Khi tình trạng bệnh thoát vị đĩa đệm chuyển biến nặng, bác sĩ có thể phải chỉ định phẫu thuật để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp đó, mổ thoát vị đĩa đệm ở đâu tốt nhất là điều người bệnh rất quan tâm. Bài viết sau đây, hãy cùng tapchidongy.org tham khảo những địa chỉ mổ thoát vị đĩa đệm tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Khi nào cần mổ thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm là cấu trúc dạng thớ sợi bao gồm nhân keo gelatin và vòng xơ, nằm giữa các đốt sống giúp cơ thể vận động linh hoạt, giảm xóc và ma sát khi cử động, hỗ trợ chịu trọng lực của cơ thể.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm lệch khỏi vị trí ban đầu, sưng viêm chèn ép lên rễ thần kinh, tủy sống. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị sớm. Bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh, giảm chất lượng cuộc sống mà còn có nguy cơ cao gây bại liệt, tàn phế.
Có hai phương pháp chính để điều trị thoát vị đĩa đệm là: phương pháp bảo tồn (sử dụng thuốc, vật lý trị liệu) và phương pháp xâm lấn (phẫu thuật).
Thông thường, bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân dùng phương pháp bảo tồn, hạn chế xâm lấn tối đa. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể buộc chỉ định phẫu thuật như:
- Khi điều trị bảo tồn từ 5-8 tuần không hiệu quả, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Tình trạng đau nhức kéo dài, vượt khỏi khả năng kiểm soát khiến người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân.
- Khối thoát vị chèn ép vào dây thần kinh và ống sống, gây mất cảm giác, tê liệt các chi, nguy cơ bại liệt cao.
- Thoát vị đĩa đệm cấp tính: bao xơ bị rách, đĩa đệm tràn ra di trú.
Biến chứng khi phẫu thuật
Tương tự như các phương pháp điều trị khác, xác suất biến chứng hậu phẫu hoàn toàn có thể xảy ra. Một số biến chứng sau khi mổ thường được biết tới như:
- Tái phát: Sau khi phẫu thuật, nếu người bệnh không có chế độ nghỉ ngơi, vận động phù hợp thì hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng bệnh tái phát. Theo thống kê, có 5-10% trường hợp sau mổ vẫn tái phát thoát vị.
- Nhiễm trùng: Với những ca mổ hở, trường hợp không có sự chuẩn bị cẩn thận có thể dẫn đến nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng máu.
- Thoái hóa: Phương pháp phẫu thuật phần nào giúp khắc phục tình trạng bệnh tại thời điểm đó. Tuy nhiên cột sống đã bị yếu và tổn thương nên sẽ nhạy cảm hơn. Những người có tiền sử thoát vị, theo thời gian vẫn có thể bị thoái hóa cột sống.
Mổ thoát vị đĩa đệm ở đâu tốt nhất?
Khi quyết định sử dụng phương pháp điều trị là phẫu thuật, người bệnh cần thực sự lưu ý để lựa chọn cơ sở y tế uy tín nhất, đảm bảo hiệu quả ca mổ thành công. Một số tiêu chí cần quan tâm như:
- Trình độ bác sĩ và của những phẫu thuật viên ekip mổ.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc của từng bệnh viện.
- Chất lượng dịch vụ.
Dưới đây là một số địa chỉ của những bệnh viện lớn, có nhiều ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thành công mà bệnh nhân có thể tham khảo:
Mổ thoát vị đĩa đệm ở đâu tốt nhất tại Hà Nội
-
Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh viện đã hoạt động hơn 100 năm, được đánh giá là bệnh viện hàng đầu trong cả nước tập trung rất nhiều bác sĩ, chuyên gia giỏi, có tiếng tăm. Khoa Chấn thương Chỉnh hình & Cột sống của bệnh viện đã đạt nhiều thành tích trong khám chữa bệnh bằng phương pháp sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội. -
Bệnh viện Việt Đức: Được biết đến như một địa chỉ điều trị uy tín về các bệnh lý xương khớp. Bệnh viện Việt Đức tập trung nhiều bác sĩ đầu ngành, chuyên môn cao cùng trang thiết bị hiện đại. Mỗi ngày, tại đây thực hiện hơn 10 ca mổ chữa thoát vị đĩa đệm.
Địa chỉ: 18 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. -
Bệnh viện TW Quân đội 108: Một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt cấp nhà nước với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi cả ở điều trị nội khoa và ngoại khoa. Tại bệnh viện hiện đang áp dụng các phương pháp phẫu thuật như: phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi, sử dụng sóng radio hoặc tia laser.
Địa chỉ: 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội. -
Viện quân y 103: Bệnh viện trực thuộc Học viện Quân Y, Bộ Quốc Phòng và là bệnh viện hạng I của Quân đội. Nơi đây luôn là một trong những bệnh viện đi đầu trong việc cải tiến, áp dụng những phương pháp mới, kỹ thuật cao để điều trị thoát vị đĩa đệm.
Địa chỉ: 261 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội. -
Bệnh viện ĐH Y Hà Nội: Bệnh viện là đơn vị trực thuộc Đại học Y Hà Nội, đồng thời là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín nhiều năm của người dân. Bên cạnh việc hoàn thiện trang thiết bị máy móc, tại đây còn có nhiều bác sĩ chuyên môn trình độ cao.
Địa chỉ: 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội
Mổ thoát vị đĩa đệm ở đâu tốt nhất tại Hồ Chí Minh
-
Bệnh viện Chợ Rẫy: Một trong những địa chỉ uy tín nhất của Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều thành công trong điều trị bệnh lý xương khớp bao gồm thoát vị đĩa đệm.
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, Hồ Chí Minh. -
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh: Một trong những bệnh viện được nhiều bệnh nhân tin tưởng hoàn toàn trong điều trị cơ xương khớp, bệnh lý liên quan đến cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Địa chỉ: 929 Trần Hưng Đạo, Quận 5, Hồ Chí Minh. -
Bệnh viện ĐH Y Dược Hồ Chí Minh: Bệnh viện áp dụng những kỹ thuật mổ tân tiến như mổ nội soi, phẫu thuật bằng tia laser trong điều trị bệnh xương khớp. Tính đến nay, tỉ lệ thành công của những ca phẫu thuật tại đây là rất cao.
Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, Quận 5, Hồ Chí Minh. -
Bệnh viện nhân dân 115: Là bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh xương khớp, cột sống. Bên cạnh đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, hệ thống máy móc đáp ứng đầy đủ điều kiện cho việc chẩn đoán, điều trị ngoại khoa bệnh thoát vị đĩa đệm.
Địa chỉ: 527 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, Hồ Chí Minh -
Bệnh viện STO Phương Đông: Bệnh viện tư nhân điều trị chuyên môn sâu cơ xương khớp, cột sống.
Địa chỉ: 79 Thành Thái, Quận 10, Hồ Chí Minh
Những phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm
Hiện nay có nhiều phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm được áp dụng tại các bệnh viện. Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh cũng như khả năng kinh tế của bệnh nhân, bác sĩ có thể tư vấn chỉ định kỹ thuật mổ phù hợp.
Những phương pháp phẫu thuật thường được thấy như:
Phương pháp truyền thống: Mổ hở
Bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách rạch trên da khu vực bị thoát vị để loại bỏ khối thoát vị, đưa đĩa đệm về vị trí hoặc thay bằng đĩa đệm nhân tạo.
- Ưu điểm: Phương pháp này có chi phí thấp, phổ biến tại nhiều nơi, đã được áp dụng trong nhiều năm nay.
- Nhược điểm: Như nhiều phương pháp điều trị khác, mổ hở có những rủi ro tiềm ẩn như mất máu, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh xung quanh khu vực mổ.
Phương pháp hiện đại: Mổ nội soi, sử dụng tia laser, robot
Đây là những kỹ thuật tân tiến mới được áp dụng trong thời gian gần đây. Những phương pháp mổ này có thể sử dụng ống nội soi gắn camera đưa vào cơ thể hoặc là dùng tia laser với bước sóng phù hợp, dùng robot.
- Ưu điểm: Phương pháp này ít gây xâm lấn, không gây mất máu nhiều, thời gian nằm viện ngắn ngày và khả năng thành công cao.
- Nhược điểm: Do đều là kỹ thuật mổ hiện đại nên chi phí cao hơn mổ hở, đòi hỏi trang bị máy móc hiện đại, chuyên môn bác sĩ cao vì thế không phải bệnh viện nào cũng có thể áp dụng.
Chi phí phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Chi phí mổ thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào độ khó của kỹ thuật mổ, chất lượng dịch vụ từng bệnh viện cũng như cơ sở vật chất và trình độ bác sĩ phụ trách mổ.
- Mổ hở: Phương pháp truyền thống có chi phí thấp nhất, khoảng chừng 15-20 triệu/ca mổ.
- Mổ nội soi: Chi phí cao hơn so với mổ hở, tùy từng bệnh viện mà giá dao động từ 20-25 triệu/ca mổ.
- Mổ bằng laser: Mức giá tham khảo cho một ca mổ khoảng 30-50 triệu.
- Mổ bằng robot: Phương pháp mổ với chi phí cao nhất, rất ít bệnh viện có thể đáp ứng đủ điều kiện cho ca phẫu thuật này. Mức chi phí khoảng 80-100 triệu/ca mổ.
Những lưu ý khi mổ thoát vị đĩa đệm
Sau khi phẫu thuật thành công, người bệnh và người thân chăm sóc cần đặc biệt lưu ý một số điểm sau để duy trì hiệu quả hậu phẫu:
- Cần dành thời gian nghỉ ngơi sau mổ để cơ thể hồi phục tốt nhất.
- Tuyệt đối không khuân vác đồ nặng.
- Khi đi xe cần đeo đai lưng để ổn định cột sống sau khi mổ.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt và khẩu phần ăn dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình hồi phục, củng cố xương khớp. Nên bổ sung các thực phẩm như: Axit béo Omega-3 (có trong các loại cá, tôm, cua…); Canxi (trứng, sữa…); Vitamin A, C, K, D có trong rau, yến mạch…
- Tập luyện thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội…Những động tác vận động đơn giản, ít mất sức giúp cơ xương khớp linh hoạt hơn, nâng cao sức khỏe, người bệnh mau chóng bình phục hơn.
- Kiêng cữ sau mổ: chất kích thích, đồ có cồn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng gây sưng đau, ảnh hưởng quá trình điều trị.
Trên đây là một số chia sẻ về phương pháp phẫu thuật cũng như thông tin của các bệnh viện mổ thoát vị đĩa đệm tốt nhất. Bệnh hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp bảo tồn, không gây xâm lấn nếu được phát hiện sớm. Vì thế, mọi người nên chú ý các dấu hiệu, triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm để kịp thời đến gặp bác sĩ thăm khám cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!