Có nên mổ trĩ hay không là nỗi trăn trở của nhiều người bệnh. Bởi lẽ trĩ khiến họ gặp rất nhiều phiền toái nhưng việc phẫu thuật lại tốn kém, dễ biến chứng. Vậy có cần thiết phải mổ? Tiến hành khi nào và bạn cần chuẩn bị tâm lý, phòng tránh những điều gì? Bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ cho bạn những vấn đề quan trọng về việc này.
Mổ trĩ là gì, có đau không?
Mổ trĩ (hay còn gọi là phẫu thuật cắt trĩ) là phương pháp loại bỏ búi trĩ bằng các cách can thiệp bằng dụng cụ, trang thiết bị y tế. Từ đó loại bỏ búi trĩ, đồng thời làm tiêu biến các triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, đó chỉ là cơ chế, trên thực tế không phải trường hợp nào cũng cần mổ. Hơn nữa, cách làm này có thể gây ra nhiều biến chứng và vẫn có thể tái phát. Người bệnh cần phải điều trị sau phẫu thuật trĩ, kết hợp chăm sóc sức khỏe thật tốt.
Mổ trĩ có đau không?
Cắt trĩ có đau không khi mà nhiều người rất ám ảnh hậu phẫu? Nếu tiến hành các phương pháp cổ điển, có thể bạn phải đối mặt với cảm giác đau “nổi da gà”.
Tuy nhiên hiện nay đã có rất nhiều nơi ứng dụng kỹ thuật y học hiện đại vào mổ trĩ. Những phương thức cắt trĩ không đau ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều bệnh viện, phòng khám.
Như vậy, mổ trĩ có đau không còn phụ thuộc vào phương pháp mà bạn lựa chọn. Trong đó, những phương pháp cổ điển thường gây đau đớn, chảy máu nhiều. Các phương pháp mổ trĩ hiện đại nhất hiện nay gần như không đau nhưng chi phí khá cao.
Có nên mổ trĩ không? Tại sao phải tiến hành?
Mổ trĩ tốn kém lại có thể gây đau đớn và vẫn có khả năng tái phát, vậy có nên tiến hành? Trên thực tế, khi bị trĩ người bệnh rất bí bách, khổ sở vì những cảm giác xảy ra. Có nên phẫu thuật cắt trĩ cần căn cứ vào mức độ của bệnh và khả năng cải thiện.
Trong trạng thái bình thường, các mô không bị phình sẽ giúp bạn kiểm soát đại tiện. Nhưng khi bị phình ra, hình thành búi trĩ thì nó khó có thể đảm nhiệm vai trò trên.
Nếu làm tiêu búi trĩ mà không cần phẫu thuật, chức năng các mô có thể phục hồi. Tuy nhiên cắt bỏ búi trĩ thì người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng mất kiểm soát phân ra ngoài.
Người bệnh nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và nhận phác đồ điều trị tốt nhất. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bạn sẽ được chỉ định cắt trĩ hay không.
Tại sao phải tiến hành
Đa phần những trường hợp phải tiến hành mổ cắt trĩ là những người gặp phải các triệu chứng nặng như:
- Búi trĩ sa ra ngoài sau đó không thể tự co lên tự nhiên được.
- Sa nghẹt gây tắc hậu môn.
- Người bị trĩ có hiện tượng viêm nhiễm.
Sở dĩ cần tiến hành cắt trĩ lúc này bởi nếu không thực hiện ngay, búi trĩ lớn lên sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Làm chảy máu nhiều lần, liên tục, gây thiếu máu, suy nhược cơ thể.
- Sa trực tràng, làm nghẹt búi trĩ, khó đẩy phân ra ngoài.
- Hình thành trĩ huyết khối, thậm chí là tạo khối máu đông ở cả tĩnh mạch trĩ.
- Làm giảm chức năng cơ thắt, mất tự chủ đại tiện. Người bệnh không giữ được phân, khó kiềm chế khi buồn “đánh hơi”.
- Làm vỡ búi trĩ ngoại gây đau đớn và cản trở sinh hoạt.
- Nứt kẽ hậu môn gây viêm, ngứa ở trực tràng, viêm nhu, rò dịch…
- Một số trường hợp biến chứng nặng, huyết khối có thể di chuyển làm treo, nghẽn mạch, nhiễm khuẩn máu…
Vì vậy, người bệnh cần mổ trĩ để giải quyết nhanh chóng tình trạng khó chịu, ngăn chặn cách ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Mổ trĩ bao lâu thì lành?
Theo các chuyên gia, không thể xác định thời gian lành sau cắt trĩ chuẩn. Bởi vì mỗi người sẽ có khả năng phục hồi nhanh hay chậm. Thời gian phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là:
- Cơ địa.
- Phương pháp.
- Tay nghề của người tiến hành.
Tuy nhiên, có thể đưa ra một vài con số tương đối về thời gian dự liệu lành vết thương sau cắt mổ trĩ như sau:
- Với các phương pháp cổ điển, tổn thương do mổ trĩ là khá nhiều và thời gian tiến hành cũng lâu, mất nhiều máu. Thông thường, những người có cơ địa tốt cần từ 30 – 50 ngày để phục hồi.
- Với những trường hợp áp dụng phương pháp hiện đại, các thiết bị tiên tiến sẽ giảm bớt tổn thương khi phẫu thuật. Do đó người bệnh thường chỉ mất khoảng 15 – 25 ngày để phục hồi sức khỏe.
Đặc biệt, với những người tuân thủ đúng các cách chăm sóc và có chế độ ăn hợp lý, khả năng lành bệnh có thể nhanh hơn. Nếu không giữ sạch hậu môn và ăn nhiều đồ khó tiêu hóa, bệnh chẳng những khó lành mà còn dễ tái phát.
Quy trình mổ cắt trĩ thông thường
Nếu có ý định loại bỏ búi trĩ bằng cách phẫu thuật, bạn cần tìm hiểu kỹ quy trình để tiến hành cho đúng. Ở đa phần các cơ sở y tế thường tiến hành mổ lấy búi trĩ theo quy trình 4 bước như sau:
Bước 1: Chẩn đoán tình trạng bệnh trĩ hiện thời
- Để khám và được bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh, người bệnh nên liên hệ đặt lịch trước. Sau đó chuẩn bị các giấy tờ và thực hiện đúng hướng dẫn để đến khám theo lịch.
- Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng mà bạn gặp phải, cùng thói quen ăn uống, các thuốc đang dùng, tiểu sử điều trị và chế độ sinh hoạt.
- Để đảm bảo chẩn đoán chính xác, bạn không nên e ngại, che giấu mà cần trả lời thành thật các câu hỏi của chuyên gia.
Bước 2: Kiểm tra hậu môn để xác định cấp độ bệnh
- Sau khi tìm hiểu tiền sử bệnh án, bác sĩ sẽ quan sát kỹ hậu môn, các búi trĩ để chẩn đoán mức độ của bệnh.
- Nếu có bất thường, có thể họ sẽ tiến hành nội soi hậu môn để tìm hiểu chính xác hơn về tình trạng hiện tại.
- Trường hợp cần thiết, có thể sẽ tiến hành xét nghiệm phân và máu.
Bước 3: Kết luận tình trạng búi trĩ và phương pháp nên điều trị
- Dựa theo các kết quả khảo sát và xem xét thực tế, bác sĩ sẽ kết luận phác đồ điều trị hoặc đàm phán với bạn để lựa chọn.
- Nếu búi trĩ chưa sa ra ngoài, bạn có thể điều trị bằng thuốc bôi, uống, kết hợp chăm sóc tại nhà để cải thiện tình trạng.
- Nếu đã bị sa búi trĩ thì cách điều trị được chỉ định là phẫu thuật mổ búi trĩ. Còn phương pháp mổ thì bạn có thể lựa chọn tùy vào tình hình thực tế.
- Sau khi phẫu thuật, bạn vẫn cần phải theo dõi, điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt để ngừa bệnh tái phát.
Bước 4: Tái khám
- Sau một thời gian điều trị theo bất cứ phương pháp nào, bạn cũng cần tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra tình hình, tiến độ chữa trị.
- Hoặc khi có biểu hiện của các biến chứng nguy hiểm, bạn cần trở lại bệnh viện ngay để xử lý và điều chỉnh hướng khắc phục.
Các phương pháp mổ trĩ hiện nay
Mổ trĩ bằng phương pháp nào tốt nhất là điều bệnh nhân nào được chỉ định cắt cũng mong muốn. Nhưng vì một số yếu tố như tình trạng bệnh, chi phí… một số người phải lựa chọn phương pháp cổ điển. Tuy nhiên, cách cắt trĩ không đau là biện pháp được khuyến nghị áp dụng.
Các phương pháp cắt trĩ truyền thống hiện còn áp dụng
Mổ cắt trĩ truyền thống là những phương pháp cổ điển, trong đó bác sĩ trực tiếp thao tác trên cơ thể bệnh nhân. Hiện nay còn một số biện pháp vẫn được sử dụng ở một số cơ sở y tế là:
1. Phương pháp Whitehead
Bác sĩ tiến hành cắt một đoạn niêm mạc ở dưới búi trĩ và đường lược để khâu nối từ trong với da dưới hậu môn. Nhờ đó loại bỏ búi trĩ, ngăn ngừa và làm mất đi không gian ứ huyết của búi trĩ.
Đặc điểm của cách làm này là loại bỏ nhanh búi trĩ nhưng lại có thể làm giảm khả năng tự chủ đại tiện, tăng nguy cơ rò dịch hậu môn. Từ đó, người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm và tái bệnh nếu không chăm sóc, bảo vệ tốt.
2. Thắt dây
Búi trĩ hình thành và lớn dần do sự gia tăng dịch huyết trong đám rối tĩnh mạch. Để ngăn chặn tình trạng này, các bác sĩ dùng cách thắt dây cao su ở núm trên, sát với thành mạch.
Bằng phương pháp này, nguồn dưỡng chất nuôi búi trĩ không còn nữa. Do đó, phía dưới dây thắt, búi trĩ dần teo và hoại tử.
Cách thắt dây cũng giống như phương pháp cắt niêm mạc, thường dễ gây chảy máu, đau đớn và có thể gây biến chứng. Ngày nay, khoa học hiện đại đã có nhiều phương pháp cải tiến, khắc phục những yếu điểm kể trên.
3. Kỹ thuật Milimorn Morgan
Cách này chỉ loại bỏ từng búi trĩ, giữ lấy mảng da ở giữa các búi, sau đó khâu lại. Phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều đối tượng, bao gồm cả người bị trĩ độ 4, 3 hoặc 2 đều có thể áp dụng.
Ưu điểm
- Đây là một phương pháp truyền thống được cho là ít biến chứng bậc nhất.
- Sử dụng kỹ thuật Milimorn Morgan để mổ trĩ sẽ làm bệnh có xu hướng dứt hẳn, ít tái phát.
Nhược điểm
- Tuy nhiên, cách làm này lại hạn chế ở chỗ khiến người bệnh đau lâu do tổn thương khá sâu và mất máu.
- Người bệnh cần chăm sóc thật cẩn trọng vì vết mổ trĩ theo cách này còn dễ gây nhiễm trùng.
Những phương pháp cắt trĩ hiện đại nhất
Có những phương pháp cắt trĩ mới nhất ngày nay đang được cho là rất hữu ích. Bởi vì nó có loại bỏ các triệu chứng bệnh trĩ mà ít gây đau đớn, giảm nguy cơ biến chứng. Có thể kể đến:
1. Cắt trĩ bằng phương pháp mới Longo
Phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu và được dùng trong nhiều bệnh viện ở nước ta. Tuy nhiên, chỉ có một số tình trạng bệnh được chỉ định áp dụng, đó là:
- Trĩ độ 2
- Trĩ độ 3.
- Các trường hợp hình thành trĩ vòng.
Cách tiến hành:
Bác sĩ cắt một khoảng dài tầm 3 – 4 cm tại đường lược. Đây là bước nhằm giảm lưu lượng máu đến tĩnh mạch búi trĩ.
Sau đó dùng máy bấm để khâu treo phần niêm mạc bị sa xuống dưới. Bước này giúp định dạng lại tấm đệm hậu môn trước đó.
Ưu điểm:
- Để phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo, bạn chỉ mất khoảng 30 phút. Do trên đường lược có ít dây thần kinh cảm giác nên người bệnh gần như không đau khi tiến hành.
- Sau thời gian ngắn, sức khỏe người bệnh có thể phục hồi và được xuất viện.
- Theo các chuyên gia đánh giá, đây là phương pháp hiện đại tân tiến ít gây tái phát.
2. Khâu treo trĩ
Khâu treo trĩ bằng tay không phải cách làm cũ mà là phương pháp cải tiến từ công nghệ Longo. Với nguyên tắc thu nhỏ thể tích và treo búi trĩ, nó có tác dụng làm giảm lưu lượng máu đến đây.
Bác sĩ sẽ tiến hành khâu treo búi trĩ lên ống hậu môn bằng cách xếp nếp niêm mạc trên đường lược (2 -3 cm) rồi khâu tay lại.
Ưu điểm:
- Phương pháp cải biên này ít tốn kém hơn cách khâu máy Longo.
- Đạt hiệu quả cao hơn khi khâu bằng máy.
Nhược điểm:
- Khâu trĩ bằng tay khiến người bệnh đau nhiều hơn sau phẫu thuật.
- Người bệnh cần nhiều thời gian để hồi phục sức khỏe hơn là khi khâu bằng máy.
3. Phương pháp khâu dò siêu âm Doppler (THD)
Phương pháp này cũng khá phổ biến trong những năm gần đây. Nguyên tắc của nó là khâu treo búi trĩ theo hướng dò âm của máy để thắt động mạch nuôi trĩ.
Theo đó, chùm siêu âm Doppler sẽ xác định vị trí động mạch trĩ, từ đó khâu thắt lại. Cho nên con đường đưa máu tới búi trĩ nội bị chặn lại, khiến nó teo nhỏ và dần tiêu biến. Riêng với trĩ ngoại, các búi bị khâu treo lên và cố định với cơ thắt trong. Nhờ đó thể tích của chúng dần nhỏ lại, trở về trạng thái bình thường.
Ưu điểm:
- Ít đau, hạn chế mất máu và giảm nguy cơ biến chứng.
- Bảo tồn được đệm hậu môn do không cắt búi trĩ. Nhờ đó không làm mất khả năng kiểm soát phân ra ngoài.
- Người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau mổ trĩ chỉ 1 ngày. Cho nên người ta còn gọi đây là cách cắt trĩ về trong ngày.
Nhược điểm:
- Đây là phương pháp mới, chỉ một số cơ sở y tế lớn mới có dụng cụ để tiến hành.
- Thêm vào đó, không phải bác sĩ nào cũng đủ khả năng, kinh nghiệm để thực hiện.
4. Cắt trĩ HCPT
Đây là phương pháp cắt trĩ dùng sóng cao tần hiện đại nhất hiện nay. Với cách làm này, bệnh nhân chỉ thấy đau nhẹ trong suốt quá trình điều trị và phục hồi. Thêm vào đó, sau khi tiến hành, người bệnh có thể nhanh chóng sinh hoạt bình thường trở lại.
Cách làm: Người ta sử dụng sóng điện từ với tần số cao, ở mức nhiệt 70 – 80 độ C. Theo nguyên tắc “ nhiệt nội sinh”, máu búi trĩ sẽ bị làm đông, tạo các mô sẹo trong tĩnh mạch. Từ đó thắt núi và cắt đường dưỡng của búi trĩ. Cuối cùng, bác sĩ tiến hành cắt tận gốc búi trĩ là xong.
5. Tiêm xơ trĩ
Đây là phương pháp dùng hóa chất (cồn 700) để tác đông, cắt nguồn dưỡng búi trĩ. Nó thường được kết hợp với thuốc uống Đông và Tây y để đẩy nhanh quá trình teo mạch. Do đó, dần dần cấu trúc búi trĩ bị phá vỡ, teo nhỏ và biến mất.
- Cách này có ưu điểm là không đau và đem lại hiệu quả tốt cho người được tiêm.
- Đây cũng là phương pháp cắt trĩ về trong ngày vì sau khi tiêm 30 phút là bệnh nhân có thể ra về.
6. Phương pháp mổ trĩ PPH
Đây cũng là một phương pháp mới sử dụng công nghệ hiện đại thay cho dao mổ. Theo đó người bệnh sẽ được loại bỏ vòng đai niêm mạc bằng cách:
- Sát trùng rồi mở lỗ hậu môn và cho máy vào trong.
- Tại đường lược, đưa máy vào vòng đai niêm mạc.
- Cắt lần lượt các búi trĩ sa ra ngoài.
- Dùng máy khâu nối niêm mạc trở lại để tạo hình ống hậu môn bình thường.
Ưu điểm
- Với phương pháp này, người bệnh chỉ mất khoảng 20 -30 phút tiến hành.
- Mổ cắt trĩ bằng PPH ít xâm lấn nên không mất nhiều máu, hạn chế đau đớn. Cấu trúc hậu môn gần như được giữ nguyên, người bệnh bình phục nhanh.
- Đây là cách làm được đánh giá cao, đặc biệt phù hợp với những người bị trĩ vòng.
- Hơn nữa, chi phí phẫu thuật theo cách này cũng ở mức vừa phải so với các cách làm hiện đại.
Nhược điểm:
- Người bệnh phải gây mê trước và cầm máu sau khi phẫu thuật.
- Sau khi thực hiện có thể bị táo bón, bí tiểu hoặc làm hẹp hậu môn tạm thời.
- Có khả năng bị tái phát bệnh cao nếu không chăm sóc tốt.
7. Dùng tia laser
Kỹ thuật này sử dụng nhiều loại laser như ND, CO2 để tác động ngoại trú. Bệnh nhân thường được tiêm thuốc tê trước khi tiến hành mổ trĩ bằng laser để giảm đau.
- Đối với búi trĩ nội: Búi lớn thì bác sĩ cắt ở chế đổ lớn, còn các búi trĩ nhỏ thì dùng tia laser bốc hơi.
- Trĩ ngoại: Do búi trĩ nằm dưới lớp da hậu môn nên phải sử dụng chùm tia laser để cắt.
Ưu điểm
- Điểm vượt trội của phương pháp này là tiến hành nhanh gọn,
- Chữa bằng laser có tính chính xác cao nên hiệu quả điều trị trĩ khá tốt.
Nhược điểm:
- Cắt trĩ bằng laser có thể để lại những vết sẹo nhỏ không mong muốn, làm ảnh hưởng đến chức năng hậu môn.
- Chi phí mổ bằng laser cũng tương đối cao.
Nhìn chung, mổ trĩ có nhiều phương pháp cổ điển và hiện đại, thích hợp với từng người. Tùy vào tình trạng và điều kiện thực tế, bạn nên cân nhắc sử dụng phương pháp đem lại hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên cũng phải chuẩn bị trước tâm lý rằng phương pháp nào cũng có thể gây biến chứng.
Mổ trĩ có nguy hiểm không? Những biến chứng
Mổ trĩ là biện pháp đem lại hiệu quả cao nhưng một số cách gây đau, mất máu lại tiềm ẩn nhiều biến chứng. Cho nên đây là một lựa chọn khá mạo hiểm. Nếu có ý định tiến hành cách điều trị này, bạn cần tham khảo ngay các biến chứng sau mổ trĩ dưới đây.
1. Gây nhiễm trùng tiểu hoặc tiểu bí
Hiện tượng này đa phần xảy ra ở người già hoặc người có tuyến tiền liệt yếu. Sau khi phẫu thuật mổ trĩ, họ có thể không tự tiểu tiện được mà phải thông tiểu. Thêm vào đó, khi thông tiểu, ống thông được đặt trong niệu đạo vài ngày liền nên người bệnh có khả năng bị nhiễm trùng đường tiểu.
2. Nhiễm trùng tại chỗ
Do vùng mổ nằm ở quanh khu vực hậu môn nên người bệnh có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt là sau mỗi lần đại tiện, các hiện tượng mưng mủ, sưng tấy có thể xảy ra. Để hạn chế điều này, bạn nên vệ sinh hậu môn bằng nước sau khi đi cầu. Cách làm này vừa giúp hậu môn sạch hơn, vừa giảm đau so với việc chùi bằng giấy.
3. Để lại da thừa
Với những người càng sa búi trĩ nặng thì vị trí cắt, cách xử lý càng khó. Vì vậy, sau khi mổ, có thể tồn tại những mảng da nhỏ còn sót lại. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng các mảng da thừa cũng đem lại cảm giác khó chịu, vướng víu cho người bệnh.
4. Sa, lộ niêm mạc
Trong khi cắt, mổ trĩ, đặc biệt là các búi sa nặng, nếu không lấy được hết búi thì niêm mạc da có thể bị sa ngoài hậu môn.
Thêm vào đó, do khi mổ kéo niêm mạc khâu với da hậu môn nên phần này có thể bị lộ. Điều này sẽ khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy khó chịu do đũng quần luôn ướt. Biến chứng này thường xảy ra với các cách phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc.
5. Gây hẹp hậu môn
Khi loại bỏ búi trĩ, ở vị trí cắt trong ống hậu môn sẽ hình thành vết sẹo. Cho nên, nó dẫn đến hiện tượng co hẹp, làm đường phân ra nhỏ lại, đại tiện khó hơn. Nếu xảy ra hiện tượng này, người bệnh cần nong ống hậu môn mỗi ngày 2 – 3 lần. Tiến hành liên tục nhiều tháng thì có thể tăng kích thước trở lại bình thường. Nếu không thực hiện, hậu môn sẽ có xu hướng ngày càng hẹp lại.
6. Nứt, rò hậu môn
Không chỉ khi búi trĩ tăng kích thước, ngay cả khi chúng teo đi, hiện tượng nứt kẽ, rò dịch vẫn có thể xảy ra. Người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, nên chú ý chăm sóc, tránh nhiễm trùng.
7. Đại tiện mất tự chủ
Trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật, do nong hậu môn quá mạnh nên có thể làm són phân. Hiện tượng này có thể kéo dài nếu bị tác động một cách thô bạo, làm đứt cơ thắt. Người bệnh cần đề phòng tránh tình trạng này xảy ra vì nó rất khó điều trị.
8. Tái phát trĩ
Biến chứng này rất thường gặp sau khi mổ trĩ. Thời gian xảy ra có thể là vài tháng hoặc tính bằng năm. Nguyên nhân búi trĩ hình thành lại có thể phụ thuộc nhiều yếu tố như: Hoạt động hàng ngày, chế độ ăn, yếu tố công việc…
Đa phần các biến chứng xảy ra rất đáng lo ngại. Cho nên, sau khi mổ trĩ, bạn cần chăm sóc và điều trị duy trì để ngăn ngừa các nguy cơ.
Chăm sóc sau mổ trĩ đúng cách
Sau khi phẫu thuật nên làm gì để phục hồi sức khỏe nhanh chóng và chống tái phát? Người mổ trĩ nên thực hiện những điều sau:
Vệ sinh sau mổ
- Cần điều tiết chế độ ăn đúng giờ, đảm bảo vệ sinh để đại tiện điều độ.
- Khi đi cầu cần đẩy hết phân ra ngoài nhưng không được vệ sinh quá lâu. Điều này nhằm giảm sưng đau và tránh viêm nhiễm.
- Tuyệt đối không nhịn đại tiện sau khi mổ trĩ.
- Giữ sạch vết thương ở hậu môn bằng cách sát trùng, thay băng, gạc thường xuyên.
Cải thiện dinh dưỡng
Người bị trĩ sau khi mổ cần ăn các thức ăn dễ tiêu, có dạng lỏng. Chẳng hạn như các loại súp, cháo, sinh tố rau quả… Đồng thời uống nhiều nước lọc hoặc nước có tính kiềm, chứa nhiều ion khoáng. Hạn chế dùng tinh bột, đồ cay nóng và các loại thức uống có ga, cồn.
Mổ trĩ xong nên ăn gì, kiêng gì để chóng lành bệnh? Một số món ăn tốt được khuyên dùng để bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ phục hồi và phòng ngừa bệnh tái phát là:
- Canh táo đỏ: Dùng 300g táo đỏ, đun nhỏ lửa với nước rồi thêm 60g đường phèn, nấu tiếp 10 phút rồi ăn nóng.
- Hầm đại tràng heo với rau dền: Chọn phần gốc rau dền, cắt thành khúc và đại tràng heo làm sạch thái miếng. Cho tất cả vào nồi cùng lúc, đun với nước trong khoảng 2 giờ rồi nêm nếm vừa vặn, ăn cái, uống nước.
- Cà tím hấp: Sử dụng 150g cà tím, thái miếng hoặc khúc, nêm gia vị vừa ăn rồi hấp cách thủy để ăn với cơm.
Điều chỉnh sinh hoạt sau khi mổ trĩ
- Mỗi ngày nên thực hiện đi bộ khoảng 30 – 45 phút để điều hòa cơ thể.
- Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, đặc biệt tránh ngồi xổm.
- Không vận động mạnh để hạn chế áp lực lên vùng xương chậu, chỉ làm việc nhẹ nhàng. Việc này nhằm giảm tác động lên quá trình lành vết thương, tránh chảy máu.
- Kiêng quan hệ tình dục để giảm áp lực lên các cơ quanh hậu môn. Bởi vì khi vùng hậu môn căng quá mức thì sẽ gây đau nhức ở vị trí mổ trĩ. Tuyệt đối không quan hệ bằng đường hậu môn làm tổn thương và gây viêm ở đó. Vậy mổ trĩ xong cần kiêng quan hệ tình dục bao lâu thì đảm bảo? Tốt nhất, hãy ngừng giao hợp cho đến khi vết mổ lành lại hoàn toàn, thời gian còn phụ thuộc phương pháp và cách chữa.
Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên thư giãn để hạn chế sự mệt mỏi, căng thẳng. Những biểu hiện xấu về tâm lý sẽ ảnh hưởng lớn đến sức đề kháng và làm tăng nguy cơ tái phát bệnh hoặc gây biến chứng.
Nên cắt trĩ ở đâu uy tín ?
Hiện nay, các địa chỉ uy tín để mổ trĩ đa phần là các cơ sở lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bởi lẽ tại đó người bệnh có thể lựa chọn cả các phương pháp truyền thống hoặc hiện đại. Hầu hết các trang thiết bị đều đảm bảo tính hiện đại, mới, chính xác. Các bác sĩ tiến hành ca mổ cũng là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, đã thực hiện trên nhiều bệnh nhân.
Tại Hà Nội, bạn có thể đến các đơn vị như:
- Chuyên khoa Hậu môn – Trực tràng của bệnh viện Việt Đức.
- Đến phòng khám số 1, gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu về bệnh đường tiêu hóa ở Đại học Y Hà Nội.
- Khám và mổ trĩ ở bệnh viện Bạch Mai.
- Tiến hành phẫu thuật tại bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương.
- Mổ trĩ ở Đa Khoa Thanh Nhàn.
- Điều trị tiêu trĩ tại bệnh viện Trung ương quân đội 108.
- Chữa bệnh trĩ ở Đa khoa Xanh Pôn.
- Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chữa bệnh trĩ tốt nhất.
Tại TP. Hồ Chí Minh, người bệnh cần chữa bệnh trĩ ở đâu? Hãy đến các cơ sở mổ trĩ:
- Phòng khám, điều trị trĩ tại bệnh viện Nhân dân Gia Định.
- Nơi phẫu thuật trĩ tại Đa Khoa Vạn Hạnh
- Cắt trĩ theo phương pháp truyền thống hoặc hiện đại ở bệnh viện Bình Dân.
- Khoa Hậu môn – Trực tràng thuộc bệnh viện An Sinh.
- Trải nghiệm dịch vụ mổ trĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy.
- Cắt búi trĩ tại bệnh viện Nhân Dân 115.
Review cắt trĩ giá bao nhiêu?
Theo trải nghiệm của một số bệnh nhân đã từng cắt trĩ ở bệnh viện công lập, giá mổ trĩ khó xác định chi phí. Bởi vì giá niêm yết thường chỉ bao gồm chi phí cắt trĩ. Nó chưa bao gồm chi phí sử dụng bộ dụng cụ, trừ khi bạn tiến hành ở bệnh viện tuyến trung ương.
Thêm vào đó, mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng khiến cho chi phí dao động cao hay thấp. Tuy nhiên, người bệnh có thể ước chừng khoản tiền cần chi dựa theo một số chi phí cụ thể tại các đơn vị dưới đây:
- Chi phí mổ trĩ tại bệnh viện Việt Đức bằng phương pháp Longo khoảng 1,5 triệu đồng. Giá này chưa bao gồm khoản tiền phải trả khi dùng máy cắt nối tự động.
- Tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để cắt trĩ vòng, bạn cần khoảng 2 triệu đồng. Giá này cũng chưa bao gồm chi phí sử dụng dụng cụ mà bạn lựa chọn.
- Giá cắt trĩ tại bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn (Hà Nội) đã bao gồm chi phí sử dụng dụng cụ được tính theo số búi cắt. Theo đó, nếu cắt 1 búi, bạn cần trả 5 triệu, cắt từ 2 búi trở lên là 15 triệu. Nếu điều trị trĩ ngoại độ 2 hoặc độ 3 thì bạn cần bỏ ra 7 đến 8 triệu. Giá mổ trĩ vòng tại đây là 14,7 triệu đồng.
- Ở bệnh viện Đa khoa An Việt, giá phẫu thuật cắt trĩ đã gồm cả dụng cụ như sau: Mổ trĩ nội độ 2 là 8 triệu đồng, trĩ nội độ 3 cần 10 triệu. Cắt trĩ hỗn hợp độ 2 mất 10 triệu, độ 3 là 12 triệu. Riêng cắt trĩ vòng, người bệnh cần chi 15 triệu.
- Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, giá cắt trĩ được niêm yết cách đây 3 năm như sau: Cắt trĩ và điều trị nứt hậu môn mất khoảng 3 triệu đồng. Cắt bỏ trĩ vòng cần 3,5 triệu. Mổ bóc tách và cắt 1 bó trĩ là 2,2 triệu đồng. Cắt 2 bó trĩ theo phương pháp Milligan Morgan có giá khoảng 2,4 triệu.
- Sử dụng phương pháp Longo cắt trĩ tại đây cần khoảng 3,5 triệu. Nếu dùng cách khâu treo trĩ theo Longo cải biến thì người bệnh cần chi trả 2,2 triệu đồng.
Những điều cần lưu ý sau khi phẫu thuật mổ trĩ
Phẫu thuật mổ cắt trĩ theo phương pháp nào cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng. Để khắc phục những nhược điểm, phục hồi tốt tình trạng sức khỏe sau khi cắt, bạn nên:
- Thấm dịch màu hồng chảy ra thường xuyên sau những ngày đầu mổ trĩ.
- Nếu bị hình thành máu cục ở vết mổ thì dùng gạc hoặc giấy có tẩm dung dịch sát khuẩn oxy già rồi dính vào vết thương. Sau đó phải báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý tiếp.
- Luôn giữ vết mổ khô bằng cách lót giấy thấm và thay băng thường xuyên.
- Không được sử dụng các thuốc bôi, kể cả thuốc xông, rửa bằng thảo dược. Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ trị liệu trĩ cho bạn.
- Tuy nhiên có thể lấy nước tinh bột nghệ bôi bên ngoài vết thương để làm lành và kháng viêm.
- Không nên đi đại tiện nhiều lần trong ngày nhưng cần đại tiện tự nhiên. Muốn vậy người bệnh cần ăn uống hợp vệ sinh, tránh dùng món dễ gây táo bón.
Mổ trĩ đem lại nhiều lợi ích so với các cách điều trị thông thường nhưng mỗi phương pháp đều có điểm hạn chế. Có nên hay không nên mổ cắt trĩ còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và điều kiện của bạn. Tuy nhiên, nếu đã lựa chọn cách này, bạn nên tìm hiểu kỹ các phương pháp kể trên và những lưu ý đi kèm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!