Xuyên tâm liên là một loài cây thân thảo được ví như “kháng sinh thực vật” trong y học. Từ lâu, Đông y đã nhắc tới khả năng giảm đau, kháng viêm, tăng đề kháng, giải độc, thanh nhiệt của dược liệu. Vậy vị thuốc này có công dụng gì, cách dùng như thế nào? Hãy cùng Tạp chí Đông y giải đáp qua nội dung dưới đây!
Xuyên tâm liên là gì? Nguồn gốc từ đâu?
Xuyên tâm liên là tên của một loại dược liệu được giới khoa học gọi là Andrographis paniculata. Dân gian quen gọi vị thuốc này là cây công cộng, lãm hạch liên, cây lá đắng, nhất kiến hỷ, khổ đởm thảo, khô đảm thảo, hùng bút, nguyên cộng…
Từ xa xưa, cây xuyên tâm liên thường được sử dụng trong chữa trị cảm cúm, viêm họng, ho, sốt, nhiễm trùng, viêm phổi… cùng các bệnh đau nhức xương khớp, bệnh về đường tiết niệu.
Nguồn gốc dược liệu
Xuyên tâm liên là cây thuốc bản địa của Ấn Độ và Sri Lanka, do quá trình di thực nên dược liệu được trồng nhiều ở miền Nam Trung Quốc, khu vực Nam Á, Đông Nam Á. Hiện nay, dược liệu cũng được trồng tại một số quốc gia của Trung Mỹ, châu Phi, Australia, khu vực Caribe.
Tại Việt Nam, dược liệu này được trồng nhiều ở khu vực vùng núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Điển hình là các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An…
Đặc điểm thực vật
Cây xuyên tâm liên ưa bóng, sinh trưởng tốt ở 22-26°C. Trong tự nhiên, dược liệu này phát triển mạnh mẽ ở những khu vực có khí hậu mát mẻ, đất có độ ẩm lớn. Vị thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ này mang các đặc điểm sau:
- Dược liệu có thân thảo thẳng đứng, chiều cao khoảng 0.3-0.8m, có cây lên đến 1m. Tuổi thọ trung bình của dược liệu này khoảng 1-2 năm.
- Thân cây vuông, dọc thân có nhiều đốt và các rãnh nhỏ, từng nhánh phân tách rõ rệt mọc theo 4 hướng.
- Hoa cây thuốc màu trắng, điểm màu hồng ở giữa, thường mọc thành chùm ở nách lá hoặc ngọn cành.
- Lá xuyên tâm liên mọc đối xứng nhau, từng lá có hình mũi mác hoặc hình trứng dài khoảng 4-6cm, phần cuống ngắn rõ rệt. Lá cây tù ở giữa, 2 đầu nhọn, bề mặt nhẵn và mang màu xanh lục.
- Quả dạng nang dài, kích thước chiều rộng 3.5mm, chiều dài 16mm.
- Hạt cây thuốc hình trụ, thuôn dài và mang màu từ vàng nhạt đến nâu nhạt.
Bộ phận làm thuốc
Phần nổi trên mặt đất gồm thân và lá cây xuyên tâm liên được sử dụng làm thuốc. Một số địa phương cũng kết hợp rễ dược liệu này với những vị thuốc khác để trị bệnh.
Thu hái, sơ chế
Thời điểm thu hoạch xuyên tâm liên thích hợp nhất là khi cây bắt đầu ra hoa. Sau khi thu hái người ra sẽ cắt dược liệu thành từng đoạn rồi đem phơi hoặc sấy khô.
Quy kinh, tính vị
Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh Phế, kinh Can.
Liều lượng sử dụng
Có thể sử dụng dược liệu ở nhiều dạng khác nhau như sắc thành nước thuốc, tán bột, viên hoàn… với liều lượng 6-15g/ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là định lượng tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mỗi người mà thầy thuốc sẽ có chỉ định phù hợp.
Tác dụng phụ
Dược liệu có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau dạ dày, nôn và buồn nôn, hạ huyết áp, vô sinh. Do vậy người dùng tuyệt đối không nên lạm dụng, tránh gây hại cho sức khỏe.
Cây xuyên tâm liên có tác dụng gì?
Được mệnh danh là “kháng sinh thực vật” với khả năng kháng viêm, giảm đau, củng cố đề kháng,… xuyên tâm liên dược liệu được cả Đông y và Tây y đánh giá cao. Cả hai nền y học đều khẳng định những giá trị sức khỏe của cây thuốc này.
Tác dụng của xuyên tâm liên trong quan niệm Đông y
Đông y cho rằng, xuyên tâm liên có tính mát, vị đắng, tác dụng chính là hoạt huyết, tiêu thũng, chỉ thống, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm sưng. Chủ trị viêm amidan, ho, sốt, viêm nhiễm đường ruột, mụn nhọt, đau bụng kinh, viêm âm đạo, khí hư ra nhiều…
Trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” xuất bản năm 1962, GS.TS Đỗ Tất Lợi đã đánh giá cao khả năng trị viêm khớp và đau nhức xương khớp nói chung của cây thuốc. Đồng thời, ông cũng đề cập đến việc những bệnh nhân bị rắn cắn có thể dùng dược liệu này để loại bỏ nọc độc.
Theo một số tài liệu dân gian Quảng Châu – Trung Quốc, xuyên tâm liên có tác dụng tiêu thũng, giảm đau, thanh nhiệt và giải độc tốt nên hiệu quả trong chữa lành vết thương, trị lỵ cấp, viêm phế quản… Xưa kia, người Hoa còn sử dụng dược liệu để trị chứng tiểu buốt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Ở một số tỉnh miền Trung của nước ta, người dân địa phương còn sử dụng cây và lá xuyên tâm liên để làm thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh bị ứ huyết, tắc kinh, đau nhức tê thấp, mọc nhọt sau tai… Ngoài ra, vị thuốc cũng thường được nhân dân giã nát đắp vào vùng da có mụn nhọt, ghẻ lở… nhằm giảm viêm ngứa.
Công dụng của dược liệu trong nghiên cứu khoa học hiện đại
Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã tìm ra hàm lượng lớn tanin – hợp chất có khả năng kháng khuẩn, kháng virus cao trong cây công cộng. Đồng thời, dược liệu này cũng chứa khoảng 14 loại các hợp chất glucozit và flavon, nổi bật nhất là andrographolide – một thành phần quan trọng trong kháng viêm, chống nhiễm khuẩn.
Theo đó, xuyên tâm liên giúp kháng khuẩn, chống lại quá trình oxy hóa, tiêu sưng, chống viêm, hỗ trợ miễn dịch vô cùng hiệu quả. Nhờ vậy dược liệu tốt cho việc ức chế sự phát triển, di căn của các tế bào ung thư. Đặc biệt, vị thuốc kháng sinh thực vật này có tác dụng giảm đau tương tự Aspirin nhưng không để lại tác dụng phụ.
Mặt khác, lãm hạch liên cũng giúp hạ thân nhiệt, kháng viêm thông qua chức năng của tuyến thượng thận, tác động mạnh vào các loại vi trùng như Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Escherichia coli,…
Vậy cụ thể cây, lá xuyên tâm liên có tác dụng gì? Dưới đây là những lợi ích chính của vị thuốc này:
- Hỗ trợ điều trị bệnh về hô hấp, điển hình như viêm phế quản, khó thở, ho, tức ngực.
- Chống viêm, ức chế mạnh mẽ hoạt động của các loại vi khuẩn.
- Ngăn chặn sự tổn thương tế bào, ức chế hoạt động của các gốc tự do và nhiều phản ứng oxy hóa.
- Hạ thân nhiệt, kháng viêm hiệu quả thông qua hoạt động của tuyến thượng thận.
- Loại bỏ cơn đau đầu, sốt ở bệnh nhân cảm cúm.
- Điều hòa kinh nguyệt, cải thiện tình trạng mất kinh cho nữ giới.
- Phục hồi chức năng gan, cải thiện chứng vàng da.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như tróc lở, mụn nhọt, viêm ngứa, áp xe.
- Chống viêm nhiễm qua cơ chế tăng tác dụng thực bào của bạch cầu miễn dịch.
Một số bài thuốc từ cây và lá xuyên tâm liên
Trong dân gian và y học cổ truyền lưu giữ nhiều bài thuốc từ dược liệu này. Bạn đọc có thể tham khảo một số bài thuốc từ cây công cộng như sau:
Chữa ho do lạnh:
- Dùng 12g dược liệu, 10g tang bạch bì cùng 8g cam thảo. Sắc các dược liệu với 3 bát nước đến khi còn 1 bát thì dừng lại.
- Lượng nước thuốc thu được chia làm 2 lần và uống hết trong ngày, duy trì trong 5 ngày liên tiếp để hết cơn ho.
Chữa cảm mạo, đau đầu:
- Lấy 2g bột thuốc chiêu với nước ấm, ngày dùng 3 lần.
- Kết thúc 5 ngày dùng thuốc liên tục thì ăn cháo nóng.
Hỗ trợ điều trị viêm amidan:
- 12g mỗi vị xuyên tâm liên, kim ngân hoa, huyền sâm, mạch môn.
- Sắc tất cả dược liệu với 3 bát nước đến khi còn 1 bát, nước thuốc thu được chia làm 2 lần dùng trong ngày.
- Nên dùng thuốc khi còn ấm, duy trì đủ 9 ngày để thấy hiệu quả.
Trị lở ngứa, rôm sảy, mụn nhọt:
- Giã nát 1 nắm dược liệu với rượu, hỗn hợp thu được dùng để xoa đắp tại chỗ.
- Nên kết hợp với bài thuốc sắc gồm sài đất, kim ngân hoa, lá tre, bèo cái, trắc bá diệp đến khi khỏi hẳn rôm sảy, ngứa ngáy.
Xuyên tâm liên trị mụn:
- Lá xuyên tâm liên đem rửa sạch, giã nát và thoa lên vùng da bị mụn.
- Có thể tận dụng bã thuốc để đắp lên da, hiệu quả điều trị mụn sẽ được nâng cao.
Bài thuốc trị tiểu nhỏ giọt, nước tiểu vàng:
- Dùng 15 lá xuyên tâm liên tươi, rửa sạch để ráo và giá nát.
- Cuối cùng thêm vào chút mật ong rồi hãm thêm nước sôi uống như trà, dùng 5 ngày liên tục để đạt kết quả mong muốn.
Cải thiện viêm phế quản:
- Chuẩn bị 12g mỗi vị xuyên tâm liên khô, mạch môn, huyền sâm; 4g mỗi loại cam thảo, tần bì.
- Đem thang thuốc đi sắc uống đều đặn hằng ngày, dùng trong 9 ngày liên tiếp.
Trị viêm gan B:
- Sắc chung 15g xuyên tâm liên với 25g xạ đen, 25g cà gai leo và 1l nước.
- Mỗi ngày sắc 1 thang như vậy, liên tục trong 3 tháng để cải thiện chức năng gan.
Bài thuốc chữa áp xe:
- Dùng 1 nắm dược liệu đã rửa sạch giã chung cùng muối hạt, chắt lấy phần nước cốt thu được rồi uống hết.
- Phần bã thuốc đem đắp lên khối áp xe khoảng 15 phút sau đó đi rửa sạch, thực hiện mỗi ngày để có hiệu quả mong muốn.
Chữa sốt, đau họng, đau đầu:
- Kết hợp xuyên tâm liên, kim ngân hoa, ngưu bàng tử và cát cánh.
- Sắc nấu dược liệu, lấy phần nước uống hết trong ngày.
Trị ho hen, ho ra đờm vàng:
- Dùng dược liệu kết hợp ngư tịch thảo, cát cánh.
- Đem sắc lấy nước uống trong ngày.
Bài thuốc trị tả lỵ: Kết hợp dược liệu với mã xỉ hiện.
Bài thuốc trị ghẻ lở, rắn cắn:
- Sử dụng 10-20g thân và lá xuyên tâm liên sắc với nước uống.
- Hoặc người bệnh cũng có thể tán lấy bột, mỗi lần dùng 2-4g và đều đặn 2-3 lần/ngày.
- Ngoài ra, tắm bằng lá xuyên tâm liên cũng chữa nấm và ghẻ lở rất tốt.
Một số lưu ý khi sử dụng xuyên tâm liên
Từ xa xưa cây xuyên tâm liên đã được sử dụng như một loại kháng sinh tự nhiên, cho hiệu quả cao trong thanh nhiệt, giải độc và giảm đau. Trong đó, đặc tính kháng sinh của dược liệu này được đánh giá cao vì có thể loại bỏ viêm nhiễm nhưng không gây bất cứ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, các nghiên cứu về liều lượng cụ thể chưa nhiều nên người dùng cần hết sức lưu ý.
Trong quá trình sử dụng dược liệu, mỗi người nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Thời gian đầu dùng xuyên tâm liên các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, cơ thể khó chịu có thể xuất hiện. Nếu gặp tình trạng này bệnh nhân nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi tiếp tục sử dụng.
- Đối tượng đang mang thai và cho con bú không nên sử dụng dược liệu.
- Những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng tránh sử dụng cây thuốc.
- Bệnh nhân bị chảy máu, có chấn thương, người sau phẫu thuật không nên dùng cây thuốc vì có thể ảnh hưởng tới quá trình đông máu.
- Các đối tượng đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống đông máu… nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dược liệu.
- Khi sử dụng dược liệu dài ngày có thể gây buồn nôn, thậm chí là tiêu chảy nên cần hết sức lưu ý.
- Đối tượng tỳ vị hư hàn không nên dùng xuyên tâm liên.
Xuyên tâm liên mua ở đâu tốt và uy tín? Giá bán bao nhiêu?
Do đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong điều trị COVID-19 nên cây thuốc xuyên tâm liên nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng. Những câu hỏi như “cây xuyên tâm liên bán ở đâu” hay “xuyên tâm liên mua ở đâu uy tín” được rất nhiều người đặt ra.
Thực tế, đây là dược liệu đã được trồng phổ biến tại Việt Nam và được Đông y tin dùng từ lâu, do vậy sẽ không quá khó để tìm mua. Tùy thuộc vào từng địa chỉ cung cấp, thời điểm mua, các chương trình khuyến mãi đi kèm mà người tiêu dùng có thể mua vị thuốc này với giá khoảng từ 350.000-450.000đ/kg.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi tìm mua xuyên tâm liên người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo, chỉ lựa chọn cơ sở uy tín, cung cấp nguồn dược liệu đạt chuẩn, đảm bảo hàm lượng dược chất tối ưu. Trong đó, Trung tâm Dược liệu Quốc gia Vietfarm là đơn vị uy tín trong cung ứng dược liệu sạch, được nhiều chuyên gia tin tưởng giới thiệu.
Dược liệu xuyên tâm liên khô do Vietfarm cung cấp được nuôi trồng và thu hái KHÉP KÍN từ các vùng chuyên canh đạt chuẩn. Sau khi thu hái và làm sạch, dược liệu được sấy khô thăng hoa theo công nghệ Nhật Bản và đóng thành các túi zip 500g. Trong suốt quá trình này, Vietfarm cam kết không sử dụng hóa chất, chất bảo quản, chất lượng đảm bảo tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.
Như vậy bài viết đã chia sẻ thông tin chi tiết về đặc điểm nguồn gốc, tác dụng, các bài thuốc chữa bệnh từ xuyên tâm liên. Hy vọng nội dung hữu ích cho quá trình tìm hiểu về dược liệu giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao miễn dịch trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!