Cơ địa da khô cũng như tình trạng da khô nứt nẻ như da rắn khiến bạn khổ sở mỗi khi tiết trời chuyển hanh? Hiểu được nguyên nhân và các yếu tố tác động sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc đi tìm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.
Nguyên nhân da khô nứt nẻ như da rắn
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến da bị khô như da rắn chính là yếu tố cơ địa. Làn da bẩm sinh đã có tính chất khô làm nền tảng thuận lợi cho tình trạng nứt nẻ, bong tróc vảy trắng.
Thêm vào đó, các tác động không ngừng từ bên ngoài khiến nguy cơ da khô vảy rắn càng tăng cao.
- Thời tiết: Độ ẩm không khí có ảnh hưởng rất lớn đến lượng ẩm của làn da. Khi thời tiết chuyển sang mùa hanh khô, các tế bào da dễ bị mất nước, bong tróc nứt nẻ. Từ đó, gây mất thẩm mỹ và cảm giác đau rát khó chịu.
- Dinh dưỡng: Nước cũng có thể được xem là chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào cấu trúc và chức năng của mọi tế bào, bao gồm cả da. Vì vậy, ít uống nước là một trong những nguyên nhân lớn khiến da bị khô. Bên cạnh đó, chế độ ăn không đủ vitamin và khoáng chất khiến quá trình tái cấu trúc da gặp trục trặc. Các tế bào chết đi không được thay thế kịp thời sẽ làm diện mạo làn da trở nên khô cằn, thiếu sức sống.
- Thói quen sinh hoạt: Để da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh nắng ngoài trời hay thậm chí là từ bức xạ màn hình các thiết bị điện tử là yếu tố tàn phá làn da với mức độ không thể ngờ tới. Ngoài ra sự bỏ bê, thiếu quan tâm hoặc cách chăm sóc không hợp lý khiến không ít bạn lâm vào tình trạng da như da rắn.
Da khô nứt nẻ như da rắn phải làm thế nào?
Chắc hẳn không ít lần bạn phải đau đầu suy nghĩ “da khô như da rắn phải làm sao?” Biết rằng yếu tố gen chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này và bạn cũng không thể làm gì để tác động vào nó. Tuy nhiên với những nỗ lực chăm sóc chắc chắn sẽ giúp cải thiện được rất nhiều.
Cách trị da khô da rắn cần dựa trên nguyên tắc chính là đảm bảo độ ẩm cho làn da với hai hướng chính: Hạn chế sự mất nước qua da và tăng cường cấp ẩm cho da.
Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ tác động của môi trường, cần phải ngăn chặn những ảnh hưởng đó. Hạn chế sự mất nước qua da được xem là cách cải thiện hiệu quả đối với triệu chứng da khô vào mùa đông.
Khóa ẩm cho làn da
Để hạn chế sự mất nước qua da, cách thông dụng nhất là “khóa ẩm”, tạo một lớp màng ngăn không cho hơi nước thất thoát ra ngoài. Các thành phần chủ chốt thường có tính hướng dầu, mịn và dễ tán để vẫn đảm bảo độ thông thoáng cho da.
- Vaseline: Ví dụ điển hình cho nhóm “khóa ẩm” chính là vaseline. Có thể khẳng định đây là hoạt chất hết sức cổ điển, rẻ tiền, dễ kiếm mà lại rất lành tính và hiệu quả. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là thể chất đặc và dễ gây nhờn dính, bít da nếu không kiểm soát được lượng dùng.
- Bơ và dầu thực vật: Các loại bơ và dầu thực vật cho tác dụng tương tự Vaseline nhưng với thể chất lỏng, dễ sử dụng và điều chỉnh hơn. Bên cạnh đó, bơ và dầu thực vật cũng chứa nhiều dưỡng chất rất tốt cho da.
Cách sử dụng: Ngay sau khi đã rửa mặt và cân bằng da, nhỏ vài giọt dầu dừa/ dầu oliu/ dầu gấc… vào lòng bàn tay, xoa đều rồi áp nhẹ nhàng lên vùng da bị khô. Điều chỉnh lượng dùng sao cho da có cảm giác ẩm mượt vừa đủ, tránh bị bóng nhẫy quá mức.
- Mỹ phẩm: Nhóm mỹ phẩm có tác dụng “khóa ẩm” được ưa chuộng bởi hiệu quả, tính tiện dụng cũng như tính trải nghiệm sử dụng tốt. Thể chất sản phẩm có thể đặc, sệt hoặc hơi lỏng tùy công thức bào chế.
Mỹ phẩm dạng này (Occlusives) thường chứa các thành phần sau: Petroleum, mineral oil (dầu khoáng), Lanolin, dầu thực vật (Coconut, Jojoba, argan, rosehip), sáp (bee, carnauba, candelilla), hợp chất cao phân tử nhóm silicones (Dimethicone, cyclopentasiloxane),…
Chống nắng là yếu tố thiết yếu
Bảo vệ da khỏi tia tử ngoại là một vấn đề cần hết sức lưu ý. Ánh sáng có tính chất hạt cho khả năng đâm xuyên vô cùng lớn. Nếu để chúng tiếp xúc trực tiếp với da, năng lượng lớn sẽ phá hủy các cấu trúc đồng thời đẩy dịch gian bào ra ngoài, làm da bị khô nứt.
Giải pháp hữu hiệu là đội mũ, che ô và đặc biệt là sử dụng kem chống nắng đúng cách:
- Da khô thường sẽ phù hợp hơn với kem chống nắng vật lý. Loại kem này không chỉ lành tính mà còn cho tác dụng cản xạ tốt. Khác với nhóm kem hóa học, bạn không cần phải bôi dặm nhiều lần nếu lớp kem không bị trôi mất bởi nước hay mồ hôi.
- Cần rửa mặt sạch sẽ và dưỡng ẩm đầy đủ trước khi bôi kem chống nắng để tránh các nguy cơ gây hại có thể xảy ra.
- Đa số chúng ta đều có xu hướng bôi quá ít kem chống nắng nên thường không đạt được hiệu quả như mong muốn. Hãy thoa kem đủ một lượng cần thiết kể phủ hết bề mặt da.
Tẩy tế bào chết hợp lý
Lớp sừng quá dày khiến diện mạo làn da trở nên thô sạm, xấu xí. Nhưng bản thân nó cũng là lớp bảo vệ da quan trọng trước những nguy cơ phá hủy từ môi trường. Lạm dụng tẩy tế bào chết làm cho da của bạn phải đối diện với nhiều tác hại không ngờ tới, bao gồm cả sự mất nước.
- Da khô chỉ nên tẩy da chết tối đa 2 lần/1, thường là 1 lần/tuần
- Có thể sử dụng nhóm AHA hoặc dịu nhẹ hơn là PHA. Tuyệt đối tránh các sản phẩm tẩy da chết BHA và LHA.
- Làm sạch da một cách dịu nhẹ. Không sử dụng sữa rửa mặt hàng ngày chứa hạt scrub.
Nói không với sản phẩm chứa cồn
Vì làn da khô vảy rắn đã ở trong trạng thái hết sức thiếu nước, cồn với tính chất bay hơi mạnh sẽ cuốn đi triệt để chút ẩm ít ỏi còn sót, để lại làn da nứt nẻ đến đáng báo động.
Khóa ẩm là để tránh bị mất nước ra ngoài nhưng khi bản chất da bạn đã bị thiếu nước thì kết hợp đồng thời với cấp ẩm sẽ đem lại hiệu quả toàn diện hơn nhiều.
Lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp
Các loại kem dưỡng ẩm với thành phần và công thức ngày càng cải tiến đã cho thấy hiệu quả tuyệt vời của chúng. Với da khô, bạn nên chú ý vào hai nhóm sản phẩm chính:
Nhóm giữ ẩm
Bao gồm các hợp chất có khả năng giữ nhiều phân tử nước. Các thành phần hay được sử dụng là: Glycerin, urea, hyaluronic acid (HA), lactic acid, các dẫn xuất glycol, PCA, panthenol, sorbitol, gel lô hội,…
Sản phẩm sẽ hút lấy nước từ trong không khí, tạo thành một màng nước trên bề mặt da. Một phần trong số đó sẽ thẩm thấu vào bên trong, cấp ẩm, tạo độ mềm mại cho da.
Nhược điểm của nhóm này là nó không chỉ lấy nước từ môi trường bên ngoài. Khi độ ẩm không khí xuống thấp (<75%), chúng bắt đầu hút nước từ trong da ra bên ngoài, làm tình trạng mất nước càng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, cần được sử dụng kết hợp với nhóm “khóa ẩm”.
Nhóm dưỡng da
Khác với các nhóm trên, dưỡng da góp phần tăng cường cấu trúc, thúc đẩy sự tái tạo da. Từ đó, giúp làn da trở nên khỏe mạnh, cải thiện đáng kể khả năng giữ nước. Vitamin C, E, B5, B3, ceramide, lanolin,… là những đại diện điển hình của nhóm này.
Các dưỡng chất tương đối lành tính và cho được tác dụng lâu dài, toàn diện. Tuy nhiên cần lưu ý Vitamin C có thể gây hiện tượng kích ứng (cảm giác rát, châm chích da) ở một số bạn có làn da nhạy cảm. Nên để da thích ứng dần bằng cách bắt đầu với nồng độ thấp và bôi thật mỏng.
Dưỡng da bằng nguyên liệu tự nhiên
Các nguyên liệu tự nhiên chứa nhiều dưỡng chất mang lại hiệu quả dưỡng ẩm hoàn hảo cho làn da. Với thành phần đa dạng và lành tính, các loại mặt nạ từ trái cây và rau củ là giải pháp tuyệt vời cho tình trạng da chân bị khô như da rắn.
- Sữa chua: Sữa chua chứa lượng lớn acid lactic có tác dụng cân bằng da và cấp ẩm hoàn hảo. Nhờ dạng nhũ tương tự nhiên cho khả năng thẩm thấu tốt, sữa chua giúp đem lại làn da ẩm mượt căng tràn sức sống.
- Bột cám gạo: Với hàm lượng cao chất béo chưa bão hoà (bao gồm cả omega-3), các vitamin nhóm B và E khiến bột cám gạo trở thành nguyên liệu tiêu chuẩn cho việc chăm sóc da.
- Đu đủ: Quả đu đủ chín có chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho làn da. Với các chất chống oxy hóa đa dạng (carotenoids, quercetin, flavonoid và zeaxanthin), đu đủ giúp ngăn ngừa các tác động bất lợi từ bên ngoài một cách hiệu quả. Đáng chú ý, enzyme papain trong quả đu đủ chín cho tác dụng cấp ẩm được đánh giá rất cao.
Lưu ý khi chăm sóc và phòng ngừa da khô nứt nẻ như da rắn
Để đạt kết quả mong muốn, đừng chỉ tìm hiểu cách trị da rắn mà bỏ qua những lưu ý sau đây:
- Chú ý đến các thuốc điều trị bệnh đang sử dụng như: Corticoid, retinol, thiazid,… làm tăng đào thải nước, ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn. Do đó, chúng chính là yếu tố nguy cơ làm phát sinh tình trạng da bị khô, bong tróc mà bạn không ngờ tới.
- Một số loại trà có tác dụng thanh nhiệt giải độc như: trà atiso, trà rau má, trà bông lau, trà râu ngô,… có kèm theo tác dụng lợi niệu. Mùa đông lạnh nên chúng ta thường uống ít nước và thích uống trà ấm thay vì nước lọc. Đó chính là một nguyên nhân khiến cơ thể bị thiếu nước. Làn da cũng theo đó mà không được cung cấp đủ lượng ẩm cần thiết.
- Điều trị da rắn cũng cần lưu tâm đến sự tồn tại của các sinh vật kí sinh gây hại. Do điều kiện vệ sinh kém hoặc bị lây nhiễm từ người khác mà một số loại virus, vi khuẩn hay nấm có cơ hội xâm nhập và phát triển trên da của bạn. Lúc này, các biện pháp chăm sóc thông thường không thể đảm bảo điều trị da rắn một cách triệt để. Bạn cần được sự thăm khám từ bác sĩ chuyên khoa da liễu.
- Hẳn bạn cũng đã biết rằng ăn ngủ điều độ chính là cơ sở cho một làn da khỏe mạnh và tươi trẻ. Chính vì vậy, hãy xây dựng lối sống lành mạnh để tránh sự phát sinh các gốc tự do gây hại cho cơ thể và làn da.
Vận dụng những chia sẻ đã được trình bày ở trên, nỗi ám ảnh da khô nứt nẻ như da rắn của bạn sẽ bị bỏ lại vào trong quá khứ. Dù không thể thay đổi cái vốn ban đầu nhưng bằng những nỗ lực chăm sóc, tin chắc rằng bạn là phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!