Đẳng sâm (hay đảng sâm) là dược liệu được ví như “nhân sâm bình dân” với tác dụng bồi bổ, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tuyệt vời. Không chỉ thế, đây còn là một loại dược liệu được ưa chuộng trong ẩm thực với vị hơi đắng, vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng. Tìm hiểu về loại sâm này, tác dụng, các cách dùng và lưu ý cần biết khi sử dụng trong bài viết dưới đây.
Thông tin về cây đẳng sâm
Đẳng sâm là một loại cây thân leo sống lâu năm, rất nổi tiếng trong dân gian bởi tác dụng quý với sức khỏe con người.
- Tên dược liệu: Đẳng sâm
- Tên gọi khác: Tây đảng sâm, Điều đảng sâm, Đảng sâm, Bạch đảng sâm, Lộ đảng sâm, Đông đảm sâm, Hồng đẳng sâm…
- Tên khoa học: Codonopsis pilosula
- Họ: Hoa chuông (Campanulaceae)
Đặc điểm của cây đẳng sâm trong tự nhiên
Đẳng sâm là một loại cây rất đặc biệt, có nhiều đặc điểm thực vật nổi bật và dễ nhận biết. Loại cây này có thể mọc nằm ở trên mặt đất hoặc quấn quanh các loài thực vật lớn khác.
Dưới đây là mô tả thực vật của dược liệu:
- Thực vật dạng dây leo, thân thảo và có tuổi thọ lâu năm. Thân cây thường có màu tím hơi sẫm đặc trưng và phủ bên ngoài là một lớp lông thưa, nhỏ. Tuy nhiên, phần lông này lại không mọc ở phần ngọn mà chỉ có ở thân cây.
- Thân củ rễ to, dài, có các nhánh rễ con mọc xung quanh rễ chính, có nhiều vết cắt, hình dáng tương tự củ nhân sâm.
- Lá cây hình trứng tròn với đuôi nhọn và viền là không có răng cưa. Màu của lá hơi vàng và trên bề mặt có một lớp lông nhung mềm mại. Mặt dưới của lá có màu xám đặc trưng.
- Hoa của cây đẳng sâm thường có màu xanh nhạt và mọc nhiều ở khu vực nách lá.
- Quả của loại cây này có kích thước nhỏ với hạt bên trong có màu nâu.
Nguồn gốc và phân bổ địa lý cây thuốc
Loài cây này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hay còn gọi đẳng sâm bắc, hiện được phân bố nhiều ở các tỉnh như: Hà Nam, Cam Túc, Cát Lâm, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Vân Nam…
Hiện nay, đẳng sâm Việt Nam hay còn gọi đẳng sâm nam được phân bố nhiều ở một số tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang…
Ngoài ra, khu vực phía Trung và Nam cũng có một số tỉnh thành như: Kon Tum, Lâm Đồng, Đà Nẵng…
Quy trình thu hoạch, bào chế và bảo quản đẳng sâm
Để có được đẳng sâm dược liệu đạt chuẩn thì việc thu hái và sơ chế cần hết sức chu đáo, tỉ mỉ. Theo kinh nghiệm dân gian, mùa đông khi cây đảng sâm úa vàng, rụng lá hoặc mùa xuân khi cây chưa đâm chồi nảy lộc là thời điểm thu hoạch lý tưởng.
Tốt nhất nên thu hoạch đẳng sâm rừng nửa tháng trước và sau tiết Bạch lộ, lúc này củ sâm có sản lượng cao nhất.
Để thu hoạch và bào chế, người dân cần hết sức tỉ mỉ:
- Đào rễ củ sâu trên 0.7m, không được làm trầy xước bề mặt củ.
- Rửa sạch đất cát và phân loại củ theo trọng lượng, kích thước.
Sau đó, tiến hành bào chế đẳng sâm dược liệu theo nhiều cách khác nhau:
- Theo Trung Quốc: Thực hiện phơi âm can và lăn se ngay sau khi thu hái. Khi dùng cần lấy thảo dược đã được phơi khô đem sao chung với đất hoặc cám đến khi vàng để có hiệu quả tốt nhất.
- Theo Việt Nam: Ủ nước qua đêm sau khi đã sơ chế. Khi thấy rễ mềm thì đem bào thành những lát mỏng và đem ngâm chung với nước dùng. Cách này giúp củ đẳng sâm bớt hàn và khỏi nê Tỳ. Sau đó tiến hành sao qua và bảo quản để dùng dần.
Bên cạnh đó, ở mỗi nơi sẽ có phương thức bí truyền riêng để sản xuất đẳng sâm, do đó ở Trung Quốc sẽ có những loại khác nhau như:
- Tây đảng sâm: Sản xuất ở Cam Túc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên. Dược liệu khô đường kính 13mm trở lên, đầu đuôi tròn đều, màu vàng hoặc xám, thịt bên trong xám vàng, có các vân tròn, không có rễ con.
- Đông đảng sâm: Sản xuất ở Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh. Củ sâm khô đường kính 10mm trở lên, chất đường ít, không có dầu tiết, không bị biến chất, đầu đuôi tròn, ít nếp nhăn, vỏ vàng xám, nâu xám, thịt trắng vàng và có vân tròn.
- Lộ đảng sâm: Sản xuất ở Sơn Tây, Hà Nam: Khô ráo, nhiều đường mềm đường kính trên 10mm, rễ dài, vỏ vàng, vàng xám, thịt bên trong vàng nâu, không bị biến chất, không có dầu tiết.
- Điều đảng sâm: Sản xuất ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Thiểm Tây, củ khô có chất đường, hình trụ tròn đường kính 12mm trở lên, không có dầu, vỏ khô màu vàng, thịt bên trong màu trắng, vàng trắng.
- Bạch đảng sâm: Sản xuất ở Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, củ khô cứng, ít đường, đường kính trên 10mm, vỏ màu vàng xám, trắng vàng, củ thô mập.
Để đảm bảo các thành phần bên trong thảo dược luôn giữ được nguyên vẹn thì người dùng cần bảo quản nơi khô thoáng. Tốt nhất là để trong các dụng cụ đảm bảo độ kín để thảo dược không bị ẩm mốc. Ngoài ra, trong quá trình cất giữ có thể đem sấy diêm sinh theo định kỳ để tránh tình trạng nấm mốc trên thảo dược.
Những tác dụng của đẳng sâm với sức khỏe con người
Rất nhiều người thắc mắc đẳng sâm có tác dụng gì, có tốt như các loại “sâm” đại bổ khác hay không? Theo Đông Y hay Tây Y thì thảo dược này vẫn luôn được đánh giá rất cao về hiệu quả tuyệt vời mà nó có thể mang lại.
Tác dụng đẳng sâm rừng theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, vị thuốc đẳng sâm có vị ngọt, tính bình mát, được quy vào kinh Phế và kinh Tỳ.
Dược liệu này có tác dụng bổ trung, thanh phế, ích khí, trừ phiền khát, sinh tân, chủ trị các chứng phế hư, phế khí, trị tỳ vị hư yếu, khí huyết suy nhược, không có sức, tiêu chảy lâu ngày, vàng da do huyết hư, rong kinh, chữa bạch huyết, bệnh ở tụy tạng, phát sốt, băng huyết, thai sản,…
Theo Y học hiện đại đẳng sâm có tác dụng gì?
Trong thảo dược này có chứa nhiều thành phần hóa học nổi bật như: tangshenoside, choline, insulin, glucose, đường, tinh bột, saponin, alkaloid, fructose, sucrose,…
Nhờ đó, đẳng sâm có được nhiều tác dụng chữa bệnh rất tuyệt vời như:
- Bồi bổ cơ thể, chống mệt mỏi, bổ sung năng lượng, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tăng cân cho người gầy yếu, giúp cơ thể người dùng thích nghi tốt với nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
- Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh ho, cảm cúm, ít ốm đau.
- Bảo vệ hệ tuần hoàn khỏi cholesterol xấu, ngừa máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, giảm bạch cầu và tăng hồng cầu, lưu thông khí huyết hiệu quả
- Tốt cho hệ tiêu hoá, giảm các triệu chứng đầy hơi khó tiêu, ruột kích thích.
- Tốt cho hệ tim mạch, hạ huyết áp ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nâng cao đường huyết giảm nguy cơ choáng, ngất xỉu, điều hòa nhịp tim, giảm áp lực cho tĩnh mạch khi mất máu, tim đập nhanh.
- Làm lành nhanh các vết thương, ngừa vi khuẩn xâm nhập gây lở loét, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh như khuẩn đại tràng, trực khuẩn lao, não mô cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn bạch hầu,…
Những đối tượng phù hợp với đẳng sâm dược liệu
Đẳng sâm được biết đến là một thảo dược lành tính, nó có thể phù hợp để dùng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau:
- Người có triệu chứng chán ăn, ăn không có cảm giác ngon miệng.
- Người bị căng thẳng thần kinh, tinh thần mệt mỏi, thường xuyên bị stress.
- Người bị mất ngủ và đang có nhu cầu cải thiện để có giấc ngủ ngon hơn.
- Người có cơ địa tiêu hóa kém, khả năng hấp thụ dinh dưỡng không tốt hay bị tiêu chảy trong thời gian nhiều ngày.
- Người có sức đề kháng yếu, mới ốm dậy và đang cần bồi bổ để tăng cường sức khỏe.
- Người có chức năng hệ tuần hoàn không tốt.
- Người khỏe mạnh nhưng vẫn đang có nhu cầu bồi bổ để sức khỏe được cường tráng hơn.
15 bài thuốc chữa bệnh bằng đẳng sâm hiệu quả và dễ thực hiện nhất
Có rất nhiều cách để sử dụng đẳng sâm để chữa bệnh, dưới đây là những bài thuốc và cách dùng hiệu quả nhất mà bạn đọc có thể tham khảo.
Điều trị thoát giang, tiêu chảy, khí hư bằng đẳng sâm nang
Khi gặp các triệu chứng đau bụng tiêu chảy kéo dài hay phụ nữ khí hư thất thường có thể dùng cây thuốc để điều trị.
Cách làm như sau:
- Các vị thuốc cần có: 8g đẳng sâm rừng sao với gạo; 3 lát gừng; chích kỳ, phục linh, nhục khấu tương, bạch truật mỗi loại 6g; 2g chích thảo; 2,4g thăng ma nướng mật; 8g sơn dược sao.
- Sử dụng tất cả các vị thuốc trên đem sắc cùng 2 lít nước trong 30 phút cho đến khi chỉ còn loại ⅓ thì uống hết trong ngày.
Với bài thuốc này, chỉ cần dùng đều đặn trong 3 – 5 ngày sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng.
Bài thuốc trị viêm phế quản mãn tính, lao phổi
- Chuẩn bị củ đẳng sâm, mạch môn, thạch cao, tang diệp mỗi thứ 12g; hồ ma nhân, hạnh nhân, tỳ bà diệp nướng mặt mỗi loại 6g; 8g a giao.
- Cho các vị thuốc vào nồi và sắc chung với 2 lít nước để uống hàng ngày.
Tuy nhiên, với bài thuốc này cần lưu ý, trước khi cho các vị thuốc khác vào để sắc thì cần sắc thạch cao trước.
Cách điều trị mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, đại tiện lỏng
- Các vị thuốc cần có: 20- 40g đẳng sâm; ba kích, bạch truật sao và đương quy mỗi loại 12g.
- Đem tán tất cả nguyên liệu thành bột mịn để trộn với mật, sau đó vo thành viên tròn dùng uống hoặc sắc thành nước để uống hàng ngày.
Mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần dùng từ 12 – 20g và kiên trì uống đều đặn cho đến khi hết đại tiện, cơ thể khỏe khoắn.
Trị bệnh huyết áp cao đối với bệnh nhân cơ tim
- Các vị thuốc cần có: Vỏ con trai (loại trai cho ngọc), táo, đẳng sâm; đương quy, trắc bá tử, phục linh mỗi thứ 16g; đương quy, đẳng sâm, sinh địa mỗi loại 10g; mộc hương, hoàng liên mỗi loại 6g.
- Cho tất cả các vị thuốc chuẩn bị trên vào trong 800ml và sắc thành nước. Chia nước thuốc thành 3 lần để uống hết trong ngày.
Với bài thuốc này, muốn có kết quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần kiên trì sử dụng liên tục trong 2 – 2,5 tháng. Không nên dừng thuốc giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Bài thuốc trị tử cung xuất huyết đơn giản
Triệu chứng xuất huyết ở tử cung phụ nữ rất nguy hiểm, nếu không cầm máu kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Khi đó, bạn có thể cầm máu tử cung theo cách dưới đây:
- Chuẩn bị 30- 60g đẳng sâm dược liệu khô.
- Đem sắc dược liệu thành nước và uống liên tục trong 5 ngày hành kinh, mỗi ngày 2 lần.
Thực hiện liên tục trong nhiều chu kỳ sẽ có hiệu quả tuyệt vời.
Bài thuốc trị tim mệt mỏi, người ê ẩm, người già suy yếu lâu ngày
Người già cơ thể lão hoá, thường xuyên gặp các triệu chứng người mệt mỏi, đau nhức ê ẩm, tim mạch suy yếu. Đẳng sâm là vị thuốc quý có tác dụng bồi bổ cho người cao tuổi rất tốt.
Cách làm như sau:
- Các vị thuốc cần có: 40g củ đẳng sâm rừng; ngưu tất, mạch môn, đương quy và long nhãn mỗi vị 12g.
- Sắc chung các vị thuốc trên cùng với 1 lít nước trong 30 phút để uống.
Mỗi ngày uống 1 thang, nếu trường hợp bệnh tình nghiêm trọng có thể cho thêm từ 4 -8g nhân sâm vào trong bài thuốc để mang đến hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.
Chữa huyết áp thấp, điều hoà ổn định huyết áp
Người huyết áp thấp, hay bị tụt huyết áp có thể dùng bài thuốc dưới đây để điều hoà huyết áp ổn định.
- Các vị thuốc cần có: 16g đẳng sâm; 12g hoàng tinh; 10g nhục quế; 6g cam thảo; 10 quả đại táo.
- Đem các vị thuốc sắc cùng 1 lít nước trong 20 phút cho đến khi cô cạn lại còn khoảng 300ml thì chia uống hết trong ngày.
Trị suy nhược thần kinh, an thần
Đảng sâm là vị thuốc quý có tác dụng bồi bổ, an thần, chữa suy nhược thần kinh, trị mất ngủ, thần kinh yếu hiệu quả.
Cách làm rất đơn giản như sau:
- Chuẩn bị đẳng sâm và mạch môn mỗi loại 12g cùng với 8g ngũ vị tử
- Các loại dược liệu rửa sạch rồi đem sắc cùng nước thành nước uống hàng ngày.
Bài thuốc trị Tỳ vị hư yếu, miệng có nhọt
- Đẳng sâm và chích kỳ mỗi loại 8g; 4g phục linh; 2,8g bạch thược; 2g cam thảo sau đó đem rửa sạch sẽ.
- Sắc nước thuốc tất cả các loại thảo dược trên cùng với 1 lít nước cho đến khi chỉ còn lại khoảng ⅓ thì uống hết khi còn nóng.
Uống nước thuốc đều đặn hàng ngày sẽ có giúp giảm nhanh mụn nhọt trong miệng, cải thiện tỳ vị hiệu quả.
Trị thận hư suy gây mệt mỏi, đau lưng, tiểu rắt ở nam giới
Thận hư yếu là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng đau lưng, đau mạn sườn, tiểu rắt, bí tiểu, thậm chí tiểu ra máu. Đẳng sâm là dược liệu quý có tác dụng bổ thận giải tráng dương, đặc biệt tốt cho nam giới bị thận hư.
Cách làm:
- 16g đẳng sâm; tiểu hồi và cáp giới mỗi loại 6g; 1,2g huyết giác; 0,8g trần bì đem rửa sạch và để cho ráo nước.
- Ngâm các vị thuốc với 250ml rượu trong khoảng 3 – 5 ngày là có thể dùng được.
Nam giới có thể uống trước khi đi ngủ hoặc vào bữa cơm chính, mỗi lần chỉ nên uống 1 chén nhỏ, tuyệt đối không lạm dụng.
Bài thuốc trị hư lao, ho và cơ thể suy nhược
- Các vị thuốc cần có: 16g đẳng sâm; 12g hoài sơn; khoản đông hoa, ý dĩ nhân và xa tiền tử mỗi loại 6g; 2g cam thảo.
- Cách thực hiện: Sắc các vị thuốc trên thành nước và uống trong ngày, chia thành 3 lần uống.
Dùng đẳng sâm chữa lở loét miệng ở trẻ nhỏ
Đảng sâm cũng là một vị thuốc quý có tác dụng làm lành nhanh các vết thương, vết lở loét, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
- Chuẩn bị 40g đẳng sâm và 20g hoàng bá khô hoặc dược liệu tươi đã sao vàng.
- Tán 2 vị thuốc thành bột, trộn đều với nhau và thoa trực tiếp lên vùng bị lở loét.
Kiên trì thực hiện đều đặn ngày 2 lần cho đến khi vết lở loét khép miệng và lành hẳn.
Bài thuốc bổ nguyên khí, tráng gân cơ, khai thanh tâm, thanh phế kim
- Các vị thuốc cần có: 640g đẳng sâm; 320g sa sâm; 160g quế viên nhục.
- Cách thực hiện: dùng các vị thuốc được chuẩn bị trên đem nấu thành cao và dùng hằng ngày cho đến khi hết bệnh.
Công dụng của đẳng sâm giúp bồi bổ khí huyết
Khí huyết suy nhược dẫn đến cơ thể ốm yếu, da dẻ sạm đen, mất sức sống, người thường xuyên mệt mỏi, ốm yếu.
Để bồi bổ khí huyết cho cơ thể, bạn có thể tham khảo bài thuốc sau:
- Các vị thuốc cần có: đẳng sâm rừng, đường cát, chích hoàng kỳ, bạch truật, long nhãn.
- Đem tất cả dược liệu nấu thành dạng cao lỏng, bảo quản và dùng uống mỗi ngày và kiên trì sử dụng cho đến khi hết bệnh.
Một số cách sử dụng khác
Đảng sâm dược liệu rất quý và tốt cho sức khoẻ phù hợp cho cả người khoẻ mạnh, người muốn bồi bổ sức khoẻ, tăng cân, tốt cho người già, người mới ốm dậy.
Trong trường hợp này, nếu muốn sử dụng đẳng sâm, bạn có thể dùng theo cách dưới đây:
- Làm đẳng sâm ngâm mật ong: Củ đẳng sâm tươi, sơ chế sạch sẽ đất cát rồi cắt thành từng lát mỏng. Xếp dược liệu vào và đổ mật ong nguyên chất cho ngập, đậy nắp kín trong 1 tháng là có thể dùng được.
- Cách ngâm rượu đẳng sâm bổ dưỡng: Chuẩn bị 0,5kg đẳng sâm khô (tương đương 1kg tươi), rửa sạch sẽ và để ráo nước. Xếp vào bình rồi đổ 8 – 10 lít rượu ngon cho ngập bình trong 2 – 3 tháng.
Lưu ý: Mỗi ngày chỉ nên dùng 10 – 15ml mật ong và 1 – 2 chén nhỏ rượu thuốc, không nên lạm dụng.
Bỏ túi những món ăn ngon làm từ đẳng sâm bổ dưỡng
Bên cạnh dùng trong các bài thuốc chữa bệnh thì bạn cũng có thể dùng đảng sâm bằng cách đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều là nấu ăn. Đẳng sâm có vị hơi đắng, hậu ngọt dùng để làm các món ăn vừa ngon miệng vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý hiệu quả.
- Món tim hầm đảng sâm chữa khó thở, hay bị choáng, hồi hộp, bồi bổ cơ thể
- Món cật lợn hầm đẳng sâm tốt cho tim mạch, hệ bài tiết, thận.
- Cháo đẳng sâm thanh mát, thanh lọc cơ thể, tốt cho người tỳ hư, phát nhiệt. Hoặc kết hợp thêm ý dĩ để bổ khí huyết, điều trị tiêu chảy, bệnh hậu môn
- Hải sâm xào đẳng sâm hết nhức mỏi xương khớp, thường xuyên tiểu đêm, cơ thể hư nhược.
Những lưu ý quan trọng khi sử dụng đẳng sâm chữa bệnh
Đẳng sâm tốt ví ngang nhân sâm, nhưng không phải ai cũng có thể dùng được và dùng như thế nào cũng được. Trước khi sử dụng loại dược liệu quý này, bạn cần chú ý những điều sau:
- Không nên uống quá 63g đẳng sâm để tránh gây cảm giác khó chịu cho vùng trước tim.
- Không nên sử dụng đẳng sâm chung với Lê lô, trà xanh, hải sản, củ cải, không uống trà đặc khi đang dùng dược liệu.
- Người có cơ địa thực tà, hỏa vượng hay khí trệ không nên dùng thảo dược này. Trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên dùng đẳng sâm. Trường hợp cần thiết phải có sự chỉ định của bác sĩ mới được phép dùng.
- Thảo dược này có thể dùng thay thế cho nhân sâm để điều trị các triệu chứng như: vàng da; mệt mỏi, thể trạng suy nhược…
- Cần tuân thủ đúng cách dùng đẳng đẳng sâm để trị bệnh. Người dùng nên lưu ý không tự ý thay đổi liều lượng mà phải kiên trì dùng theo hướng dẫn để có được kết quả chữa bệnh tốt nhất.
- Mặc dù tác dụng đẳng sâm là rất tốt nhưng nếu sau khi sử dụng các bài thuốc hay các món ăn có thảo dược này mà phát hiện những triệu chứng bất thường về sức khỏe thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và kiểm tra
Trên đây là những thông tin cơ bản cùng một số bài thuốc liên quan đến đẳng sâm mà bạn có thể tham khảo để sử dụng khi cần thiết. Thảo dược này hiện được cung cấp rất đa dạng trên thị trường nên người dùng cần có sự cân nhắc thật kỹ để chọn được thảo dược tốt nhất trước khi sử dụng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!