Các loại viêm xoang được đặt tên theo vị trí của hệ thống xương xoang và bao gồm 6 dạng: viêm xoang sàng, viêm xoang hàm, viêm xoang bướm, viêm xoang mũi, viêm xoang trán, viêm đa xoang. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về các dạng viêm xoang cũng như biết cách điều trị bệnh đúng đắn.
Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng điển hình
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng tại các hốc xoang, cơ quan có vai trò dẫn lưu các dịch tiết xuống mũi và đào thải ra ngoài. Tùy vào vị trí, khu vực xoang bị viêm sẽ chia thành 2 nhóm chính với các dạng bệnh khác nhau như:
- Nhóm xoang trước: Bao gồm xoang hàm, xoang sàng trước, xoang trán đổ dịch tiết về mũi. Nhóm xoang trước thường bị viêm cấp tính có mủ, thông với mũi trước nên chảy dịch nhiều qua mũi. Người bệnh thường phải xì mũi nhiều.
- Nhóm xoang sau: Bao gồm xoang sàng sau, xoang bướm đổ dịch tiết ra ngách mũi hoặc hố mũi trên nên thường chảy xuống họng. Nhóm xoang sau thường gây viêm mãn tính, khó điều trị. Người bệnh ít có biểu hiện đau nhức mặt mà thường đau ở gáy sau đến đầu, khụt khịt mũi nhiều chứ không xì dịch mũi.
Đặc trưng về triệu chứng, vị trí và tình trạng viêm nhiễm của các loại viêm xoang sẽ có điểm khác nhau. Để phân biệt và nhận biết từng loại viêm xoang cụ thể, người bệnh căn cứ vào các đặc điểm riêng biệt sau:
Viêm mũi xoang là một trong các loại viêm xoang dễ gặp nhất
Viêm mũi xoang là dạng bệnh dễ gặp nhất và hầu hết dạng viêm xoang nào cũng đều khiến xoang mũi bị nhiễm trùng theo. Bởi dịch tiết của các xoang cuối cùng cũng đổ về phía mũi.
Ngoài ra, mũi là cơ quan bị ảnh hưởng trực tiếp các vi khuẩn, virus từ môi trường theo đường không khí đi vào cơ thể. Người bị viêm xoang mũi thường có biểu hiện sưng nhức ở vùng mũi, tắc nghẹt, chảy dịch mũi, mũi ngửi kém hoặc mất ngửi tạm thời.
Viêm xoang sàng
Xoang sàng bao gồm xoang sàng trước và xoang sàng sau. Về mặt cấu trúc, xoang sàng bao gồm 4 hốc rỗng nối thông với nhau, nằm ở trên hốc mũi và gần về phía 2 mắt. Khi bị viêm xoang sàng, người bệnh dễ gặp các triệu chứng như:
- Viêm xoang sàng trước: Đau nhức từ hai hốc mắt lên đến đầu, tắc nghẹt, chảy dịch xuống mũi.
- Viêm xoang sàng sau: Đau nhức từ gáy lên đến đầu, tắc nghẹt mũi, chảy dịch nhiều xuống họng, có thêm các triệu chứng viêm họng (ho, sốt, đau họng).
Đối tượng có nguy cơ mắc viêm xoang sàng cao nhất là trẻ nhỏ và đây cũng là đối tượng dễ mắc phải các biến chứng nguy hiểm tại mắt và não. Chẳng hạn như viêm dây thần kinh thị giác, áp xe não, viêm màng não…
Viêm xoang bướm
Xoang bướm nằm phía sâu ở dưới nền sọ, gắn liền với tuyến yên, các xoang tĩnh mạch hang, dây thần kinh thị giác. Xoang bướm cũng là vùng xoang kín, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài nhưng khi bị viêm nhiễm thường diễn tiến nhanh đến giai đoạn mãn tính. Do nằm ở hệ thống xoang sau nên người bệnh thường bị phù nề niêm mạc xoang, đau từ đầu ra sau gáy. Dịch mũi thường bị chảy xuống họng, khụt khịt chứ không xì ra dịch mũi.
Viêm xoang trán
Xoang trán nằm vây quanh hốc mắt và chỉ ngăn với sọ não chỉ bằng một vách ngăn. Xoang trán bắt đầu phát triển sau 4-7 tuổi nên bệnh thường gặp ở lứa tuổi thiếu niên trở đi. Đồng thời xoang trán cũng thông với mũi qua ống trán mũi nên thường bị viêm kèm theo xoang sàng trước. Người bị viêm xoang trán dễ bị đau nhức, buốt cả đầu, hốc mắt, dịch mũi chảy nhiều và triệu chứng tăng dần từ sáng đến trưa.
Viêm xoang hàm
Xoang hàm là một hốc xương lớn ở cạnh xoang mũi và gần với vùng má, răng hàm. Cho nên vùng xoang này dễ bị ảnh hưởng bởi các bệnh về răng miệng. Người có tiền sử bị nhiễm trùng răng miệng dễ bị viêm xoang hàm và ngược lại. Khi bị viêm xoang hàm, bạn sẽ có các triệu chứng như đau nhức dữ dội tại má, sốt cao do nhiễm khuẩn, có thể chảy mủ ở mũi và hôi miệng với tình trạng nhiễm trùng nặng.
Viêm đa xoang
Viêm đa xoang là thuật ngữ để chỉ tình trạng nhiều xoang bị viêm nhiễm cùng lúc. Nếu người bệnh gặp tổ hợp các triệu chứng đau nhức, phù nề khắp mặt, kéo dài từ gáy, mũi, hốc mắt cho đến trán… Đồng thời dịch mũi chảy nhiều, có thể chảy xuống họng, dịch có mùi hôi, có màu xanh hoặc vàng, cảm giác mắt mờ thì đó là biểu hiện của viêm đa xoang.
Viêm đa xoang rất nguy hiểm vì sự ảnh hưởng của bệnh không không chỉ tai – mũi – họng mà còn liên quan đến mắt, não… Do đó, cần sớm phát hiện để điều trị và ngăn ngừa kịp thời các triệu chứng bất thường của bệnh.
Các phương pháp điều trị viêm xoang hiệu quả, an toàn
Để điều trị viêm xoang hiệu quả, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh để có được hướng điều trị đúng đắn. Hiện nay, viêm xoang được điều trị bằng hai biện pháp chính là Tây y và Đông y. Nguyên tắc điều trị của viêm xoang bao gồm ngăn ngừa/triệt tiêu các dị nguyên gây bệnh, đẩy lùi triệu chứng và phòng chống tái phát.
Phác đồ điều trị viêm xoang theo Tây y
Điều trị viêm xoang bằng Tây y là phương pháp phổ biến, tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp chữa trị chính như:
Sử dụng thuốc tân dược:
- Thuốc kháng sinh: Chỉ định trong trường hợp viêm xoang do vi khuẩn, thường được sử dụng trong 7-14 ngày. Các loại kháng sinh thường dùng: Amoxicillin, Amoxicillin/Clavulanate, Cephalosporin.
- Thuốc kháng viêm corticosteroid: Giúp giảm viêm, phù nề niêm mạc xoang, có thể dùng dạng xịt mũi hoặc uống. Một số thuốc thường dùng như: Fluticasone (Flonase), Mometasone (Nasonex), Prednisone (Deltasone).
- Thuốc giảm đau và hạ sốt: Paracetamol, Ibuprofen giúp giảm đau nhức, hạ sốt.
- Thuốc chống dị ứng: Chỉ định nếu viêm xoang có liên quan đến dị ứng, ví dụ như Loratadin (Clarityne), Cetirizine (Zyrtec), Fexofenadin (Allegra),…
- Thuốc làm loãng dịch nhầy: Giúp giảm độ nhớt của dịch tiết, dễ dàng tống xuất ra ngoài. Một số thuốc như Acetylcystein (Fluimucil), Bromhexin (Bisolvon), Guaifenesin (Mucinex),…
Rửa xoang:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Giúp làm sạch xoang, loại bỏ dịch nhầy và tác nhân gây bệnh.
- Hút rửa xoang bằng dụng cụ: Thực hiện tại cơ sở y tế, giúp làm sạch xoang hiệu quả hơn.
Phẫu thuật: Chỉ định trong trường hợp viêm xoang mãn tính không đáp ứng với điều trị nội khoa, polyp mũi xoang lớn, hoặc biến chứng viêm xoang. Các phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định như:
- Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang (FESS): Loại bỏ các mô viêm, polyp, chỉnh hình vách ngăn mũi, tạo thông thoáng xoang.
- Phẫu thuật mở xoang: Tiếp cận xoang qua đường mổ ngoài mặt, chỉ định trong trường hợp viêm xoang nặng, biến chứng.
Ưu điểm:
- Tác dụng nhanh: Thuốc Tây y có tác dụng nhanh chóng giảm triệu chứng viêm xoang.
- Hiệu quả cao: Phẫu thuật nội soi mũi xoang giúp giải quyết triệt để các vấn đề về cấu trúc xoang, polyp, mang lại hiệu quả lâu dài.
Nhược điểm:
- Tác dụng phụ: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng.
- Nguy cơ kháng thuốc: Việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị sau này.
- Nguy cơ biến chứng: Phẫu thuật có thể xảy ra các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương các cấu trúc lân cận.
Đông y điều trị viêm xoang
Theo quan điểm của Đông y, viêm xoang có ba căn nguyên chính là Can hỏa, Phế nhiệt, Thận âm hư. Bởi đây là các tạng chủ khí, huyết và có mối liên hệ mật thiết với Tỳ. Khi suy yếu thường dẫn đến Tỳ bị hư tổn, chất dịch không vận hóa được khiến mũi bị tắc nghẽn.
Để điều trị bệnh thì cần chú trọng giải quyết bệnh từ gốc thông qua việc phục hồi chức năng của các tạng Thận, Phế, Can, Tỳ. Đồng thời loại bỏ viêm nhiễm tại chỗ bằng cách tiêu viêm, trục ứ, thông khiếu. Người bệnh có thể tjam khảo một số bài thuốc Đông y sau:
Bài thuốc Tân Di Hương Phụ:
- Thành phần: Tân di 12g, Hương phụ 12g, Bạch truật 12g, Chỉ xác 10g, Xuyên khung 8g, Cam thảo 6g, Sinh khương 3 lát
- Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống 1 thang, có thể chia thành 2-3 phần uống hết trong ngày.
Bài thuốc Xuyên Bối Tỳ Bà Cao:
- Thành phần: Xuyên bối mẫu 10g, Tỳ bà diệp 15g, Cát cánh 10g, Mạch môn 12g, Tang bạch bì 12g, Địa cốt bì 12g, Sinh địa 12g, Sa sâm 12g, Cúc hoa 10g, Cam thảo 6g.
- Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống 1 thang, có thể chia thành 2-3 phần uống hết trong ngày.
Bài thuốc Thông Khiếu Thang:
- Thành phần: Tân di 8g, Ké đầu ngựa 12g, Bạch chỉ 10g, Phòng phong 10g, Cam thảo 6g, Cảo bản 10g, Thăng ma 8g, Hoàng cầm 10g.
- Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống 1 thang, có thể chia thành 2-3 phần uống hết trong ngày.
Ưu điểm:
- Sử dụng thảo dược thiên nhiên an toàn, lành tính, hạn chế tối đa tác dụng phụ.
- Điều trị bệnh từ căn nguyên, ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
- Phù hợp với nhiều đối tượng, kể cả trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Nhược điểm:
- Tác dụng chậm, đòi hỏi kiên trì trong thời gian dài.
- Khó lựa chọn bài thuốc phù hợp nếu không có sự tư vấn của thầy thuốc có kinh nghiệm.
- Chi phí có thể cao hơn Tây y nếu sử dụng các loại dược liệu quý hiếm.
Cải thiện bệnh tại nhà bằng mẹo dân gian đơn giản
Bên cạnh các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa, một số biện pháp dân gian sử dụng nguyên liệu đơn giản, dễ tìm tại nhà cũng có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng và giảm bớt sự khó chịu do viêm xoang gây ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là các biện pháp hỗ trợ, không thay thế hoàn toàn phác đồ điều trị của bác sĩ.
Gừng:
- Gừng chứa gingerol, một hoạt chất có tính kháng viêm, giảm đau và kháng khuẩn tự nhiên. Sử dụng gừng dưới dạng trà gừng ấm, nước gừng ngâm chân hoặc xông hơi với gừng có thể giúp làm thông thoáng đường thở, giảm nghẹt mũi và giảm đau nhức do viêm xoang.
- Cách thực hiện: Thái lát gừng, đun sôi với nước, thêm mật ong và uống khi còn ấm.
Tỏi:
- Tỏi chứa allicin, một hợp chất có khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ. Ăn tỏi sống hoặc sử dụng các sản phẩm từ tỏi như dầu tỏi, viên nang tỏi có thể giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây viêm xoang.
- Cách thực hiện: Giã nát tỏi, cho vào lọ thủy tinh nhỏ, đậy kín và để nơi thoáng mát khoảng 10 ngày. Sau đó, nhỏ 1-2 giọt dung dịch tỏi vào mỗi bên mũi.
Mật ong:
- Mật ong có tính kháng khuẩn, kháng viêm và làm dịu niêm mạc xoang. Pha mật ong với nước ấm hoặc trà thảo dược để uống hàng ngày có thể giúp giảm ho, long đờm và giảm viêm nhiễm.
- Cách thực hiện: Pha mật ong với nước ấm để uống hoặc sử dụng kết hợp với các nguyên liệu khác như gừng, chanh để tăng hiệu quả.
Tinh dầu khuynh diệp:
- Tinh dầu khuynh diệp chứa cineole, một hợp chất có tác dụng long đờm, giảm ho và kháng khuẩn. Xông hơi với tinh dầu khuynh diệp hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước nóng để xông mặt có thể giúp làm thông thoáng đường thở, giảm nghẹt mũi và giảm viêm nhiễm.
- Cách thực hiện: Xông hơi bằng tinh dầu khuynh diệp hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước ấm để xông mặt.
Nghệ:
- Curcumin là thành phần chính trong nghệ có tính kháng viêm mạnh. Uống tinh bột nghệ hoặc sử dụng nghệ trong chế biến thức ăn có thể giúp giảm viêm nhiễm, tăng cường hệ miễn dịch.
- Cách thực hiện: Trộn tinh bột nghệ với mật ong, vo thành viên nhỏ và ngậm.
Ưu điểm:
- Nguyên liệu dễ kiếm, cách thực hiện đơn giản.
- Lành tính, ít tác dụng phụ.
- Tiết kiệm chi phí.
Nhược điểm:
- Hiệu quả chậm, không trị tận gốc.
- Có khả năng gây kích ứng nếu sử dụng sai cách.
Cách chăm sóc và phòng tránh bệnh lý viêm xoang
Bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần chú trọng điều dưỡng, nâng cao sức khỏe từ bên trong. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp người bệnh đẩy lùi viêm xoang hiệu quả và phục hồi nhanh chóng hơn. Trong chế độ ăn uống, người bệnh cần lưu ý:
- Nên ăn: Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch như thực phẩm giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi, ổi…), vitamin E (bơ, hạt dẻ, đu đủ, rau cải xanh, khoai môn), các khoáng chất như kẽm (nấm, lúa mì, lựu, rau chân vịt…).
- Kiêng ăn: Các thực phẩm chua cay, dễ gây dị ứng (sữa, trứng, hải sản…), thức uống có cồn, có chứa caffeine, đồ ăn quá ngọt… Bởi các thực phẩm này có thể khiến hệ miễn dịch bị suy yếu và tích tụ nhiệt độc trong cơ thể dẫn đến bệnh viêm xoang.
Nguyên nhân gây viêm xoang chủ yếu là do vi khuẩn, virus nên người bệnh có thể hoàn toàn phòng tránh nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, tăng cường diệt khuẩn tại mũi.
- Luôn sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài, đến nơi đông người hoặc làm việc trong các môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất…
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia để tránh làm hệ miễn dịch suy yếu.
- Nếu có cơ địa dị ứng thì cần hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng, kích ứng mũi như phấn hoa, lông động vật, hóa chất, mỹ phẩm…
- Tăng cường tập thể dục để nâng cao sức đề kháng, phòng chống hiệu quả các dị nguyên gây bệnh từ môi trường.
Trên đây là các loại viêm xoang thường gặp và hướng điều trị hiệu quả mà bạn đọc có thể tham khảo. Việc nhận biết được triệu chứng từ sớm cũng như lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo bệnh, bạn đọc hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
BÀI VIẾT ĐƯỢC XEM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!