Huyệt huyết hải là một trong số những huyệt đạo quan trọng, được xem là bể chứa tinh huyết của cơ thể. Vậy huyệt đạo này nằm ở đâu? Có tác dụng gì? Ở bài viết này, chuyên trang Tạp chí đông y sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết và chính xác nhất.
Huyệt huyết hải là gì?
Huyệt huyết hải còn có tên gọi khác là Bách trùng oa, Bách trùng sào, Huyết khích. Thuộc kinh Giáp Ất. Đó là huyệt thứ 10 của đường kinh Tỳ.
Đây là đường kinh mặt trên của cơ thể, xuất phát từ huyệt Ẩn bạch nằm cạnh góc trong của móng chân cái, đi dọc theo má chân trong, vòng qua mắt cá, sau đó theo mặt trong chân chạy lên bụng, qua bụng 6 thốn rồi kết thúc tại huyệt Đại bao nằm dưới nách 6 thốn.
Đông y giải nghĩa huyết là máu, hải là biển, dòng chảy. Sở dĩ huyệt này có tên Huyết Hải bởi nó giữ vai trò điều phối và thúc đẩy hoạt động của Tỳ, kiểm soát lưu thông và là nơi chứa (bể) huyết. Bởi vậy huyệt đạo này vô cùng quan trọng và có nhiều tác dụng đến sức khỏe con người.
Huyệt huyết hải nằm ở vị trí nào?
Huyết hải huyệt nằm ở má trong của đầu xương bánh chè, ở giữa cơ may và cơ rộng trong. Để xác định vị trí của huyệt vị này có thể thực hiện theo chỉ dẫn sau:
- Bước 1: Đứng thẳng, quan sát mặt trong của đùi, dùng bàn tay nắm lấy đầu gối.
- Bước 2: Tại vị trí xương bánh chè đầu gối đo lên phía trên 2 thốn (tương đương khoảng 4-5cm)
- Bước 3: Xác định khe lõm chính giữa cơ may và cơ rộng. Khi bấm mạnh vào sẽ cảm thấy đau tức khó chịu.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể xác định vị trí của huyệt huyết hải bằng cách ngồi co gối, chân buông thõng, úp bàn tay vào xương bánh chè, ngón cái hướng vào phía trong, ngay tại vị trí đầu ngón cái khi ấn vào có cảm giác ê ức chính là huyệt.
Công dụng của huyệt huyết hải
Huyệt huyết hải có công dụng chính là: thanh huyết, hạ tiêu, điều huyết, chủ trị tình trạng kinh nguyệt không đều, người mẩn ngứa ngoài da. Trong đông y, huyệt huyết hải được đánh giá là huyệt đạo có vai trò quan trọng giúp kiểm soát tình trạng lưu thông máu của cơ thể.
Huyệt huyết hải được đánh giá là huyệt đạo có vai trò quan trọng, giúp kiểm soát sự lưu thông máu của cơ thể. Tác dụng chính của huyệt này là:
- Thanh huyết, hạ tiêu, điều huyết, tốt cho lưu thông máu
- Tăng cường chứng năng gan
- Tác động huyệt huyết hải đúng cách giúp giảm tình trạng đau dây thần kinh đùi, nhức xương khớp tê bì tay chân.
- Vì liên quan đến sự điều hòa khí huyết nên bấm huyệt huyết hải có thể giúp khắc phục tình trạng kinh nguyệt không đều.
Cách tác động vào huyệt huyết hải:
Thông thường, các huyệt trên cơ thể nói chung và huyệt huyết hải nói riêng có thể sử dụng 2 cách tác động chính là xoa bóp bấm huyệt và châm cứu.
- Xoa bóp, bấm huyệt: Xác định vị trí huyệt huyết hải, sau đó xoa bóp mỗi bên huyệt khoảng 3 phút với lực vừa phải. Ấn liên tục đến khi cảm thấy hơi đau trướng thì dừng lại.
- Châm cứu: Châm kim theo phương thẳng đứng, sâu 0,5 – 1 thốn (tương đương 2cm). Cứu 3 mồi hoặc có thể hơ 5 phút.
Trong một số trường hợp, nếu không may châm kim quá sâu hoặc châm nhầm huyệt đạo có thể làm cho người bệnh hoa mắt chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Để xử lý tình trạng này cần rút kim ra ngay và thực hiện các bước sau:
Châm huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) để Giải cứu. Châm sâu 0,5 – 0,8 thốn, vê kim qua bên trái 10 giây, bên phải 30 giây, nghỉ 5 giây.
Tiếp đó, dùng thủ pháp ‘Chấn Thiên’, rút kim ra là người bệnh sẽ tỉnh lại.
Lưu ý: Nếu châm huyệt Túc Tam Lý nghỉ quá lâu hoặc người bệnh bị run toàn thân thì nên châm thêm huyệt Khúc Trì bên ngược lại để giải cứu. Hoặc, có thể dùng ngón tay day bấm mạnh vào huyệt Tiểu Hải (Tiểu trường.8) sẽ giúp người bệnh tỉnh lại và hết run (Theo Danh Từ Huyệt Vị Châm Cứu).
Cách bấm huyệt huyết hải trị bệnh
Tác động vào huyệt huyết hải bằng phương pháp bấm huyệt đúng cách giúp điều trị hiệu quả bệnh tật. Dưới đây là một số cách bấm huyệt trị bệnh:
Huyệt huyết hải giúp lưu thông máu, tốt cho gan
Khi tác động lực vào huyệt huyết hải bằng cách xoa bóp trong khoảng thời gian từ 9 đến 11 giờ sáng rất có ích cho hoạt động lưu thông máu trong cơ thể.
Sở dĩ chọn thời điểm này để bấm huyệt thuyết hải bởi đây là lúc kinh khí của kinh Tỳ vận chuyển mạnh nhất, dương khí đang dồi dào. Từ đó có tác động tích cực giúp lưu thông khí huyết cho cơ thể.
Điều trị đau dây thần kinh đùi
Dùng ngón tay và bàn tay tác động lên vùng tổn thương sẽ giúp thuyên giảm triệu chứng đau nhức. Bấm huyệt huyết hải trị đau dây thần kinh ngày càng được ứng dụng rộng rãi và được đánh giá là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả nhanh chóng.
Trị kinh nguyệt không đều
Kết hợp huyệt huyết hải với một số huyệt khác giúp điều trị kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Cách làm như sau:
- Day huyệt quan nguyên 1- 2 phút.
- Xoa xuống vùng bụng dưới: Tay trái đặt lên mu bàn tay phải, úp vào bụng xoa theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 2 phút cho đến khi vùng bụng ấm lên.
- Dùng lực bàn tay nắn hai bên cột sống từ đại chuỳ đến mệnh môn 20 lần.
- Bấm huyệt thận du 1-2 phút.
- Bấm huyệt mệnh môn 1 - 2 phút.
- Bấm huyệt huyết hải khoảng 1-2 phút.
- Day huyệt tam âm giao khoảng 1-2 phút.
Thực hiện phương pháp bấm huyệt trên giúp khắc phục hiện tượng kinh nguyệt không đều, giảm đau cho phụ nữ. Tuy nhiên, một số trường hợp do bệnh liên quan đến tử cung, buồng trứng cần can thiệp thêm bằng các phương pháp khác.
Bấm huyệt trị đau khớp gối
Những động tác xoa bóp, day ấn vào huyệt huyết hải sẽ giúp giảm nguy cơ đau cứng khớp do đứng, nằm, ngồi lâu ở một tư thế, từ đó tăng khả năng linh hoạt của các khớp vận động, đặc biệt là khớp gối. Đây là huyệt đạo chuyên trị bệnh huyết ở chi dưới.
Để cải trị đau khớp gối người bệnh có thể thực hiện như sau:
- Bước 1: Bệnh nhân nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái nhất.
- Bước 2: Đầu gối hơi co lại, một tay đỡ gối, tay còn lại dùng ngón cái ấn vào huyệt giúp khí huyết được lưu thông.
Ngoài cách trên, người bệnh cũng có thể áp dụng cách co gối rồi dùng 2 ngón tay cái nhấn vào vị trí huyệt của 2 chân. Duy trì thao tác này từ 2 đến 3 phút để đem lại hiệu quả.
Bấm huyệt được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý về xương khớp, ghi nhận được những kết quả vô cùng khả quan.
Phương pháp điều trị này góp phần cải thiện quá trình lưu thông máu. Theo đó, giúp các khớp xương bị tổn thương thường xuyên được cung cấp máu mới, bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Khớp sụn nhờ thế phục hồi nhanh chóng hơn, giải phóng dây thần kinh bị chèn ép.
Phối hợp tác động huyệt huyết hải với các huyệt đạo khác khi trị bệnh
Phối hợp huyệt này với các huyệt liên quan mang lại nhiều công dụng trong điều trị bệnh. Dưới đây là một số cách phối hợp huyệt được ghi chép trong tài liệu y học:
- Phối huyệt Đái Mạch (Đ.26)(Tư Sinh Kinh) hoặc Địa cơ (Tỳ 8) (Bách Chứng Phú): Trị kinh nguyệt không đều
- Phối huyệt Khí Hải (Nh.6) (Linh Giang Phú): Trị ngũ lâm
- Phối huyệt Xung Môn (Tỳ 12) (Bách Chứng Phú): Trị tích tụ, trưng hà
- Phối huyệt Lương Khâu (Vị 34) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Âm Lăng Tuyền (Tỳ 9) (Châm Cứu Học Giản Biên): Trị khớp gối viêm
- Phối huyệt Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) (Trung Quốc Châm Cứu Học): Trị ban sởi
- Phối huyệt Cơ Môn (Tỳ 11) + Lệ Đoài (Vị 45) (Châm Cứu Học Thượng Hải): Trị viêm tuyến háng (bẹn)
- Phối huyệt Khúc Trì (Đại trường.11) + Liệt Khuyết (Phế 7) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Túc Tam Lý (Vị 36) (Châm Cứu Học Thượng Hải): Trị nổi mề đay, phong ngứa
Bởi có nhiệm vụ kiểm soát lưu thông khí huyết, huyết hải được ứng dụng rộng rãi trong chữa bệnh, nhất là các bệnh về xương khớp và máu. Xác định được vị trí, công dụng và cách tác động vào huyệt huyết hải cũng như phối hợp linh hoạt với các huyệt đạo khác cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh tật, hạn chế việc phải dùng thuốc.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!