Nhắc đến những huyệt vị chủ trị những triệu chứng ở đầu không thể không nhắc đến huyệt dương bạch. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây về vị trí, công dụng và cách bấm huyệt hiệu quả.
Tìm hiểu chung về huyệt dương bạch
Huyệt dương bạch (Yángbái) là huyệt thứ 14 trong hệ thống đường kinh Đởm. Dưới đây là một số thông tin cần thiết về huyệt vị này:
Ý nghĩa tên huyệt:
Tên gọi huyệt được ghép bởi Dương (có nghĩa là bên ngoài, phía trước, bên trên, đối nghịch với Âm) và Bạch (với ý nghĩa là sáng hay trắng). Tên gọi dương bạch ý chỉ công dụng của huyệt là làm sáng mắt, vị trí ở trên trán và đón nhận ánh sáng mặt trời (Theo Trung Y Cương Mục).
Xuất xứ: Giáp Ất Kinh
Đặc tính:
- Đây là huyệt thứ 14 thuộc đường Kinh túc thiếu dương đởm
- Huyệt hội với đường kinh Dương Duy Mạch, kinh Dương Minh ở tay chân và kinh thiếu dương ở chân.
Công dụng: Dương bạch có nhiều tác dụng đối với cơ thể đặc biệt là vùng mặt. Tác dụng chính bao gồm tiết hỏa, minh mục, tuyên khí và khu phong.
Huyệt dương bạch ở đâu? Cách xác định vị trí huyệt
Theo những ghi chép từ sách Y học cổ truyền, vị trí huyệt dương bạch nằm trước trán. Huyệt nằm trên đường thẳng đi qua ở chính giữa mắt và cách lông mày 1 thốn hướng lên trên.
Cách xác định huyệt có thể lấy trên vị trí thẳng với đồng tử (Đồng nhân, Giáp ất, Đại thành, Phát huy) và trên lông mày khoảng 1 tấc (thốn).
Khi giải phẫu có kết quả:
- Phần nằm dưới da chính là cơ trán hay xương trán.
- Thần kinh vận động cơ trên huyệt chính là một nhánh của dây thần kinh mặt.
- Bị chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng của huyệt dương bạch và cách phối huyệt
Dương bạch huyệt là huyệt quan trọng và có nhiều tác dụng đối với vùng mặt. Dưới đây là một vài tác dụng điển hình của huyệt dương bạch:
- Điều trị hiện tượng liệt mặt ngoại biên hay liệt dây thần kinh số VII ngoại biên gây ra. Ngoài ra huyệt còn giúp làm giảm đau dây thần kinh số V, đặc biệt là những tổn thương do nhánh của dây thần kinh số V gây ra.
- Điều trị các bệnh về mắt như loạn thị, quáng gà, cận thị, song thị, hiện tượng suy giảm hay mất thị lực, sụp mi, chắp, lẹo, viêm màng tiếp hợp.
- Làm giảm hiện tượng đau đầu, nhức trên trán bởi nhiều nguyên nhân gây nên,...
- Giảm hoa mắt chóng mặt, suy giảm trí nhớ.
- Hỗ trợ các bệnh về viêm xoang, viêm mũi dị ứng,...
Ngoài ra, để tăng hiệu quả điều trị bệnh, có thể phối huyệt dương bạch cùng các huyệt vị khác theo cách dưới đây:
- Phối huyệt Giải Khê + Hợp Cốc: Điều trị chứng đau đầu, khó chịu (Theo Ngọc Long Ca)
- Phối huyệt Khiên Chính + Địa Thương + Tứ Bạch: Điều trị chứng liệt cơ mặt (Theo Châm cứu học Thượng Hải)
- Phối huyệt Phục Lưu + Toàn Trúc + Hợp Cốc: Hỗ trợ điều trị chứng hoa mắt, hiện tượng song thị hay mắt nhìn ảnh đôi (Theo Châm cứu học Thượng Hải).
- Phối huyệt Não Hộ + Khiếu Âm + Ngọc Chẩm: Điều trị đau nhức nhức nhãn cầu (Theo Châm cứu học Thượng Hải).
- Phối huyệt Phong Trì + Đầu Duy + Thái Dương: Trị chứng sụp mi mắt (Theo châm cứu học Thượng Hải).
Kỹ thuật châm cứu
Vị trí huyệt dương bạch nằm trên đường Kinh Đởm. Vị trí này tương đối nhạy cảm đó là trước trán nên dù tác động nhỏ hoặc châm cứu sai cách cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe.
Cách châm cứu: Để châm cứu hiệu quả cần thực hiện đúng kỹ thuật sau:
- Châm cứu xiên thấu Toàn Trúc, Ngư Yêu, Ty Trúc Không. Luồn kim dưới da khoảng 0,3 - 0,5 tấc, chiều mũi kim hướng xuống dưới.
- Tiến hành cứu từ 1 - 3 tráng.
- Thời gian thực hiện hay ôn cứu là từ 3 - 5 phút.
Phương pháp cứu điếu ngải: Thực hiện từ 2 - 7 phút để đạt được hiệu quả như mong muốn
Lưu ý: Khi thực hiện cần đảm bảo an toàn để tránh gây bỏng da hoặc không để tàn điếu ngải rơi vào mắt sẽ gây nguy hiểm.
Huyệt dương bạch nằm trong hệ thống các huyệt vùng đầu mặt cổ cùng với các huyệt như ấn đường, toán trúc, tinh minh, ty trúc không,... và có nhiều tác dụng quan trọng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý trong quá trình thực hiện và tìm đến những người có kinh nghiệm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!