Đau đầu phía trước hay còn gọi là đau đầu ở vùng trán là tình trạng có thể xảy ra khi người bệnh bị sang chấn tâm lý hoặc mắc một số bệnh liên quan đến não bộ, thần kinh hoặc xoang trán. Tình trạng này có nguy hiểm không và cách khắc phục như thế nào?
Đau đầu phía trước là bệnh gì?
Đau đầu phía trước là cơn đau đầu tập trung nhiều ở vùng trán. Người bệnh cảm thấy đau từ vùng giữa ấn đường đến hai bên thái dương. Các cơn đau tại vị trí này tác động nhiều đến vùng mắt khiến người bệnh có các triệu chứng như giảm thị lực, mệt mỏi, chóng mặt hoặc buồn nôn…
Đau đầu phía trước còn có tên gọi khác là đau đầu ở vùng trán. Khi người bệnh thường xuyên bị đau ở khu vực này có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý sau đây:
Viêm xoang trán
Viêm xoang trán là bệnh lý mãn tính, chỉ tình trạng các mô xoang ở xung quanh vùng trán bị viêm do dị ứng hoặc do nhiễm trùng. Khi khu vực này bị viêm nhiễm sẽ dẫn tới hiện tượng gián đoạn dẫn lưu dịch nhầy làm dịch nhầy ứ trệ lại hốc xoang, từ đó tăng áp lực lên vùng trán, thái dương hoặc hốc mắt.
Người bệnh bị tổn thương ở các mô xoang sẽ xuất hiện các cơn đau đầu phía trước, cơn đau tập trung ở vùng trán. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị giảm thị lực, đau nhức mũi, ho hoặc chảy nước mũi. Viêm xoang là bệnh lý mãn tính do đó khiến người bệnh rất mệt mỏi, hơi thở có mùi hôi và xuất hiện hiện tượng giảm khứu giác.
Đau đầu phía trước do tác động tâm lý
Các cơn đau đầu vùng trán xuất hiện thường xuyên, kéo dài và mức độ ngày càng tăng nặng có thể do hệ thần kinh của người bệnh bị chèn ép, căng thẳng, thậm chí dẫn tới hiện tượng đau đầu giật dây thần kinh. Tình trạng này có thể xảy ra do một sang chấn về tâm lý hoặc người bệnh bị trầm cảm, stress kéo dài.
Khi bị tâm lý, người bệnh không chỉ xuất hiện các cơn đau đầu phía trước mà còn có các biểu hiện khác như thường xuyên mệt mỏi, lo âu, thiếu tập trung. Các cơn đau kéo dài và có xu hướng tăng nặng khi người bệnh có những bất ổn về cảm xúc. Ngoài ra, người bệnh còn bị mất ngủ và giảm trí nhớ nghiêm trọng.
Một số bệnh lý khác
Bên cạnh hai bệnh lý chủ yếu gây ra tình trạng đau đầu phía trước, một số bệnh lý não bộ và thần kinh dưới đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này:
- Bệnh u não: Bệnh u não xuất hiện khi tế bào não bộ bị kích thích và tăng sinh bất thường. Các khối u này chèn ép lên mạch máu não dẫn tới các triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất cân bằng…
- Bệnh mạch máu não: Đây là bệnh lý xuất hiện khi động mạch trong não bị tổn thương do người bệnh bị tiểu đường, thường xuyên hút thuốc lá hoặc huyết áp cao. Khi các mạch máu não bị tổn thương sẽ ảnh hưởng tới chức năng của não bộ và người bệnh sẽ cảm nhận được các triệu chứng điển hình như đau đầu ù tai, suy giãn tĩnh mạch hoặc rối loạn cảm giác.
- Rối loạn thần kinh chức năng: Tình trạng này xảy ra khi rối loạn dây thần kinh nhưng không có tổn thương thực thể. Người bệnh có thể có các triệu chứng điển hình là đau đầu, khó nuốt, mất thăng bằng, nói lắp…
Đau đầu phía trước có thể là triệu chứng nguy hiểm nếu các cơn đau xuất hiện thường xuyên và ngày càng tăng nặng. Nếu nguyên nhân đau đầu xuất phát từ yếu tố tâm lý thì thường không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người bệnh. Nhưng nếu xuất phát từ các bệnh lý não bộ, thần kinh hoặc viêm xoang trán thì người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra.
Các bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng lên mắt, hệ thần kinh, não bộ và mạch máu. Ngoài ra, các cơn đau kéo dài sẽ giảm mức độ tập trung của người bệnh và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như các hoạt động sinh hoạt và làm việc.
Cách khắc phục đau đầu phía trước
Để khắc phục hiện tượng đau đầu phía trước một cách hiệu quả, bên cạnh việc tới cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám và điều trị thì người bệnh cũng cần duy trì một lối sống khoa học và lành mạnh.
Thăm khám và điều trị
Để khắc phục tình trạng đau đầu phía trước, người bệnh cần đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế có uy tín khi có các dấu hiệu bệnh để được khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị. Các bác sĩ sau khi tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất, giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện các triệu chứng.
Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý dùng thuốc sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, khó điều trị. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số cách khắc phục để giảm đau hiệu quả.
Các mẹo giảm đau tại nhà
Để giảm đau nhanh chóng và cải thiện các triệu chứng khó chịu, người bệnh có thể áp dụng các mẹo giảm đau hiệu quả tại nhà như sau:
- Chườm khăn ấm: Chườm khăn ấm lên vùng trán trong khoảng 10 đến 20 phút giúp giảm đau đầu phía trước nhờ tác động nhiệt giúp quá trình dẫn lưu dịch ở xoang diễn ra thuận lợi hơn.
- Xoa bóp ấn đường – thái dương: Hai huyệt đạo ấn đường và thái dương khi được xoa bóp sẽ có tác dụng giảm đau và an thần.
- Uống trà gừng: Trà gừng giúp hỗ trợ giảm đau, giảm triệu chứng hoa mắt chóng mặt hiệu quả.
- Xông mũi với lá bạc hà: Biện pháp này được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị đau đầu do dị ứng và bệnh lý về xoang, giúp giảm phù nề niêm mạc đường hô hấp và loại bỏ dị nguyên trong mũi.
- Vệ sinh mũi: Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi có tác dụng làm sạch mũi, sạch dịch nhầy từ đó làm dịu niêm mạc và cải thiện triệu chứng phù nề.
Thư giãn và nghỉ ngơi khoa học
Thông thường, các cơn đau đầu xảy ra do căng thẳng thần kinh. Do đó, người bệnh cần được thư giãn và nghỉ ngơi khoa học để giảm áp lực lên hệ thần kinh trung ương. Việc nghỉ ngơi bằng cách thực hiện những thói quen tốt, luôn suy nghĩ tích cực, ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ giúp hạn chế nguy cơ bị suy nhược cơ thể và thiểu năng tuần hoàn não.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể ngồi thiền hoặc tập yoga để thúc đẩy tuần hoàn máu,thư giãn hệ thần kinh và giảm căng thẳng, mệt mỏi. Mỗi ngày, người bệnh nên dành ra khoảng 30 phút tập luyện để giúp cải thiện tình trạng đau đầu, tăng cường thể lực và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Có chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong việc cải thiện hệ tuần hoàn máu lên não, từ đó giúp người bệnh giảm được các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu… Một số thực phẩm còn giúp cải thiện hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng và giảm căng thẳng. Các thực phẩm nên bổ sung là:
- Thực phẩm giàu sắt: Sắt giúp sản sinh hồng cầu và giảm triệu chứng do một số bệnh về mạch máu não gây ra. Các thực phẩm giàu chất sắt là: thịt bò, thịt gà, gan, lòng đỏ trứng, các loại hạt và đậu phụ.
- Thực phẩm giàu Omega 3: Omega 3 giúp bảo vệ tim mạch, xương khớp và não bộ. Do đó, người bệnh nên bổ sung nhóm thực phẩm này để giảm đau đầu hiệu quả.
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: Cá hồi, mật ong, bơ, lựu… giúp chống thoái hóa tế bào thần kinh, bảo vệ mạch máu và tăng cường chức năng não bộ..
Ngoài ra, người bệnh cần tránh các loại thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có gas và rượu bia, thuốc lá.
Đau đầu phía trước có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý viêm xoang, não bộ và thần kinh khá nguy hiểm. Do đó, khi có các triệu chứng, người bệnh không nên chủ quan và cần chủ động thăm khám và điều trị bệnh một cách khoa học, hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!