Phụ nữ bị thoát vị đĩa đệm khi mang thai gặp nhiều đau đớn và khó khăn hơn những người bình thường. Vì vậy, câu hỏi được nhiều người quan tâm như “Thoát vị đĩa đệm có nên sinh con không?” hoặc “Bị thoát vị đĩa đệm gây nguy hiểm như thế nào cho mẹ và bé?”. Mẹ bầu hãy cùng tapchidongy.org tìm hiểu một sống thông tin hữu ích trong bài viết sau để có cách điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm khi mang thai
Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống cấu trúc gồm nhân nhầy và bao xơ. Khi vòng xơ bị tổn thương sẽ khiến nhân nhầy trượt khỏi vị trí ban đầu, chèn lên các dây thần kinh gây đau nhức, khó chịu thậm chí có thể dẫn đến tàn phế, bại liệt.
Theo thống kê, có rất nhiều trường hợp mẹ bầu bị triệu chứng thoát vị đĩa đệm khi mang thai, lý do có thể đến từ những điều sau:
- Mẹ bầu thường cố ăn rất nhiều với hy vọng thai khỏe mạnh. Việc này có thể dẫn đến tình trạng tăng cân không kiểm soát. Nhiều chị em trong suốt thai kỳ tăng đến 20kg thậm chí hơn. Việc này khiến cột sống phải chịu sức ép quá lớn từ đó hình thành bệnh.
- Cuối thai kỳ, bào thai phát triển lớn khiến chị em khó có thể đứng thẳng, thường đứng cong lưng hoặc ưỡn ngực, cột sống phải gồng hết sức để nâng đỡ cơ thể. Thói quen này tạo áp lực lên đĩa đệm, lâu ngày dẫn đến thoái hóa, thoát vị.
- Sự thay đổi hormone sinh dục và nội tiết tố khi mang thai ảnh hưởng không nhỏ đến xương khớp, khiến hệ cột sống yếu hơn bình thường.
Triệu chứng khi mẹ bầu bị thoát vị đĩa đệm
Lúc mang thai, toàn bộ khu vực cột sống lưng và xương chậu của mẹ sẽ thay đổi rất nhiều để tương thích với sự tăng trưởng của thai nhi. Cụ thể là các đốt sống lưng và dây chằng sẽ kéo giãn tối đa khiến suy giảm khả năng chống đỡ của cột sống. Vì thế bệnh lý mẹ thường gặp phải là thoát vị đĩa đệm cột sống lưng.
Thường mẹ bầu không quan tâm nhiều đến các triệu chứng thoát vị đĩa đệm trong giai đoạn đầu do nhầm lẫn với triệu chứng đau lưng khi mang thai. Vì thế, mẹ hãy đọc kỹ những dấu hiệu sau đây để nhận biết đúng bệnh:
- Đau nhói liên tục tại cột sống đặc biệt vùng thắt lưng.
- Đau dọc dây thần kinh tọa, kéo dài từ thắt lưng xuống cẳng chân, bàn chân.
- Lưng và tay chân trở nên căng cứng, tê râm ran, khó khăn trong vận động. Đặc biệt khi đứng ngồi cảm thấy rất đau đớn.
Thoát vị đĩa đệm có nên sinh con không?
Theo các chuyên gia xương khớp, bệnh lý thoát vị đĩa đệm hoàn toàn không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi hoặc khả năng sinh sản của phụ nữ.
Về việc sinh nở, khi mẹ bị thoát vị đĩa đệm khi mang thai, đến kỳ sinh cần theo chỉ dẫn của bác sĩ để quyết định sinh mổ hoặc sinh thường. Việc này tùy thuộc tình trạng bệnh và sức khỏe của mẹ.
Ngoài ra, có một số hậu quả mẹ cần lưu ý khi bị thoát vị đĩa đệm lúc mang thai:
- Mẹ sẽ phải chịu những cơn đau dữ dội vùng cột sống thắt lưng kéo xuống đến xương chậu. Thai càng lớn tỉ lệ thuận với cơn đau chị em phải chịu đựng.
- Trong thời gian thai kỳ, người bệnh không thể uống thuốc giảm đau vì có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho con.
- Tình trạng đau nhức khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý mẹ và sức khỏe thai nhi.
Cách điều trị cho mẹ bầu khi bị thoát vị đĩa đệm
Trong giai đoạn thai kỳ, việc điều trị bệnh trở nên vô cùng nhạy cảm, không thể tùy ý sử dụng thuốc hay bất kỳ liệu pháp nào nếu không có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Vì thế, mẹ hãy đến gặp chuyên gia để được tư vấn cụ thể, phù hợp với sự phát triển của bé.
Một số liệu pháp điều trị không dùng thuốc mà mẹ có thể tìm hiểu như:
Vật lý trị liệu
Thay vì sử dụng thuốc điều trị có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi, mẹ có thể tìm hiểu phương pháp sử dụng vật lý trị liệu bao gồm: châm cứu, bấm huyệt, massage, chườm nóng.
- Châm cứu, bấm huyệt: Phương pháp này theo Y học cổ truyền giảm đau khá hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên khi áp dụng với thai phụ cần đặc biệt lưu ý, tìm hiểu kỹ và nên có sự tham gia điều trị của thầy thuốc uy tín. Do chỉ cần sơ suất nhỏ có thể dẫn đến xuất huyết, kích thích nhu động ruột, tai biến ảnh hưởng không chỉ đến thai phụ mà còn cả em bé.
- Chườm nóng: Mẹ cũng có thể sử dụng các bài thuốc dân gian chữa thoát vị đĩa đệm như sao lá ngải với muối, hơ nóng nhánh xương rồng…đắp lên khu vực thắt lưng, triệu chứng đau sẽ giảm đáng kể.
- Massage: Xoa bóp nhẹ nhàng khu vực cổ vai gáy, vùng thắt lưng giúp giảm đau, giãn cơ, khai thông khí huyết, tăng cường dưỡng chất hỗ trợ sức khỏe xương khớp.
Luyện tập thể dục nhẹ nhàng
Chị em có thể tham khảo một số bài tập thể dục nhẹ nhàng vừa hỗ trợ sinh nở, giúp tinh thần thoải mái phấn chấn, tăng cường sức khỏe và cải thiện vận động cơ xương khớp, tránh bị căng cứng cơ.
Một số bài tập được khuyến khích tập thường xuyên như đi bộ nhẹ nhàng, yoga dành cho mẹ bầu hay bơi lội…
Luyện tập thường xuyên không chỉ cải thiện chức năng cột sống, tăng sức đề kháng cho mẹ, tốt cho sự phát triển của thai nhi mà còn hỗ trợ quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm. Để đạt kết quả tốt nhất, mẹ không nên tự ý áp dụng các bài tập mà cần tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị, xây dựng lịch trình luyện tập phù hợp.
Thay đổi tư thế nằm, xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Thay đổi tư thế nằm
Theo nghiên cứu, tư thế nằm ngủ tốt nhất cho mẹ bầu là nằm nghiêng sang bên trái sẽ giúp tăng dưỡng chất đến thai nhi, đồng thời giảm áp lực lên chân và lưng dưới, giúp mẹ ngủ thoải mái hơn. Tốt nhất, mẹ nên chuẩn bị gối dành riêng cho bà bầu nhằm giảm trọng lượng và sức ép của bụng đè lên cột sống.
Xây dựng khẩu phần ăn khoa học
Mẹ bầu cần chú ý khẩu phần ăn bởi chế độ ăn uống giai đoạn này vừa ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi vừa liên quan đến quá trình điều trị bệnh:
- Bổ sung nhiều chất xơ, vitamin đặc biệt các chất không thể thiếu như vitamin D, canxi để giúp xương khớp thêm chắc khỏe, nâng cao khả năng chống đỡ cơ thể.
- Uống nhiều nước để tăng cường trao đổi chất, giúp tiêu hóa tốt hơn, cung cấp nhiều dưỡng chất nuôi cơ thể và mô xương khớp.
- Hạn chế thức ăn cay nóng, dầu mỡ vì ảnh hưởng đến sức khỏe, thai nhi và khiến bệnh trầm trọng hơn.
- Hạn chế tinh bột, nên ăn tăng đạm, uống sữa không đường, ăn nhiều rau xanh hoa quả
Một số lưu ý dành cho mẹ bị thoát vị đĩa đệm khi mang thai
Làm mẹ là thiên chức, là mong muốn mãnh liệt của hầu hết các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, mẹ nên cân nhắc và lưu ý một số điều như sau để có thời gian thai kỳ khỏe mạnh:
- Chuẩn bị trước khi mang thai: xây dựng nếp sống sinh hoạt, chế độ luyện tập và dinh dưỡng trước khi bầu ít nhất 3 tháng, đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
- Khi mang thai: không tự ý sử dụng hoặc gia giảm liều lượng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Kiểm soát và duy trì cân nặng, tránh tăng cân quá nhanh không khoa học.
- Khi vận động đi lại, đứng ngồi nên nhẹ nhàng, tránh thay đổi tư thế đột ngột ảnh hưởng đến cột sống lưng.
- Tham gia luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần tránh những bài tập quá sức, nguy cơ chấn thương cao.
- Trước khi đi ngủ có thể xoa bóp nhẹ vùng lưng giúp tuần máu dễ dàng hơn.
- Tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm cũng giúp mẹ giảm đau đáng kể, tinh thần thư giãn.
- Khi có những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ đặc biệt ở khu vực thắt lưng cần đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và có phác đồ điều trị phù hợp.
- Sau khi sinh, nếu mẹ bầu vẫn có xu hướng đau nhức cần đến khám lại và chủ động điều trị sớm.
Khả năng bị thoát vị đĩa đệm khi mang thai hoàn toàn có thể xảy ra tuy nhiên mẹ không nên quá lo lắng, căng thẳng làm ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe bản thân cũng như thai nhi. Bệnh có khả năng chữa trị nếu được phát hiện sớm và tư vấn kịp thời từ bác sĩ. Chú ý không nên chủ quan khi thấy xuất hiện dấu hiệu tránh để bệnh chuyển nặng khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!