Phát ban là tình trạng không hiếm gặp. Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh không hề đơn giản. Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu những thông tin hữu ích về bệnh cũng như hướng điều trị hiệu quả thông qua bài viết này.
Phát ban ở da là gì?
Phát ban đỏ là hiện tượng biến đổi về màu sắc và kết cấu trên da. Da trở nên mấp mô do sự xuất hiện của nhiều nốt mẩn lớn nhỏ. Các nốt mẩn có nhiều kích thước khác nhau, có thể mọc thành mảng lớn trên da. Về màu sắc, vùng nổi mẩn thường chuyển sang màu hồng hoặc ửng đỏ, gây ngứa hoặc không.
Với mỗi nhóm nguyên nhân, các triệu chứng phát ban sẽ có sự khác biệt tương ứng. Nếu không được điều trị đúng cách, phát ban có thể gây viêm, nhiễm trùng da, nguy cơ để lại sẹo thâm, gây mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân gây phát ban
Có nhiều nguyên nhân có thể gây phát ban là:
- Viêm da tiếp xúc
- Dị ứng với thực phẩm hoặc dược phẩm
- Nhiễm virus, vi khuẩn, kí sinh trùng
- Mắc bệnh lupus ban đỏ: Đây là một bệnh tự nhiễm do sai lệch trong đáp ứng miễn dịch khiến hệ miễn dịch tự chống lại cơ thể mình. Lupus ban đỏ đặc trưng bởi các vùng da bị nổi mẩn, sưng đỏ, dày sừng, thậm chí là nứt nẻ, chảy máu.
- Do bệnh lý ngoài da như chàm, vảy nến, lang ben, thủy đậu, mề đay…
- Do các nguyên nhân khác như thay đổi nội tiết tố, tâm lý căng thẳng, côn trùng đốt, hệ miễn dịch suy yếu…
Phòng tránh phát ban tại nhà
Để phòng tránh phát ban tại nhà, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, loại trừ các tác nhân có hại trên da.
- Tránh nguồn lây bệnh: Không nên tiếp xúc với người bệnh bị thủy đậu, sởi, sốt xuất huyết, HIV… Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc với bệnh nhân.
- Dùng kem dưỡng ẩm giúp duy trì độ ẩm cần thiết trên da, tạo lớp màng bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại.
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
- Hạn chế tiếp xúc với những yếu tố có nguy cơ cao gây dị ứng như hóa chất, chất tẩy rửa, khói bụi, chất ô nhiễm… Dùng găng tay cao su, đeo khẩu trang khi làm vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa…
- Xây dựng chế độ ăn uống, luyện tập khoa học: Bổ sung thực phẩm nhóm rau củ quả, các loại hạt giúp cung cấp vitamin, khoáng chất tốt cho hệ miễn dịch. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường trao đổi chất, tăng sức đề kháng, thư giãn tinh thần. Cho trẻ chơi các trò chơi vận động ngoài trời, giúp trẻ khỏe mạnh hơn.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, điều trị kịp thời.
Cách điều trị bệnh phát ban ở da
Với từng nhóm nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị phát ban thích hợp. Trong phạm vi bài viết, tapchidongy.org sẽ giúp bạn tổng hợp những trường hợp phát ban phổ biến nhất cùng triệu chứng và cách điều trị tương ứng:
Phát ban do nhiệt
Tình trạng phát ban do nhiệt thường xảy ra khi thời tiết nắng nóng. Mồ hôi tiết ra nhiều cùng với bã nhờn, bụi bẩn bám trên da, gây bít tắc lỗ chân lông. Chất độc bên trong cơ thể không thể đào thải ra ngoài, tích tụ dưới da.
Dấu hiệu
- Nốt ban có dạng mụn nước nhỏ, vùng da xung quanh có màu hồng hoặc đỏ.
- Tổn thương da thường xuất hiện tại các vùng nếp gấp như cổ, nách, mặt trong khuỷu tay…
- Vùng da tổn thương có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Ban đỏ do nhiệt nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ kiệt sức, chuột rút, đột quỵ. Người bệnh không nên chủ quan trước dấu hiệu của bệnh.
Cách điều trị
Triệu chứng phát ban đỏ do nhiệt có thể cải thiện thông qua việc làm mát da. Nếu em bé bị phát ban do nhiệt, bố mẹ có thể cho bé ở trần trong môi trường nhiệt độ 28-30 độ C. Cảm giác ngứa ngáy, nóng rát do ban đỏ gây ra sẽ giảm đi nhanh chóng.
Trường hợp phát ban nhiệt nặng, diện tích phát ban lớn, cảm giác ngứa ngáy dữ dội hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng da, người bệnh cần được can thiệp y tế. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc xịt, kem bôi, thuốc kháng sinh tùy trường hợp.
Mề đay, dị ứng
Cơ thể quá mẫn với chất kích ứng, sản sinh hormone Histamin với lượng lớn trong thời gian ngắn sẽ gây ra tình trạng phát ban đỏ.
Triệu chứng
- Trên da xuất hiện những nốt sần nhỏ, hơi sưng, có màu đỏ, hồng hoặc trắng, gây ngứa, vùng ban có thể xuất hiện ở tay, chân, mặt hoặc toàn thân.
- Thông thường, mề đay, dị ứng sẽ tự khỏi sau vài ngày tới vài tuần. Nếu trong 6 tuần, mề đay không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc tái phát nhiều lần, bạn đã bị mề đay mãn tính.
Cách điều trị:
Thông thường, sau khi cách ly người bệnh khỏi nguồn gây kích ứng và thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà, các triệu chứng bệnh sẽ dần dần thuyên giảm.
Với 2 trường hợp trên, người bệnh cần tìm đến các biện pháp y tế giúp kiểm soát, điều trị dứt điểm bệnh. Trong Tây y, các bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng dị ứng mà chỉ định những loại thuốc tân dược phù hợp, giúp kiểm soát triệu chứng nhanh. Trong Đông y, các bài thuốc kết hợp dược liệu thiên nhiên theo tỷ lệ phù hợp, giúp kiểm soát triệu chứng và loại bỏ căn nguyên, dứt điểm phát ban mề đay.
Do bệnh viêm da dị ứng (chàm)
Viêm da dị ứng là bệnh lý mãn tính về da, hiện chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Di truyền và các tác động từ môi trường, tâm lý căng thẳng được xem là những yếu tố nguy cơ của bệnh.
Triệu chứng
- Da sạm màu từ màu đỏ đến nâu xám, có vết loang lổ theo vùng.
- Da khô, bong tróc vảy.
- Ngứa da, cảm giác ngứa trở nên dữ dội hơn về đêm.
- Có thể phát ban ở mặt, chân tay hoặc những khu vực ma sát nhiều với quần áo như thắt lưng.
Hiện chưa có cách điều trị dứt điểm viêm da dị ứng. Các loại thuốc bôi chứa corticoid hay kem dưỡng da được các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân viêm da dị ứng chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng tạm thời. Người bệnh nên lưu ý tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất có khả năng cao gây kích ứng và mặc quần áo chất liệu mềm mịn, thoáng mát.
Nhiễm ký sinh trùng gây phát ban trên da
Một số loại ký sinh trùng có khả năng xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc ký sinh trên da như ấu trùng giun sán, bọ chét chó mèo. Ký sinh trùng chui qua lỗ chân lông, xâm nhập vào các mao mạch dưới da sẽ hình thành những vết sưng nhỏ ngoằn ngoèo, gây phát ban ngứa.
Cách điều trị: Người bệnh cần dùng kết hợp các loại thuốc bôi giúp làm dịu tình trạng mẩn ngứa và thuốc chống giun sán giúp loại bỏ căn nguyên gây phát ban.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu do virus varicella-zoster gây ra, lây nhiễm qua đường hô hấp, khi dính nước bọt hoặc chất nhầy của người bệnh. Thủy đậu có thể gây phát ban khắp cơ thể.
Triệu chứng
Da xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ dạng bọng nước, kích thước tương đương hạt đậu tằm. Các nốt ban đỏ sẽ khô dần, tạo thành vảy trong một tuần rồi biến mất. Phát ban trên da có thể đi kèm sốt, đau nhức cơ thể và đau họng.
Cách điều trị
- Dùng Thuốc tím (Xanh Methylen) chấm lên các nốt ban giúp tránh viêm nhiễm và ngăn ngừa sẹo.
- Không gãi lên các nốt mẩn, tránh làm vỡ bọng nước.
- Giữ vệ sinh da, mặc quần áo rộng rãi, nghỉ ngơi nơi kín gió.
Bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm có thể gây nổi ban đỏ ngoài da.
Triệu chứng
- Da màu đỏ hoặc ửng hồng, các đốm đỏ đậm ẩn dưới da có thể tập trung thành vùng.
- Các triệu chứng đi kèm: sốt, ho, đỏ mắt, chảy nước mũi.
Sởi thường gây phát ban ngoài da ở trẻ dưới 12 tuổi, có thể khỏi sau 7-10 ngày nghỉ ngơi, chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khoảng 10% trường hợp sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tai giữa.
- Viêm loét giác mạc.
- Viêm não cấp tính.
- Tiêu chảy.
- Viêm phổi.
Với trẻ em, sức đề kháng kém, khả năng xảy ra các biến chứng càng cao. Bố mẹ, người chăm sóc trẻ nên cho con được điều trị sớm, giúp rút ngắn thời gian phát bệnh, đảm bảo an toàn cho bé.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có thể gây phát bankhông ngứa ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết gồm:
- Nốt đỏ xuất hiện do xung huyết dưới da, khi kéo dãn nốt đỏ sẽ thấy tia máu.
- Sốt cao khoảng 39-40 độ C
- Đau đầu, nhức mỏi mắt, buồn nôn, đau nhức cơ và xương
Cách điều trị
Hiện chưa có phương pháp điều trị sốt xuất huyết, bệnh thường tự khỏi trong khoảng 2 tuần. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt và giảm đau khớp. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc hoặc chảy máu, cần nhập viện để theo dõi, điều trị.
Phát ban sau sốt
- Tình trạng sốt phát ban rất dễ gặp ở trẻ em do virus Parvovirus B19 gây ra. Khi nhiễm virus, trẻ có các biểu hiện như:
- Phát ban sau khoảng 3 ngày sốt.
- Ban đỏ có dạng chấm nhỏ trên da hoặc mảng nhỏ màu hồng, xung quanh nốt ban có quầng trắng.
- Ban đỏ thường phát ở ngực, sau lưng, bụng rồi lan ra cổ, cánh tay, chân, mặt.
- Hai má sưng, đỏ ửng.
- Có thể đi kèm mệt mỏi, khó chịu, tiêu chảy nhẹ.
Sau một thời gian, các dấu hiệu bệnh có thể tự biến mất. Tuy nhiên, tình trạng sốt cao liên tục có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tới hệ thần kinh, trí thông minh. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt, bố mẹ nên theo dõi sát, thực hiện các biện pháp hạ nhiệt cơ thể tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi điều trị.
Phát ban do HIV
Phát ban là một trong những dấu hiệu ban đầu giúp nhận biết người bệnh đã nhiễm HIV. Các dấu hiệu khi mắc Hội chứng suy giảm miễn dịch gồm:
- Da hơi sưng, xuất hiện đốm màu đỏ hoặc hồng với người da trắng, đốm màu tía đậm với người da tối màu.
- Vai, ngực, mặt bàn tay, phần trên cơ thể là các vị trí thường phát ban. Ban đỏ có thể đi kèm mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ. Nốt ban dày, nổi cộm rõ ràng với vùng da bình thường.
- Các triệu chứng khác có thể xuất hiện cùng như buồn nôn, nôn mửa, đau miệng, sốt, đau cơ, mờ mắt, ăn không ngon miệng…
Tình trạng phát ban thường xuất hiện sau 2-3 tuần phơi nhiễm HIV. Người bệnh cần điều trị theo đúng chỉ định của chuyên gia sức khỏe, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm ngứa hoặc các thuốc kháng dị ứng.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, phát ban có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra như bệnh lý về gan, thận, mật, bệnh về máu…
Phát ban có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu cơ thể xuất hiện mẩn đỏ, bạn nên chú ý theo dõi tiến triển triệu chứng và các triệu chứng khác. Nếu có dấu hiệu bất thường, bạn cần sớm đi khám, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, tránh bỏ qua giai đoạn vàng trong kiểm soát và điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!