Nội soi dạ dày xong bị đau họng, đau bụng là tình trạng không hiếm gặp. Đây là những vấn đề thường xảy ra do tác động của ống nội soi và thao tác chưa chuẩn xác của bác sĩ. Tình trạng này có nguy hiểm cho sức khỏe không và nên làm gì để khắc phục? Những thông tin dưới đây sẽ giúp độc giải giải đáp băn khoăn này.
Nội soi dạ dày xong bị đau họng
Đau họng sau khi nội soi dạ dày thường xảy ra đối với các bệnh nhân sử dụng phương pháp nội soi qua đường miệng. Ống nội soi đi qua cổ họng của bệnh nhân có thể gây ra những tổn thương dẫn đến tình trạng đau họng sau nội soi.
Nguyên nhân nội soi dạ dày xong bị đau họng
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau họng sau khi nội soi dạ dày đó là do ống nội soi cứng, do bệnh nhân bị xước niêm mạc họng cạnh amidan và do kỹ thuật của bác sĩ thực hiện nội soi.
- Do ống nội soi cứng: ống nội soi đi qua cổ họng không chỉ gây ra kích thích khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, khó chịu mà những va chạm còn có thể dẫn đến đau họng sau khi nội soi.
- Do xước niêm mạc họng cạnh amidan: amidan bị sưng và phồng to do viêm sẽ rất dễ bị tổn thương khi ống nội soi đi qua và khiến bệnh nhân bị đau họng sau khi nội soi dạ dày.
- Do kỹ thuật của bác sĩ: bác sĩ nội soi không những cần có trình độ chuyên môn mà còn cần am hiểu quy trình nội soi và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Kỹ thuật kém và sự thiếu khéo léo của bác sĩ có thể gây ra những vết xước làm cổ họng bị đau và thậm chí ảnh hưởng tới độ chính xác của kết quả nội soi.
Sau khi nội soi dạ dày về bị đau họng có đáng lo?
Nội soi dạ dày bị đau họng không phải là vấn đề nghiêm trọng, không gây nguy hiểm cho sức khỏe và thường tự mất đi sau khi nội soi khoảng một vài ngày. Người bệnh chỉ cần chú ý nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý để những tổn thương ở cổ họng nhanh chóng được xoa dịu và hồi phục.
Nội soi dạ dày xong bị đau họng nên làm gì?
Có một vài biện pháp chăm sóc mà bệnh nhân có thể áp dụng để hạn chế và cải thiện triệu chứng đau họng sau khi nội soi dạ dày:
- Sau khi rút ống nội soi, bệnh nhân nên súc miệng và họng nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng và vòm họng, tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Không khạc nhổ hay ho mạnh gây kích thích niêm mạc họng.
- Tránh dùng các loại thực phẩm cứng vì sẽ gây ra thêm áp lực cho cổ họng trong việc nuốt thức ăn.
- Tránh sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích vì chúng cũng gây hại cho cổ họng đang bị tổn thương.
- Không dùng thức ăn và đồ uống chua cay, quá lạnh hoặc quá nóng. Các loại thực phẩm này đều gây kích thích niêm mạc họng, làm tăng cảm giác đau đớn và cản trở quá trình hồi phục của các vết thương.
Nội soi dạ dày xong bị đau bụng
Đau bụng cũng là một trong những vấn đề có thể gặp phải sau khi nội soi dạ dày. Bệnh nhân bị đau bụng sau nội soi cần được theo dõi sức khỏe cẩn thận để đảm bảo triệu chứng này là không nguy hiểm và có thể khắc phục nhanh chóng.
Nguyên nhân nội soi dạ dày xong bị đau bụng
Cũng giống như vấn đề đau họng sau khi nội soi dạ dày. Nguyên nhân gây đau bụng cũng xuất phát từ 2 nhân tố chính là ống nội soi và kỹ thuật của bác sĩ. Nếu sử dụng ống có độ cứng không phù hợp để nội soi sẽ rất dễ gây ra những tổn thương cho đường tiêu hóa.
Nguyên nhân phổ biến khác là bác sĩ thực hiện kỹ thuật bơm hút chưa chuẩn xác hoặc thao tác thiếu khéo léo cũng sẽ dẫn đến những va chạm, có thể kích thích và làm xước niêm mạc gây đau. Trong trường hợp niêm mạc dạ dày của bệnh nhân đã có những viêm nhiễm và tổn thương sẵn có, những tác động này càng có ảnh hưởng nặng nề hơn.
Nội soi dạ dày về bị đau bụng có nguy hiểm không?
Đau bụng sau khi nội soi dạ dày là triệu chứng cần được theo dõi để đánh giá nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Những cơn đau bụng nhẹ thoáng qua thường không nghiêm trọng và có thể tự mất đi sau khi kết thúc nội soi khoảng vài giờ.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, kéo dài không thuyên giảm, đôi khi kèm theo nôn và sốt thì không thể coi thường. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những biến chứng nội soi nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày; bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Sau khi nội soi dạ dày bị đau bụng phải làm sao?
Sau khi nội soi, nếu bệnh nhân chỉ bị đau bụng nhẹ thì có thể về nhà tự theo dõi, chú ý tăng cường nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý để cơ thể có thời gian ổn định và hồi phục. Khoảng 2 giờ sau nội soi, bệnh nhân có thể bắt đầu ăn cháo, súp lỏng. Một vài ngày sau đó, nên duy trì thực đơn ăn uống với các món ăn mềm, dễ tiêu hóa; tránh thực phẩm có tính axit hoặc chứa chất kích thích. Đồng thời, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Nếu gặp phải tình trạng đau quặn bụng kéo dài không dứt, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để thông báo chi tiết tình hình và làm theo chỉ dẫn. Bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định cần thiết giúp xác định vấn đề bệnh nhân đang gặp phải và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Phòng ngừa nội soi dạ dày xong bị đau họng, đau bụng
Để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi và an toàn, cần có sự hợp tác chặt chẽ của người bệnh với bác sĩ. Ngoài việc tuân thủ đúng những chỉ dẫn y khoa trong quá trình nội soi, việc chuẩn bị chu đáo trước khi nội soi sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải, trong đó có tình trạng đau họng, đau bụng sau nội soi.
Lựa chọn cơ sở nội soi uy tín
Khi lựa chọn được một cơ sở nội soi dạ dày uy tín, bệnh nhân sẽ được chăm sóc bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi; được thăm khám và điều trị bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại và đảm bảo vệ sinh. Điều này sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe tối đa cho người bệnh trong suốt quá trình nội soi dạ dày.
Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ bị đau họng và đau bụng sau nội soi, bệnh nhân nên chủ động lựa chọn sử dụng các phương pháp nội soi dạ dày không đau.
Thực hiện tốt những yêu cầu chuẩn bị để phòng ngừa nội soi dạ dày xong bị đau họng, đau bụng
Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà người bệnh cần thực hiện tốt trước khi nội soi dạ dày để phòng tránh nguy cơ gặp phải những tai biến sau nội soi:
- Không uống rượu, hút thuốc và sử dụng các loại thực phẩm có màu trong 24 giờ trước khi nội soi để tránh gây ảnh hưởng tới việc quan sát khi nội soi, làm sai lệch kết quả chẩn đoán.
- Nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi để phòng tránh nguy cơ trào ngược, hít sặc vào đường thở.
- Thông báo cho bác sĩ về các thuốc đang sử dụng và tình trạng dị ứng (nếu có).
- Chuẩn bị tâm lý bình tĩnh, thoải mái để thực hiện nội soi.
Sau khi nội soi dạ dày, dù có xuất hiện triệu chứng đau họng, đau bụng hay không, bệnh nhân cũng cần tăng cường nghỉ ngơi, sử dụng thực phẩm mềm, lỏng và duy trì một chế độ ăn uống hợp lý vài ngày sau đó để hỗ trợ cho quá trình hồi phục của cơ quan tiêu hóa.
Nội soi dạ dày xong bị đau họng đau bụng thông thường là triệu chứng không gây nguy hiểm và có thể nhanh chóng mất đi khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên bệnh nhân cũng không nên chủ quan mà cần tự theo dõi sức khỏe của bản thân để nhanh chóng phát hiện và xử lý khi xảy ra những vấn đề bất thường báo hiệu biến chứng sau nội soi dạ dày.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!