Polyp đại tràng ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ em và gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của trẻ. Vậy thì làm thế nào để phát hiện sớm và phòng ngừa polyp đại tràng ở trẻ em. Chúng ta cùng đi tìm hiểu rõ hơn về bệnh này ở trẻ qua bài viết dưới đây.
Triệu chứng thường gặp khi trẻ bị polyp đại tràng
Polyp ở giai đoạn đầu có kích thước nhỏ không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt mà chỉ tình cờ phát hiện thông qua nội soi, X quang hay xét nghiệm phân. Tuy nhiên, nếu khối polyp phát triển to hơn một chút, cha mẹ sẽ dễ nhận biết thông qua các triệu chứng điển hình như:
- Trẻ có thể có thiếu máu do polyp làm mất máu với các biểu hiện như: da xanh, niêm mạc nhợt nhạt,…
- Đi ngoài phân có lẫn máu hoặc có máu tươi mà không phải do táo bón.
- Trường hợp polyp có kích thước lớn sẽ làm tắc ruột gây đau quặn bụng. Đồng thời, có thể gây hạ kali do đi ngoài phân lỏng.
- Polyp trực tràng còn có thể sa xuống hậu môn nếu bị trong thời gian dài.
Lưu ý: nhiều trường hợp trẻ bị polyp đại tràng nhưng không có biểu hiện rõ rệt nên chúng ta nên thường xuyên đưa trẻ đi khám định kỳ để phát hiện sớm bất thường. Lúc này việc điều trị sẽ dễ dàng hơn mà không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân gây polyp đại tràng ở trẻ
Polyp hay còn gọi là một khối tế bào bất thường nằm ở lớp trong cùng của đại tràng. Về cơ bản, đa phần các polyp đều tồn tại dưới dạng lành tính và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Có thể có một hay nhiều polyp mọc rải rác trong đại tràng. Một số ít có thể phát triển to lên gây chèn ép các cơ quan và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt có trường hợp phát triển thành ung thư.
Nguyên nhân gây polyp đại tràng ở trẻ em có khá nhiều. Tuy nhiên, dưới đây là những nguyên nhân chính:
- Do cơ địa và di truyền: Ở những gia đình có người mắc polyp đại tràng thì nguy cơ đứa trẻ sinh ra bị polyp cao hơn những đứa trẻ khác.
- Do chế độ ăn uống không khoa học, trẻ ăn uống kém, không ăn đúng giờ, thời gian ăn một bữa kéo dài hay trẻ vừa ăn vừa nghịch cũng có nguy cơ cao bị polyp đại tràng.
- Viêm đại tràng kéo dài và không được điều trị tận gốc cũng dễ dẫn đến polyp đại tràng.
- Độ tuổi thường gặp polyp đại tràng nhiều nhất ở trẻ em vào khoảng 4 – 7 tuổi với bé trai nhiều hơn bé gái.
Phòng ngừa polyp ở trẻ nhỏ như thế nào
Đối với những gia đình có tiền sử mắc polyp đại tràng thì khó có thể phòng ngừa và kiểm soát bệnh mà chúng ta cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế sự phát triển của polyp đại tràng có thể kể đến như:
- Cho bé uống đủ nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, đào thải chất độc không tốt cho hệ tiêu hóa. Bổ sung cho trẻ các loại nước hoa quả, sinh tố có nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
- Không cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, thức uống có ga. Bởi các sản phẩm, đồ uống này sẽ gây hại cho hệ tim mạch và gây béo phì làm giảm sức đề kháng.
- Mỗi ngày cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng với các nhóm chất khác nhau từ protein, đạm vừa phải và tăng cường chất xơ, vitamin. Không cho trẻ ăn loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng. Tốt nhất nên tập cho trẻ thói quen 3 bữa/ ngày vào đúng thời gian để dạ dày thích nghi.
- Không ép trẻ ăn quá nhiều, quá no mà duy trì cân nặng phù hợp cho trẻ. Ngoài việc ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, các bậc phụ huynh cần cho trẻ luyện tập thể dục thể thao và tham gia nhiều hoạt động tập thể để trẻ luôn trong trạng thái vui tươi, thoải mái nhất.
Cách điều trị polyp đại tràng
Polyp đại tràng ở trẻ em đa phần là lành tính, nếu phát hiện sớm thì việc điều trị khá đơn giản nên các bậc phụ huynh có thể yên tâm. Hiện nay, có nhiều phương pháp ngoại khoa can thiệp đến polyp như đốt điện, cắt bỏ,… Đó đều là những cách khá an toàn mà không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe còn non yếu của trẻ nhỏ. Chính vì thế chỉ cần phẫu thuật sau vài ngày là trẻ có thể xuất viện.
Trước hết, để biết được polyp đó có kích thước to hay nhỏ và nằm ở vị trí nào, các bác sĩ sẽ cho chỉ định nội soi, chụp X quang hay MRI, CT scan để có phương án điều trị phù hợp. Ngoài ra, một số trường hợp cũng được chỉ định xét nghiệm tìm máu trong phân để nhận định mức độ bệnh mà trẻ đang mắc phải.
Đối với các polyp có kích thước nhỏ thì chỉ cần dùng phương pháp đốt điện nội soi. Tuy nhiên, trong trường hợp polyp có kích thước khá lớn thì sẽ can thiệp ngoại khoa bằng phương pháp khác.
Trong trường hợp những người có nguy cơ ung thư đại tràng hay gia đình có tiền sử FAP thì sẽ được chỉ định cắt bỏ đại tràng để bảo đảm an toàn cho tính mạng. Phẫu thuật này sẽ loại bỏ toàn bộ đại tràng để ngăn ngừa biến chứng cũng như ngăn chặn tình trạng polyp mới có thể sẽ phát triển tiếp.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về polyp đại tràng ở trẻ em và cách phòng tránh hiệu quả. Điều quan trọng nhất là các bạn hãy tạo cho trẻ thói quen ăn uống nghỉ ngơi khoa học, hợp lý để phòng ngừa tốt nhất bệnh polyp đại tràng cho trẻ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!