.
- Mướp đắng đem rửa sạch, bổ đôi, loại bỏ phần hạt bên trong.
- Cho mướp vào máy xay để xay nhuyễn.
- Lọc lấy phần nước cốt để uống, có thể cho thêm mật ong để giảm bớt độ đắng.
- Ngoài ra bạn cũng có thể dùng nước mướp đắng pha với nước tắm để tắm hàng ngày.
Lá tía tô: Người bệnh bị nổi mẩn ngứa mùa hè có thể dùng lá tía tô để cải thiện triệu chứng bệnh. Lá tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm mát cơ thể và giảm mẩn đỏ ngứa ngáy trên da hiệu quả.
- Chuẩn bị 1 nắm lá tía tô, rửa sạch ngâm với nước muối loãng trong vòng 10 phút.
- Cho lá tía tô vào đun cùng với 3 lít nước sạch.
- Đun sôi nước lá tía tô nhỏ lửa trong vòng 10 phút sau đó tắt bếp.
- Cho nước lá tía tô ra chậu, pha thêm với muối và nước lạnh để tắm.
- Thực hiện mỗi ngày 1 lần sẽ giúp giảm ngứa da nhanh chóng.
- Ngoài ra bạn cũng có thể đun nước lá tía tô để uống sẽ tăng hiệu quả điều trị bệnh từ bên trong.
Dùng thuốc Tây y
Người bệnh bị nổi mẩn ngứa mùa hè có thể cải thiện triệu chứng bằng cách sử dụng một số loại thuốc bôi da. Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm ngứa ngáy nhanh chóng, chống viêm da, nổi mẩn, bong tróc hiệu quả cho người bệnh.
- Thuốc Betnovate: Thuốc có tác dụng điều trị các vết mẩn đỏ, ngứa ngáy, sưng tấy, khó chịu trên da, phù hợp với những người đang bị chàm, vảy nến và dị ứng. Thuốc bôi đều đặn mỗi ngày từ 1-3 lần mỗi ngày.
- Thuốc Hidem Cream: Kem bôi da Hidem Cream được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như chàm da, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, mẩn ngứa do vi khuẩn và vi nấm gây ra. Người bệnh bôi một lớp thuốc mỏng lên da 2 lần mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh.
- Thuốc Fucicort Cream: Thuốc có chứa thành phần chính là Acid Fusidic và Betamethasone, có tác dụng điều trị viêm da, chống nhiễm khuẩn. Người bệnh bôi thuốc mỗi ngày 2 lần cho đến khi đạt được hiệu quả.
- Thuốc Phenergan: Thuốc bôi da Phenergan chứa hoạt chất Promethazin, có tác dụng trị mẩn ngứa, nổi sần, kích ứng trên da. Người bệnh bôi một lớp thuốc mỏng trên da, ngày dùng từ 3 - 4 lần cho đến khi khỏi bệnh.
- Thuốc Clobetasol Propionate Cream: Loại thuốc này được dùng để điều trị các bệnh lý như viêm da, chàm da, dị ứng. Thuốc có tác dụng giảm ngứa ngáy, sưng viêm, mẩn đỏ trên da. Người bệnh bôi thuốc mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần không quá 2g thuốc.
- Thuốc Fluocinolone Acetonide Ointment: Thuốc thuộc nhóm Corticosteroid dùng để bôi tại chỗ. Người bệnh bị mẩn ngứa, dị ứng vào mùa hè có thể bôi một lớp thuốc mỏng lên da, ngày dùng từ 2-4 lần tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Lưu ý khi điều trị mẩn ngứa vào mùa hè
Tình trạng mẩn ngứa mùa hè gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Không cào gãi tại trên vùng da bị mẩn ngứa, điều này sẽ khiến cho da bị trầy xước, dẫn đến tổn thương, nhiễm trùng.
- Nếu cơn ngứa diễn ra dữ dội có thể áp dụng phương pháp chườm mát để làm dịu da.
- Bôi kem chống nắng có chỉ số SPF > 30 và tránh ra nắng vào giờ cao điểm (từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều) để làm giảm tác động của ánh nắng mặt trời đối với làn da.
- Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thoáng mát, tránh mặc trang phục bó sát, chất liệu khó thấm hút.
- Kiểm tra lại các loại xà phòng, sữa tắm, mỹ phẩm dưỡng da. Nếu có các thành phần hóa học gây dị ứng, mẩn ngứa thì nên thay thế những sản phẩm khác có thành phần an toàn, lành tính hơn.
- Tránh sử dụng những loại thực phẩm dễ gây mẩn ngứa, dị ứng như tôm, cá, cua, ghẹ, mực, đậu phộng, sữa bò,...
- Nên ăn nhiều món ăn thanh mát, giàu chất xơ và vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn chứa đường để hạn chế làn da tiết nhiều bã nhờn, gây bít tắc lỗ chân lông.
- Tắm và thay quần áo thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và vi khuẩn, giảm nguy cơ gây kích ứng cho da.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng, dị ứng da như phấn hoa, nước hoa, hóa chất, chất hóa học trong hồ bơi.
- Căng thẳng, stress có thể làm tăng triệu chứng của mẩn ngứa. Hãy thực hiện các biện pháp giúp làm giảm căng thẳng như thiền, yoga hoặc tập thể dục đều đặn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm chuyên biệt để giúp làm dịu và giảm cảm giác khô ráp, ngứa ngáy trên da.
- Nếu tình trạng mẩn ngứa diễn ra nghiêm trọng thì cần đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra.
Kết luận
Trên đây là những thông tin về tình trạng nổi mẩn ngứa mùa hè. Hy vọng những chia sẻ của Tạp Chí Đông Y sẽ giúp bạn đọc có thêm được nhiều thông tin hữu ích, từ đó biết cách phòng ngừa và điều trị bệnh sao cho hiệu quả. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn đọc vẫn cần đến khám bác sĩ để nghe những tư vấn phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!