Viêm da tiết bã là một bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và người từ 30-70 tuổi. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở vùng mặt, da đầu, lưng và ngực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ. Bài viết dưới đây sẽ cùng người bệnh tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm da tiết bã hiệu quả, giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế tái phát.
Chẩn đoán bệnh viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là bệnh lý gây ra bởi vi nấm Malassezia kết hợp với sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn, khiến cho làn da bị viêm nhiễm, bong tróc và xuất hiện các nốt ban hồng trên da. Đây là một bệnh lý lành tính, ít khi xuất hiện biến chứng.
Tuy nhiên vị trí xuất hiện của bệnh thường ở vùng đầu và mặt nên ảnh hưởng tới thẩm mỹ và gây ra nhiều tác động tiêu cực tới cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Để điều trị bệnh hiệu quả, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường của sức khỏe, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra.
Mỗi người bệnh sẽ có một phác đồ điều trị viêm da tiết bã riêng biệt, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, cơ địa và khả năng đáp ứng điều trị của mỗi người. Dưới đây là một số thông tin về phương pháp chẩn đoán bệnh bạn có thể tham khảo.
Thăm khám lâm sàng
Khám lâm sàng và phương pháp thăm khám dựa trên những biểu hiện bên ngoài của bệnh cùng với những thông tin về tiền sử bệnh lý của bạn và những người thân trong gia đình. Từ đó bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân và các yếu tố gây ra bệnh là gì.
Cụ thể người bệnh sẽ có các biểu hiện lâm sàng như:
- Trên da xuất hiện các tổn thương màu đỏ thẫm, giới hạn rõ ràng, bên trên có vảy da khô. Chúng đặc biệt xuất hiện nhiều ở vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như mặt, da đầu, lưng, ngực,…
- Da đầu xuất hiện nhiều gàu, da đầu trở nên đỏ, chân tóc yếu, dễ gãy rụng, các vảy tiết có thể lan xuống vùng trán, tai và sau gáy.
- Ở mặt có dấu hiệu đỏ rát, và đóng vảy, đặc biệt ở vùng mũi, khóe miệng và giữa hai lông mày.
- Ở thân mình có dấu hiệu sẩn đỏ ở nang lông, bên trên có vảy mỡ. Chúng có thể liên kết với nhau tạo thành mảng lớn, xuất hiện chủ yếu ở vùng bả vai và trước ngực.
- Các vùng nếp gấp như bẹn, dưới vú, nách, sau đầu gối,… có thể xảy ra tình trạng viêm kẽ, đỏ da, đóng vảy mỡ.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Soi da: Bác sĩ thực hiện soi da đầu cho người bệnh để xác định sự xuất hiện của khuẩn nấm men Malassezia furfur tại các vùng da tổn thương.
- Sinh thiết tế bào: Lớp vảy bong tróc trên da đầu sẽ được lấy mẫu đem đi sinh thiết. Nếu kết quả cho thấy có nấm men thì người bệnh đã bị viêm da tiết bã, vảy nến hoặc, viêm da dị ứng…
Chẩn đoán phân biệt
Bác sĩ cần tiến hành chẩn đoán phân biệt bệnh viêm da tiết bã với các bệnh lý da liễu khác như
- Vảy nến.
- Viêm da do ánh nắng.
- Lupus đỏ hệ thống.
Mặc dù các bệnh lý này có triệu chứng tương đối giống nhau. Tuy nhiên nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị lại hoàn toàn khác nhau. Vì vậy bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt để tránh điều trị sai cách, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân.
Phác đồ điều trị viêm da tiết bã của bác sĩ
Sau khi tiến hành thăm khám và tìm ra nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ của bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc sau đây:
Thuốc điều trị viêm da tiết bã dạng bôi
Các loại thuốc dạng bôi được sử dụng khá phổ biến trong điều trị viêm da tiết bã. Thuốc có tác dụng tại chỗ, phù hợp với người mới bị bệnh ở giai đoạn nhẹ. Một số loại thuốc bôi được dùng phổ biến đó là:
Hydrocortisone 1%
Thành phần chính của thuốc là hoạt chất Hydrocortison acetat 10,0mg, có tác dụng chống viêm tại chỗ, giảm viêm da do kích ứng. Thuốc dùng được cho các trường hợp bị viêm da tiết bã, viêm da tiếp xúc, côn trùng cắn, chàm eczema từ nhẹ đến vừa. Người bệnh nên bôi một lớp kem mỏng lên da. Mỗi ngày dùng từ 1-2 lần, nên dùng trong 7 ngày liên tiếp rồi đến gặp bác sĩ để được thăm khám lại.
Ketoconazole
Thuốc bôi da Ketoconazole được dùng trong trường hợp bị viêm da do các loại vi nấm gây ra. Loại thuốc này có thể dùng được cho bệnh nhân bị viêm da tiết bã, hắc lào, lang ben, nấm bàn tay bàn chân…. Người bệnh bôi thuốc khoảng 1-2 lần/ngày. Thời gian điều trị liên tục từ 2-4 tuần, trường hợp nặng có thể dùng đến 6 tuần.
Ciclopirox Cream
Thuốc bôi da Ciclopirox Cream có chứa thành phần chính là Ciclopirox olamin 10,0 mg, có tác dụng điều trị các bệnh viêm da dầu tiết bã, vảy nến, lác đồng tiền và các bệnh nấm da khác do nấm Malassezia Furfur, Candida Albican, Trichophyton Rubrum, Epidermophyton Floccosum,… gây ra. Người bệnh dùng một lượng kem mỏng lên da, mỗi ngày bôi 2 lần vào buổi sáng và tối cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
Desonide 0,05%
Trong phác đồ điều trị viêm da tiết bã không thể bỏ qua gel bôi Desonide 0,05%. Loại thuốc này có chứa thành phần chính Desonide 0,5 mg, có tác dụng điều trị bệnh viêm da dị ứng, viêm da tiết bã, vảy nến, chàm và các bệnh da liễu khác. Người lớn và trẻ em trên 3 tháng tuổi đều có thể dùng được loại thuốc này. Bạn bôi một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị bệnh, mỗi ngày 2 lần. nên dùng trong vòng 4 tuần cho đến khi các triệu chứng của bệnh được kiểm soát.
Fucidin
Fucidin là thuốc bôi điều trị viêm da được bán phổ biến trên thị trường. Thành phần chính của thuốc bao gồm Axit fusidic 20mg/g và Hydrocortison acetat 10mg/g có tác dụng điều trị bệnh viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã cho cả người lớn và trẻ em. Người bệnh bôi thuốc lên vùng da bị bệnh mỗi ngày 1 lần. Một đợt điều trị không nên dùng quá 2 tuần.
Thuốc điều trị viêm da tiết bã dạng uống
Trong trường hợp người bệnh bị viêm da ở mức độ nặng, có dấu hiệu sưng tấy, viêm nhiễm, đau rát,… Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc uống như sau:
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được chỉ định dùng để điều trị bệnh viêm da tiết bã khi người bệnh có dấu hiệu bị tổn thương da và nhiễm trùng trên diện rộng. Nhóm thuốc được bác sĩ dùng phổ biến là cephalosporin và penicillin. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và thời gian dùng thuốc cho từng người. Thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ như đau dạ dày, răng đổi màu, nhiễm nấm âm đạo, nhạy cảm với ánh sáng,… Do đó người bệnh cần uống thuốc theo đúng với hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau được sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu bong tróc, phù nề gây đau rát. Ngoài ra nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng khiến thân nhiệt tăng, gây đau nhức cơ thể cũng có thể dùng nhóm thuốc này để cải thiện sức khỏe.
Một trong những loại thuốc giảm đau được dùng để chữa viêm da tiết bã là Paracetamol. Thuốc được dùng theo chỉ định của bác sĩ, giúp giảm đau, hạ sốt, xoa dịu cơn đau nhanh chóng.
Thuốc chống viêm
Thuốc chống viêm được chỉ định dùng cho những trường hợp bị sưng viêm, phù nề tại vị trí bị bệnh. Có hai loại thuốc chống viêm được dùng để điều trị bệnh viêm da tiết bã là thuốc chống viêm không steroid và có steroid. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ lựa chọn loại thuốc chống viêm phù hợp với thể trạng và mức độ nặng nhẹ của bệnh.
- Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc có tác dụng giúp ức chế quá trình tổng hợp các thành phần gây viêm. Một số loại thuốc được dùng phổ biến là Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen và Meloxicam.
- Thuốc chống viêm có steroid: Thuốc giúp ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch, có tác dụng chống viêm, chống dị ứng rất mạnh.
Thuốc kháng Histamin H1
Những trường hợp bị viêm da tiết bã trên diện rộng, có xuất hiện tình trạng ngứa rát, khó chịu, bệnh lây lan nhanh sang nhiều vùng da lành của cơ thể… sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng Histamin H1. Nhóm thuốc này có tác dụng kiểm soát triệu chứng cơ năng của bệnh, ngăn ngừa viêm nhiễm lan tỏa.
Một số loại thuốc kháng Histamin H1 thường có mặt trong các đơn thuốc của bác sĩ đó là Cetirizin hydroclorid, Fexofenadin, Clorpheniramine, Loratadin,… Các chuyên gia cho biết, nhóm thuốc này khá an toàn, có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau. Thuốc chỉ gây ra một vài tác dụng phụ không đáng kể như buồn ngủ, kém tập trung,…
Các biệt pháp giúp khắc phục bệnh viêm da tiết bã
Song song với việc áp dụng phác đồ điều trị viêm da tiết bã kể trên, người bệnh cũng cần thực hiện một số biện pháp dưới đây để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.
Chăm sóc da hàng ngày:
- Người bệnh cần sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có thành phần dịu nhẹ, không gây kích ứng.
- Gội đầu bằng dược liệu như bồ kết, lá trà xanh, lá ổi,… tránh dùng các loại dầu gội có chứa hóa chất.
- Rửa mặt hàng ngày bằng nước ấm, không dùng nước quá nóng vì sẽ làm khô da.
- Nên bôi kem dưỡng ẩm mỗi ngày 2 lần để giúp làn da luôn mềm mại, không bị khô nẻ, bong tróc.
Ăn uống khoa học:
- Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để cung cấp vitamin và khoáng chất cho làn da.
- Nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và omega-3 như cá hồi, dầu oliu, dầu hạt lanh, quả bơ, quả óc chó…
- Tránh dùng thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức ăn chứa nhiều đường.
- Tuyệt đối không dùng rượu bia, thuốc lá, cà phê và các chất gây kích thích khác.
Giảm căng thẳng stress:
- Hạn chế căng thẳng stress bằng cách đi ngủ sớm, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
- Giải tỏa tâm trạng bằng việc xem phim, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè…
- Tập thể dục, thiền định, tập yoga, chạy bộ, đi bộ… sẽ giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường lưu thông máu dưới da.
Bảo vệ làn da bị bệnh khỏi các tác động từ bên ngoài:
- Nên đeo khẩu trang và đội mũ mỗi khi đi ra ngoài để tránh bụi bẩn, khói xe và ánh nắng mặt trời.
- Bôi kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà, nên bôi từ 3-4 tiếng một lần.
- Không cào gãi hay chạm tay vào vào da để tránh lây lan vi khuẩn gây viêm nhiễm nghiêm trọng.
Trên đây là phác đồ điều trị viêm tiết bã khá chi tiết. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính tham khảo bởi mỗi người bệnh sẽ có một phác đồ điều trị riêng biệt. Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn cách dùng thuốc sao cho phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!