Da mặt bị ngứa là tình trạng phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ngứa da có thể chỉ là cảm giác thoáng qua rồi tự khỏi, nhưng cũng có thể kéo dài và gây ra vô số vấn đề nghiêm trọng khác. Dưới đây là những thông tin chi tiết giúp bạn hiểu hơn về tình trạng ngứa da mặt và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Da mặt bị ngứa là gì?
Ngứa da mặt là hiện tượng vùng da mặt bị ngứa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, đây có thể chỉ là dấu hiệu sinh lý bình thường bên ngoài da. Song trong nhiều trường hợp, chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý bên trong cơ thể.
Da bị ngứa khiến người bệnh dễ cào gãi, dẫn tới nguy cơ lở loét, để lại vết thương, sẹo hoặc thậm chí là gây viêm nhiễm. Vậy nên nếu bị ngứa da mặt trên 2 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm, các bạn nên chủ động tới bệnh viện da liễu thăm khám, kiểm tra để xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị.
Phân loại
Da mặt bị ngứa được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh, cụ thể như sau:
- Ngứa da mặt do bệnh lý.
- Da khô.
- Dị ứng mỹ phẩm, sản phẩm làm sạch - chăm sóc da.
- Ngứa da mặt do thay đổi sinh lý.
Nguyên nhân khiến da mặt bị ngứa
Có rất nhiều nguyên nhân khiến da mặt bị ngứa, nổi bật nhất trong số này phải kể đến những yếu tố sau đây:
Mắc bệnh lý về da
Bệnh thuỷ đậu, viêm nang lông, bệnh vảy nến, eczema, viêm tiết bã nhờn, bệnh hắc lão, bệnh zona thần kinh, viêm da dị ứng, mề đay,... Đây đều là những bệnh lý da liễu có thể gây ngứa ngáy ngoài da dữ dội.
Trường hợp bệnh nhân càng gãi, cảm giác ngứa càng trở nên tồi tệ. Bệnh không chỉ khiến bạn “ăn không ngon, ngủ không yên” mà còn khiến da bị xước do cào gãi ngứa mạnh. Thói quen này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công, tăng nguy cơ viêm nhiễm, nhiễm trùng da, gây biến chứng thành bệnh lý nguy hiểm khác.
Da mặt bị ngứa do nổi mụn
Nguyên nhân gây ngứa da mặt tiếp theo chính là vấn đề về mụn. Các nốt mụn viêm hình thành đôi khi sẽ gây ngứa, sưng đau, nhất là những nốt mụn to. Việc chạm vào chúng cũng có thể khiến vi khuẩn lây lan, khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng, khó kiểm soát. Mụn ngứa xuất hiện có thể do tuyến mồ hôi hoạt động quá mức hoặc mỹ phẩm, lỗ chân lông bị bít tắc hay mất cân bằng nội tiết tố.
Tổn thương dây thần kinh
Có nhiều trường hợp da mặt bị ngứa do tổn thương dây thần kinh, đặc biệt là ngứa do tổn thương thần kinh khu trú. Trong đó, bệnh đa xơ cứng hay đột quỵ đều có thể ảnh hưởng hoặc làm tổn thương các dây thần kinh. Vì thế có thể làm tăng khả năng dẫn tới ngứa da mặt.
Da khô
Những làn da quá khô có thể khiến bạn dễ bị ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vùng da mặt. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn khi thời tiết chuyển lạnh, không khí khô, da sẽ bị bong tróc, nứt nẻ nhiều. Để giảm ngứa ngáy do khô da, bạn nên dùng kem dưỡng ẩm sau khi tắm, uống đủ nước và có thể dùng thêm máy tạo độ ẩm.
Ngứa da mặt do dị ứng thời tiết
Thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh hay ngược lại đều có thể khiến da mặt bị dị ứng ở những người có cơ địa nhạy cảm. Bởi lúc này cơ thể của họ chưa kịp thích nghi với sự thay đổi gây ra các phản ứng dị ứng.
Khi bị dị ứng thời tiết, phần lớn mọi người đều bị ngứa toàn thân hoặc một số vùng nhất định như chân, tay hoặc ở mặt. Bởi mặt là bộ phận tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều nhất
Dị ứng thực phẩm khiến da mặt bị ngứa
Không ít người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng với một số thực phẩm nhất định. Nếu không may sử dụng phải những thực phẩm này, ngoài cảm giác chóng mặt, buồn nôn, nôn,... Bệnh nhân còn bị ngứa da mặt hoặc ngứa toàn thân, nhiều trường hợp còn bị sốc phản vệ cực kỳ nguy hiểm. Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng mà bạn cần chú ý là hải sản, đậu nành, trứng, sữa,...
Côn trùng cắn
Kiến và muỗi là những loại côn trùng phổ biến có thể gây ngứa nếu bị cắn. Các vết côn trùng cắn này sẽ tự khỏi (trừ kiến ba khoang) nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, với các loại bọ khác như chấy, rận thì chúng có thể làm tổ trên da, khiến da bị tổn thương và gây ngứa dữ dội.
Để ngăn chặn tình trạng bị côn trùng cắn, các bạn cần dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa mỗi ngày. Đồng thời có thể chườm lạnh, dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm trong trường hợp cần thiết theo chỉ định của bác sĩ để làm giảm các triệu chứng trên.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể khiến da bị ngứa, bao gồm cả da mặt hoặc một số vùng da nhất định. Cảm giác ngứa ngáy có thể xuất hiện riêng biệt hoặc kèm theo tình trạng phát ban, kích ứng.
Bệnh nhân cần tới gặp bác sĩ ngay nếu cơn ngứa trở nên khó chịu sau khi dùng các loại thuốc như:
- Estrogen.
- Allopurinol dùng cho bệnh Gout.
- Thuốc trị tăng huyết áp như thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển.
- Amiodarone dùng cho một số vấn đề về tim mạch.
- Thuốc giảm đau kê toa, chẳng hạn như Opioid.
- Thuốc giảm đau không kê đơn như Naproxen Sodium, Ibuprofen, Acetaminophen.
- Simvastatin dùng trong điều trị cholesterol cao.
- Hydroxyethyl cellulose.
Thói quen uống ít nước
Như chúng ta đã biết, cơ thể con người 70% là nước nhưng phần lớn mọi người lại có thói quen lười uống nước, thậm chí là không uống. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết sẽ khiến tuyến bã nhờn hoạt động kém, làn da không duy trì được độ ẩm, da trở nên sần sùi, bong tróc, ngứa ngáy, sần sùi, xấu xí.
Bị bệnh mãn tính khiến da mặt bị ngứa
Trong trường hợp bị ngứa trên mặt dài ngày mà không có phát ban hay bất cứ dấu hiệu rõ ràng nào khác thì có thể bạn đã bị mắc bệnh lý tiềm ẩn. Theo đó, tình trạng này có thể ảnh hưởng tới máu, thận, gan hoặc tuyến giáp có thể gây ngứa. Chẳng hạn như bệnh nhân bị HIV, đái tháo đường,...
Trên thực tế, có khoảng 40% bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối, 69% người bị xơ gan nguyên phát có hiện tượng ngứa ngáy thường xuyên. Trong đó có những trường hợp bị ngứa trước khi nhận được kết quả chẩn đoán.
Lý do là bởi khi mắc bệnh gan, quá trình thải độc của gan bị ảnh hưởng, độc tố không thể được đào thải mà tích tụ bên trong cơ thể. Điều này gây ra hiện tượng nóng trong, mụn nhọt và ngứa da mặt.
Thói quen chưa vệ sinh da mặt đúng cách
Da mặt là vùng da nhạy cảm, thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, các chất độc hại, ánh nắng mặt trời, mỹ phẩm,... Nếu không biết cách chăm sóc, vệ sinh khoa học có thể làm cho bụi bẩn bám vào lỗ chân lông gây bít tắc, dẫn tới tình trạng nổi mụn, nổi mẩn, gây ngứa ngáy.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám và điều trị da liễu ngay nếu ngứa da mặt kèm theo các triệu chứng sau đây:
- Tình trạng ngứa kéo dài trên 2 tuần và không có dấu hiệu cải thiện dù đã có biện pháp tự chăm sóc tại nhà.
- Bị ngứa da nghiêm trọng, khiến bạn mất tập trung vào công việc và ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ.
- Cơn ngứa diễn ra đột ngột, không biết chính xác nguyên nhân.
- Ngoài tình trạng ngứa ngáy, bệnh nhân còn bị giảm cân, sốt, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, chán ăn, mệt mỏi, nước tiểu đậm màu hoặc đổ nhiều mồ hôi về ban đêm,...
Chẩn đoán da mặt bị ngứa
Chẩn đoán ngứa da mặt ngoài việc chú ý đến các triệu chứng cụ thể. Bệnh nhân còn cần thực hiện một số bước kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa như sau:
- Lịch sử bệnh án: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng cụ thể mà bạn đang gặp phải. Bao gồm thời gian và việc mô tả chi tiết về cảm giác ngứa, bất kỳ dấu hiệu nổi bật trên da cũng như những yếu tố nào có thể gây ra tình trạng này.
- Kiểm tra da: Bác sĩ có thể kiểm tra kỹ lưỡng da của bạn để xem xét các vết thương, phồng rộp hoặc các dấu hiệu khác có thể dẫn đến nguyên nhân gây ngứa.
- Kiểm tra di truyền: Nếu bạn có bất kỳ tiền sử gia đình nào về các vấn đề da liễu, bác sĩ có thể yêu cầu thông tin chi tiết về điều này.
- Kiểm tra các yếu tố môi trường: Bác sĩ sẽ hỏi về môi trường sống và làm việc của bạn. Bao gồm các sản phẩm chăm sóc da, hóa chất tiếp xúc, thú nuôi, nơi làm việc.
- Kiểm tra tiềm năng gây dị ứng: Bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện các kiểm tra dị ứng da để xác định liệu bạn có phản ứng với bất kỳ chất gây dị ứng nào hay không.
- Kiểm tra sức khỏe toàn diện: Ngứa da mặt cũng có thể là một triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nào đó như bệnh nội tiết, vấn đề về hệ miễn dịch hoặc bệnh dị ứng.
Dựa trên kết quả của các bước kiểm tra này, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán, định hướng và cách điều trị phù hợp. Đối với các trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ dị ứng.
Cách chăm sóc da mặt bị ngứa tại nhà
Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên chăm sóc da mặt bị ngứa tại nhà là một trong những cách được nhiều người lựa chọn và áp dụng. Phương pháp này không chỉ giúp cải thiện tình trạng da khô, bong tróc, ngứa ngáy mà còn giúp kiểm soát các triệu chứng, nuôi dưỡng da tươi sáng, ẩm mịn hơn.
Thêm vào đó, các cách chữa da mặt bị ngứa tại nhà này còn được đánh giá là ít tác dụng phụ, lành tính và có thể dùng được cho nhiều đối tượng khác nhau. Trong trường hợp bạn đang gặp tình trạng ngứa da mặt, có thể áp dụng theo một số biện pháp chăm sóc, điều trị như hướng dẫn dưới đây:
Dùng nha đam cấp ẩm, giảm ngứa
Để giải quyết tình trạng bong tróc, ngứa ngáy ngoài da hiệu quả, an toàn, bạn có thể thoa gel lô hội để làm giảm nhẹ tình trạng này. Chất gel có trong lô hội sẽ giúp làm mát, làm dịu da, giảm mẩn đỏ, sưng tấy cũng như thúc đẩy quá trình hydrat hóa, dưỡng ẩm cho da.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 - 2 lá nha đam tươi rồi mang đi rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài.
- Lấy phần ruột nha đam bên trong mang xay nhuyễn.
- Đắp phần gel nha đam đã xay nhuyễn lên vùng da bị mẩn ngứa trong 15 - 20 phút.
- Sử dụng nước ấm để rửa sạch, lau khô bằng khăn mềm.
Chườm lạnh
Để giảm kích ứng do ngứa da, bạn lấy một miếng vải ẩm và lạnh hoặc túi nước đá đắp lên vùng da cần làm dịu trong 5 - 10 phút. Khi đắp nhớ di chuyển túi nước đá thường xuyên để tránh khiến da bị bỏng lạnh. Việc làm mát này sẽ giúp giảm viêm, giảm cảm giác ngứa ngáy và sưng đỏ ở mặt và các vùng da cần điều trị khác.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bỏ kem dưỡng ẩm vào tủ lạnh. Sau đó thoa kem dưỡng ẩm còn mát lạnh nên da để làm giảm tình trạng viêm và giúp da cấp ẩm, dưỡng ẩm tốt hơn.
Sữa tươi, cám gạo
Sự kết hợp giữa cám gạo và sữa tươi sẽ mang tới công thức cải thiện nhanh chóng tình trạng da khô ráp, bong tróc, ngứa ngáy. Hỗn hợp này còn giúp cấp ẩm, bổ sung các dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng làn da mềm mịn hơn.
Cách thực hiện:
- Trộn 2 thìa cám gạo, 2 thìa sữa tươi không đường vào 1 cái bát rồi khuấy đều.
- Sau khi rửa mặt xong với nước ấm, bạn thoa hỗn hợp lên đều da, giữ nguyên trong 15 - 20 phút.
- Rửa lại một lần nữa với nước mát rồi dùng khăn mềm lau thật khô.
Mật ong kết hợp với bột yến mạch
Bộ đôi kết hợp giữa mật ong và bột yến mạch sẽ giúp chống oxy hóa, giảm viêm và có hiệu quả tích cực trong việc giảm ngứa, ngăn chặn tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
Cách thực hiện:
- Dùng 10g yến mạch xay nhuyễn trộn cùng 1 thìa mật ong nguyên chất.
- Trước khi thoa hỗn hợp lên da bạn cần rửa sạch mặt với nước ấm.
- Giữ hỗn hợp mật ong và bột yến mạch trên da khoảng 20 phút rồi rửa lại với nước là xong.
Khổ qua
Khổ qua - mướp đắng có chứa nhiều polyphenol, vitamin C, vitamin A,... Vậy nên chúng có khả năng chống oxy hóa và giảm viêm cực kỳ tốt. Chính vì thế, nếu đang phân vân không biết nên làm cách nào để giảm ngứa da mặt hiệu quả, bạn có thể dùng khổ qua đắp lên mặt.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 trái mướp đắng rồi ngâm trong nước muối khoảng 15 phút.
- Bổ đôi quả mướp đắng, bỏ ruột, thái thành từng lát mỏng để đắp lên da.
- Rửa mặt sạch với nước ấm và tiến hành đắp mướp đắng lên mặt trong 20 phút.
- Rửa lại mặt và đều đặn thực hiện cách làm này ngày 2 lần để xoa dịu làn da bị dị ứng.
Biện pháp phòng tránh da mặt bị ngứa
Để phòng tránh da mặt bị ngứa, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc lotion không chứa hương liệu và cồn để giữ cho da mặt luôn được hydrat hóa.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng, tránh dùng các sản phẩm chứa hóa chất như xà phòng có cồn, hương liệu vì chúng có thể kích ứng da.
- Nếu bạn biết rằng mình có dị ứng với một số chất, hãy tránh tiếp xúc với chúng, bao gồm cả trong sản phẩm làm đẹp và trong môi trường xung quanh.
- Bảo vệ da khỏi tác động môi trường bằng cách sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng. Điều này sẽ giúp bảo vệ da khỏi tác động của tia UV cũng như hạn chế nguy cơ bị cháy nắng, nám, tàn nhang và các vấn đề lão hoá khác.
- Căng thẳng có thể làm tăng cường tình trạng ngứa da. Do đó, bạn nên thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, hay tập thể dục đều có thể giúp giảm bớt căng thẳng và cải thiện tình trạng da.
- Tránh chà xát da mặt quá mạnh mẽ khi rửa mặt hay lau khô, vì điều này có thể làm tổn thương da và kích thích cảm giác ngứa.
- Trường hợp bạn có vấn đề về da liên quan đến tóc, hãy cố gắng duỗi tóc ra xa da mặt và tránh nhuộm tóc hay để keo vuốt tóc dính lên mặt, vì có thể gây kích ứng.
- Sử dụng máy tạo ẩm trong nhà nếu không khí quá khô có thể làm khô da và kích thích cảm giác ngứa.
- Uống nhiều nước.
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có chứa các thành phần thiên nhiên thay vì các hoá chất có tác dụng tẩy rửa mạnh.
- Khi da bị ngứa nên hạn chế cào giã, sử dụng mỹ phẩm, makeup.
- Không ăn các thực phẩm khi đã có tiền sử bị dị ứng.
- Tắm bằng nước ấm, nước mát, tránh tắm bằng nước quá nóng.
- Thăm khám da liễu ngay nếu thấy vùng da mặt có những biểu hiện ngứa ngáy bất thường.
Kết luận
Da mặt bị ngứa tuy là hiện tượng phổ biến, nhưng bạn không nên chủ quan. Trong trường hợp thấy bệnh kéo dài hoặc có các dấu hiệu nghiêm trọng hơn thì cần nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra để tiến hành điều trị sớm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!