Đau đầu căng thẳng là loại đau đầu phổ biến có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau đầu căng thẳng là các vấn đề về tâm lý. Vậy đau đầu căng thẳng có nguy hiểm không? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiện tượng đau đầu căng thẳng là gì?
Đau đầu căng thẳng là gì?
Đau đầu căng thẳng là một trong những loại bệnh đau đầu liên quan đến hiện tượng căng cơ, xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu từ tâm lý người bệnh. Đau đầu dạng này thường được gọi là đau đầu lành tính vì không phải do tình trạng bệnh gây ra. Những tên gọi khác của bệnh từng được dùng là đau đầu căng cơ, đau đầu nguyên phát, đau đầu stress.
Triệu chứng
Tình trạng này thường làm xuất hiện các cơn đau ở hai bên đầu, từ mức độ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy đầu bị căng ra và nặng nặng ở hai mắt. Đau đầu căng thẳng khác hoàn toàn so với tình trạng đau đầu do các bệnh lý thần kinh, bệnh nhân có thể dựa vào các triệu chứng phổ biến sau đây:
- Cảm giác đau căng xung quanh đầu, có cảm giác như đầu bị bó chặt.
- Cổ và vai thường có cảm giác căng và đau khi chạm vào.
- Mất ngủ hoặc khó có thể tập trung.
- Khó chịu, dễ cáu gắt.
- Các cơn đau tăng lên khi bị stress, mệt mỏi hoặc ở khu vực nhiều ánh sáng và ồn ào.
Nguyên nhân
Hiện tại, nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu do stress vẫn chưa được làm rõ. Tình trạng này không chỉ có một nguyên nhân duy nhất gây ra. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên nhân chủ yếu thường là từ phía công việc, trường học, gia đình hoặc các mối quan hệ khác trong xã hội. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể gây ra hiện tượng đau đầu do quá stress là:
- Nghỉ ngơi không đủ thời gian khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Tư thế ngồi không đúng.
- Trầm cảm.
- Lo lắng quá độ.
- Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn cũng như chất kích thích.
- Thiếu sắt.
Đau đầu căng thẳng có nguy hiểm không?
Tình trạng đau đầu do quá stress không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Đây chỉ đơn thuần là một báo hiệu của cơ thể nhắc nhở bạn nên thư giãn, nghỉ ngơi, khi hết căng thẳng thì cơn đau đầu cũng tan biến theo.
Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, tình trạng đau đầu chuyển sang thể mãn tính sẽ gây ra các bệnh lý đau đầu nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Điểm danh một số biến chứng của đau đầu căng thẳng:
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
- Suy giảm chất lượng cuộc sống, khó tập trung, làm việc kém hiệu quả.
- Tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu.
- Sử dụng quá mức thuốc giảm đau có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn.
- Đau đầu mãn tính nếu không điều trị kịp thời.
Cách chẩn đoán bệnh
Hỏi bệnh sử chi tiết:
- Đặc điểm cơn đau: vị trí, tính chất, tần suất, thời gian, yếu tố khởi phát/làm nặng.
- Triệu chứng kèm theo: buồn nôn, chóng mặt, nhạy cảm ánh sáng/âm thanh.
- Tiền sử bệnh, thuốc đang dùng, lối sống, stress.
Khám thực thể:
- Đánh giá tổng quát: huyết áp, mạch, nhiệt độ.
- Khám thần kinh: phản xạ, cảm giác, sức mạnh cơ, thị lực, thính giác.
- Khám chuyên khoa khác nếu cần (tai mũi họng, mắt...).
Xét nghiệm (nếu nghi ngờ nguyên nhân khác): Xét nghiệm máu, chụp X-quang, CT/MRI não.
Chẩn đoán loại trừ: Loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự như đau nửa đầu, u não...
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
- Cơn đau đầu kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày.
- Ít nhất 2 trong các đặc điểm: đau hai bên đầu, đau âm ỉ hoặc bóp chặt, không nặng lên khi hoạt động thường ngày.
- Không có buồn nôn hoặc nôn, không sợ ánh sáng hoặc âm thanh.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
- Những người thường xuyên chịu áp lực từ công việc hoặc cuộc sống cá nhân.
- Những người có tiền sử rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
- Những người sử dụng chất kích thích quá mức.
- Những người có tư thế làm việc không đúng, đặc biệt là những người làm việc văn phòng hoặc ngồi nhiều.
- Phụ nữ, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh.
- Những người có người thân trong gia đình từng bị đau đầu căng thẳng.
- Người cao tuổi, do sự thay đổi về thể chất và tâm lý theo tuổi tác.
Lưu ý khi bị đau đầu căng thẳng
Với tình trạng đau đầu căng thẳng, người bệnh nên ưu tiên thời gian nghỉ ngơi và chủ động phòng tránh triệu chứng thông qua việc xây dựng thói quen sinh hoạt hằng ngày lành mạnh. Những điều người bệnh cần lưu ý khi bị đau dầu do stress như:
- Cho phép bản thân có những khoảng lặng để tái tạo năng lượng và cân bằng tâm trí.
- Giữ tinh thần lạc quan, tránh các tình trạng gây căng thẳng.
- Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và giảm thiểu tình trạng đau đầu.
- Ăn uống điều độ, tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho não bộ.
- Đảm bảo giấc ngủ đầy đủ và đều đặn để cơ thể phục hồi năng lượng và não bộ được nghỉ ngơi tối ưu.
- Không sử dụng các chất kích thích và đồ uống có cồn như thuốc lá, rượu, bia.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Đau đầu thường xuyên, kéo dài hơn vài tuần.
- Đau đầu dữ dội, đột ngột, khác với bình thường.
- Đau đầu kèm sốt, cứng cổ, lú lẫn, yếu liệt, thay đổi thị lực, nói khó.
- Đau đầu gây cản trở đáng kể đến cuộc sống hàng ngày, và các phương pháp tự chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả mong muốn.
Điều trị đau đầu căng thẳng
Đau đầu dạng căng thẳng nên điều trị ngay khi mới xuất hiện và các triệu chứng còn nhẹ. Có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhằm đạt mục đích chung là giảm đau đầu và một số triệu chứng đi kèm.
Sử dụng thuốc Tây
Thông thường, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc Tây để giảm thiểu và ngăn chặn các cơn đau. Nếu vẫn không có hiệu quả, người bệnh sẽ được kê thêm một số loại thuốc giảm đau theo toa hoặc thuốc trầm cảm và thuốc an thần.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Alaxan, Ibuprofen… có tác dụng giảm đau đầu nhanh chóng.
- Thuốc an thần: Có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, giảm cảm giác lo lắng và căng thẳng quá mức.
- NSAID: Thuốc NSAID như Ibuprofen và Naproxen có tác dụng kiểm soát cơn đau đầu do căng thẳng từ nhẹ đến trung bình.
- Opioid: Thuốc giảm đau gây nghiện này có thể được chỉ định để điều trị tình trạng đau đầu do căng thẳng nghiêm trọng, nếu sử dụng NSAIDs vẫn không mang lại hiệu quả.
Lưu ý, bạn nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về thời gian và liều dùng thuốc để phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc.
Phương pháp điều trị theo Đông y
Thay vì sử dụng thuốc Tây, bệnh nhân có thể sử dụng các bài thuốc Đông y vô cùng an toàn và lành tính. Theo Đông y, đau đầu do căng thẳng thường do nhiều nguyên nhân tác động, tuy nhiên nguyên do thiếu máu não thường bị bỏ qua. Do đó, Đông y tập trung vào tăng cường máu lên não để giảm các cơn nhức đầu căng thẳng hiệu quả.
Tham khảo bài thuốc Đông y chữa đau đầu do căng thẳng sau đây:
Các bài thuốc Đông y thường được chỉ định và cho hiệu quả tích cực như:
Bài Thuốc Thiên Ma Câu Đằng Thang
- Thành phần: Thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh mỗi loại 12g; Bạch thược, đỗ trọng, ngưu tất, ích mẫu thảo mỗi dược liệu 10g, cùng 6g cam thảo.
- Cách dùng: Sắc tất cả các vị thuốc với 600ml nước, đun sôi nhỏ lửa trong 30 phút. Dùng 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng thời gian đều đặn.
Bài Thuốc Bán Hạ Bạch Truật Thiên Ma Thang
- Thành phần: Bán hạ, bạch truật,thiên ma mỗi loại 9g; Trần bì, chỉ xác chuẩn bị mỗi loại 6g; Sinh khương 3 lát và đại táo 3 quả
- Cách dùng: Sắc tất cả các vị thuốc với 500ml nước, đun sôi nhỏ lửa trong 30 phút. Dùng 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng thời gian đều đặn.
Bài Thuốc Khương Hoạt Tế Tân Thang
- Thành phần: Khương hoạt, phòng phong mỗi loại 6g; Tế tân, cam thảo mỗi loại 3g cùng Bạch truật 9g
- Cách dùng: Sắc tất cả các vị thuốc với 400ml nước, đun sôi nhỏ lửa trong 20 phút. Uống 1 lần trong ngày.
Để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, nên sử dụng thuốc đều đặn trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng.
Mẹo dân gian đơn giản
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp giảm đau tự nhiên tại nhà. Dưới đây là một số gợi ý để kiểm soát cơn đau đầu căng thẳng mà không cần dùng đến thuốc:
- Chườm nước đá: Nhiệt lạnh có tác dụng giúp các mao mạch máu thu nhỏ lại và cải thiện lưu thông đến trán, nhờ vậy mà các cơn đau sẽ được giảm đáng kể. Do đó, khi bị đau đầu stress, hãy sử dụng một chiếc khăn mỏng lạnh di chuyển qua lại trên trán trong khoảng 10 phút, các cơn đau sẽ được giảm thiểu đáng kể.
- Hít thở: Nếu gặp phải các cơn đau đầu do stress, người bệnh nên hít vào trong khoảng 5 giây rồi lại thở ra trong 5 giây. Hít thở sâu và đều đặn giúp tăng cường cung cấp oxy cho máu, cải thiện lưu thông máu đến não, nhờ đó giảm căng thẳng và xoa dịu cơn đau đầu một cách tự nhiên.
- Gừng: Gừng có tác dụng kháng viêm, giảm sưng, kích hoạt não làm việc và thư giãn các mạch máu. Vì vậy, khi căng thẳng hoặc đau đầu, một ly nước gừng mật ong ấm có thể giúp bạn thư giãn, giảm mệt mỏi và làm dịu cơn đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng liệu pháp xông tinh dầu gừng để giảm cơn đau đầu khó chịu.
Dược liệu hỗ trợ trị bệnh
Y học cổ truyền đã sử dụng nhiều loại dược liệu tự nhiên để điều trị các chứng đau đầu, bao gồm cả đau đầu căng thẳng, trong hàng ngàn năm. Các dược liệu này thường có nguồn gốc từ thực vật, động vật hoặc khoáng vật, và được sử dụng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, hoặc cao thuốc.
Công dụng chính của dược liệu sử dụng trong điều trị đau đầu căng thẳng bao gồm:
- Xoa dịu cơn đau đầu một cách tự nhiên.
- An thần, giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng và lo âu, từ đó giảm bớt các triệu chứng đau đầu.
- Cải thiện tuần hoàn máu não, giúp cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho não, từ đó giảm đau đầu và mệt mỏi.
- Điều hòa khí huyết, khôi phục sự cân bằng trong cơ thể, từ đó giảm đau đầu.
Một số dược liệu thường dùng như:
- Thiên ma
- Câu đằng
- Bạch thược
- Bán hạ
- Khương hoạt
Đau đầu căng thẳng là dạng đau đầu phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Do đó, người bệnh cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải tình trạng này.
Đau đầu hay quên là tổ hợp triệu chứng phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân có thể là do stress, thiếu ngủ, chấn thương đầu đến bệnh lý thần kinh, rối loạn tâm thần. Các phương pháp điều trị bao gồm: Liệu pháp tâm lý, thuốc Tây y và Đông y, kết hợp mẹo dân gian. Người bệnh có thể phòng ngừa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, quản lý căng thẳng và thăm khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!