Chạy thận nhân tạo là phương pháp được nhiều người quan tâm hiện nay. Đây là kỹ thuật ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại và đã giúp kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bệnh thận mãn tính. Vậy chạy thận là gì, quy trình thực hiện và chi phí ra sao?
Chạy thận nhân tạo là gì? Phân loại hình thức chạy thận nhân tạo hiện nay
Chạy thận nhân tạo (Hemodialysis) hay còn gọi là lọc thận là phương pháp chữa trị bệnh suy thận mạn tính hiệu quả, được nhiều người sử dụng. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện kỹ thuật này khi chức năng lọc máu và đào thải độc tố ra khỏi máu của thận không còn hiệu quả. Việc chạy thận sẽ giúp bệnh nhân kéo dài sự sống.
Chạy thận nhân tạo là gì?
Theo y học hiện đại, chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu với sự hỗ trợ của các loại máy móc hiện đại. Theo đó, một vòng tuần hoàn lọc máu, đào thải và hấp thụ sẽ được thiết lập bên ngoài cơ thể.
Lúc này, máu của người bệnh sẽ được dẫn qua bộ lọc của máy chạy thận giúp loại bỏ những chất độc hại, dư thừa. Cuối cùng máu đã lọc sẽ được chuyển vào lại bên trong cơ thể của bệnh nhân.
Cơ chế chạy thận như sau:
- Siêu lọc: Đây là kỹ thuật lợi dụng chênh lệch áp lực của bơm máu và bơm dịch. Nước từ khoang máu sẽ dần dần di chuyển về khoang dịch và kéo theo các chất hòa tan.
- Khuếch tán riêng phần: Khuếch tán riêng phần do có sự chênh lệch nồng độ ure, creatinin và các chất có lượng phân tử nhỏ, nồng độ cao. Điều này sẽ giúp khuếch tán từ máu sang khoang dịch.
- Dòng đối lưu: Khi chất tan ở khoang máu và khoang dịch cân bằng thì quá trình khuếch tán cũng sẽ giảm.
Phân loại cách chạy thận nhân tạo hiện nay
Chạy thận nhân tạo được chia thành 3 loại bao gồm: Chạy thận nhân tạo thông thường, chạy thận nhân tạo hàng ngày và chạy thận nhân tạo về đêm. Cụ thể như sau:
- Chạy thận nhân tạo thông thường: Bệnh nhân bị suy thận sẽ chạy thận một tuần 3 lần, mỗi lần kéo dài từ 3 – 4 tiếng đồng hồ. Trong suốt quá trình này, máu của bệnh nhân sẽ được rút ra với tốc độ từ 200 – 400ml/phút bằng mảnh ghép lọc máu. Tại đây máu sẽ được bơm qua bộ lọc và xử lý, loại bỏ những chất độc hại. Kết thúc quá trình này, máu sẽ được bơm lại mạch máu của người bệnh qua một ống dẫn khác. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục khoảng 15 phút mỗi lần cho đến khi máu của bệnh nhân được lọc hết hoàn toàn (khoảng 5000cc).
- Chạy thận nhân tạo hàng ngày: Loại chạy thận này được áp dụng khoảng 6 ngày mỗi tuần, mỗi lần kéo dài 2 giờ đồng hồ. Chạy thận hàng ngày chỉ áp dụng cho những bệnh nhân chạy thận tại nhà. Để việc chạy thận dễ dàng hơn, người bệnh cần thực hiện một tiểu phẫu đặt ống thông tại bệnh viện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Chạy thận nhân tạo về đêm: Chạy thận về đêm cũng áp dụng giống quy trình chạy thận thông thường. Điểm khác biệt là quá trình sẽ diễn ra vào ban đêm, khi người bệnh đã ngủ say. Mỗi lần lọc thận sẽ kéo dài từ 6 – 10 giờ.
Chỉ định và chống chỉ định khi chạy thận nhân tạo
Những đối tượng được chỉ định chạy thận bao gồm:
- Người nhận kết quả xét nghiệm mức lọc cầu thận nhỏ hơn hoặc bằng 15ml/phút/1,73m2 (hay còn gọi là suy thận mãn tính giai đoạn 5). Lúc này việc chạy thận sẽ giúp bệnh nhân kéo dài sự sốngLọc thận ở giai đoạn sớm với những đối tượng bị đái tháo đường.
- Chỉ định chạy thận nhân tạo cho những trường hợp bị ngộ độc hoặc lọc máu cấp cứu.
- Những người thực hiện lọc máu theo chu kỳ.
Chống chỉ định chạy thận nhân tạo với những đối tượng sau:
- Người mắc các bệnh về tim mạch bao gồm: Rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim toàn bộ, trụy mạch tim,…
- Người bị rối loạn đông máu, chảy máu sẽ hạn chế chạy thận. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh kết hợp với quá trình lọc máu và thay máu song song.
- Người đang bị sốt cao, cơ thể suy nhược do tác động của ung thư sẽ không chạy thận nhân tạo được.
Khi nào cần thực hiện chạy thận? Trước khi thực hiện cần chuẩn bị gì?
Trong một số trường hợp dưới đây, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện chạy thận nhân tạo. Để phương pháp có hiệu quả, người bệnh cũng cần chuẩn bị một số yêu cầu theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi nào kỹ thuật chạy thận được thực hiện?
Dựa vào mức độ lọc cầu thận (GFR), tình trạng sức khỏe tổng quát cũng như những biến chứng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra được thời gian cần thiết để thực hiện chạy thận nhân tạo.
Thông thường, những bệnh nhân ở giai đoạn 4 sẽ được bác sĩ khuyên chạy thận nhân tạo. Lúc này mức lọc cầu thận chỉ dao động từ 15 – 29ml/phút/1,73m2. Chức năng của thận đã bị suy yếu khá nhiều, từ 70 – 80%.Trường hợp khác cần thực hiện chạy thận nhân tạo là những người bệnh có mức lọc cầu thận dưới 15ml/phút/1,73m2.
Nếu không thực hiện chạy thận nhân tạo, tuổi thọ của bệnh nhân sẽ giảm đi, chỉ kéo dài vài tháng. Nguyên nhân bởi quá trình tuần hoàn, lưu thông và đào thải độc tố đều bị dừng lại và không thể thực hiện được.
Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi chạy thận nhân tạo?
Lần đầu thực hiện chạy thận, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch, hay còn gọi là FAV. Việc thực hiện FAV chạy thận để tạo một đường nối giữa động mạch và tĩnh mạch trên tay.
Điều này là do trong quá trình lọc máu, dòng máu sẽ đi qua hệ thống lọc phải đảm bảo lượng không nhỏ hơn 300ml/phút. Áp lực cần thiết để hút máu từ cầu nối đạt -100mmHg, áp lực trả máu về vòng tuần hoàn cũng đạt mức +100mmHg. FAV sẽ giúp tăng lưu lượng máu, đáp ứng các yêu cầu trong nguyên lý chạy thận nhân tạo.
Quy trình chạy thận nhân tạo ra sao?
Chạy thận nhân tạo sẽ được chia thành 3 bước, cụ thể:
- Bước chuẩn bị: Bệnh nhân cần chuẩn bị từ vài tháng đến vài tuần trước khi thực hiện chạy thận. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ thực hiện tạo nơi giúp truy cập mạch máu. Việc này sẽ được thực hiện sớm vì cần thời gian làm lành.
- Thực hiện xử lý truy cập: Bệnh nhân chạy thận sẽ được thực hiện phẫu thuật tại lỗ động tĩnh mạch (AV) ở cẳng tay. Nếu không thực hiện được lỗ rò AV, bác sĩ sẽ ghép AV, tạo nên một đường dẫn giữa động mạch và tĩnh mạch. Trường hợp cuối cùng là sẽ tạo ra ống thông tĩnh mạch trung ương trong quá trình chạy thận.
- Quá trình lọc máu: Bác sĩ sẽ dùng hai cây kim, đưa vào cánh tay bệnh nhân thông qua các truy cập đã tạo ở trên. Toàn bộ máu trong cơ thể sẽ được loại qua Dialyzer, lọc chất thải và đưa máu đã được làm sạch qua một kim khác để đưa lại vào bên trong cơ thể.
Ưu nhược điểm của kỹ thuật chạy thận nhân tạo
Khi thực hiện chạy thận nhân tạo, có một số ưu nhược điểm người bệnh cần chú ý như sau:
Ưu điểm của chạy thận nhân tạo
Một số ưu điểm khi người bệnh thực hiện chạy thận nhân tạo có thể kể đến như:
- Kỹ thuật lọc – thải toàn diện: Màng lọc nhân tạo của phương pháp này chỉ có phép chất độc đi ra khỏi cơ thể, không có tác dụng thấm ngược. Các chất cần thiết trong máu của người bệnh sẽ được lưu chuyển lại cơ thể.
- An toàn: Người thực hiện được kỹ thuật này phải là những bác sĩ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, trong điều kiện có đầy đủ thiết bị y tế, môi trường thực hiện vô khuẩn để không gây biến chứng. Nếu có sự cố xảy ra trong quá trình chạy thận cũng sẽ được kiểm soát và xử lý nhanh chóng.
- Người bệnh có thể chủ động được thời gian để sắp xếp công việc cũng như chuẩn bị tâm lý trước khi thực hiện.
Nhược điểm khi thực hiện chạy thận
Bên cạnh một số ưu điểm, khi thực hiện chạy thận, người bệnh có thể sẽ gặp một số hạn chế như:
- Cuộc sống của người bệnh sẽ phải gắn với bệnh viện trong suốt thời gian dài, đặc biệt là khi thực hiện chạy thận ban đêm và chạy thận thông thường.
- Có những ảnh hưởng về huyết áp trong quá trình thực hiện chạy thận, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược.
- Dễ bị đồng máu trong các ống lọc gây nguy hiểm tới tính mạng.
- Trong quá trình lọc máu có thể bị thất thoát máu.
- Có nhiều khả năng cao bị nhiễm trùng máu.
- Áp dụng chế độ ăn uống, dinh dưỡng nghiêm ngặt trong quá trình chạy thận.
Ngoài ra, khi thực hiện chạy thận, người bệnh có thể gặp phải một số rủi ro khác như:
- Huyết áp thấp: Trường hợp này xảy ra khá nhiều đối với những người bị tiểu đường. Một số triệu chứng kèm theo có thể kể đến như: Khó thở, đau bụng, căng cơ, buồn nôn,…
- Chuột rút: Đa số người chạy thận nhân tạo đều thường xuyên bị chuột rút. Điều này có thể được cải thiện khi điều chỉnh lượng chất lỏng, muối ăn giữa các đợt điều trị.
- Khó ngủ: Người chạy thận thường xuyên cảm thấy lo lắng, bồn chồn, đau nhức dẫn đến khó ngủ. Một số trường hợp còn xuất hiện tình trạng ngưng thở trong khi ngủ, rất nguy hiểm đến tính mạng.
- Thiếu máu: Hormone Erythropoietin là một hormone kích thích quá trình sản sinh hồng cầu ở trong máu. Với bệnh nhân suy thận, hormone này thường giảm đi nên người chạy thận thường bị thiếu máu.
- Loãng xương: Thận bị tổn thương khiến việc xử lý vitamin D, canxi khó khăn hơn. Điều này sẽ khiến xương người bệnh yếu dần đi.
Những biểu hiện của bệnh nhân sau khi thực hiện chạy thận
Sau khi thực hiện chạy thận, người bệnh sẽ có một số biểu hiện dễ dàng nhận thấy được, cụ thể:
Biểu hiện bình thường sau khi chạy thận
- Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt do bị tụt huyết áp.
- Xuất hiện hiện tượng mệt mỏi, đau đầu, khó thở.
- Cơ bắp trở nên căng cứng, đau nhức hơn bình thường.
- Cảm thấy buồn nôn và nôn ói.
Các biểu hiện bất thường sau khi chạy thận cần lưu ý
- Hiện tượng nôn ói diễn ra nhiều hơn bình thường.
- Có nhiễm trùng phẫu thuật, nhiễm trùng máu gây nên tình trạng sốt và lạnh.
- Có hiện tượng mề đay, phù nề.
- Thường xuyên ho gây tức ngực, khó thở.
Chạy thận giá bao nhiêu?
Chạy thận giá bao nhiêu là một câu hỏi mang tính chất tương đối bởi mỗi lần chạy thận chi phí sẽ khác nhau. Điều này phụ thuộc vào thời gian, khu vực người bệnh sinh sống cũng như các công nghệ đi kèm điều trị.
Các chuyên gia cho biết, tại Việt Nam, chi phí chạy thận chỉ bằng 50% so với những nước Mỹ, Nhật Bản,… Tuy nhiên, chạy thận là một cuộc chiến khá dài nên chi phí người bệnh cần có để thực hiện kỹ thuật này không phải là ít.
Với những đối tượng có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả từ 80 – 100% các khoản liên quan đến lọc máu, khám bệnh và thuốc uống. Ngược lại, người bệnh cần chi trả từ vài triệu đến vài chục triệu cho 1 tháng thực hiện chạy thận.
Tại Việt Nam, hầu hết các máy chạy thận ở các bệnh viện đều được thuê từ bên thứ 3 để giảm tối đa chi phí cho người bệnh. Nếu nhập khẩu máy móc từ nước ngoài, người bệnh có thể phải bỏ ra khoảng 20.000 USD/máy (tương đương 450 triệu VNĐ) để chạy thận nhân tạo.
Theo ghi nhận, chi phí mỗi bệnh nhân chi trả cho mỗi lần chạy thận thấp nhất là 150 nghìn VNĐ/lần và cao nhất là 1 triệu VNĐ. Ngoài ra, một số bệnh viện có thể sẽ yêu cầu người bệnh trả thêm một số phụ phí đi kèm từ 20 – 30 nghìn VNĐ.
Một số lưu ý khi thực hiện chạy thận nhân tạo
Để việc chạy thận diễn ra suôn sẻ, hiệu quả, người bệnh cần chú ý:
- Thực hiện chạy thận nghiêm túc theo lịch trình mà bác sĩ đã đưa ra.
- Uống thuốc theo đúng liều lượng, thời gian mà bác sĩ đã chỉ định.
- Luôn chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý. Bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có một thực đơn phù hợp trong quá trình chạy thận.
- Luôn theo dõi sức khỏe và đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Trên đây là toàn bộ thông tin về phương pháp chạy thận nhân tạo. Người bệnh nên tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ cũng như thường xuyên theo dõi sức khỏe để quá trình chạy thận hiệu quả, đảm bảo sức khỏe. Nếu có khó khăn hoặc những thắc mắc nào khác bạn có thể liên hệ bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!