Tẩy tế bào chết là bước chăm sóc da quan trọng nhằm làm sáng và làm mịn da. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn có nên tẩy tế bào chết cho da khô không bởi làn da này có đặc điểm thiếu độ ẩm, dễ bong tróc và rất nhạy cảm. Cùng chuyên gia Da liễu tại Tạp Chí Đông Y giải đáp chi tiết cho vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Giải đáp có nên tẩy tế bào chết cho da khô không?
Da khô là là tình trạng da thiếu độ ẩm do mất nước ở lớp biểu biểu, khiến da thô ráp, dễ bong tróc, dễ bị thâm sạm, xỉn màu, nhiều nếp nhăn và sớm lão hóa. Vậy có nên tẩy tế bào chết cho da khô hay không?
Chuyên gia Da liễu Tạp Chí Đông Y cho biết, tẩy tế bào chết da khô là bước cần thiết trong quá trình chăm sóc da. Phân tích cụ thể hơn về lợi ích mà bước tẩy tế bào chết mang lại cho làn da khô như sau:
- Làm sạch da: Tẩy tế bào chết giúp làm sạch sâu, loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và các lớp da chết. Lúc này, lỗ chân lông thông thoáng hơn, ngăn ngừa tình trạng tích tụ các tạp chất, giúp da dẻ mịn màng, không còn sần sùi, thô ráp và bong tróc như trước.
- Hấp thụ dưỡng chất từ sản phẩm chăm sóc da tốt hơn: Sau khi tẩy tế bào chết, các lớp sừng trên thượng bì đã được loại bỏ. Nhờ đó, dưỡng chất từ các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng ẩm, serum dưỡng da,… dễ dàng thẩm thấu vào sâu dưới hạ bì, phát huy tác dụng và giúp làn da khỏe mạnh, căng mịn hơn.
Kích thích tái tạo da và chống lão hóa: Chuyên gia Da liễu cho biết, tẩy tế bào chết cho da khô còn giúp kích thích tái tạo tế bào da, giúp da trắng sáng, đều màu, đồng thời giúp tăng sinh collagen dưới da. Nhờ đó, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa như chảy xệ, thâm nám, đồi mồi, nếp nhăn,…
Tác hại khi tẩy tế bào chết cho da khô sai cách
Việc tẩy tế bào chết cho da khô sai cách sẽ dẫn đến những tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến làn da như sau:
- Gây tổn thương lớp màng bảo vệ da, khiến da kích ứng, đỏ rát, châm chích, đặc biệt cảm giác này rõ ràng hơn khi rửa mặt hoặc thoa các sản phẩm chăm sóc da khác.
- Tẩy tế bào chết quá mạnh sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da, lúc này da sẽ khô hơn mà mất độ đàn hồi tự nhiên, các triệu chứng thô ráp, bong tróc thêm nghiêm trọng hơn.
- Khi da khô bị tẩy tế bào chết quá mức sẽ khiến da dễ bị tổn thương, nhiễm khuẩn gây hình thành mụn và đẩy nhanh tốc độ da lão hóa như nếp nhăn, đốm nâu, chảy xệ,…
Cách chọn sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp cho da khô
Để hiệu quả tẩy tế bào chết hiệu quả và không gây hại cho da, việc chọn sản phẩm phù hợp là vô cùng quan trọng. Cụ thể, hướng dẫn của chuyên gia về các chọn sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp cho da khô như sau:
Chọn dạng tẩy tế bào chết
Hiện nay có 2 dạng tẩy tế bào chết cho da phổ biến bao gồm:
- Tẩy da chết dạng vật lý: Phương pháp này giúp da trở nên mịn màng lập tức, tuy nhiên do tác động vật lý lên da quá nhiều nên khiến da dễ tổn thương. Do đó, với những người có làn da khô, đây chưa phải phương pháp tối ưu nhất.
- Tẩy tế bào chết dạng hóa học: Đây là phương pháp sử dụng các hoạt chất như AHA, BHA (da khô nên chọn AHA) loại bỏ tế bào chết ở lỗ chân lông một cách nhẹ nhàng, không cần chà xát mạnh. Do đó, cách tẩy tế bào chết hóa học ít gây ra thương tổn cho làn da hơn.
Do những đặc điểm trên, chuyên gia Da liễu khuyến nghị người da khô nên chọn phương pháp tẩy tế bào chết dạng hóa học. Tuy nhiên, một số người đã quen với phương pháp tẩy tế bào chết vật lý thì hoàn toàn tiếp tục áp dụng phương pháp này được, tuy nhiên cần thực hiện đúng cách, chọn sản phẩm tẩy da chết phù hợp để tránh gây tổn thương cho da.
Chọn thành phần sản phẩm tẩy tế bào chết
Đối với những người có làn da khô, khi chọn tẩy tế bào chết dạng vật lý, nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có thành phần chiết xuất tự nhiên và giàu độ ẩm như mật ong, trà xanh, dầu olive,… Đặc biệt, cần lựa chọn sản phẩm có hạt nhỏ mịn để tránh tổn thương da trong quá trình sử dụng.
Trong trường hợp tìm sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học cho da khô, bạn nên chọn các sản phẩm AHA (alpha hydroxy acid) để vừa loại bỏ được lớp da chết trên bề mặt, vừa giúp da giữ được độ ẩm, tránh khô ráp bong tróc. Bên cạnh đó, một số thành phần khác phù hợp cho da khô như:
- Glycolic acid: Ở nồng độ từ 5%, Glycolic acid có khả năng thúc đẩy phục hồi da, cải thiện thô ráp và các tổn thương da do tia UV.
- Malic acid: Khi sử dụng Malic acid ở nồng độ 1 – 2% sẽ giúp tẩy tế bào chết hiệu quả và chống oxy hóa cho da.
- Lactic acid: Sử dụng Lactic acid nồng độ 2% sẽ giúp hydrat hóa da, cải thiện thô ráp và tẩy da chết tốt hơn khi dùng với nồng độ từ 5 – 10%.
- Tartaric acid: Loại acid này được sử dụng với tác dụng bổ trợ các chất tẩy da chết khác hoạt động đúng độ pH.
- Citric acid: Khả năng tẩy da chết của chất acid citric được kích hoạt ở nồng độ 10%. Tuy nhiên, không nên dùng Citric acid ở nồng độ cao hơn vì sẽ khiến da châm chích khó chịu.
Ngoài ra, bạn lưu ý tránh mua những sản phẩm tẩy tế bào chết cho da khô có chứa chứa cồn, chất tạo màu, hương liệu, paraben,… Các chất này gây ảnh hưởng xấu cho da, khiến các tình trạng khô da, bong tróc da nghiêm trọng hơn.
Hướng dẫn các bước tẩy da chết cho da khô chuẩn xác
Để đảm bảo tẩy da chết hiệu quả và không gây tổn thương cho làn da, bạn cần thực hiện đúng từng bước từ làm sạch, tẩy tế bào chết đến bước dưỡng da cuối cùng. Cụ thể như sau:
Bước 1: Làm sạch tay
Bước đầu tiên là rửa tay sạch với xà bông để tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ bụi bẩn, tránh khiến chúng xâm nhập vào biểu bì da và gây mụn.
Bước 2: Tẩy trang kỹ càng
Lấy một lượng nước tẩy trang vừa đủ, thực hiện từ vùng mắt và môi trước. Sau đó, dùng một miếng bông khác để tẩy trang cho các vùng khác trên khuôn mặt theo hướng từ trán xuống mũi, sau đó 2 má và xuống cằm. Lưu ý tẩy trang kỹ, đặc biệt các vùng có nhiều bã nhờn như cánh mũi và dưới hàm.
Bước 3: Dùng sữa rửa mặt
Làm ướt mặt, sau đó cho một lượng sữa rửa mặt ra lòng bàn tay, tạo bọt và massage nhẹ nhàng lên mặt. Thực hiện theo chiều từ dưới lên trên để tránh tình trạng da chảy xệ. Quá trình massage này cũng giúp kích thích tuần hoàn máu lưu thông, giúp da mềm mịn và hồng hào hơn.
Bước 4: Tẩy tế bào chết cho da khô
Dùng bông thấm bớt nước trên mặt, lấy một lượng tẩy tế bào chết vừa đủ rồi thoa lên bề mặt da. Dùng tay massage nhẹ nhàng hoặc dùng các công dụng hỗ trợ để quá trình loại bỏ da chết hiệu quả hơn. Đối với trường hợp dùng tẩy tế bào chết vật lý, bạn cần rửa lại mặt với nước, nếu dùng dạng hóa học chỉ cần đợi 15 phút cho hoạt chất thấm vào da và thực hiện bước tiếp theo.
Bước 5: Dùng toner cân bằng pH cho da
Bôi một lớp toner sau bước tẩy tế bào chết sẽ giúp cân bằng độ pH cho da, làm dịu da và thu nhỏ lỗ chân lông hiệu quả.
Bước 6: Dùng sản phẩm dưỡng da
Bước này sẽ sử dụng các sản phẩm dưỡng da phù hợp theo nhu cầu của mỗi người như: Kem trị mụn, kem trị nám, làm sáng da, trị thâm,…
Bước 7: Khóa ẩm bằng kem dưỡng
Để toàn bộ dưỡng chất lưu lại trên da và cấp ẩm cho da, bạn cần thoa một lớp kem dưỡng ẩm ở bước cuối cùng của chu trình skincare. Chuyên gia khuyến nghị những người có da khô nên chọn sản phẩm kem dưỡng ẩm có thành phần chứa dầu và thành phần giữ nước.
Sai lầm cần tránh khi tẩy tế bào chết cho da khô
Dưới đây là những sai lầm nhiều người mắc phải khi tẩy tế bào chết cho da khô, khiên tình trạng da ngày càng tồi tệ hơn:
- Lạm dụng tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết quá nhiều sẽ vô tình phá hỏng hàng rào bảo vệ da, khiến lớp dầu tự nhiên trên da bị loại bỏ. Chuyên gia khuyến nghị, những người da khô chỉ nên tẩy tế bào chết từ 1 – 2 lần/tuần. Nếu thấy da quá khô, châm chích, tiếp tục giảm xuống 1 lần/tuần.
- Chà xát mạnh: Nhiều người cho rằng chà xát mạnh sẽ giúp loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn, bã nhờn,… tốt hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến da bị tổn thương, đặc biệt nếu da đang bị mụn sẽ khiến tình trạng mụn nghiêm trọng và dễ dàng lan rộng sang vùng da khỏe mạnh khác.
- Tẩy tế bào chết vào ban ngày: Đây là sai lầm khi chăm sóc da nhiều người mắc phải. Bởi sau khi tẩy tế bào chết, làn da cần có thời gian tái tạo và phục hồi, bên cạnh đó, da lúc này rất mỏng và nhạy cảm. Nếu thực hiện ban ngày sẽ khiến da tổn thương do tiếp xúc ánh mặt trời, dễ dẫn đến nám, sạm, tàn nhang.
- Chọn tẩy da chết có nồng độ cao: Điều này khiến da chưa kịp thích ứng với các hoạt chất mạnh, dễ gây châm chích, kích ứng, thậm chí nổi mụn, đau rát. Chuyên gia khuyến nghị nên bắt đầu từ các sản phẩm tẩy tế bào chết nồng độ thấp như AHA 5% rồi tăng dần lên AHA 8%, 10%.
- Không cấp ẩm sau khi tẩy da chết: Sau khi tẩy tế bào chết cho da khô, bạn cần cung cấp độ ẩm cho da bằng các loại kem dưỡng, serum. Bởi nếu da thiếu ẩm, cơ thể sẽ tự động tiết dầu bù lại, tình trạng này kéo dài sẽ khiến tuyến bã nhờn hoạt động khó kiểm soát hơn.
- Không bôi kem chống nắng: Đây là sai lầm nghiêm trọng khiến da nhanh chóng sạm đen, lão hóa, hình thành nếp nhăn, đồi mồi, nám, tàn nhang. Bạn cần chú ý, dù ở nhà hay ra ngoài, bước cuối cùng của chu trình chăm sóc da mỗi sáng là dùng kem chống nắng để bảo vệ da.
- Tẩy da chết khi da đang treatment: Treatment là quá trình sử dụng các sản phẩm đặc trị mụn, nám, sẹo mụn, tổn thương da hoặc nhiều vấn đề khác. Lúc này da đang rất nhạy cảm, việc tẩy tế bào chết trong giai đoạn này sẽ khiến tình trạng da nghiêm trọng hơn.
Có thể khẳng định tầm quan trọng của việc tẩy tế bào chết cho da khô. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả làm đẹp da và tránh những tổn thương không mong muốn, bạn cần chọn lựa các sản phẩm tẩy da chết phù hợp, đồng thời thực hiện các bước đúng theo hướng dẫn từ chuyên gia.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!