Viêm da đầu tiết bã là một trong những căn bệnh da liễu gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng tóc bết rít, nhiều dầu, bong tróc vảy trên da đầu. Căn bệnh này cũng có xu hướng tái phát lại nhiều lần và rất khó điều trị.
Viêm da đầu tiết bã là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết
Viêm da đầu tiết bã hay còn gọi là viêm da tiết bã nhờn da đầu là một căn bệnh da liễu mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng da đỏ, đổ nhiều dầu, nhờn, có vảy bong tróc. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến người trưởng thành mà còn xảy ra ở trẻ nhỏ từ 0 – 3 tháng tuổi.
Viêm da tiết bã nhờn da đầu khởi phát ở trẻ nhỏ sẽ có xu hướng tự hết mà không cần điều trị. Trong khi đó, bệnh ở người lớn sẽ có tiến triển dai dẳng, dễ tái phát, khó điều trị và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Triệu chứng da đầu bị viêm da tiết bã phụ thuộc vào một số yếu tố như độ tuổi, giai đoạn phát triển của bệnh, cơ địa và mức độ viêm nhiễm của mỗi người.
Biểu hiện viêm da đầu tiết bã ở trẻ em:
- Da đầu có thể nổi đỏ hoặc không.
- Bề mặt da xuất hiện nhiều mảng bám có màu trắng, nâu nhạt hoặc nâu đen.
- Mảng bám trên da đầu của trẻ sẽ bám chặt vào chân tóc, gây khô và khó bong tróc.
- Các vị trí da bị tổn thương ít gây ngứa rát, ngứa ngáy.
Biểu hiện của bệnh khi xảy ra ở người lớn:
- Viêm da tiết bã ở đầu ở người lớn thường có mức độ ảnh hưởng nặng hơn so với trẻ nhỏ.
- Da đầu tiết nhiều bã nhờn, đỏ và có nhiều vảy bong tróc.
- Chân tóc bị bết rít, ẩm và ngứa nhẹ.
- Tổn thương ở viền tóc thường nổi cộm, có màu đỏ và vảy trắng bên trên. Đồng thời, chúng sẽ có ranh giới rõ ràng so với những vùng da lân cận.
- Ở một số trường hợp, bệnh có thể gây ngứa ngáy, nóng rát nhẹ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã
Bệnh viêm da tiết bã có cơ chế hình thành khá phức tạp. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng căn bệnh này có liên quan đến hoạt động rối loạn của tuyến bã nhờn và sự sinh sôi quá mức của nấm men Malassezia.
Bệnh có khả năng di truyền ở những người thân cận huyết. Nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn nếu cha hoặc mẹ bị viêm da tiết bã. Ngoài ra, bệnh sẽ bùng phát bởi một số yếu tố thuận lợi như sau:
- Dị ứng: Dị ứng dầu gội, thuốc nhuộm tóc, sản phẩm xịt tóc hoặc dị ứng với thực phẩm có thể kích thích triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã da đầu bùng phát.
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố gây ra bệnh viêm da tiết bã ở đầu. Lý do là bởi một số loại thực phẩm, thức uống kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, ứ đọng nhiều dầu thừa, tạo điều kiện cho nấm men phát triển.
- Sức đề kháng suy giảm: Hệ miễn dịch yếu kém có thể tạo điều kiện cho nấm men phát triển và bùng phát bệnh viêm da tiết bã ở da đầu. Bệnh thường có xu hướng phát triển mạnh trong giai đoạn mang thai, suy nhược cơ thể, sau phẫu thuật…
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý da đầu: Nguy cơ mắc bệnh viêm da tiết bã ở đầu có thể tăng lên nếu mắc phải một số bệnh lý như vảy nến, gàu, chàm da đầu…
- Một số nguyên nhân khác: Bệnh còn có thể bùng phát do sinh sống trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém, mất ngủ, thần kinh căng thẳng, tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
Viêm da đầu tiết bã có nguy hiểm không?
Viêm da tiết bã da đầu là căn bệnh lành tính và chỉ gây tổn thương ngoài da. Nếu xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh sẽ tự khỏi và không cần can thiệp chăm sóc, điều trị. Viêm da tiết bã vùng đầu ở người lớn sẽ tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, ngoại hình và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nếu không chăm sóc đúng cách thì bệnh sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Rụng tóc: Căn bệnh này kéo dài sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh ở da đầu, gây rối loạn tuyến bã nhờn và khiến chân tóc dần suy yếu. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ gây ra tình trạng rụng tóc, khô xơ, chẻ ngọn…
- Viêm da tiết bã bội nhiễm: Nếu không điều trị kịp thời cùng với thói quen cào xát mạnh thì sẽ gây bội nhiễm trên da. Tình trạng này sẽ làm chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh da đầu: Người bị viêm da dầu ở đầu thường có nguy cơ bị gàu, nấm da đầu, vảy nến, á sừng da đầu.
Cách trị viêm da tiết bã ở đầu
Viêm da tiết bã da đầu là căn bệnh không thể điều trị dứt điểm mà chỉ làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Trong giai đoạn bệnh tiến triển nặng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc Tây y để điều trị bệnh.
Sử dụng thuốc Tây y
Các loại thuốc Tây y có tác dụng ức chế nấm men Malassezia, loại bỏ tình trạng bong tróc và hạn chế hoạt động bài tiết dầu thừa. Các loại thuốc Tây được chỉ định để điều trị bệnh viêm da tiết bã bao gồm:
- Dầu gội trị nấm: Các loại dầu gội trị nấm được chỉ định ưu tiên trong điều trị viêm da tiết bã. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của vi nấm, cải thiện tình trạng bong tróc da, ngứa ngáy, đỏ da.
- Dầu gội bạt sừng: Trường hợp da đầu có nhiều vảy bong tróc, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại dầu gội bạt sừng như Lactic Acid, Acid Salicylic… Ngoài tác dụng giảm bong tróc, loại thuốc này còn có khả năng ức chế hoạt động bài tiết bã nhờn, giảm bết tóc, ngứa rát.
- Thuốc kháng histamin H1: Thuốc kháng histamin H1 có tác dụng chống dị ứng và giảm ngứa ngáy. Thuốc được chỉ định khi tình trạng viêm da đầu gây ngứa ngáy và nóng rát kéo dài.
- Thuốc uống chứa corticoid: Loại thuốc này rất ít khi được chỉ định điều trị viêm da dầu tiết bã. Tuy nhiên, khi bị tổn thương ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc corticoid đường uống trong thời gian ngắn.
- Dầu gội chứa Biotin: Biotin là thành phần thiết yếu cho quá trình phát triển của tóc. Loại dầu gội này được sử dụng khi viêm da tiết bã trên đầu gây ra tình trạng tóc chẻ ngọn, khô xơ, rụng tóc…
Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng vì có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
Đông y trị viêm da tiết bã da đầu
Viêm da đầu tiết bã theo Đông y là hệ quả của phong hàn và thấp nhiệt xâm nhập vào cơ thể khiến khí huyết bất thông, uất kết nội tạng. Sau một thời gian dài, bệnh sẽ bùng phát và gây tổn thương cho da.
Đông y chú trọng bồi bổ sức khỏe, cân bằng khí huyết, thanh nhiệt cơ thể. Khí huyết lưu thông đều đặn, thuận lời thì những tổn thương do viêm da đầu tiết bã có xu hướng giảm đi rõ rệt.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y điều trị bệnh viêm da tiết bã nhờn da đầu hiệu quả:
- Bài thuốc số 1: Bồ công anh, kim ngân hoa, cỏ mần trầu, cam thảo đất, ké đầu ngựa, thổ phục linh và kinh giới mỗi thứ 20g. Bạn mang tất cả các nguyên liệu rửa sạch, sắc với nước, chia thuốc thành nhiều lần và uống hết trong ngày.
- Bài thuốc số 2: Nghệ vàng già 20g, dầu vừng vừa đủ, vỏ núc nác 40g. Bạn sao khô nghệ vàng và vỏ núc nác, tán thành bột mịn và trộn đều với dầu vừng. Mỗi ngày bạn thoa thuốc từ 1 – 2 lần lên vùng da đầu bị bã nhờn.
Người bệnh không nên sử dụng thuốc bôi trong trường hợp da bị lở loét, chảy máu, nhiễm trùng nặng. Tốt nhất bệnh nhân nên đến bác sĩ Đông y thăm khám và tìm hiểu về căn bệnh để có phương pháp điều trị cho phù hợp.
Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà
Khi bệnh viêm da đầu tiết bã đã ổn định và giảm triệu chứng, người bệnh có thể sử dụng một số loại thảo dược thiên nhiên để phục hồi làn da như:
- Gội đầu với chanh: Chanh có chứa axit citric có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng, giảm nấm trên da. Các hoạt chất trong chanh như vitamin B, C giúp nuôi tóc chắc khỏe, giảm rụng tóc. Bạn dùng nước chanh nguyên chất làm ướt da đầu, giữ khoảng 15 phút rồi gội lại với nước sạch.
- Gội đầu bằng lá trầu không: Lá trầu không có chứa các tinh chất giúp kháng viêm, ức chế hoạt động của vi nấm, vi khuẩn rất tốt. Bạn có thể sử dụng một ít lá trầu không, gội đầu 3 lần/tuần để cải thiện triệu chứng của bệnh.
- Gội đầu bằng bồ kết: Bồ kết là một dược liệu thiên nhiên giúp nuôi dưỡng tóc khỏe mạnh. Các hoạt chất trong bồ kết cũng ức chế nấm, giảm tiết bã nhờn trên da đầu. Bạn có thể tự nấu bồ kết tại nhà rồi gội đầu như bình thường để chữa bệnh.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh
Viêm da tiết bã có thể tái đi tái lại nhiều lần và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do vậy, bạn cần chú ý các biện pháp phòng ngừa bệnh đúng cách như sau:
- Giữ da đầu luôn khô thoáng, sạch sẽ bằng cách gội đầu 2 lần/tuần với các loại dầu gội dịu nhẹ, lành tính.
- Không nên chà xát, gãi mạnh trên da đầu gây trầy xước, viêm nhiễm. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm trên da.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc nhuộm, hóa chất cho tóc trong thời gian điều trị bệnh.
- Khi sấy tóc, bạn nên chọn chế độ mát để tránh gây thoái hóa nang tóc, xơ xác, gãy rụng.
- Sử dụng mũ, dù khi di chuyển dưới trời nắng để bảo vệ da đầu khỏi tia cực tím.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích gây hại cho sức khỏe. Bổ sung nhiều chất dinh dưỡng tốt cho da đầu và tóc như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc…
- Hạn chế căng thẳng mệt mỏi bằng cách nghỉ ngơi điều độ, giảm thời gian làm việc, giảm căng thẳng và không nên thức khuya.
Viêm da đầu tiết bã có thể thuyên giảm nếu chăm sóc và điều trị kịp thời. Do vậy, ngay khi xuất hiện triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần chủ động đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!