Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Bị ngứa da vào ban đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và còn khiến tinh thần người bệnh sa sút. Chuyên gia cho biết, đây cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng này, đồng thời đưa ra hướng chẩn đoán, điều trị phù hợp cho người mắc.

Bị ngứa da vào ban đêm là thế nào?

Ngứa da vào ban đêm còn được gọi là nocturnal pruritus - Đặc trưng bởi biểu hiện ngứa ngáy ngoài da gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ. Thông thường, ban ngày người bệnh chỉ thấy ngứa nhẹ, ngứa râm ran, thậm chí không ngứa. Tuy nhiên, về ban đêm triệu chứng này gia tăng đột ngột.

Một số biểu hiện khác có thể đi kèm khi bị ngứa da ban đêm như:

  • Da bị khô, thiếu độ ẩm.
  • Nóng rát da, xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti sần gồ lên bên mặt da.
  • Có mụn nước, chảy dịch vàng hoặc trắng đục.
  • Một số biểu hiện khác như mệt mỏi, chán ăn, tiểu đêm nhiều lần, sốt nhẹ.

bi-ngua-da-vao-ban-dem
Ngứa da vào ban đêm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ

Bị ngứa da vào ban đêm do đâu? Cảnh báo chứng bệnh gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngứa da vào ban đêm. Cụ thể, chuyên gia Da liễu đã phân chia thành 2 nguyên nhân chính: Nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bệnh lý.

Nguyên nhân bên ngoài

Một số tác nhân bên ngoài dẫn đến tình trạng ngứa da vào ban đêm như:

  • Dị ứng thức ăn: Nếu trong bữa ăn trước đó bạn tiêu thị các thực phẩm dễ gây dị ứng cho cơ thể (phổ biến là hải sản, sữa, đậu phộng, trứng,...) có thể gây mẩn ngứa, phát ban với mức độ nặng nhẹ tùy theo mức độ phản ứng của cơ thể với các thực phẩm này.
  • Dị ứng thời tiết: Thời tiết thay đổi nóng lạnh đột ngột khiến da dễ bị kích ứng và dẫn đến triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ, nóng rát, phát ban khó chịu. Bên cạnh đó, khi trời quá nóng khiến da đổ mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước và trời lạnh môi trường khô, cả 2 điều này đều khiến cơ thể thiếu nước, gây khô da và kích thích ngứa ngáy.
  • Dị ứng thuốc: Một số loại thuốc tiềm ẩn những tác dụng phụ cho người dùng như dị ứng mẩn ngứa, nổi mề đay, phát ban,... sau khi sử dụng. Việc sử dụng sai cách, dùng quá liều cũng sẽ gây những phản ứng tiêu cực trên da.
  • Tiếp xúc dị nguyên bên ngoài môi trường: Bao gồm khói thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa, lông các loài động vật,... khi tiếp xúc với da sẽ gây hiện tượng phát ban, mẩn ngứa, sần đỏ.
  • Vệ sinh da kém: Quá trình vệ sinh, làm sạch da sai cách khiến bụi bẩn, mồ hôi, vi khuẩn không được làm sạch hoàn toàn. Điều này dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và gây bị ngứa da vào ban đêm.
  • Tâm lý căng thẳng: Áp lực tâm lý kéo dài sẽ kích thích dây thần kinh dưới da, điều này dẫn tới những phản ứng mẩn đỏ, da ngứa châm chích cả ngày và đêm.

Bị ngứa da vào ban đêm cảnh báo bệnh nguy hiểm

Tình trạng ngứa da vào ban đêm diễn ra liên tục còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm của cơ thể như:

  • Các bệnh da liễu

Khi mắc bệnh da liễu như chàm, mề đay, ghẻ, rôm sảy, lang ben, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng,... sẽ gây ra tình trạng ngứa ngáy khắp cơ thể kèm theo triệu chứng mẩn đỏ, nổi nốt sần, da khô, bong tróc,...

Tình trạng ngứa ngáy do bệnh da liễu bùng phát nghiêm trọng hơn vào ban đêm bởi bị kích thích bởi yếu tố như nhiệt độ thay đổi, cơ thể thiếu nước,... Nếu không điều trị sớm sẽ chuyển biến từ giai đoạn cấp tính sang mãn tính khó điều trị.

  • Bệnh về gan

Gan có nhiệm vụ thải độc cho cơ thể, vậy nên khi bộ phận này bị tổn thương như xơ gan, gan nhiễm mỡ, ung thư gan,... sẽ khiến chức năng thải độc suy giảm, độc tố không thể đào thải sẽ tích tụ trong máu, kích phát ra ngoài với triệu chứng ngứa da, vàng da, nổi mụn nhọt.

bi-ngua-da-vao-ban-dem
Bị bệnh gan là nguyên nhân dẫn đến ngứa da vào ban đêm

  • Duy giảm chức năng thận

Thận cũng có vai trò lọc máu, đào thải độc tố qua đường nước tiểu. Do đó, khi thận yếu, suy giảm chức năng sẽ khiến chất độc tích tụ trong da, mô, tế bào máu trong cơ thể, không chỉ gây ngứa về ban đêm mà còn khiến da phù nề, sưng đỏ cùng triệu chứng tiểu nhiều lần về đêm.

  • Bệnh tuyến giáp

Nếu mắc các bệnh về tuyến giáp như suy giáp, cường giáp,... sẽ làm rối loạn hoạt động của hormone, mất độ ẩm của da, khiến da khô ráp, dễ bị kích ứng ngứa ngáy về đêm.

  • Bệnh về máu

Những người mắc bệnh về máu như: Thiếu máu, đa hồng cầu, loạn sản tủy, tăng tiết histamin bất thường,... sẽ gây triệu chứng ngứa da ban đêm. Các cơn ngứa này không chỉ xuất hiện ở vài bộ phận mà còn có thể lan rộng toàn thân. Kèm theo một số triệu chứng như mệt mỏi, nhợt nhạt, chóng mặt, móng tay dễ gãy, sưng tê lưỡi,...

  • Tiểu đường 

Bị tiểu đường khiến lượng đường trong máu cao, làm tổn thương sợi thần kinh (đặc biệt ở bàn chân và bàn tay), gây biến chứng đa dây thần kinh hoặc thần kinh ngoại biên. Điều này khiến người bệnh dễ bị ngứa da. Ngoài ra, trong cơ thể người tiểu đường chứa hàm lượng cytokine (chất gây viêm) rất cao, khiến tình trạng ngứa da nghiêm trọng và kéo dài lâu khỏi.

bi-ngua-da-vao-ban-dem
Bị tiểu đường khiến người bệnh dễ bị ngứa da

  • Bệnh Hodgin hoặc Non Hodgkin

Đây là 2 căn bệnh này đều gây sưng hạch bạch huyết, khi tiến triển đến giai đoạn nặng sẽ gây nổi mẩn ngứa khắp người cả ban đêm và ban ngày.

  • Mắc bệnh xã hội

Bị ngứa da vào ban đêm còn là biểu hiện của một số bệnh xã hội như sùi mào gà, bệnh lậu, giang mai, HIV/AIDS. Ngoài ra, tùy từng bệnh lý cụ thể, triệu chứng kèm theo sẽ khác biệt như nổi mụn nước, mẩn đỏ, viêm loét,...

  • Rối loạn hormone

Rối loạn hormone gây triệu chứng tăng sinh máu, giãn mạch, hình thành nốt mẩn ngứa, đồng thời kích thích tăng sinh các hoạt chất gây kích ứng da mạnh hơn. Thông thường cơ thể sẽ phóng thích ra các hormone corticosteroid để chống viêm, tuy nhiên ban đêm lượng chất này suy giảm và thời điểm này cũng khiến cơ thể giải phóng lượng Cytokine nhiều hơn bình thường. Từ đó dẫn đến những cơ ngứa ngáy gia tăng mạnh vào ban đêm.

Ngứa da ban đêm nguy hiểm không? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đa phần tình trạng ngứa da ban đêm do kích ứng từ tác nhân bên ngoài, sẽ khỏi sau vài ngày mà không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này khởi phát do các bệnh lý bên trong cơ thể sẽ kéo dài liên tục và tăng dần mức độ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ, khiến người bệnh thiếu ngủ, mất ngủ, khó ngủ, dẫn đến hàng loạt vấn đề như suy giảm sức đề kháng, suy nhược thần kinh, làm rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ tim mạch,...

Đặc biệt, trường hợp người bệnh gãi nhiều sẽ gây xước da, tổn thương mô tế bào. Khi vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập những vị trí này sẽ gây nhiễm trùng, bội nhiễm, hình thành sẹo kém thẩm mỹ.

Do đó, chuyên gia khuyến nghị những trường hợp dưới đây cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng không mong muốn:

  • Ngứa ngáy ban đêm kéo dài trên 7 ngày, áp dụng biện pháp tại nhà không có hiệu quả.
  • Ngứa ngáy khiến người bệnh mất ngủ, ngủ không sâu, cơ thể mệt mỏi, uể oải, lờ đờ,  không tập trung được trong học tập và làm việc.
  • Cơ thể phát sốt, chán ăn.
  • Da sưng tấy, xuất hiện mụn nước, có dấu hiệu lở loét, nhiễm trùng.
  • Một số bộ phận phù nề như môi, mắt, cổ họng.
  • Người bệnh có triệu chứng bất thường khác đi kèm như tiểu nhiều về đêm, nước tiểu sậm màu, da vàng,...

bi-ngua-da-vao-ban-dem
Ngứa ngáy ban đêm kéo dài trên 7 ngày nên đi thăm khám

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ bị ngứa da vào ban đêm, ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu: Phương pháp xét nghiệm mẫu máu toàn phần sẽ giúp xác định nguyên nhân gây ngứa liên quan đến máu như thiếu máu, đa hồng cầu, loạn sản tủy, tăng tiết histamin,...
  • Xét nghiệm da: Bác sĩ tiến láy lấy mẫu da và cho tiếp xúc với các chất nghi ngờ gây dị ứng, dựa theo phản ứng cụ thể để xác định tác nhân gây ngứa da.
  • Xét nghiệm chức năng gan thận, tuyến giáp: Đối với những trường hợp nghi ngờ ngứa da do bệnh lý gan thận hoặc tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm chỉ số liên quan đến các bộ phận này.
  • Chụp Xquang ngực: Dựa vào hình ảnh kết quả chụp Xquang, bác sĩ sẽ thấy hạch bạch huyết có đang sưng to hay không. Điều này giúp loại bỏ một số nguyên nhân gây ngứa da ban đêm như bệnh Hodgin hoặc Non Hodgkin.

Cách điều trị ngứa da vào ban đêm

Hiện nay, các phương pháp được ứng dụng trong điều trị bị ngứa da vào ban đêm phổ biến như sau:

Dùng thuốc Tây y

Đây là phương pháp điều trị ngứa da ban đêm được bác sĩ ưu tiên lựa chọn bởi ưu điểm như: Tác dụng nhanh chóng, điều trị ngứa da do nhiễu nguyên nhân và nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng.

  • Thuốc Histamin giảm ngứa: Thường dùng các loại thuốc kháng Histamin có tác dụng ức chế sản sinh chất trung gian gây triệu chứng ngứa ngáy, sưng viêm trên da. Một số loại thuốc kháng Histamin như cetirizine, chlorpheniramine, exofenadine, hydroxyzine, diphenhydramine, promethazine,...
  • Thuốc chống trầm cảm: Được chỉ định khi ngứa ngáy dữ dội gây mất ngủ kéo dài, đồng thời thuốc cũng dùng trong điều trị ngứa da ban đêm do nguyên nhân stress, căng thẳng. Hiện tại 2 loại thuốc được dùng phổ biến gồm doxepin và mirtazapine.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp ngứa có nhiễm khuẩn, hình thành bọng nước sưng tấy nghiêm trọng.
  • Thuốc điều chỉnh nồng độ IgE: Những trường hợp ngứa da ban đêm có nguyên nhân do bệnh da liễu như mề đay, viêm da tiết bã, viêm da cơ địa,... sẽ dùng thuốc điều chỉnh nồng độ kháng thể IgE để cải thiện các biểu hiện khó chịu trên da.
  • Thuốc điều trị tiểu đường: Người bệnh bị ngứa da do tiểu đường sẽ cần sử dụng thuốc điều trị tiểu được để hiệu quả giảm ngứa tốt nhất và không gây tái phát.
  • Thực phẩm chức năng: Gồm các loại thực phẩm chức năng bồi bổ gan thận, thúc đẩy đào thải độc tố, tăng cường đề kháng cho người bệnh chống lại tác nhân gây dị ứng.

bi-ngua-da-vao-ban-dem
Dùng thuốc Tây y mang lại tác dụng nhanh chóng

Để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ tác dụng phụ, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trong quá trình sử dụng thuốc thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường như: Buồn nôn, đau đầu, đau bụng, mẩn ngứa dữ dội, tiêu chảy,... cần dừng thuốc và báo bác sĩ.

Giảm ngứa da ban đêm tại nhà

Trường hợp bị ngứa da vào ban đêm mức độ nhẹ có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà như sau:

  • Đắp lá trầu không: Đem rửa sạch 1 nắm lá trầu không, thái nhỏ rồi xay nhuyễn. Dùng hỗn hợp này đắp trực tiếp lên vùng da đang bị ngứa trong 15 phút rồi rửa sạch.
  • Tắm nước lá khế: Người bệnh lấy 1 nắm lá khế tươi đem rửa sạch, sau đó cho vào nồi đun với 1 lít nước và 1 thìa muối hạt. Đợi khi nước sôi thì chắt ra chậu để ngâm rửa vùng da bị ngứa.
  • Nha đam: Lấy 1 nhánh nha đam, cắt vỏ và thoa trực tiếp phần gel trắng của dược liệu này lên da. Sau khoảng 15 phút rửa lại với nước và thực hiện khoảng 2 - 3 lần/ngày đến khi khỏi hẳn.
  • Uống trà gừng mật ong: Thái 5 lát gừng tươi, đem hãm với 500ml nước ấm. Sau đó pha thêm 1 thìa mật ong vào, khuấy đều rồi uống.

Các phương pháp này có ưu điểm lành tính, hạn chế tác dụng phụ và tiết kiệm chi phí. Nhưng người bệnh chú ý chỉ áp dụng khi bị ngứa da mức độ nhẹ, mới khởi phát, chưa có dấu hiệu viêm, nhiễm trùng, lở loét.

Điều trị bằng Đông y

Các bài thuốc Đông y kết hợp những dược liệu tương hợp với định lượng hợp lý, từ đó giúp điều trị bệnh từ căn nguyên bên trong cơ thể, ngăn ngừa ngứa da tái phát.

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị 14g phòng phong, 25g sinh địa hoàng, 30g thổ phục linh, 8g cam thảo, 12g ý dĩ, 22g bạch tiêu bì, 10g thuyền thoái, 20g sinh thạch cao, 20g vỏ bí đao, 12g kinh giới. Cho dược liệu vào đun với 1.5 lít nước đến khi cạn còn 250ml thì chắt ra cốc và chia thành 3 phần để uống trong ngày.
  • Bài thuốc 2: Bài thuốc có phòng phong, đương quy, khổ sâm, sà sang tử, bạch tiền bì, kinh giới mỗi vị 20g. Cho dược liệu trên vào nồi đun với 4 lít nước, đợi khi sôi thì chắt ra chậu, pha thêm nước mát để ngâm rửa hoặc tắm nếu mẩn ngứa toàn thân.
  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị 60g ngải cứu, 10g hoa tiêu, 30g phòng phong, 10g hùng hoàng. Cho các dược liệu đã chuẩn bị vào nồi, đun với 3 lít nước đến khi sôi thì chắt ra chậu để xông. Sau khi xông xong, nước đã nguội thì người bệnh dùng nước này ngâm rửa hoặc tắm.

bi-ngua-da-vao-ban-dem
Điều trị bằng Đông y giúp giảm ngứa và ngăn ngừa tái phát

Thuốc Đông y mang lại hiệu quả giảm ngứa da vào ban đêm rất tốt, đồng thời còn giúp bồi bổ các tạng, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, các bài thuốc này cần thực hiện kiên trì trong thời gian dài để mang lại hiệu quả rõ rệt.

Hướng dẫn phòng ngừa hiệu quả ngứa da ban đêm

Để phòng ngừa tình trạng ngứa da vào mỗi đêm, bạn có thể áp dụng các biện pháp chuyên gia Da liễu hướng dẫn dưới đây:

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, lựa chọn các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, có độ pH trung tính để không gây khô ngứa cho da.
  • Nên sử dụng các loại kem dưỡng cho da hằng ngày, giúp da ẩm mềm, khỏe mạnh, hỗ trợ tạo hàng rào bảo vệ da vững chắc.
  • Mặc quần áo rộng rãi, có chất liệu mềm mại, tránh trang phục chất liệu thô, khi cọ xát vào da sẽ khiến da kích ứng mẩn ngứa.
  • Tránh ăn thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, các loại đồ uống có cồn,... đều làm tăng tỷ lệ kích ứng cho da. Thay vào đó, nên bổ sung thêm nhiều rau củ, trái cây tươi, các loại hạt và ngũ cốc giàu dinh dưỡng.
  • Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên như phấn hoa, bụi bẩn, khói thuốc, lông động vật, hóa chất,... Tốt nhất cần có biện pháp bảo vệ da như mặc quần áo dài, đeo khẩu trang, đội mũ, đeo găng tay.
  • Điều chỉnh nhiệt độ không gian sống ổn định, nếu không khí quá khô nên sử dụng máy tạo độ ẩm cho phòng.
  • Nếu mắc các bệnh da liễu hoặc bất cứ bệnh lý nào khác, người bệnh cần điều trị theo đúng phác đồ và tuân thủ theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe do bác sĩ khuyến nghị để bệnh nhanh khỏi, ngăn ngừa tái phát và gây kích phát ngoài da.

Kết luận

Thông qua những thông tin được cung cấp trong bài viết, chúng tôi hy vọng độc giả đã trang bị thêm kiến thức hữu ích về triệu chứng. Từ đó có thể chủ động trong việc chăm sóc và bảo vệ da, có phương án xử lý an toàn, hiệu quả nếu không may mắc phải.


Top địa chỉ phòng khám Bị Ngứa Da Vào Ban Đêm


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan