Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Thạc sĩ Lê Phương | Nơi công tác: Nhất Nam Y Viện

Viêm phế quản là bệnh lý có nét tương đồng với lao, hen suyễn, viêm phổi. Khi người bệnh không sớm phát hiện nguyên nhân và triệu chứng, nguy cơ gặp biến chứng là rất cao. Để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả, bạn cần nắm được các kiến thức căn bản về bệnh.

Viêm phế quản là gì? Phân loại bệnh

Theo cấu tạo cơ thể, phế quản là ống để không khí di chuyển. Vì vậy đây là bệnh lý về đường hô hấp dưới, có liên quan tới tình trạng nhiễm trùng niêm mạc ống phế quản.

Thực chất, viêm phế quản là quá trình nhiễm trùng tại tổ chức xung quanh phế quản như tiểu phế quản, lớp niêm mạc. Điều này làm không khí trong đường hô hấp rất khó lưu thông. Tuy nhiên, viêm phế quản không phát triển nhanh như các bệnh khác tại đường hô hấp.

Nó diễn biến theo từng giai đoạn cụ thể:

  • Viêm phế quản cấp tính: Triệu chứng diễn ra trong khoảng 10 ngày và không quá vài tuần. Lúc này, đường hô hấp trong phổi sưng tấy và chứa đầy dịch nhầy.
  • Viêm phế quản mãn tính: Tình trạng viêm nhiễm kéo dài từ vài tháng đến vài năm, trong năm còn tái phát thành nhiều đợt khác nhau. Bệnh lý này có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm.

viem phe quan
Dựa vào tình hình phát triển, viêm phế quản được chia làm 2 dạng cấp và mãn tính

Bên cạnh sự phân chia dựa trên thời gian phát bệnh, viêm phế quản còn được phân loại thành nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Viêm phế quản co thắt: Khi lớp niêm mạc nằm ở bên trong sưng phồng và tiết nhiều dịch nhầy, ống khí quản sẽ bị viêm nhiễm. Người bệnh gặp phải tình trạng tức ngực, khó thở, sổ mũi, hắt hơi, ho có đờm, co rút lồng ngực, hơi thở rít,...
  • Viêm phế quản dạng hen: Tình trạng phù nề làm thu hẹp lớp niêm mạc và cơ phế quản bị co thắt. Ống dẫn khí từ phế quản tới phổi bị viêm nhiễm khiến người bệnh thở rít, khó thở, khò khè, co rút lồng ngực,... Những biểu hiện này gần giống với bệnh hen suyễn.
  • Viêm phế quản phổi: Túi khí chứa đầy mủ và dịch do sự tấn công của vi khuẩn, virus từ phế quản tới phổi. Lúc này, người bệnh sẽ bị sốt cao, ớn lạnh, thở khò khè, ho có đờm đặc màu vàng hoặc xanh, cơ thể tím tái, môi xanh, lồng ngực co thắt mạnh,...
  • Viêm phế quản bội nhiễm; Bệnh nhân viêm phế quản bị vi khuẩn, virus khác tấn công. Triệu chứng điển hình là sổ mũi, nghẹt mũi, sốt cao, đau rát họng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi,...

Triệu chứng viêm phế quản

Viêm phế quản dễ nhầm lẫn với hen suyễn, lao hoặc bệnh về đường hô hấp khác. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho quá trình điều trị. Do đó, việc tìm hiểu triệu chứng điển hình là vấn đề cấp thiết. Những dấu hiệu viêm phế quản đặc trưng là:

  • Ho có đờm hoặc ho khan: Cơ trơn phế quản co bóp và tiết nhiều chất dịch. Đó là lý do khiến bệnh nhân ho ra nhiều đờm.
  • Sốt cao: Khi hệ miễn dịch có sự xâm nhập của tác nhân gây hại, cơ thể sẽ tăng nhiệt độ để tiêu diệt hại khuẩn. Bệnh nhân bị sốt từ vừa đến cao. Tình trạng sốt kéo dài ở giai đoạn cấp.
  • Tức ngực, khó thở, thở khò khè: Bệnh nhân cảm thấy khó thở vì ống dẫn khí thu hẹp dần. Nếu bị viêm dạng hen, hơi thở rít lên trong thời gian dài có thể biến chứng sang hen suyễn.
  • Cơ thể chán ăn, mệt mỏi: Sốt cao, ho lâu ngày, khó thở làm bệnh nhân mệt mỏi và chán ăn. Một số bệnh nhân còn bị sụt cân không rõ nguyên nhân.

Một số triệu chứng viêm phế quản không rõ ràng và có thể gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Do đó, tốt nhất người bệnh nên đi thăm khám để được xác định đúng bệnh và tìm ra nguyên nhân chính xác.

Triệu chứng Viêm Phế Quản phổ biến

Nguyên nhân viêm phế quản

Nguyên nhân gây viêm phế quản phổ biến hiện nay là do virus. Người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hại khuẩn xâm nhập. Những chủng virus phổ biến nhất là virus cúm, virus sởi, Rhinovirus, Adenovirus, viêm phế quản rsv (virus hợp bào đường hô hấp).

Một vài trường hợp mắc bệnh do khuẩn E.coli, phế cầu, liên cầu, Haemophilus cúm loại b, Streptococcus pneumoniae, Candida albicans, nấm Aspergillus,... Những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn xâm nhập và phát triển là:

  • Hút thuốc lá: Trong khói thuốc chứa nicotin làm viêm niêm mạc đường hô hấp và khiến hệ miễn dịch suy yếu
  • Thay đổi thời tiết: Giao mùa, đông hè hoặc thu đông là thời điểm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ trong thời kỳ thai sản,.... có sức đề kháng kém nên rất dễ bị viêm phế quản.
  • Tính chất công việc: Môi trường làm việc tồn tại hóa chất, khói bụi, khí hậu ẩm ướt làm phế quản bị kích thích, tiết nhiều dịch nhầy làm viêm nhiễm niêm mạc phế quản.

viem phe quan
Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản

Vì nguyên nhân bị viêm phế quản tương đối đa dạng nên bệnh nhân không tùy tiện chẩn đoán. Các yếu tố gây bệnh đều phải được xác định dựa trên thiết bị kỹ thuật tiên tiến. Khi có kết quả chính xác, bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Viêm phế quản có nguy hiểm không?

Vì căn nguyên gây bệnh chủ yếu do vi khuẩn, virus nên viêm phế quản có khả năng lây từ người sang người. Nếu tiếp xúc thường xuyên hoặc dùng chung vật dụng với người bệnh, khả năng mắc viêm phế quản là rất cao.

Thêm vào đó, đây là bệnh lý tương đối nguy hiểm. Khi không có biện pháp điều trị kịp thời, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh nhân còn dễ gặp một số biến chứng như:

  • Hen phế quản: viêm phế quản diễn ra trong thời gian dài khiến lớp niêm mạc tổn thương và viêm sưng. Điều này gây hẹp phế quản, không khí khó lưu thông và hình thành nhiều cơn hen suyễn.
  • Viêm phổi: tác nhân vi sinh di chuyển nhanh chóng từ phế quản tới phổi khiến túi khí trong phổi tích tụ nhiều dịch mủ.
  • Áp xe phổi: phổi nhiễm khuẩn đến một mức độ và hoại tử dần dần. Đây là biến chứng nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng.
  • Tràn mủ màng phổi: vết áp xe khi vỡ có thể gây tràn mủ màng phổi. Nếu gặp phải biến chứng này, nguy cơ tử vong là rất cao.
  • Ung thư phổi: tình trạng ung thư có thể xuất hiện khi phổi bị ăn mòn. Nguy hiểm hơn khi ung thư phổi chưa có thuốc đặc trị và chỉ sử dụng biện pháp kéo dài sự sống.

Chẩn đoán viêm phế quản

Chẩn đoán viêm phế quản là một quá trình kết hợp nhiều yếu tố, nhằm xác định chính xác tình trạng viêm nhiễm và phân biệt với các bệnh lý hô hấp khác. Dưới đây là các phương pháp thường được áp dụng trong chẩn đoán lâm sàng:

Hỏi bệnh sử:

Bác sĩ sẽ khai thác các thông tin sau từ bệnh nhân:

  • Đặc điểm triệu chứng: Mô tả chi tiết về loại ho (khan, có đờm, mức độ nặng), màu sắc và tính chất của đờm (trong, vàng, xanh, có máu), thời gian xuất hiện và diễn biến của triệu chứng ho, các triệu chứng khác kèm theo như sốt, khó thở, đau ngực, mệt mỏi...
  • Tiền sử phơi nhiễm: Tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp, yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động, môi trường làm việc ô nhiễm (bụi, hóa chất)...
  • Tiền sử bệnh lý: Các bệnh lý hô hấp mạn tính (hen suyễn, COPD), các bệnh lý nền khác (tim mạch, tiểu đường...), tiền sử dị ứng.

Khám lâm sàng:

  • Quan sát: Tình trạng chung của bệnh nhân (mệt mỏi, da xanh tái), nhịp thở, sử dụng cơ hô hấp phụ.
  • Nghe phổi: Bằng ống nghe, bác sĩ sẽ đánh giá các âm thở, phát hiện các ran (ran rít, ran ngáy, ran ẩm) hoặc tiếng thở khò khè gợi ý tình trạng viêm và tắc nghẽn đường thở.
  • Khám các cơ quan khác: Họng (viêm họng), tai mũi xoang (viêm xoang), tim mạch.

viem-phe-quan
Bác sĩ tiến hành nghe phổi để chẩn đoán tình trạng bệnh

Xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Công thức máu: Đánh giá số lượng bạch cầu, có thể tăng trong trường hợp nhiễm trùng.
  • X-quang phổi: Thường bình thường trong viêm phế quản cấp, chỉ định khi nghi ngờ các biến chứng như viêm phổi.
  • Xét nghiệm đờm: Xác định tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm), làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh phù hợp nếu cần thiết.
  • Các xét nghiệm khác: Chức năng hô hấp, xét nghiệm máu tìm virus cúm... có thể được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt hoặc để loại trừ các bệnh lý khác.

Chẩn đoán phân biệt:

Viêm phế quản cần được phân biệt với các bệnh lý hô hấp khác như:

  • Cảm lạnh thông thường: Thường có triệu chứng nhẹ hơn, ít hoặc không có đờm, tự khỏi trong vòng 1 tuần.
  • Viêm phổi: Triệu chứng nặng hơn, sốt cao, khó thở nhiều, có thể có đau ngực, cần nhập viện điều trị.
  • Hen suyễn: Ho dai dẳng, khó thở về đêm hoặc khi gắng sức, có tiền sử dị ứng hoặc hen suyễn.
  • COPD: Khó thở mạn tính, thường gặp ở người hút thuốc lá lâu năm, kèm theo ho khạc đờm.

Việc chẩn đoán chính xác viêm phế quản rất quan trọng để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa hô hấp để có được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.

Đối tượng dễ mắc viêm phế quản

Đây là bệnh tại đường hô hấp xảy ra phổ biến ở người có hệ miễn dịch yếu. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là người già, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

  • Viêm phế quản ở trẻ nhỏ: Viêm phế quản xuất hiện ở các bé từ 1 - 3 tuổi có thể diễn biến nhanh và biến chứng thành viêm phổi, hen suyễn. Lúc này, triệu chứng của bệnh có nhiều điểm tương đồng với viêm họng và cảm cúm, vì vậy cha mẹ cần sớm cho con đi kiểm tra sức khỏe để kịp thời xử lý.
  • Viêm phế quản trẻ sơ sinh: Vì hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên chúng rất dễ bị hại khuẩn xâm nhập. Đặc biệt, sau một đợt cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm siêu vi,... các chủng virus có thể xâm nhập phế quản khiến trẻ nhiễm bệnh. Dấu hiệu nhận biết là tình trạng sốt, ho có đờm liên tục từ 7 - 10 ngày, đã dùng thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm.
  • Viêm phế quản ở người lớn; Người trung niên, cao tuổi, hút thuốc lá, làm việc trong môi trường khó bụi có sức đề kháng yếu. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng không rõ ràng nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn với tình trạng viêm họng. Điều này khiến người bệnh phát hiện tình trạng muộn, dễ gặp biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng tránh bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Ngoài ra, bệnh còn dễ phát sinh biến chứng khi người bệnh điều trị thiếu nghiêm túc. Để hạn chế khả năng nhiễm viêm phế quản, bạn có thể tham khảo biện pháp phòng tránh như:

  • Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng để cơ thể chống lại bệnh tật. Vì vậy, bạn nên cân bằng nhóm chất béo, chất đạm, đường, vitamin, khoáng chất. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế nhóm thực phẩm kích thích đường hô hấp.
  • Vào thời kỳ chuyển mùa, thay đổi thời tiết, trời trở lạnh, bạn hãy giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân.
  • Hạn chế tiếp xúc với khu vực khói bụi, ô nhiễm, chứa hóa chất độc hại để không làm tổn thương phổi.
  • Tránh xa chất kích thích, không hút thuốc lá và cố gắng không ngửi phải khói thuốc.
  • Tuyệt đối không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

viem phe quan
Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Việc nhận biết thời điểm cần thiết để thăm khám bác sĩ khi gặp các triệu chứng nghi ngờ viêm phế quản là rất quan trọng, nhằm đảm bảo được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn. Dưới đây là những dấu hiệu và tình huống cảnh báo bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp:

  • Ho kéo dài: Nếu ho kéo dài hơn ba tuần, đặc biệt khi kèm theo các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, hoặc khó thở, điều này có thể báo hiệu một tình trạng bệnh lý khác nghiêm trọng hơn, ví dụ như viêm phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Ho ra máu: Ho ra máu, dù chỉ là một lượng nhỏ, luôn là một dấu hiệu đáng báo động và cần được đánh giá bởi bác sĩ để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.
  • Khó thở: Khó thở, đặc biệt là khó thở khi nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ, là một triệu chứng cần được quan tâm đặc biệt. Nó có thể cho thấy tình trạng viêm phế quản đã tiến triển nặng hoặc có các bệnh lý nền khác như hen suyễn hoặc bệnh tim.
  • Sốt cao: Sốt cao liên tục trên 38°C có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng. Nếu sốt kèm theo các triệu chứng như ớn lạnh, đổ mồ hôi, hoặc đau nhức cơ thể, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Đau ngực: Đau ngực, đặc biệt là đau ngực liên quan đến ho hoặc thở sâu, có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm màng phổi hoặc thuyên tắc phổi.
  • Các triệu chứng không cải thiện hoặc nặng hơn: Nếu các triệu chứng viêm phế quản của bạn không cải thiện sau một tuần tự điều trị tại nhà, hoặc nếu chúng trở nên nặng hơn, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Bác sĩ có thể điều chỉnh phác đồ điều trị hoặc thực hiện các xét nghiệm bổ sung để đánh giá tình trạng của bạn.

viem-phe-quan
Ho ra máu cảnh báo tình trạng bệnh ở mức nguy hiểm, cần đi khám bác sĩ ngay

Các biện pháp điều trị viêm phế quản

Viêm phế quản có thể chữa khỏi nếu người bệnh tuân thủ phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ viêm nhiễm để đưa ra phác đồ chữa bệnh phù hợp. Các biện pháp điều trị phổ biến và mang tới hiệu quả tốt là:

Biện pháp can thiệp bằng dân gian

Hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân điều trị bằng bài thuốc dân gian đã đạt kết quả tốt. Chỉ sau 1 thời gian ngắn áp dụng mẹo tại nhà, triệu chứng đã bị đẩy lùi và không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những cách chữa viêm phế quản bằng dân gian bao gồm:

Mật ong

Đây là nguyên liệu rất phổ biến trong các bài thuốc chữa bệnh. Bởi lẽ mật ong chứa hàm lượng kháng khuẩn lớn, có thể giảm ho, làm dịu cổ họng, ức chế virus gây bệnh. Bệnh nhân có thể kết hợp mật ong với chanh theo các bước sau:

  • Cho 1 muỗng chanh với 1 muỗng mật ong vào một cốc nước ấm, khuấy đều
  • Mỗi ngày sử dụng 2 lần để đẩy lùi cơn ho và làm dịu cổ họng

Gừng tươi

Trong Đông y, gừng có tên gọi là bào khương, sinh khương. Tác dụng của nó là chống viêm, giảm cảm giác khó chịu và nâng cao sức đề kháng. Nguyên liệu này không chỉ an toàn mà còn có thể điều trị hiệu quả bệnh viêm phế quản. Cách làm:

  • Bạn giã gừng, bóc vỏ tỏi và nghiền nhuyễn để thu lấy nước cốt.
  • Trộn đều các nguyên liệu cùng đường trắng
  • Mỗi ngày bạn sử dụng hỗn hợp 2 lần để cải thiện triệu chứng.
  • Chú ý, người bệnh không dùng gừng khi đói vì có thể làm kích ứng niêm mạc dạ dày.

Lá trầu không

Trầu không chứa tinh dầu thơm cùng hoạt chất phenolic. Chúng đều có phản ứng kháng sinh mạnh với virus, vi khuẩn gây viêm nhiễm như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,... Mặt khác, lá trầu còn có vị cay, tính ấm, giúp tiêu viêm, tiêu đờm, sát khuẩn, trị viêm phổi.

Người bệnh có thể kết hợp trầu không với mật ong bằng cách:

  • Rửa sạch 10 lá trầu không và giã thật nhuyễn
  • Ngâm lá trầu với 250ml nước sôi trong 20 phút
  • Chắt nước, thêm mật ong, hòa tan và uống 2 lần sau các bữa ăn

Các bài thuốc tại nhà có khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm nhưng không thể thay thế nhóm thuốc tây. Bởi lẽ, dược chất trong mẹo dân gian không thể loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và khó ngăn chặn sự phát triển của biến chứng. Do đó, bạn chỉ nên áp dụng biện pháp này khi bệnh ở mức độ nhẹ.

viem phe quan
Trầu không chứa các hoạt chất giúp diệt virus, vi khuẩn gây viêm nhiễm

Ưu điểm

  • Dễ tiếp cận và thực hiện: Các biện pháp này thường sử dụng các nguyên liệu dễ tìm, sẵn có trong nhà hoặc có thể mua dễ dàng ở các cửa hàng, siêu thị.
  • Ít tác dụng phụ: Do sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, các biện pháp dân gian thường ít gây ra tác dụng phụ so với thuốc tây y, đặc biệt khi sử dụng đúng cách và liều lượng.
  • Tiết kiệm chi phí: Chi phí cho các biện pháp này thường thấp hơn so với việc sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.
  • Hỗ trợ giảm triệu chứng: Một số biện pháp có thể giúp làm giảm triệu chứng như ho, đau họng, khó thở một cách tự nhiên.

Nhược điểm

  • Hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng: Mặc dù có nhiều bằng chứng giai thoại về hiệu quả của các biện pháp dân gian, nhưng các nghiên cứu khoa học về hiệu quả của chúng còn hạn chế.
  • Không phù hợp với mọi trường hợp: Các biện pháp này thường chỉ phù hợp với các trường hợp viêm phế quản nhẹ. Đối với các trường hợp nặng hoặc có biến chứng, cần can thiệp y tế chuyên nghiệp.
  • Nguy cơ tương tác thuốc: Một số loại thảo dược có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng.
  • Thời gian tác dụng chậm: So với thuốc tây, các biện pháp dân gian thường có tác dụng chậm hơn và đòi hỏi kiên trì sử dụng trong thời gian dài.

Cách điều trị viêm phế quản bằng Tây y

Phương pháp điều trị viêm phế quản bằng Tây y nổi bật với khả năng tác động nhanh chóng và hiệu quả vào triệu chứng. Thuốc giúp giảm nhanh các cơn ho, khó thở và giảm thiểu sự khó chịu cho người bệnh. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh (virus hoặc vi khuẩn), mức độ nặng của bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.

Điều trị triệu chứng:

  • Thuốc giảm ho: Dùng khi ho khan, gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các loại thuốc giảm ho thường dùng bao gồm dextromethorphan, codeine (chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ) hoặc các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược như guaifenesin.
  • Thuốc long đờm: Giúp làm loãng đờm, dễ dàng khạc ra ngoài, giảm tắc nghẽn đường thở. Acetylcysteine, carbocisteine là những thuốc long đờm thường được sử dụng.
  • Thuốc giãn phế quản: Giúp mở rộng đường thở, giảm khó thở, đặc biệt hiệu quả với những bệnh nhân có triệu chứng thở khò khè. Salbutamol, terbutaline là các thuốc giãn phế quản thường được sử dụng dưới dạng hít hoặc khí dung.
  • Thuốc hạ sốt giảm đau: Paracetamol, ibuprofen có thể được sử dụng để hạ sốt và giảm đau nhức cơ thể do viêm nhiễm.

Điều trị nguyên nhân:

  • Kháng sinh: Chỉ định khi viêm phế quản do vi khuẩn gây ra. Các loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm amoxicillin, azithromycin, clarithromycin. Việc sử dụng kháng sinh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.
  • Thuốc kháng virus: Có thể được sử dụng trong trường hợp viêm phế quản do virus cúm gây ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính.

viem-phe-quan
Thuốc Tây y điều trị viêm phế quản hiệu quả

Mục tiêu chính của thuốc tây là tập trung loại bỏ triệu chứng và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh vẫn có khả năng tái phát về sau. Ngoài ra, trường hợp lạm dụng tân dược còn dễ bị nhờn thuốc và gặp tác dụng phụ.

Người bệnh có thể bị đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, khó tập trung vào công việc. Thậm chí, nếu dùng sai liều hoặc cơ thể không đáp ứng thuốc tốt, bạn còn dễ bị dị ứng, suy gan, suy thận, xuất huyết dạ dày,...

Vì vậy, khi điều trị bằng thuốc tây, người bệnh cần tuân thủ theo đúng đơn của chuyên gia. Trẻ nhỏ hoặc phụ nữ đang ở thời kỳ thai sản không nên tùy tiện sử dụng tân dược. Nếu không cẩn thận, thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Phương pháp điều trị bằng đông y

Đông y quan niệm, viêm phế quản nằm trong chứng đàm ẩm khái thấu. Tác nhân gây bệnh là bởi phong hàn ngoại cảm, phong nhiệt,... Ngoại nhân xâm nhập cơ thể, ảnh hưởng đến phế, khí huyết không thông, làm suy yếu chức năng tuyên giáng. Khi bị viêm phế quản, cơ thể xuất hiện các chứng ho khan, ho có đờm, ho kéo dài,...

Nguyên tắc chữa bệnh của Đông y là áp dụng phép hóa đờm, ôn phế, thanh nhiệt sơ phong, chỉ khái,... Thảo dược xuất hiện trong các bài thuốc được gia giảm hàm lượng theo thể trạng của từng đối tượng. Dưới đây là 3 bài thuốc thường được sử dụng:

Bài thuốc 1:

Chỉ định: Thể phong hàn, biểu hiện bằng sợ lạnh, ho có đờm trắng loãng, đau đầu, nghẹt mũi.

Nguyên liệu: Ma hoàng 6-8g, Quế chi 8g, Bạch thược 12g, Can khương 6g, Bán hạ chế 12g, Ngũ vị tử 6-8g, Tế tân 4-6g, Cam thảo 6g.

Cách thực hiện: 

  • Cho tất cả các vị thuốc vào ấm sắc thuốc, đổ nước ngập thuốc khoảng 3-4 đốt ngón tay.
  • Đun sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và tiếp tục sắc trong khoảng 45-60 phút cho đến khi còn khoảng 200-300ml nước thuốc.
  • Chia nước thuốc thành 2 phần bằng nhau, uống ấm vào buổi sáng và buổi tối.

Bài thuốc 2:

Chỉ định: Thể phong nhiệt hoặc phong táo, biểu hiện bằng ho khan, đau rát họng, khát nước, đờm vàng đặc.

Nguyên liệu: Tang diệp 12g, Hạnh nhân 12g, Bối mẫu 6g, Sa sâm 12g, Cát cánh 10g, Tiền hồ 12g, Cam thảo 6g, Chi tử 8g, Đậu xị 12g.

Cách thực hiện: 

  • Rửa sạch các vị thuốc, cho vào ấm sắc thuốc, đổ nước ngập thuốc khoảng 3-4 đốt ngón tay.
  • Đun sôi, sau đó hạ nhỏ lửa và sắc trong khoảng 45-60 phút cho đến khi còn khoảng 200-300ml nước thuốc.
  • Chia nước thuốc thành 2 phần bằng nhau, uống hết trong ngày, nên uống khi thuốc ấm.

Bài thuốc 3:

Chỉ định: Thể đàm thấp, biểu hiện bằng ho có đờm nhiều, trắng đục, nặng ngực, khó thở, mệt mỏi.

Nguyên liệu: Bán hạ 12g, Trần bì 10g, Phục linh 12g, Cam thảo 6g, Bạch truật 10g, Chỉ thực 10g, Hậu phác 10g.

Cách thực hiện: 

  • Rửa sạch toàn bộ nguyên liệu để loại bỏ tạp chất rồi để ráo nước.
  • Đặt các dược liệu vào nồi và thêm 700-800ml nước lọc sao cho ngập mặt thuốc.
  • Đun sôi hỗn hợp, sau đó giảm lửa và đun liu riu trong 45-60 phút.
  • Khi lượng nước còn lại khoảng 200-300ml, tắt bếp và lọc lấy nước thuốc.
  • Chia đều nước thuốc thành hai phần, uống vào buổi sáng và buổi tối, nên uống thuốc lúc còn ấm để đạt hiệu quả tối ưu.

viem-phe-quan
Bài thuốc Đông y điều trị bệnh an toàn, ít gây tác dụng phụ

Lưu ý:

  • Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng cần được tư vấn và điều chỉnh bởi bác sĩ y học cổ truyền có chuyên môn.
  • Tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể gia giảm các vị thuốc hoặc kết hợp với các phương pháp khác như châm cứu, xoa bóp để tăng hiệu quả điều trị.

Thuốc đông y vừa điều trị tận gốc tác nhân vừa loại bỏ hoàn toàn triệu chứng khó chịu. Khi cơ thể hấp thu thuốc tốt, sức đề kháng của người bệnh cũng được tăng cường để hạn chế khả năng tái phát.

Tuy nhiên thuốc đông y phát huy hiệu quả như thế nào còn dựa vào cơ địa của mỗi bệnh nhân. Vì vậy, nếu thời gian uống thuốc kéo dài, người bệnh nên kiên trì điều trị. Ngoài ra, bạn cần sử dụng theo đúng liệu trình của các lương y.

Dược liệu chữa bệnh

Trong Đông y, từ lâu đã áp dụng một số dược liệu tự nhiên để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản. Những dược liệu này không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng của hệ thống hô hấp, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị bệnh từ gốc rễ.

Dưới đây là các loại dược liệu phổ biến trong điều trị viêm phế quản:

  • Lá nhót tây;
  • Cam thảo;
  • Hoa đu đủ đực;
  • Cây bạc hà;
  • Trần bì…

Các loại dược liệu này thường được kết hợp cùng nhau thành các bài thuốc Đông y, với liều lượng được điều chỉnh sao cho phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả trong điều trị viêm phế quản. Tuỳ theo tình trạng sức khỏe và triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân, các bác sĩ Đông y sẽ điều chỉnh thêm các thành phần khác vào bài thuốc để giải quyết hiệu quả các triệu chứng, điều trị nguyên nhân gốc và ngăn ngừa tái phát bệnh.

Viêm phế quản là bệnh lý phổ biến tại đường hô hấp đi kèm các triệu chứng khó chịu. Biểu hiện của bệnh có thể gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Do đó, nếu cơ thể bất ổn, bạn nên đi thăm khám để có kết quả chẩn đoán chính xác.

Danh sách dược liệu tham khảo

Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Chuyên gia tư vấn


Top phòng khám điều trị Viêm Phế Quản bằng YHCT


Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan