Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Nổi mề đay ở cổ là tổn thương da thường gặp, với các biểu hiện như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ sau sinh do đề kháng yếu và da nhạy cảm. Đáng chú ý, một số trường hợp mề đay nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ.

Dấu hiệu nhận biết bị nổi mề đay ở cổ

  • Nổi mẩn: Trên vùng da quanh cổ xuất hiện các nốt sần màu hồng, đỏ hoặc trắng xám ở giữa màu hồng. Tùy trường hợp mà có thể xuất hiện dạng nốt chấm, đám hoặc mọc thành từng mảng lớn khắp cổ, lan xuống lưng. Nếu bị nổi mề đay do thời tiết thường có tổn thương như vết cào xước dài, gọi là mề đay vẽ nổi.
  • Ngứa ngáy: Khi bị nổi mề đay ở cổ, người bệnh luôn thấy ngứa ngáy, khó chịu, nóng da, đỏ rát. Lúc này, nhiều người có xu hướng chà xát, gãi lên vùng da bị ngứa khiến tình trạng thêm nặng, lan rộng xung quanh. Tình trạng ngứa gia tăng khi về đêm hoặc khi cơ thể đổ mồ hôi.
  • Thời gian xuất hiện: Thông thường, mề đay xuất hiện sau vài phút tiếp xúc với tác nhân và tồn tại vài tiếng đến vài ngày.

Các triệu chứng của mề đay dễ nhận biết, tuy nhiên dễ nhầm lẫn với bệnh da liễu khác như viêm da tiếp xúc, vảy nến,...

Hình ảnh nổi mề đay

Mề đay là dạng bệnh tự miễn, khởi phát do sự rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể.
Mề đay là dạng bệnh tự miễn, khởi phát do sự rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể.

Nguyên nhân nổi mề đay ở cổ

Hiện nay, y học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh mề đay. Theo lý giải của các chuyên gia, nổi mề đay thường xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.

Các yếu tố gây kích thích vùng niêm mạc dưới da, dẫn đến hình thành nốt mề đay mẩn ngứa gồm:

  • Dị ứng thời tiết: Thời điểm giao mùa, khí hậu thay đổi đột ngột, nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng khiến cơ thể không kịp thích nghi. Khi đó, hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại bằng cách nổi mề đay, đặc biệt là người có đề kháng kém.
  • Dị ứng thực phẩm: Nhiều người có cơ địa dị ứng với một số thực phẩm gây ra nổi mề đay. Phổ biến nhất là hải sản như tôm, cua, ghẹ, bạch tuộc hay cá hộp, thịt hộp, bơ đậu phộng, đậu phộng, sữa bò,...
  • Tiếp xúc chất hóa học: Một số người có làn da nhạy cảm, không thích ứng với thành phần hóa học trong chất phụ gia, chất tẩy rửa, mỹ phẩm,... gây ra các nốt mẩn đỏ, sẩn ngứa quanh khu vực tiếp xúc.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thành phần kháng nguyên như thuốc kháng sinh, giảm đau, an thần. Khi sử dụng sẽ khiến không ít người bị dị ứng, nổi mề đay quanh cổ.
  • Yếu tố môi trường: Làn da một số người mẫn cảm, dễ nổi mề đay khi tiếp xúc với khói bụi, lông động vật, phấn hoa, sống trong môi trường ô nhiễm.
  • Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy, nếu trong nhà có người bị mề đay thì tỷ lệ mắc bệnh của bạn là 25%. Cũng tương tự, các bệnh như viêm da cơ địa, lupus ban đỏ, hen phế quản cũng có liên quan đến di truyền.
  • Chức năng gan suy giảm: Bệnh nhân bị viêm gan, xơ gan, suy giảm chức năng gan, ung thư gan dễ bị mề đay mẩn ngứa.
  • Thay đổi hormone: Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ sau sinh, trẻ em tuổi dậy thì bị thay đổi nội tiết tố, rất dễ bị mề đay.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh

Nổi mề đay ở quanh cổ thường do cơ địa dị ứng, hệ miễn dịch kém hoặc do di truyền. Các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với các tác nhân, có thể tự lặn sau vài giờ hoặc kéo dài vài ngày. Do đó, người bị nổi mề đay mẩn ngứa ở cổ không quá nguy hiểm.

Vì thế, khi mới bị mề đay, người bệnh không cần quá lo lắng, có thể áp dụng các biện pháp cải thiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài nhiều ngày không khỏi hoặc tái phát nhiều lần thì bạn không nên chủ quan.

Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải khi bị mề đay nổi quanh cổ:

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe: Bị mề đay ở cổ kéo dài khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, áp lực tâm lý, sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng công việc, cuộc sống.
  • Nhiễm trùng da: Khi cổ bị mề đay, khó vệ sinh sạch sẽ, gãi, cào quá mạnh khiến da bị trầy xước, ngứa nhiều hơn. Việc này tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây nhiễm trùng da, bội nhiễm, lở loét.
  • Sốc phản vệ: Nổi mề đay không được xử lý kịp thời có thể gây phù nề lưỡi gà, viêm đường hô hấp, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, trụy tim, sốc phản vệ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, khi bị nổi mề đay ở cổ kéo dài, tái phát nhiều lần, người bệnh không nên chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế kịp thời.

Đối tượng

  • Trẻ em: Hệ miễn dịch của trẻ em còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện. Do đó, cơ thể trẻ dễ nhạy cảm hơn với các tác nhân gây dị ứng, làm tăng nguy cơ bị nổi mề đay.
  • Người có cơ địa dị ứng: Những người có tiền sử các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, eczema (chàm) có khả năng cao gặp phải tình trạng nổi mề đay.
  • Người có bệnh lý tự miễn dịch: Một số bệnh lý tự miễn như viêm tuyến giáp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp... có liên quan đến sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ bị nổi mề đay.
  • Người mắc bệnh nhiễm trùng mãn tính: Một số bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng... nếu kéo dài có thể gây suy yếu hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ dị ứng và nổi mề đay.
  • Người thường xuyên căng thẳng (stress): Trạng thái căng thẳng kéo dài gây ra những thay đổi về nội tiết tố, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ phản ứng quá mức với các tác nhân bên ngoài.
  • Phụ nữ mang thai: Thay đổi nội tiết trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện mề đay đối với một số phụ nữ.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

  • Sưng phù nghiêm trọng: Đặc biệt là ở vùng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng. Tình trạng này có thể gây khó thở, đây được xem là dấu hiệu của phù mạch, một biến chứng nguy hiểm.
  • Khó thở, khò khè: Triệu chứng này cảnh báo nguy cơ tắc nghẽn đường thở do phù mạch hoặc phản ứng sốc phản vệ.
  • Triệu chứng toàn thân: Đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, ngất xỉu có thể là biểu hiện của sốc phản vệ - biến chứng đe dọa tính mạng cần được cấp cứu kịp thời.
  • Các vết mề đay lan rộng nhanh chóng: Dấu hiệu nổi mề đay nhanh chóng phủ rộng trên cơ thể cảnh báo phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
  • Phản ứng dị ứng nặng với nguyên nhân đã xác định: Nếu đã từng bị dị ứng nặng với một tác nhân cụ thể (thức ăn, thuốc, côn trùng...) và vô tình tiếp xúc lại, hãy đi khám ngay để được theo dõi và xử trí.
  • Triệu chứng dai dẳng hoặc tái phát: Nổi mề đay kéo dài trên 6 tuần được xếp vào dạng mề đay mãn tính. Khi gặp tình trạng này, hãy thăm khám để được bác sĩ xác định nguyên nhân, tư vấn phác đồ điều trị, và ngăn ngừa tái phát.

Lưu ý: Ngay cả khi triệu chứng không thuộc các trường hợp trên, bạn vẫn được khuyến khích đi khám nếu:

  • Cảm thấy tình trạng nổi mề đay gây khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt bình thường.
  • Muốn xác định nguyên nhân gây mề đay để có biện pháp phòng ngừa.
  • Lo lắng hay đang có thắc mắc về tình trạng nổi mề đay của bản thân.

Phương pháp chẩn đoán

Tại các cơ sở y tế, bệnh mề đay được chẩn đoán qua nhiều phương pháp.

Chẩn đoán lâm sàng:

  • Xác định các yếu tố liên quan đến tình trạng sức khỏe, tiền sử gia đình, môi trường sống, thuốc, thức ăn đã sử dụng. Có đến 80% bệnh nhân bị mề đay do các nguyên nhân phổ biến.
  • Đồng thời, bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp tại các nốt ban đỏ ở da để đánh giá.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Cận lâm sàng giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây mề đay. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh xét nghiệm da, xét nghiệm máu để đánh giá chất gì gây dị ứng.
  • Xét nghiệm công thức máu giúp xác định lượng bạch cầu ái toan. Kháng thể IgE trong máu quyết định mức độ, tình trạng nặng của mề đay.

Cách điều trị nổi mề đay ở cổ hiệu quả

Tình trạng nổi mề đay ở vùng da quanh cổ có thể tái phát nhiều lần. Khi đó, người bệnh nên có phương pháp điều trị kịp thời để xử lý, ngăn ngừa tái phát.

Phương pháp xử lý triệu chứng tại nhà

Khi mới bị khởi phát mề đay quanh cổ, bạn có thể tự cải thiện các triệu chứng, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng tại nhà. Dưới đây là một số phương pháp mà người bệnh bị mề đay có thể tham khảo:

  • Chườm lạnh: Nhiệt độ thấp làm co mạch, ức chế khả năng cảm thụ cơn đau, giảm ngứa, xoa dịu vùng da bị kích ứng. Vì thế bạn có thể dùng đá, khăn chườm lạnh để giảm phù nề, sưng nóng, khó chịu.
  • Dùng lá trầu không: Lá trầu không có tính sát khuẩn, kháng viêm, ức chế hoạt động vi khuẩn, làm lành nhanh vết thương, giảm ngứa mề đay hiệu quả. Bạn dùng 10g lá trầu không giã nát cùng 2gr muối hạt và đắp lên vùng da cổ bị mề đay.
  • Lá tía tô: Loại lá này được dùng để chữa bệnh ngoài da, nổi mề đay hiệu quả. Bạn chỉ cần dùng một nắm lá tía tô rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng da qua đêm.
  • Tắm lá khế: Lá khế có tác dụng thanh nhiệt, đào thải độc tố, kháng khuẩn, giảm viêm, làm dịu nhanh da cổ bị sưng đỏ. Hãy chuẩn bị 1 nắm lá khế tươi để nấu cùng 2 lít nước trong 5 phút và tắm rửa. Phần bã lá khế bạn có thể dùng để chà xát nhẹ lên vùng da bị mề đay.

Lưu ý: Các phương pháp tại nhà chỉ giúp giảm triệu chứng tại chỗ, không điều trị nguyên nhân gây bệnh nên dễ tái phát.

Sử dụng thuốc Tây trong điều trị mề đay ở cổ

Khi bị nổi mề đay, các dược sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc. Phổ biến nhất là thuốc kháng sinh, thuốc tiêu viêm, thuốc bôi da,... Các loại thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch, giảm nhẹ phản ứng ngứa, nổi mẩn đỏ.

  • Thuốc kháng histamin: Một số loại thuốc được kê như Hydroxyzine, Loratadin, Fexofenadine,... Các loại thuốc này có tác dụng giảm nhanh triệu chứng như ngứa, nổi mẩn đỏ, tiêu viêm, giảm sưng tấy.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc được chỉ định dùng cho người bị nổi mề đay nhiễm khuẩn.
  • Thuốc bôi da: Các thuốc bôi da có chứa Corticosteroid làm giảm nhanh cơn ngứa và khó chịu. Một số thuốc phổ biến được kê đơn như Flucinar, Hydrocortisone, Cortisol, Triamcinolone, Prednisone.

Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc Tây bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và dùng theo đơn thuốc. Bởi sử dụng thuốc Tây chữa mề đay ở cổ có thể gặp nhiều tác dụng phụ như nhờn thuốc, kháng thuốc, mỏng da, kích ứng da, buồn nôn, bồn chồn, khó ngủ,...

Đặc biệt, lạm dụng Corticosteroid rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tăng cân, yếu cơ, mờ mắt, nổi mụn, loãng xương, kích ứng dạ dày, đục thủy tinh thể, khởi phát hoặc làm trầm trọng bệnh tiểu đường, huyết áp,...

Bài thuốc Đông y cho người bị nổi mề đay

Điều trị bệnh mề đay bằng bài thuốc Đông y đem lại hiệu quả cao, an toàn, lành tính từ dược liệu. Theo quan điểm của Đông y, chứng mề đay do mất cân bằng miễn dịch, suy yếu tạng phủ.

Điều này khiến người bệnh dễ bị xâm nhập bởi tà khí, phong hàn, phong nhiệt, gây hao tổn khí huyết, suy nhược, suy giảm chức năng gan. Từ đó, các độc tố trong cơ thể sẽ phát ra ngoài, tạo thành triệu chứng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy.

Một số thang thuốc Đông y dùng cho người bị nổi mề đay ở cổ:

  • Thang 1: 20g kim ngân, 16g kinh giới, 16g cỏ mực, 16g cam thảo, 16g nam hoàng bá, 12g chi tử, 12g phòng phong, 12g đương quy, 12g huyền sâm.
  • Thang 2: 16g xương bồ, 16g kinh giới, 16g thương nhĩ, 12g tế tân, 12g liên kiều, 12g độc hoạt, 12g tất bát, 12g cam thảo, 10g kiện, 8g quế.
  • Thang 3: 20g tang diệp, 20g kim ngân hoa, 20g cỏ mần trầu, 16g tang ký sinh, 16g thạch xương bồ, 12g sài hồ, 12g hoàng cầm, 12g bạch thược, 12g cam thảo.
  • Thang 4: 20g rau má, 16g hạ khô thảo, 16g bồ công anh, 16g ngải diệp, 16g tang ký sinh, 16g đơn mặt trời, 16g cam thảo, 12g sài hồ, 12g ngân hoa, 10g kiện, 8g quế.

Lưu ý trong điều trị và phòng ngừa tái phát

  • Người cơ địa nhạy cảm, có tiền sử bị mề đay, dị ứng cần tránh xa các tác nhân gây bệnh. Tiêu biểu như phấn hoa, lông động vật, khói, bụi bẩn, thức ăn gây dị ứng.
  • Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có thành phần thiên nhiên phù hợp với da để tránh kích ứng.
  • Chủ động giữ ấm cơ thể vào mùa đông, giữ vệ sinh sạch sẽ vào mùa hè, tránh đổ nhiều mồ hôi, hạn chế dùng điều hòa trong thời gian dài.
  • Uống nhiều nước, bổ sung rau củ quả để cơ thể đủ dưỡng chất, tăng quá trình thanh nhiệt, giải độc, tăng cường chức năng gan.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi để tránh cọ xát, bít tắc lỗ chân lông khiến các vết mẩn đỏ thêm trầm trọng.
  • Khi bị nổi mề đay ở cổ tuyệt đối không được dùng móng tay gãi, cào xước da để tránh vi khuẩn xâm nhập.
  • Không tự ý sử dụng thuốc Tây mà không có chỉ định của bác sĩ. Cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng thuốc điều trị có chứa Corticosteroid.

Kết luận

Nổi mề đay ở cổ thông thường không phải bệnh lý nghiêm trọng và có thể khỏi nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên nếu tình trạng nổi mề đay kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó bạn nên đến khám bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.


Top địa chỉ phòng khám Nổi Mề Đay Ở Cổ


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan